Tỷ lệ rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) tăng vọt trong sinh viên đại học

Một nghiên cứu mới cho thấy có sự gia tăng chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) ở sinh viên đại học Hoa Kỳ. Tỷ lệ PTSD tăng 4.1 điểm phần trăm, tăng từ 3.4% trong năm 2017-2018 lên 7.5% trong năm 2021-2022.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Alabama ở Birmingham, người thực hiện nghiên cứu, cho rằng sự gia tăng rõ rệt này có thể bắt nguồn từ sự kết hợp của các sự kiện như các vụ xả súng trong khuôn viên trường, căng thẳng chủng tộc trên toàn quốc và sự mất mát của những người thân yêu trong đại dịch COVID-19.

Tình trạng sang chấn tâm lý bao trùm các trường đại học Hoa Kỳ

Trong phân tích được công bố trên Journal of the American Medical Association (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), nhóm nghiên cứu đã kiểm tra số lượng sinh viên từ 332 cơ sở giáo dục đại học trên khắp Hoa Kỳ, trên phạm vi địa lý rộng và với nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Cuộc khảo sát rộng rãi của các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ gần 400,000 sinh viên đại học, trong đó nữ giới chiếm đa số nhẹ ở mức 57.7%.

Trong khoảng thời gian 5 năm từ 2017 đến 2022, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra có sự gia tăng tỷ lệ mắc chứng rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD) ở sinh viên đại học. Tỷ lệ mắc chứng ASD tăng 0.5 điểm phần trăm, từ 0.2% lên 0.7% trong cùng khung thời gian.

Ngay cả sau khi tính đến sự khác biệt về nhân khẩu học giữa những người tham gia thì phân tích thống kê vẫn xác nhận rằng, xu hướng tăng này vẫn có ý nghĩa về mặt thống kê.

Các tác giả viết, “Những xu hướng này nêu bật những thách thức về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở sinh viên đại học, điều này phù hợp với báo cáo của nghiên cứu gần đây về sự gia tăng các chẩn đoán về tâm thần.”

Các tác giả cảnh báo rằng “PTSD và ASD có thể làm suy giảm nghiêm trọng hoạt động học tập và xã hội của sinh viên đại học.” Những tình trạng này có thể có tác động tiêu cực sâu rộng, làm kéo dài thời gian học đại học hơn, đồng thời còn liên quan lâu dài đến các vấn đề về sức khỏe.

Theo nghiên cứu, những hậu quả xã hội trên phạm vi rộng của PTSD và rối loạn căng thẳng cấp tính bao gồm năng suất lao động giảm sút và căng thẳng tài chính leo thang đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế.

Một báo cáo thường niên năm 2023 của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Đại học tại Pennsylvania State University cho thấy, gần một nửa số sinh viên đại học cần đến tư vấn là những sinh viên đã từng phải trải qua một số dạng chấn thương. Con số này thể hiện mức tăng đáng kinh ngạc là 10 điểm phần trăm so với báo cáo ban đầu năm 2012 của trung tâm, tăng từ 37.5% lên 46.8%.

1/16 người Hoa Kỳ phải đối mặt với PTSD trong đời

Theo Trung tâm PTSD Quốc gia, khoảng 6% người Hoa Kỳ sẽ bị chứng PTSD vào một thời điểm nào đó trong đời. Chỉ riêng năm 2020, khoảng 13 triệu người Hoa Kỳ đã phải đối mặt với chứng rối loạn này. Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn, với khả năng bị chứng PTSD là 8% so với 4% ở nam giới. Các cựu chiến binh thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn do tính chất đau thương của trải nghiệm thời chiến, vốn là nguyên nhân phổ biến gây ra PTSD.

Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ định nghĩa PTSD là chứng rối loạn tâm thần có thể xảy ra sau khi một cá nhân trải qua hoặc chứng kiến ​​một sự kiện, một loạt sự kiện hoặc một loạt hoàn cảnh đau thương. Hậu quả là, người đó có thể coi chấn thương tâm lý là có hại về mặt tinh thần hoặc thể chất, hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Khi hồi tưởng lại về sự sang chấn, những người mắc chứng PTSD thường có những suy nghĩ và cảm xúc mãnh liệt, rối loạn sống động đến mức có cảm giác như họ đang trải qua lại sự kiện đau buồn đó một lần nữa. Các triệu chứng thường gặp bao gồm suy nghĩ xâm nhập, hành vi né tránh, thay đổi nhận thức và tâm trạng cũng như thay đổi về kích thích và phản ứng.

Điều trị

Mặc dù các triệu chứng của PTSD đôi khi có thể tự giảm bớt nhưng thường là mọi người cần được điều trị chuyên nghiệp để vượt qua nỗi đau tâm lý do chứng rối loạn này gây ra.

Điều trị chuyên nghiệp thường bao gồm các hình thức như làm việc với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần – những người có thể sử dụng thuốc để điều trị hoặc hoặc trị liệu bằng trò chuyện.

Có thể áp dụng các lựa chọn bổ sung như châm cứu, yoga và các liệu pháp thú cưng cũng có tác dụng tốt.

Ngoài việc tư vấn, nhiều người còn thấy việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm trong những nhóm trợ giúp đồng đẳng, với những người bị PTSD khác cũng là một liệu pháp trị liệu tốt.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn