Viêm loét đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Gần 2 triệu người Mỹ bị viêm loét đại tràng, một tình trạng gây đau bụng và tiêu chảy ra máu.

Được xem xét về mặt y tế bởi Bác sĩ Beverly Timerding

Viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis – UC) là một bệnh viêm ruột (IBD) ảnh hưởng đến gần 2 triệu người Mỹ và hàng triệu người khác trên thế giới. Căn bệnh mạn tính này gây viêm và loét ở đại tràng và trực tràng, liên quan đến việc hệ miễn dịch tấn công nhầm vào niêm mạc ruột của cơ thể. Hầu hết bệnh nhân UC đều có những đợt bùng phát khó lường và khó kiểm soát, sau đó là thời kỳ thuyên giảm không triệu chứng. Có những người không bao giờ có đợt thuyên giảm.

Viêm loét đại tràng có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ đại tràng.

Triệu chứng và dấu hiệu sớm của viêm loét đại tràng

Nhận biết triệu chứng của UC là điều quan trọng để người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc bỏ qua triệu chứng có thể làm bệnh tình trở nặng và cần điều trị tích cực hơn.

1. Triệu chứng thường gặp

Trong bệnh viêm loét đại tràng, các triệu chứng có liên quan chặt chẽ đến mức độ viêm trong cơ thể. Các triệu chứng kinh điển thường gồm:

  • Tiêu chảy có máu hoặc chất nhầy
  • Đi đại tiện thường xuyên, thường nhiều hơn bốn lần/ngày
  • Thường xuyên có nhu cầu đi đại tiện hoặc cảm thấy không thoải mái sau khi đi ngoài
  • Đau bụng

2. Các dấu hiệu và triệu chứng khác

Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể gặp phải là:

  • Táo bón
  • Thiếu máu
  • Giảm cân
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Kém ngon miệng

3. Dấu hiệu sớm của tình trạng viêm

Người ta cho rằng UC là một bệnh hệ thống với tình trạng viêm lan khắp cơ thể, và các triệu chứng có thể biểu hiện bên ngoài đường ruột, được gọi là triệu chứng ngoài ruột (EIMS). Điều này có thể xảy ra ở 24% bệnh nhân IBD trước khi các triệu chứng về ruột phát triển, và thường gặp ở UC. Cuối cùng, hơn 40% số người sẽ phát triển EIMs trong suốt thời gian bị bệnh. Một số biểu hiện bao gồm:

  • Đau khớp và viêm khớp
  • Tình trạng viêm mắt
  • Một số phát ban và tổn thương da
  • Loét miệng

Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng?

Trong khi nguyên nhân chính xác của UC rất phức tạp và chưa được hiểu rõ, các nhà nghiên cứu chủ yếu tin rằng hệ gene của một cá nhân nhạy cảm tương tác với các mức độ phơi nhiễm môi trường khác nhau đã khởi phát bệnh. Người ta tin rằng cho đến nay chỉ có khoảng 8.2% các biến thể gene cụ thể được phát hiện.

Các yếu tố môi trường, vấn đề về hàng rào ruột và hệ miễn dịch cũng như vi khuẩn đường ruột có thể đã tương tác với nhau để khởi phát bệnh và duy trì tình trạng viêm.

1. Tình trạng tự miễn và môi trường

Trong UC, hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô đại tràng khỏe mạnh, gây viêm và loét kéo dài. Bên cạnh phản ứng tự miễn, một số yếu tố khác có thể gây hại cho hàng rào bảo vệ của ruột, tạo ra tình trạng “rò rỉ ruột” và giảm độ dày của lớp chất nhầy.

Một số yếu tố phổ biến góp phần phát triển UC ban đầu bao gồm:

  • Giấc ngủ kém
  • Rối loạn hệ khuẩn ruột (vi khuẩn đường ruột mất cân bằng)
  • Thiếu vitamin D
  • Nhiễm độc, bao gồm ô nhiễm không khí
  • Các loại thuốc, gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và ức chế bơm proton (PPI)
  • Dị ứng thực phẩm và gluten
  • Nhiễm trùng

Căng thẳng và thói quen ăn uống kém cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột và bất kỳ yếu tố nào trong số này đều ảnh hưởng đến sự biểu hiện gene, hệ miễn dịch, sức khỏe đường ruột và tình trạng viêm. Các yếu tố trên cũng có thể làm bùng phát hoặc tái phát bệnh. Việc tiếp xúc với virus, vi khuẩn, phụ gia thực phẩm hoặc dùng kháng sinh sớm trong những năm đầu đời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của UC.

Hàng rào bảo vệ bị phá hủy có thể khiến vi khuẩn độc hại xâm nhập vào các phần khác của ruột và thậm chí cả vào máu. Điều này kích hoạt hệ miễn dịch, gây viêm khắp cơ thể và làm triệu chứng của UC và EIMs trở nên nặng hơn.

Hơn nữa, hàng rào bảo vệ bị phá hủy có thể làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất thiết yếu như vitamin và khoáng chất. Đổi lại, việc thiếu dưỡng chất lại làm nặng thêm triệu chứng UC và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, tạo ra vòng xoắn tổn thương đường ruột và các phản ứng miễn dịch.

2. Hệ vi sinh đường ruột

Hệ vi sinh đường ruột, bao gồm nhiều loại vi khuẩn khác nhau, tương tác với hàng rào chất nhầy trong ruột để duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa vi khuẩn có hại và có lợi. Sự mất cân bằng, được gọi là rối loạn hệ khuẩn ruột, có thể gây viêm và phá hủy niêm mạc ruột.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những người mắc UC có thành phần vi khuẩn khác với người khỏe mạnh. Cụ thể, bệnh nhân UC mang nhiều mầm bệnh cơ hội và ít những loại có lợi như Bacteroides, Akkermansia muciniphila và Faecalibacter prausnitzii. Rối loạn hệ khuẩn ruột có thể dẫn đến viêm và tổn thương niêm mạc ruột, góp phần khởi phát UC và gây ung thư đại trực tràng.

Điều gì xảy ra bên trong cơ thể?

Đại tràng có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ nước và loại bỏ chất thải. Trong UC, đại tràng bị viêm, dẫn đến sự phát triển của các vết loét ở lớp niêm mạc. Thông thường, tình trạng viêm bắt đầu ở trực tràng trước khi lan lên các phần khác nhau của đại tràng.

Khi tình trạng viêm cản trở hoạt động bình thường của đại tràng, nước sẽ giữ lại trong lòng ruột và gây tiêu chảy. Các vết loét có thể gây chảy máu và tạo mủ, dẫn đến đau bụng và chảy máu trực tràng.

Ngoài ra, tình trạng viêm có thể làm gián đoạn các cơn co bóp thông thường giúp di chuyển phân qua đại tràng. Điều này gây ra cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên và đột ngột, ngay cả khi trực tràng chưa đầy và thấy như luôn buồn đại tiện liên tục.

Viêm loét đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Hàng rào bảo vệ ruột bị tổn thương, dẫn đến viêm và loét. (Ảnh: Illustration by The Epoch Times)

Phân loại viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính ở đại tràng và trực tràng, thường gồm bốn loại dựa trên mức độ nghiêm trọng và vị trí viêm.

Những loại này ảnh hưởng đến phương pháp điều trị và bao gồm:

  • Viêm loét trực tràng: giới hạn ở trực tràng
  • Viêm loét đại tràng sigma – trực tràng: ảnh hưởng đến trực tràng và đại tràng sigma
  • Viêm đại tràng trái: kéo dài từ trực tràng đến vùng bụng trên bên trái gần lách, gọi là góc lách đại tràng
  • Viêm đại tràng toàn bộ: còn gọi là viêm đại tràng lan tỏa, ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng

Viêm loét đại tràng cấp tính mức độ nặng có thể được coi là loại bổ sung hoặc biến chứng của viêm loét đại tràng. Giống như viêm đại tràng toàn bộ, bệnh ảnh hưởng đến tất cả các phần của đại tràng nhưng gây đau dữ dội, tiêu chảy nặng, chảy máu và sốt. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nên cần được điều trị kịp thời.

Ai có nguy cơ bị viêm loét đại tràng?

Ngoài những yếu tố gây phá hủy hàng rào ruột, các yếu tố khác khiến một người có nhiều khả năng phát triển UC bao gồm:

  • Tuổi: UC có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 đến 30, với đỉnh khác là từ 50 đến 70 tuổi.
  • Chủng tộc: Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc UC, yếu tố chủng tộc đóng một vai trò quan trọng. Phần lớn bệnh nhân UC là người da trắng gốc Âu. Người Do Thái Ashkenazi có nguy cơ mắc UC bẩm sinh cao nhất. Tại Hoa Kỳ, những người Mỹ không phải da trắng, đặc biệt là người da đen, đang có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc UC với hậu quả trầm trọng hơn, có thể do chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Người Á Châu có tỷ lệ mắc UC thấp nhất tại Hoa Kỳ.
  • Tiền sử gia đình: Các thành viên gia đình cấp 1 bị UC làm tăng khả năng mắc bệnh lên bốn lần.
  • Cách ăn uống: Tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên hoặc có đường có thể gây viêm và làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến, trứng, protein, nước ngọt và rượu sẽ làm tăng nguy cơ tái phát UC.
  • Lối sống: Sống ở thành thị, sử dụng thuốc tránh thai và béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh.

Các yếu tố bảo vệ chống lại sự phát triển của UC bao gồm được bú sữa mẹ, sống gần động vật trong trang trại, tiếp cận được với nước nóng và nhà vệ sinh cá nhân và có nồng độ folate máu cao.

Chẩn đoán viêm loét đại tràng

Chẩn đoán viêm loét đại tràng (UC) thường bao gồm một số bước, bắt đầu bằng việc đánh giá ban đầu.

Nếu bạn đang có các triệu chứng của UC, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến khoa tiêu hóa. Tại đây họ sẽ khám sức khỏe, hỏi bệnh sử và xem xét tiền sử bản thân và gia đình của bạn trước khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán.

Triệu chứng của UC có thể tương tự như bệnh Crohn, một loại viêm ruột khác. Trong khi UC ảnh hưởng đến đại tràng và trực tràng thì bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa.

Hơn nữa, điều quan trọng là cần phân biệt giữa bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS). Hai loại này có chung một số triệu chứng như đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện, nhưng IBD liên quan đến tình trạng viêm mạn ở đường tiêu hóa, trong khi IBS thì không. Điều này có nghĩa là, mỗi loại có phương pháp điều trị khác nhau, vì vậy việc chẩn đoán đúng là điều quan trọng.

Xét nghiệm chẩn đoán

  • Xét nghiệm máu: Có thể cho thấy nếu bạn bị thiếu máu, nghĩa là bạn đang có tình trạng chảy máu ở đại tràng hoặc trực tràng. Tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP) cao có thể dự đoán UC mức độ nghiêm trọng. Một số tự kháng thể liên quan đến UC không đáng tin cậy để chẩn đoán. Nồng độ albumin thấp (một loại protein) báo hiệu mức độ nặng của bệnh và dự đoán khả năng phải cắt bỏ đại tràng hoặc phản ứng hạn chế với một số thuốc sinh học.
  • Mẫu phân: Xét nghiệm phân để kiểm tra nhiễm trùng, viêm và các chỉ dấu đặc hiệu của UC như calprotectin trong phân. Nồng độ lactoferrin trong phân thấp có thể loại trừ UC. Xét nghiệm phân tìm lactoferrin là một lựa chọn ít xâm lấn hơn so với chẩn đoán hình ảnh hoặc nội soi ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
  • Nội soi đại tràng có sinh thiết: Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ nhìn thấy toàn bộ đại tràng, lấy mẫu mô để sinh thiết, kiểm tra tình trạng viêm và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Phương pháp này cũng giúp loại trừ các tình trạng khác như bệnh Crohn và ung thư đại trực tràng, cũng như phát hiện biến chứng.
  • Nội soi đại tràng sigma: Tương tự như nội soi đại tràng nhưng tập trung vào phần dưới bên trái (đại tràng sigma) và trực tràng, thủ thuật này ít xâm lấn hơn và thường ưu tiên cho những trường hợp nhẹ hoặc theo dõi quá trình lành vết thương.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Mặc dù không được sử dụng để chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, kiểm tra biến chứng và triệu chứng ngoài ruột (EIMS) cũng như loại trừ các tình trạng khác.

Trong một số trường hợp, chụp X quang chích thuốc cản quang barium chuyên dụng có thể được chỉ định để phát hiện tình trạng viêm hoặc biến chứng. Những xét nghiệm này cung cấp thông tin quan trọng để lựa chọn điều trị và theo dõi tiến triển của bệnh.

Biến chứng của viêm loét đại tràng

Các biến chứng có thể xảy ra ở ruột hoặc bộ phận khác trong cơ thể và bao gồm:

  • Thiếu máu: Chảy máu nghiêm trọng ở đại tràng có thể dẫn đến thiếu máu do số lượng hồng cầu giảm.
  • Loãng xương: Cả UC và corticosteroid được sử dụng trong điều trị đều ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Steroid, ngay cả với liều thấp, có thể làm giảm sự hấp thụ calcium và các hormone sinh dục quan trọng cần thiết cho sức mạnh của xương và gây chết tế bào xương. Những tác động này có thể dẫn đến nhuyễn xương, loãng xương và nguy cơ gãy xương.
  • Các vấn đề về tăng trưởng và phát triển ở trẻ em: Trẻ bị UC có thể gặp các vấn đề về tăng trưởng và phát triển do kém hấp thu dưỡng chất thiết yếu và viêm mạn tính.
  • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát: Biến chứng hiếm gặp này liên quan đến viêm và sẹo ống mật, có thể gây tổn thương gan.
  • Viêm cột sống dính khớp và viêm khớp: Viêm từ UC có thể ảnh hưởng đến khớp, dẫn đến các tình trạng như viêm cột sống dính khớp (viêm khớp cột sống) và viêm các khớp khác, gây đau và cứng khớp.
  • Viêm màng bồ đào: UC có thể gây viêm mắt, dẫn đến các tình trạng như viêm màng bồ đào, gây đau mắt, đỏ mắt và các vấn đề nghiêm trọng về thị lực, bao gồm cả mù lòa.
  • Ung thư đại trực tràng: Viêm mạn tính và thay đổi tế bào trong UC ảnh hưởng đến phần lớn đại tràng và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Tình trạng không tự chủ hoặc rối loạn chức năng tình dục: Ngoài những ảnh hưởng về tâm lý và cảm xúc, tình trạng không tự chủ và rối loạn chức năng tình dục có thể phát sinh do vấn đề thể chất hoặc do tác dụng phụ của các thuốc điều trị như corticosteroid.
  • Các bệnh quanh hậu môn: Các vết nứt hậu môn, áp xe và hiếm hơn là lỗ rò, có thể xảy ra với các biểu hiện đau, sưng, tiết dịch và khó đi đại tiện. Chảy máu liên quan đến biến chứng có thể bị nhầm lẫn với đợt bùng phát UC, dẫn đến việc điều trị không chính xác khi cần phẫu thuật khẩn cấp.
  • Nhiễm trùng Clostridium difficile: Nhiễm trùng Clostridium difficile là một biến chứng phổ biến, thường là do sử dụng kháng sinh và dẫn đến tiêu chảy nặng và đau bụng.
  • Biến chứng khẩn cấp: Cần chăm sóc y tế ngay lập tức khi có chảy máu trực tràng nghiêm trọng, cục máu đông, mất nước, viêm đại tràng tối cấp, giãn đại tràng (phình đại tràng nhiễm độc) và thủng đại tràng.

Phương pháp điều trị viêm loét đại tràng

Điều trị viêm loét đại tràng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tình trạng nhẹ hoặc trung bình thường được điều trị tại nhà, nhưng những đợt bùng phát nặng hơn có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện. Các lựa chọn điều trị được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân, và mục tiêu là tạo và duy trì sự thuyên giảm, cùng với tối ưu hóa dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp dinh dưỡng, điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc các liệu pháp mới.

1. Liệu pháp dinh dưỡng

Liệu pháp dinh dưỡng, bao gồm cách ăn kiêng cơ bản, có thể cần thiết trong những trường hợp nặng để cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa suy dinh dưỡng. Cách ăn kiêng cơ bản là một liệu pháp lỏng cung cấp các dưỡng chất thiết yếu, dễ hấp thụ trong khi chờ cho đại tràng lành lại. Người bệnh được cung cấp dinh dưỡng bằng đường miệng hoặc qua ống truyền thức ăn đưa trực tiếp vào đường tiêu hóa. Trong khi các cách ăn kiêng khác đang được khám phá, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi chúng được áp dụng rộng rãi như phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

2. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)

  • 5-ASA (Aminosalicylates): Aminosalicylate (mesalamine và sulfasalazine) thường được dùng cho các trường hợp nhẹ để giúp giảm viêm ở đường tiêu hóa và thuyên giảm triệu chứng. Thuốc có hiệu quả nhất khi dùng qua đường trực tràng dưới dạng đặt hoặc thụt, nhưng cũng có thể dùng đường uống.
  • Kháng sinh: Fluoroquinolones hoặc metronidazol có thể được kê nếu có nhiễm trùng hoặc một số biến chứng nhất định. Điều quan trọng là bạn cần trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra và các lựa chọn điều trị thay thế.
  • Steroid: Steroid (prednisone và budesonide) thường được sử dụng cho các trường hợp UC từ trung bình đến nặng để ngăn chặn phản ứng miễn dịch, nhanh chóng kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, do có một số tác dụng phụ nên chúng không được khuyến khích sử dụng kéo dài.
  • Thuốc điều hòa miễn dịch: Những loại thuốc này, bao gồm azathioprine, hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch để ngăn ngừa viêm và tổn thương. Chúng được xem xét áp dụng khi các loại thuốc khác không hiệu quả hoặc không dung nạp, nhưng có thể mất vài tháng để phát huy tác dụng.
  • Thuốc sinh học: Các thuốc sinh học như infliximab, adalimumab và vedolizumab là các kháng thể dựa trên protein được sử dụng qua truyền hoặc chích để nhắm đến các protein cụ thể giúp giảm viêm. Thuốc đặc biệt có lợi cho các trường hợp UC từ trung bình đến nặng.
  • Các phân tử nhỏ tổng hợp nhắm trúng đích: Loại thuốc uống tương đối mới này nhắm vào các bộ phận cụ thể của hệ miễn dịch bằng cách ức chế enzyme Janus kinase (JAK), do đó ngăn chặn tình trạng viêm từ bên trong tế bào. Các ví dụ bao gồm tofacitinib và upadacitinib. FDA cũng đã phê duyệt ozanimod, một chất điều biến thụ thể phingosine-1-phosphate (S1PR) nhằm mục đích chống viêm, để điều trị UC từ trung bình đến nặng.

Việc ức chế hệ miễn dịch có thể cần thiết trong một số trường hợp nhất định, nhưng quan trọng là điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương và một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, cổ tử cung và da.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật trở nên cần thiết khi các loại thuốc không kiểm soát được triệu chứng. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần đại tràng là phương pháp điều trị cho khoảng 15% những người mắc UC, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi và có triệu chứng nghiêm trọng, CRP cao hoặc nồng độ albumin thấp.

Với UC, bạn có thể cảm thấy như đại tràng đang chống lại chính bạn, nhưng việc cắt bỏ là một quyết định quan trọng. Nếu không có đại tràng, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thụ nước và chất điện giải. Ngoài ra, thiếu vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và làm giảm nồng độ các dưỡng chất quan trọng như vitamin K, vitamin B và acid béo chuỗi ngắn (SCFA), vốn rất cần thiết sức khỏe đường ruột và quá trình chuyển hóa.

Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ đại tràng có thể chữa khỏi UC bằng cách loại bỏ các mô bị viêm gây ra các triệu chứng, nhưng tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật khá cao, với gần 30% gặp các vấn đề sau phẫu thuật.

Các biến chứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng vùng chậu hoặc nhiễm khuẩn
  • Rò rỉ ruột
  • Tắc nghẽn ruột non
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Viêm túi có khả năng gây đau bụng, tiêu chảy hoặc khẩn cấp
  • Đi tiểu hoặc đi ngoài không tự chủ

Một số triệu chứng có thể kéo dài và cần được điều trị y tế.

Ngoài ra, việc không có đại tràng đòi hỏi phải có con đường mới để chất thải thoát ra khỏi cơ thể. Ruột non sau đó được nối với lỗ thoát bằng một túi bên ngoài hoặc túi chữ J bên trong, làm từ một phần ruột non, nối với hậu môn. Quản lý túi hậu môn nhân tạo có lỗ thoát sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn quần áo, trong khi túi chữ J cho phép phân đi qua tự nhiên nhưng có thể dẫn đến tình trạng tăng nhu động ruột. Những thay đổi về lối sống, hình ảnh cơ thể và thói quen hàng ngày đều phải được xem xét trong quyết định này.

Không có liệu pháp nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân UC và ở những trường hợp nặng, các phương pháp điều trị tiên tiến mới chỉ có hiệu quả trong 50% thời gian, và lựa chọn tốt nhất là cắt bỏ đại tràng. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các liệu pháp hiệu quả hơn. Nghiên cứu đang diễn ra sẽ tích cực khám phá các liệu pháp và mục tiêu mới trong vi hệ và hệ miễn dịch để giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng. Các phương pháp điều trị mới nổi mang lại hiệu quả đầy hứa hẹn để cải thiện kết quả và quản lý UC.

4. Cấy ghép phân

Mối liên quan giữa sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột và IBD đã dẫn đến nghiên cứu về cấy ghép phân (FMT). Ban đầu FMT được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng Clostridioides difficile tái phát, nhưng phương pháp này đang cho thấy nhiều hứa hẹn trong điều trị IBD, béo phì và các bệnh dị ứng. FMT là kỹ thuật chuyển phân từ người hiến khỏe mạnh vào đường tiêu hóa của người nhận để khôi phục sự cân bằng của vi hệ đường ruột.

5. Naltrexone liều thấp (LDN)

Naltrexone liều thấp (LDN) là một lựa chọn điều trị tiềm năng trong việc kiểm soát UC. Mặc dù không có nghiên cứu được bình duyệt nào về LDN ở bệnh nhân UC, nhưng đã có một số nghiên cứu ca bệnh về hiệu quả khả thi với các bệnh về đường tiêu hóa và tự miễn bao gồm bệnh Crohn, tiểu đường loại 1 và xơ cứng rải rác, cũng như các tình trạng như đau cơ xơ hóa, AIDS và ung thư.

LDN giúp điều chỉnh hệ miễn dịch bằng cách gia tăng chức năng tế bào điều hòa T và tạm thời ngăn chặn các thụ thể opioid trong não. Cơ chế này có thể giúp giảm viêm và cân bằng phản ứng miễn dịch. Mặc dù không phải là phương pháp điều trị t tiêu chuẩn, các bác sĩ y học chức năng thường kê LDN để điều chỉnh miễn dịch, giúp kiểm soát UC và các tình trạng tự miễn khác.

6. Cách tiếp cận của y học chức năng với viêm loét đại tràng

Y học chức năng (FM) điều tra nguyên nhân cơ bản gây ra rối loạn cơ thể và điều chỉnh các phương pháp cho từng bệnh nhân, có tên khác là “y học cá nhân hóa.” Đây là cách tiếp cận toàn diện tập trung vào việc xác định nguyên nhân và mối liên quan cũng như khôi phục lại sự cân bằng.

Các bác sĩ FM sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề về viêm, sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch. Các phương pháp có thể bao gồm thuốc, thực phẩm chức năng và điều chỉnh thói quen ăn uống và lối sống. Họ tuân theo quy tắc 5R của y học chức năng: remove (loại bỏ), replace (thay thế), reinoculate (cấy lại), repair (sửa chữa), và rebalance (tái cân bằng).

Dưới đây là cách tiếp cận 5R được áp dụng để điều trị UC:

  • Remove – Loại bỏ: Xác định và loại bỏ các yếu tố góp phần gây viêm, rò rỉ ruột và rối loạn hệ khuẩn ruột, chẳng hạn như nhạy cảm với một số thực phẩm cụ thể, các yếu tố gây căng thẳng hoặc độc tố môi trường. Sử dụng thuốc hoặc thảo dược để điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn nào.
  • Replace – Thay thế: Bổ sung các yếu tố thiết yếu như enzyme tiêu hóa hoặc acid mật cần thiết cho quá trình tiêu hóa và hấp thu.
  • Reinoculate – Cấy lại: Bổ sung vi khuẩn có lợi bằng men vi sinh và thực phẩm lên men để khôi phục vi hệ đường ruột khỏe mạnh, đây là điều rất quan trọng cho chức năng miễn dịch.
  • Repair – Sửa chữa: Bổ trợ chữa lành đường ruột bằng cách cung cấp các dưỡng chất như l-glutamine, kẽm và quercetin, giúp giảm rò rỉ ruột và đẩy nhanh quá trình sửa chữa đường ruột.
  • Rebalance – Tái cân bằng: Tối ưu hóa dinh dưỡng, kiểm soát căng thẳng và duy trì thói quen sống lành mạnh để cân bằng lại cơ thể và ngăn tình trạng viêm nhằm phòng ngừa tái phát.

Nghiên cứu về FM còn hạn chế do tính mới và cá nhân hóa của phương pháp. Tuy nhiên, trong một báo cáo ca bệnh, một phụ nữ 23 tuổi mắc UC đã giảm hoàn toàn các triệu chứng sau khi thực hiện chương trình 5Rs:

  • Giai đoạn loại bỏ nhắm vào ký sinh trùng, độc tố, vi khuẩn và thực phẩm gây viêm có thể phá hủy niêm mạc ruột.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng như enzyme tiêu hóa, acid mật và vitamin để giúp sửa chữa niêm mạc ruột.
  • Men vi sinh giúp tái cấu trúc và cân bằng lại vi hệ.
  • Giảm căng thẳng giúp giảm tình trạng viêm và tái cân bằng lối sống, với mục tiêu ngăn ngừa tái phát.

Lối suy nghĩ ảnh hưởng đến viêm loét đại tràng như thế nào?

Chung sống với bệnh viêm loét đại tràng (UC) đặt ra nhiều thách thức khác nhau, bao gồm tính chất khó lường của các đợt bùng phát, các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng và mệt mỏi cũng như nhu cầu chăm sóc y tế liên tục. Việc điều trị cũng gặp khó khăn do tác dụng phụ và khả năng phải phẫu thuật với những thay đổi lâu dài trong cuộc sống. Ngoài những thách thức về thể chất, suy nghĩ và thái độ liên quan đến bệnh tật, khuyết tật và hạn chế về mặt xã hội đều tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của một người.

Những bệnh nhân UC thường cảm thấy lo lắng và trầm cảm, một số nghiên cứu cho thấy điều này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và góp phần gây bùng phát bệnh. Mối liên quan giữa ruột và não làm nổi bật cách mà vi hệ và chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe thể chất. Việc giải quyết các khía cạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc ở bệnh nhân UC là điều rất quan trọng để phá vỡ chu kỳ này.

Các phương pháp như chánh niệm, thiền định, trị liệu, tập thể dục, yoga và trợ giúp từ xã hội đã cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần ở bệnh nhân UC. Tiếp cận quản lý UC một cách chủ động và tích cực có thể giúp các cá nhân dễ dàng tuân theo kế hoạch điều trị và áp dụng các thay đổi lối sống để tăng sức khỏe tổng thể.

Cách tiếp cận tự nhiên với viêm loét đại tràng

Khi tiếp cận UC theo cách tự nhiên, có một số lựa chọn cần cân nhắc để giúp đường ruột lành lại và giảm viêm. Mặc dù những phương pháp này được khoa học ủng hộ nhưng mỗi người lại có đáp ứng khác nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn nên tham vấn các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

1. Dinh dưỡng

Khi đối phó với chứng viêm, những gì mà bạn ăn vào là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề. Các thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm bớt tình trạng viêm gây bùng phát bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây viêm có thể khác nhau do độ nhạy cảm của mỗi người với thực phẩm là khác nhau. Theo dõi những gì bạn ăn bằng nhật ký thực phẩm hoặc thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xác định những thực phẩm có vấn đề. Dưới đây là một số phương pháp ăn kiêng có bằng chứng ủng hộ về tính hiệu quả:

  • Cách ăn chống viêm: Ăn nhiều trái cây gọt vỏ, rau củ nấu chín, chất béo lành mạnh và protein nạc, giảm sữa và thực phẩm chế biến sẵn, ví dụ như cách ăn uống kiểu Địa Trung Hải, có thể giúp giảm viêm và tăng sức khỏe đường ruột. Lactose từ các sản phẩm sữa có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy ở khoảng 40% những bệnh nhân UC có sự kém hấp thu lactose.
  • Thực phẩm dồi dào chất xơ: Cách ăn chứa rất nhiều chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa, làm tăng sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột và có thể giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nên đặt mục tiêu cung cấp 14 gram chất xơ cho mỗi 1,000 calories mà bạn ăn vào.
  • Thực phẩm prebiotic và SCFA: Thực phẩm như tỏi nấu chín, hành nấu chín và chuối giúp làm tăng sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột và sản xuất SCFA như butyrate. Những SCFA này rất quan trọng để duy trì niêm mạc ruột khỏe mạnh, giúp kiểm soát UC và điều hòa hệ miễn dịch. Các loại rau lên men như dưa cải bắp cung cấp men vi sinh cũng như prebiotic để nuôi vi khuẩn có lợi.
  • Acid béo omega-3: Cách ăn điển hình của Tây phương ngày nay cung cấp tỷ lệ omega-3 và omega-6 khoảng 1:20, có thể góp phần làm tăng tình trạng viêm và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Nghiên cứu cho thấy việc đạt được tỷ lệ cân bằng khoảng 1:1 có thể nâng cao cơ hội thuyên giảm bệnh viêm loét đại tràng (UC). Trong một nghiên cứu, những bệnh nhân UC tiêu thụ khoảng 21 ounce (600 gram) cá hồi Đại Tây Dương mỗi tuần có mức độ hoạt động của bệnh và tình trạng viêm thấp hơn so với những người ăn nhiều acid béo omega-6.

Các cách ăn kiêng khác, bao gồm ăn kiêng dựa trên thực vật và ăn uống hạn chế như cách ăn ít FODMAP, cụ thể là carbohydrate và cách ăn tự miễn cho thấy hứa hẹn trong việc giảm viêm và các triệu chứng ở UC. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nghiên cứu quy mô lớn về hiệu quả của chúng. Điều quan trọng cần lưu ý là cách ăn hạn chế không nên được áp dụng lâu dài vì chúng có khả năng phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn đường ruột và gây thiếu hụt dinh dưỡng.

2. Thực phẩm bổ sung

  • Vitamin D: Bổ sung vitamin D đầy đủ sẽ giúp cải thiện chức năng miễn dịch, giảm viêm và làm giảm nguy cơ tái phát UC. Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng, ăn cá béo và dùng các thực phẩm chức năng.
  • Dầu cá: Dầu cá có chứa các acid béo omega-3 quan trọng như acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA). Bạn có thể dùng chúng nếu không ăn được nhiều cá. Các nghiên cứu về dầu cá ở bệnh nhân UC cho thấy nhiều kết quả khác nhau, có thể phụ thuộc vào các yếu tố như thiết kế nghiên cứu, liều lượng và chất lượng của dầu cá. Tuy nhiên, những thực phẩm chức năng này có thể giúp cân bằng acid béo để ngăn ngừa UC và giảm viêm.
  • Tảo biển omega-3 dành cho người ăn chay: Tảo biển cung cấp chất thay thế omega-3 có nguồn gốc thực vật để bổ sung DHA và EPA.
  • Men vi sinh: Tác dụng của men vi sinh là đặc hiệu cho từng chủng và không thể khái quát hóa cho các chủng trong cùng loài. Cụ thể, Escherichia coli Nissle 1917 và Lactobacillus rhamnosus GG là hai chủng được nghiên cứu về khả năng điều chỉnh tình trạng viêm ruột và cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân UC.
  • Curcumin: Các nghiên cứu nhận thấy chất curcumin có thể ức chế tình trạng viêm ở UC và giúp thuyên giảm triệu chứng.
  • Acid boswellic: Acid boswellic cho thấy triển vọng trong việc giảm loét và viêm đại tràng.
  • Cần sa: Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy cần sa có thể làm giảm triệu chứng và thuyên giảm tình trạng bệnh, nhưng bài tổng quan của các nghiên cứu lớn hơn với liều lượng, công thức và phương pháp sử dụng cần sa khác nhau cho thấy kết quả không chắc chắn. Đáng lưu ý, một số cá nhân trong dân số nói chung có thể phát triển hội chứng nôn kéo dài do cần sa khi sử dụng lâu dài, có thể gây đau bụng và nôn mửa trầm trọng hơn ở những cá nhân nhạy cảm.
  • Nha đam: Được biết đến với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, nha đam được dùng rộng rãi để điều trị IBD. Trong một nghiên cứu nhỏ trên những bệnh nhân bị UC mức độ nhẹ đến trung bình, nha đam làm giảm đáng kể hoạt động của bệnh và cải thiện sức khỏe mô. Các nghiên cứu trên chuột cũng chứng minh tác dụng bảo vệ và điều trị bệnh UC. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ bằng chứng để khuyến nghị dùng nha đam như một liệu pháp thay thế.
  • Vỏ hạt mã đề: Vỏ hoặc hạt mã đề có thể giúp giảm táo bón.
  • Bromelain: Dùng giữa các bữa ăn, sự kết hợp enzyme từ dứa này có tác dụng chống viêm và được chứng minh là cải thiện tình trạng viêm ruột và rối loạn chức năng của hàng rào bảo vệ ở bệnh nhân UC.

3. Lối sống

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp kiểm soát căng thẳng, khiến bạn thấy bớt mệt mỏi và giữ cho xương khỏe mạnh. Tập thể dục được chứng minh là giúp giảm tổng thể các quá trình viêm trong cơ thể và có thể trợ giúp nhu động ruột bình thường.
  • Giấc ngủ ngon: Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở UC, đặc biệt là khi bệnh bùng phát. Nhưng việc có thói quen đi ngủ đúng giờ, tránh dùng caffeine vào ban đêm và tạo không gian phòng ngủ thư giãn có thể giúp bạn ngon giấc hơn.

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm loét đại tràng?

Mặc dù chúng ta không thể thay đổi các vấn đề về tuổi tác và di truyền, nhưng có thể kiểm soát yếu tố môi trường và những điều ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột và góp phần gây ra chứng rò rỉ ruột. Tập trung vào những gì làm được sẽ giúp bạn chủ động ngăn ngừa UC, các đợt bùng phát và biến chứng của bệnh.

Trong khi một số người chỉ gặp UC một lần trong đời thì những người khác có thể bị các biến chứng nghiêm trọng. Khi bệnh tiến triển, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến đại tràng, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Phát hiện sớm và cắt bỏ ruột kịp thời có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót.

Một số cách phòng ngừa

  • Tiêu thụ các thực phẩm chống viêm, ví dụ như áp dụng cách ăn Địa Trung Hải hoặc phương pháp nào đó phù hợp với bạn.
  • Cân nhắc bổ sung thêm các thực phẩm dồi dào omega-3, chẳng hạn như cá cơm và cá mòi, đồng thời giảm lượng dầu chứa rất nhiều omega-6 có trong dầu thực vật tinh chế.
  • Tránh hoặc hạn chế thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, bao gồm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và đồ ăn chế biến sẵn.
  • Sàng lọc thường xuyên ung thư đại trực tràng.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tập thể dục đều đặn, bao gồm các bài tập chịu sức nặng để ngăn loãng xương và xem xét chụp DEXA thường xuyên để theo dõi sức khỏe của xương.
  • Uống nhiều nước để chống mất nước do tiêu chảy và phòng ngừa mất nước.
  • Hạn chế tối đa tiêu thụ rượu.
  • Nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh bằng cách giải quyết các vấn đề về rò rỉ ruột và duy trì vi hệ cân bằng.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn