Ung thư dạ dày: Căn bệnh đã lấy đi mạng sống của Napoléon

Khám phá các yếu tố nguy cơ, triệu chứng sớm và cách ngăn ngừa tiến triển của bệnh ung thư dạ dày. 

Ung thư dạ dày là loại ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao, đã cướp đi sinh mạng của nhân vật lịch sử nổi tiếng Napoléon Bonaparte. Bài viết này sẽ khám phá các yếu tố nguy cơ và thói quen sinh hoạt làm tăng khả năng phát triển ung thư dạ dày, xác định các triệu chứng ban đầu và thảo luận về các chiến lược phòng ngừa.

Nguyên nhân cái chết của hoàng đế Pháp Napoléon từ lâu đã được tranh luận, với hai giả thuyết phổ biến là ngộ độc và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, một nghiên cứu trường hợp được công bố trên tạp chí Nature Clinic Gastroenterology & Hepatology năm 2007 chứng minh rằng Napoleon qua đời vì ung thư dạ dày giai đoạn cuối (ít nhất là giai đoạn 3A), với một khối u hơn 10cm từ tâm vị (nơi thực quản nối với dạ dày) đến môn vị (van cơ ở đáy dạ dày) nhưng không có dấu hiệu di căn xa.

Giai đoạn ung thư tiến triển này, ngay cả với phương pháp điều trị hiện đại, vẫn có tỷ lệ tử vong vượt quá 50% trong vòng một năm. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy có một lượng đáng kể chất đen trong dạ dày của Napoléon, cho thấy ông có thể tử vong vì xuất huyết dạ dày.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư dạ dày

Theo thống kê về ung thư toàn cầu năm 2022 do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công bố, ung thư dạ dày được xếp hạng là loại ung thư phổ biến thứ năm trên toàn thế giới, sau ung thư phổi, vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu năm 2020 trên International Journal of Molecular Sciences (Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế) đã xác định một số yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm tiền sử gia đình, uống rượu, khẩu phần ăn uống, hút thuốc, nhiễm Helicobacter pylori và nhiễm virus Epstein-Barr (EBV).

1. Tiền sử gia đình

Napoléon có thể có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày; cha ông qua đời ở tuổi 39, với kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy có một khối u dạ dày. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Robert Genta, giáo sư bệnh lý tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas và đồng tác giả của nghiên cứu năm 2007, tài liệu hiện tại không thể xác nhận chắc chắn liệu Napoléon có thực sự có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày hay không.

Một nghiên cứu cho thấy khoảng 10% bệnh nhân ung thư dạ dày có khuynh hướng di truyền. Người thân của bệnh nhân ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 1.5 đến 3 lần so với những người không có tiền sử gia đình.

2. Cách ăn uống

Bệnh ung thư dạ dày của Napoleon cũng có thể liên quan đến cách ăn uống của ông. Trong các chiến dịch quân sự, bữa ăn của ông thường không đều đặn, khẩu phần ăn của quân đội chủ yếu gồm thực phẩm bảo quản và thịt quay, rất ít trái cây và rau quả tươi.

Mối quan hệ giữa yếu tố về ăn uống và nguy cơ ung thư dạ dày đã được nghiên cứu rộng rãi. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, trong bản sửa đổi năm 2018 về “Ăn uống, Dinh dưỡng, Hoạt động thể chất và Ung thư dạ dày”, đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng tiêu thụ thực phẩm bảo quản làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Mặt khác, việc ăn nhiều trái cây và rau quả hơn, cùng với việc tiêu thụ ít thịt nướng hơn, có thể làm giảm nguy cơ. Ví dụ, tiêu thụ thêm 100g trái cây họ cam quýt mỗi ngày có thể làm giảm 24% nguy cơ mắc bệnh ung thư tim. Ngoài ra, uống từ 3 đồ uống có cồn trở lên mỗi ngày cũng có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư dạ dày cao hơn.

3. Nhiễm trùng

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã xác định nhiễm Helicobacter pylori là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nghiên cứu nói trên của Tiến sĩ Genta chỉ ra rằng Napoleon có khả năng bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, dẫn đến loét dạ dày.

Ngoài Helicobacter pylori, virus Epstein-Barr có liên quan đến ung thư dạ dày, với khoảng 10% trường hợp liên quan đến nhiễm trùng này.

Các triệu chứng sớm của bệnh ung thư dạ dày

Mặc dù tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày cao nhưng việc chẩn đoán và điều trị sớm mang lại hiệu quả cao. Thật không may, các triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên ung thư dạ dày thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn.

Theo dữ liệu từ Viện Ung thư Quốc gia, từ năm 2014 đến năm 2020, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân ung thư dạ dày là khoảng 36%. Khi ung thư khu trú ở dạ dày, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 75%. Nếu nó lan đến các hạch bạch huyết gần đó, tỷ lệ này giảm xuống dưới 36%. Nếu nó di căn xa, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 7%.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày bao gồm:

  • Khó tiêu và cảm giác đầy hơi sau khi ăn
  • Khó chịu ở dạ dày, có thể biểu hiện dưới dạng đau âm ỉ, nóng rát hoặc đau nhói
  • Chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Mệt mỏi và suy nhược

Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các tình trạng khác, chẳng hạn như loét, viêm dạ dày hoặc khó tiêu. Mặc dù chúng có thể phát sinh từ nhiều vấn đề tiêu hóa khác nhau, nhưng điều cần thiết là phải cảnh giác nếu chúng tồn tại trong thời gian dài và ngày càng nghiêm trọng.

6 lời khuyên để ngăn ngừa ung thư dạ dày

Điều trị sớm là rất quan trọng để kiểm soát ung thư dạ dày, nhưng phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Những điều chỉnh thói quen sau đây có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.

1. Điều chỉnh thói quen ăn uống

Khẩu phần ăn uống lành mạnh hàng ngày nên đa dạng, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, hun khói và chiên rán. Việc điều độ lượng muối và chất béo cũng rất quan trọng.

Điều đáng chú ý là chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe của chúng ta và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác nhau. Acid béo bão hòa không có hại nhưng vẫn nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

2. Bỏ hút thuốc lá và bỏ uống rượu

Thuốc lá và rượu không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày mà còn góp phần phát triển các bệnh mạn tính khác nhau.

Một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ hơn 42g rượu mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên 42%. Rượu có thể làm tăng sản xuất các gốc tự do và chất chuyển hóa acetaldehyde của nó đã được IARC phân loại là chất gây ung thư cho con người (Nhóm 1).

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Gastric Cancer (Tập san Ung thư Dạ dày) cho thấy hút thuốc càng lâu thì nguy cơ ung thư dạ dày càng tăng và cai thuốc càng lâu thì nguy cơ ung thư dạ dày càng giảm.

3. Bảo đảm vệ sinh thực phẩm

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày và là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn H.pylori thường xảy ra do ăn thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm hoặc dùng chung bữa ăn với người bị nhiễm bệnh. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết; Việc xét nghiệm nhiễm H. pylori kịp thời là cần thiết nếu phát sinh các vấn đề về đường tiêu hóa.

4. Đi khám sức khỏe định kỳ

Kiểm tra siêu âm và nội soi có thể phát hiện tình trạng viêm, loét, polyp, các tế bào và mô ung thư giai đoạn đầu trong dạ dày.

5. Giảm căng thẳng cho đường tiêu hóa

Thói quen ăn uống không điều độ và ăn quá nhiều có thể dẫn đến nhiều bệnh về tiêu hóa. Ngược lại, duy trì ăn uống bình thường, đều đặn và điều độ có thể làm giảm sự tiết acid dạ dày bất thường, từ đó ngăn ngừa các yếu tố góp phần gây ung thư dạ dày như viêm dạ dày và loét dạ dày.

6. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày và giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác.

Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Y học Thể thao Hoa Kỳ cho thấy những người tham gia hoạt động thể chất thường xuyên thì ít bị ung thư dạ dày hơn. Còn những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày thì tập thể dục thường xuyên có thể giảm 25% nguy cơ tử vong.

Tóm lại, những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày nên thận trọng. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và sàng lọc kịp thời là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn