Ứng dụng mới của nhiệt ký trong phát hiện sớm bệnh tật

Tình trạng viêm vốn là căn nguyên của nhiều loại bệnh có thể được phát hiện chính xác bằng nhiệt ký.

Nhiệt ký (thermography) ban đầu được sử dụng để chụp X-quang tuyến vú không bức xạ, nhưng hiện đã được mở rộng vào việc chẩn đoán bệnh lý của từng cơ quan cụ thể bằng cách phát hiện các mẫu nhiệt và lưu lượng máu trong mô.

Với công nghệ hồng ngoại, chúng ta có thể đo nhiệt độ của tình trạng viêm trước khi điều này biểu hiện thành bệnh. Nhiệt ký đã được ứng dụng từ lâu trong Trung y và hiện được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y tế.

Lịch sử

Khi quan sát các mẫu bùn khô trên cơ thể bệnh nhân, đại danh y Hy Lạp Hippocrates nói rằng: “Bất kỳ phần nào của cơ thể có biểu hiện quá nóng hoặc lạnh, bệnh tật sẽ tồn tại ở đó.” Khái niệm sơ khai này sau đó đã được mở rộng và phát triển qua nhiều thế kỷ.

Đầu tiên, vào năm 1800, Sir William Herschel đã phát hiện một quang phổ mới của ánh sáng vô hình, mà ông gọi là hồng ngoại hoặc “dưới ánh sáng đỏ.”

Nhiệt kế hiện đại xuất hiện ngay sau đó vào năm 1835 khi điện nhiệt kế được phát minh, cho phép đo nhiệt độ ở các vùng khác nhau của cơ thể để phát hiện viêm nhiễm. Vào năm 1929, máy ảnh điện tử nhạy cảm với hồng ngoại (tầm nhìn ban đêm) đã ra đời và ban đầu được sử dụng trong lĩnh vực phòng không ở Anh Quốc.

Những tranh cãi

Nhiệt ký bắt đầu được áp dụng trong y học vào những năm 1950 nhằm sử dụng nhiệt cơ thể để phát hiện tình trạng bệnh. Chụp X-quang tuyến vú trở thành một trong những lĩnh vực đầu tiên thử nghiệm công nghệ này. Tuy nhiên, những hạn chế của thiết bị làm cho việc diễn giải chính xác trở nên khó khăn. Các tranh cãi nảy sinh khi so sánh hình ảnh nhiệt ký với hình ảnh bức xạ. Kết quả là, sự phổ biến của nhiệt ký đã giảm mặc dù hình ảnh bức xạ cũng có kết quả sai lệch.

Trong những năm sau đó, nhiều tổ chức khác nhau, bao gồm Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đã tranh luận về hiệu quả của các phép đo bức xạ và nhiệt đồ trong phát hiện ung thư vú, kết luận rằng cả hai phương pháp đều có những hạn chế riêng.

Theo một cuộc phỏng vấn trên YouTube với bác sĩ Joseph Mercola, chuyên gia về cơ xương khớp, bất kỳ công cụ nào cũng không thể chính xác 100% và không nên chỉ sử dụng một công cụ đơn lẻ để chẩn đoán. Nguyên tắc này không những áp dụng cho nhiệt ký mà còn cho các kỹ thuật hình ảnh khác như bức xạ, MRI (cộng hưởng từ), siêu âm, CT (chụp cắt lớp vi tính), PET (chụp cắt lớp phát xạ positron), v.v. Do đó, cần phải kết hợp các công cụ để đạt được kết quả chính xác nhất.

Ngày nay, chúng ta có các thiết bị nhạy hơn, các phương pháp phân tích bằng máy tính và đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu để giúp tái lập công nghệ. Giờ đây, nhiệt ký đã được ứng dụng trong y khoa, tim mạch, da liễu, nha khoa, sức khỏe tâm thần và nhiều lĩnh vực khác. Nghiên cứu tiếp tục chứng minh lợi ích của nhiệt ký, đặc biệt với vai trò là một công cụ chẩn đoán không xâm lấn và không sử dụng bức xạ.

Công nghệ nhiệt học

Quá trình chuyển hóa của con người liên tục phóng thích năng lượng dưới dạng nhiệt. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng để xác định sự hiện diện của bệnh.

Nhiệt ký sử dụng máy ảnh hồng ngoại để phát hiện và ghi lại thay đổi nhiệt độ trên da, chuyển đổi nhiệt thành các xung điện được hiển thị dưới dạng bản đồ nhiệt. Phổ màu trên nhiệt đồ cho thấy sự tăng hoặc giảm của nhiệt hồng ngoại phát ra từ bề mặt cơ thể. Ví dụ, màu đỏ và trắng cho thấy các điểm nóng, màu xanh, tím và đen cho thấy các điểm có nhiệt độ lạnh hơn.

Ở điều kiện bình thường, cơ thể có sự đối xứng về nhiệt độ. Sự bất thường trong các mẫu nhiệt có thể được quan sát thấy trên nhiệt đồ. Bác sĩ chuyên môn sẽ phân tích mẫu nhiệt để tìm ra dấu hiệu của bệnh. Những mẫu này cho thấy tình trạng viêm và là công cụ quan trọng để phát hiện các thay đổi sinh lý ở giai đoạn đầu, trước khi xuất hiện các biến đổi cấu trúc như hình thành khối u.

Lợi ích

  • Không xâm lấn
  • Không đau
  • Không tiếp xúc bức xạ
  • Không gây tổn thương mô
  • Không có nguy cơ từ các lần chụp lặp lại thường xuyên
  • Lập bản đồ nhiệt độ mạch máu riêng cho từng cá nhân
  • Không có tác dụng phụ
  • Tiềm năng phát hiện sớm bệnh tật

Ứng dụng

Nhiều lĩnh vực y tế đang áp dụng nhiệt ký, ví dụ như y học, vật lý trị liệu, chăm sóc bàn chân, điều dưỡng, tâm lý học, và y học thể thao. Công nghệ này đo lường mẫu nhiệt và lượng máu trong các mô cơ thể, từ đó mở ra nhiều ứng dụng mới. Các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh tính hiệu quả của nhiệt ký như một công cụ chẩn đoán trong lĩnh vực sức khỏe.

Phát hiện sớm:

  • Ung thư và khối u ác tính
  • Rối loạn khớp thái dương hàm, nhiễm trùng chân răng và bệnh lợi
  • Bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp
  • Viêm khớp
  • Tiểu đường loại 2 với biến chứng thần kinh, mạch máu và bệnh lý bàn chân tiểu đường
  • Đau do chấn thương thể thao, bong gân, viêm gân và các hội chứng đau

Các báo cáo khoa học

Một bài tổng quan gồm 72 nghiên cứu về tiềm năng của nhiệt ký đã đánh giá 17,314 người tham gia với 38 tình trạng sức khỏe khác nhau trên 13 lĩnh vực trị liệu. Kết luận là: “Nhiệt ký cung cấp khả năng chẩn đoán hứa hẹn khi [sử dụng] độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp thông thường.”

Các ví dụ nghiên cứu lâm sàng về ứng dụng của nhiệt ký:

  • Bệnh mạch máu: Phát hiện phình động mạch chủ bụng.
  • Ung thư da: Phát hiện u hắc tố
  • Nha khoa: Chẩn đoán viêm quanh răng, có thể do sâu răng, chấn thương răng hoặc các thủ thuật nha khoa trước đó.
  • Bệnh mắt: Phát hiện glaucoma, bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, tắc nghẽn mạch võng mạc và khối u trong mắt.
  • Theo dõi trong quá trình điều trị và lành vết bỏng
  • Rối loạn cương dương: Sử dụng châm cứu với nhiệt ký để chẩn đoán và điều trị.
  • Ù tai: Chẩn đoán và điều trị bằng châm cứu với nhiệt ký.
  • Chấn thương thể thao: được chẩn đoán thông qua đo nhiệt độ không đối xứng trên da.

Trải nghiệm cá nhân

Tôi từng trò chuyện với cô Joanna Loli, một kỹ thuật viên nhiệt học được chứng nhận ở Puerto Vallarta. Cô có giải thích về quy trình thăm khám và chia sẻ trải nghiệm của mình. Đầu tiên, cơ thể phải có cùng nhiệt độ với phòng kiểm tra, do đó cần một khoảng thời gian để hạ nhiệt cơ thể. Sau đó, cô cần cởi quần áo và đứng trước máy ảnh cảm biến nhiệt hồng ngoại. Máy đo sẽ quét các mẫu nhiệt phát ra từ cơ thể và quá trình này kéo dài từ năm đến ba mươi phút, tùy từng khu vực.

Nhiệt đồ đo được gồm dạng phổ màu đầy đủ và thang xám sẽ truyền đến trung tâm nhiệt đồ thông qua phần mềm máy tính. Các bác sĩ chuyên khoa sau đó đọc kết quả quét của cô. Cô lưu ý rằng bác sĩ nên được chứng nhận bởi một trong các tổ chức sau:

  • Học viện Quốc tế về Nhiệt đồ Lâm sàng
  • Hiệp hội Nhiệt đồ Quốc tế
  • Học viện Hình ảnh Hồng ngoại Y khoa Hoa Kỳ
  • Học viện Nhiệt đồ Hoa Kỳ

Cô nhận được kết quả và các gợi ý theo dõi lâm sàng sau bảy ngày và được khuyên nên đi khám bác sĩ đa khoa.

Rủi ro và biến chứng

Nhiệt ký là một kỹ thuật không xâm lấn và do đó không có rủi ro cho cơ thể. Tuy nhiên, có những lo ngại trong cộng y học rằng công nghệ này có quá nhiều biến số. Giống như các quy trình y tế khác, một số sai sót có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm và giải thích kết quả. Cũng có những nghi ngờ về hiệu quả của nhiệt đồ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và bài báo cho thấy nhiệt ký có thể phát hiện sớm bệnh lý chưa được chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của bệnh và kết quả điều trị.

Điều quan trọng là, nhiệt ký có giá trị trong việc phát hiện sớm và không nhằm mục đích xác định hoặc chẩn đoán nguyên nhân tại sao các mẫu nhiệt cơ thể lại tăng cao.

Khi công nghệ nhiệt học ngày càng tiến bộ, với sự cải thiện của thiết bị nhiệt độ học, xử lý hình ảnh và đánh giá trí tuệ nhân tạo, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ứng dụng y tế của phương pháp không xâm lấn này.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sandra Cesca
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Sandra Cesca là một nhà văn và nhiếp ảnh gia tự do chuyên về chủ đề sức khỏe thể chất tổng thể, sức khỏe tinh thần, thực phẩm hữu cơ, phong cách sống lành mạnh và chăm sóc y tế toàn diện. Bà có kinh nghiệm về y học dị ứng, bệnh tự nhiên, vi lượng đồng căn, canh tác hữu cơ và sinh động lực học, và thực hành yoga.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn