Trung y chữa táo bón bằng ba phương pháp đơn giản
Giữ cho đường ruột lưu thông trơn tru bằng các phương pháp điều trị Trung y đơn giản đã được chứng minh theo thời gian và có thể thực hiện tại nhà.
Trong số những người bị táo bón – cứ 100 người lớn thì có gần 16 người – sẽ nói rằng táo bón ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của họ. Liệu táo bón mạn tính có liên quan đến nguy cơ ung thư không? Nghiên cứu cho thấy điều này vẫn chưa rõ ràng.
Vào tháng Bảy, một báo cáo nghiên cứu trên những người từ 60 tuổi trở lên được công bố trên Tập san Báo cáo Khoa học (Scientific Reports) đã phát hiện thấy rằng táo bón làm tăng khả năng bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác đi kèm, như béo phì, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, bệnh thận, rối loạn nội tiết và chuyển hóa.
Theo Tiêu Chí Chẩn đoán Rome III về Táo bón Chức năng (Rome III Diagnostic Criteria for Functional Constipation) thì táo bón là một vấn đề phổ biến về hệ tiêu hóa, một trong những biểu hiện là đi tiêu không thường xuyên (ít hơn ba lần mỗi tuần) và cần thao tác bằng tay để kích thích nhu động ruột trong hơn 25% thời gian. Táo bón có nhiều nguyên nhân, bao gồm: ăn ít chất xơ hoặc chất lỏng, tác dụng phụ của một số loại thuốc, ít tập thể dục, và nhiều yếu tố khác. Táo bón có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi.
Trung y điều trị các triệu chứng và nguyên nhân gốc rễ của táo bón bằng cách dùng phương pháp ba hướng: kết hợp liệu pháp ăn uống, bấm huyệt và xoa bụng để kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón một cách hiệu quả.
Bấm huyệt có thể cải thiện tình trạng táo bón
Phương pháp bấm huyệt của Trung y có khả năng điều hòa khí huyết, tăng nhu động ruột, và do đó cải thiện tình trạng táo bón. Theo Trung y, khí và huyết là những chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể và duy trì mọi hoạt động sinh lý của cơ thể. Trung y đã phát hiện ra “kinh mạch” – là các kênh năng lượng của cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí huyết đi khắp cơ thể. Cơ thể con người có 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 cơ quan nội tạng. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt của cơ thể thông qua các kinh mạch. Một số điểm trên kinh mạch có công năng đặc biệt được gọi là huyệt. Kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và bấm huyệt có thể điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.
Táo bón thường gặp ở bệnh nhân Parkinson và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nghiên cứu cho thấy so với điều trị bằng thuốc thông thường, phương pháp điều trị kết hợp giữa thuốc với điện châm trên các huyệt như Thiên khu (ST25) và Phúc kết (SP14) đã làm tăng đáng kể số lần đại tiện tự phát ở bệnh nhân Parkinson.
Bạn có thể đạt được hiệu quả tương tự bằng cách tự bấm bốn huyệt sau đây tại nhà hoặc nhờ người khác giúp đỡ:
1. Huyệt Khổng tối (LU6)
Huyệt Khổng tối nằm trên cánh tay, ở giữa gốc ngón tay cái và khuỷu tay. Huyệt này có tác dụng chữa bệnh trĩ và táo bón rất tốt, khi bấm huyệt sẽ có cảm giác như đang kích thích hậu môn.
2. Huyệt Thừa sơn (BL57)
Huyệt Thừa sơn nằm ở phía sau bắp chân, khoảng giữa đường cong của bắp chân và gót chân, tại điểm lõm bên dưới chỗ phình ra ở hai bên cơ bụng chân. Bấm vào huyệt này có thể chữa bệnh trĩ, táo bón, đồng thời cũng có thể chữa đau thắt lưng.
3. Huyệt Thần Môn (HT7)
Huyệt Thần môn nằm ở phía trong cổ tay, tại điểm giao giữa đường giữa ngón út và ngón đeo nhẫn với các nếp gấp cổ tay. Huyệt này có thể cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh, giảm bớt căng thẳng, giúp ngủ ngon và cũng có thể làm giảm táo bón do căng thẳng.
4. Huyệt Thiên thụ (ST25)
Huyệt Thiên thụ nằm cách hai bên rốn 2 thốn (độ rộng của 3 ngón tay). Nếu tiêu chảy và táo bón thường xuyên xảy ra luân phiên, thì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Bấm vào huyệt Thiên thụ có thể giúp đi đại tiện và cầm tiêu chảy.
Hai bước xoa bụng đơn giản
Ngoài bấm huyệt hay châm cứu, bạn cũng có thể thực hiện xoa bụng tại nhà. Điều này có thể giúp kích thích ruột và đẩy các chất được tiêu hóa ra ngoài một cách trơn tru.
Xoa bụng không chỉ có thể ngăn ngừa và điều trị táo bón mà còn có thể giảm căng thẳng, cải thiện các rối loạn hệ thần kinh thực vật và dị ứng, tăng lưu thông máu, duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường, và ngăn ngừa cảm lạnh.
Bạn có thể thực hiện theo hai phương pháp xoa bụng dưới đây. Thực hiện một lần sau khi thức dậy vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ vào ban đêm, mỗi lần khoảng một phút, ngày ba đến bốn lần. Lưu ý không nên xoa bụng ngay sau khi ăn vì có thể gây khó tiêu.
Lưu ý: Bà bầu không được thực hiện phương pháp xoa bụng.
1. Xoa bụng bằng chai nhựa
- Đổ đầy nước vào chai nhựa và đậy kín.
- Đầu tiên để đáy chai lên bụng và xoa nhẹ dọc theo đường đại tràng lên, di chuyển theo chiều ngang qua đại tràng ngang, sau đó tiếp tục đi xuống dọc theo đại tràng xuống.
- Đặt chai nhựa nằm ngang trên bụng và lăn từ trên xuống dưới vùng ruột. Lăn chai nước nhẹ lên xuống có thể kích thích nhu động ruột.
2. Xoa bụng bằng tay
- Thoa một ít kem dưỡng da hoặc glycerin lên tay.
- Xoa bụng nhẹ nhàng theo hướng của ruột già – từ phía dưới bên phải và lên trên.
- Tiếp tục xoa nhẹ qua bụng trên sang trái về phía bờ trái của bụng.
Động tác xoa này khiến phân tích tụ ở phần ruột dưới, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Liệu pháp ăn uống để giảm táo bón
Liệu pháp ăn uống là một khía cạnh quan trọng của Trung y để điều chỉnh sự cân bằng của cơ thể thông qua các đặc tính dinh dưỡng của thực phẩm, từ đó giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Các cách ăn uống dưới đây có thể giúp giảm táo bón:
1. Uống nước ấm
Táo bón có thể dẫn đến chướng bụng và đau bụng. Uống một ly nước ấm vào mỗi buổi sáng có thể giúp ích cho nhu động ruột vào buổi sáng.
2. Ăn trái cây
Chuối, đu đủ, và dứa là những trái cây có thể giúp trị táo bón. Chuối và đu đủ rất nhiều chất xơ, có thể làm tăng lượng phân và kích thích nhu động ruột. Các loại trái cây này cũng chứa các enzyme phá vỡ protein, có thể trợ giúp tiêu hóa và ổn định tâm trạng.
Dứa rất nhiều chất xơ và enzyme giúp phân hủy protein, có thể kích thích tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, dứa có chứa acid citric nên những người dễ bị ê buốt răng không nên ăn quá nhiều.
3. Dùng thức uống bổ dịch
Thức uống bổ dịch là loại trà được các bác sĩ Trung y khuyên dùng nên uống hàng ngày, có thể gia tăng bài tiết chất lỏng trong ruột già và giúp đi đại tiện dễ dàng hơn, từ đó cải thiện tình trạng táo bón.
Nguyên liệu:
- Huyền sâm: 40g (1.4 ounce)
- Mạch đông: 40g (1.4 ounce)
- Địa hoàng: 25g (0.9 ounce)
Cho các thảo dược trên vào trong một nồi nhỏ, cho thêm 1.6l (54 fl. ounce) nước, đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa trong 30 phút.
Uống khoảng 800 đến 1000ml (27 đến 34 fl. ounce) mỗi ngày.
Nếu nhu động ruột trở lại bình thường sau khi uống, thì không cần phải uống thường xuyên nữa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng dùng loại trà bổ dịch này cũng có thể giúp cải thiện lượng nước trong toàn bộ cơ thể.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.