Trung tâm Y khoa Northern cung cấp dịch vụ châm cứu, chăm sóc toàn diện theo Trung y
Theo Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Northern ở Middletown, New York, một bác sĩ châm cứu giỏi phải là một bác sĩ Trung y giỏi, người có thể đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi châm kim.
Là một bác sĩ Trung y thế hệ thứ năm và một nhà châm cứu nổi tiếng ở Bờ Đông, Tiến sĩ Đoan đã giữ chức vụ lãnh đạo trung tâm vào năm ngoái với mục tiêu phát triển thành một trung tâm y tế tích hợp thực sự, bắt đầu trước tiên với châm cứu.
Ông là tác giả của hai cuốn sách Trung y, một là cuốn “Facing East” (Tạm dịch: Hướng về Phương Đông) hợp tác với biểu tượng thời trang Norma Kamali, và cuốn còn lại là sách giáo khoa về châm cứu lâm sàng do Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành.
Tiến sĩ Dương nói với The Epoch Times vào ngày 27/01, “Phần tốt nhất của châm cứu không phải là [động tác] châm kim vào bệnh nhân mà là [sự chuẩn bị] trước đó.”
“Đầu tiên, chúng ta cần đưa ra chẩn đoán không chỉ về vấn đề y khoa mà còn về trạng thái năng lượng của một người.”
Hầu hết người Tây phương chuyển sang châm cứu để điều trị cơn đau, được chi trả trong hầu hết các chương trình bảo hiểm.
Ông nói, chẩn đoán giống như một báo cáo về thời tiết, chẳng hạn như can hỏa, phế nhiệt, tỳ hư thấp trệ, hoặc can đởm thấp nhiệt.
Dựa trên kết quả, bác sĩ Trung y sẽ xây dựng kế hoạch châm cứu, bao gồm số buổi, lựa chọn các điểm châm trên cơ thể, và các cách châm kim khác nhau.
Tiến sĩ Dương nói, “Nếu bạn bị thiếu hụt năng lượng, chúng tôi sẽ cung cấp thêm. Nếu bạn dư thừa năng lượng, chúng tôi sẽ làm dịu đi. Nếu bạn bị tắc nghẽn dòng năng lượng, chúng tôi sẽ đả thông chỗ tắc.”
Thông thường, khi phục hồi cân bằng năng lượng, cơn đau của bệnh nhân cũng biến mất.
Tiến sĩ Dương cho biết nhiều bác sĩ châm cứu ở Hoa Kỳ đã tốt nghiệp các trường tập trung vào kỹ thuật chứ không chuyên sâu về lý thuyết và nền tảng của Trung y, vốn là gốc rễ tạo nên các kỹ thuật. Trong khi đó, tất cả các bác sĩ châm cứu tại Trung tâm Y khoa Northern đều là bác sĩ Trung y.
Từ năng lượng đến cảm xúc
Ông nói, các bác sĩ Trung y giỏi, họ vượt ra khỏi [việc dùng] châm cứu và thảo dược để khôi phục lại sự cân bằng năng lượng trong cơ thể.
Ông nói, “Điều gì có tác động mạnh nhất đến năng lượng? Một là năng lượng quá mức – lạnh, nóng, gió hoặc khô – từ môi trường; thứ hai là cảm xúc đau khổ đến từ bên trong.”
Ông nói, “Nếu tôi muốn tấn công vật lý, tôi phải chạm vào bạn. Nếu tôi muốn tấn công bằng hóa học, tôi cần phải đầu độc bạn. Nhưng nếu tôi muốn tấn công bạn một cách mạnh mẽ, tất cả những gì tôi cần làm là nói điều gì đó ác ý hoặc nhìn bạn với thái độ khinh bỉ.”
Tiến sĩ Dương là người sáng lập và giám đốc y tế của hai trung tâm y học tích hợp có văn phòng tại New Jersey, Pennsylvania và Thành phố New York, nơi ông dùng y thuật Trung y để điều trị cơn đau, căng thẳng, và lo lắng.
Khoảng 10 năm trước, một doanh nhân 76 tuổi đến văn phòng của Tiến sĩ Dương và bật khóc. Chứng đau thắt lưng và chân khiến ông khó có thể đi quá một dãy nhà.
Bệnh nhân không muốn phẫu thuật và cũng không thích dùng thuốc giảm đau nên đã tìm đến Tiến sĩ Dương, người không chỉ điều trị cơn đau mà còn giúp ông tìm ra nguyên nhân cảm xúc.
Khoảng bốn tháng trước khi đến phòng khám của Tiến sĩ Dương, bệnh nhân rất khó chịu trước yêu cầu mua một ngôi nhà mới bên bờ biển của người vợ vào thời điểm công ty bảo hiểm của ông đang gặp khó khăn.
Ông nói, “Cơn đau của ông ấy chủ yếu xuất phát từ một bên, nằm trên kênh năng lượng của túi mật. Trong Trung y, túi mật là một phần của gan, một hệ thống năng lượng nhạy cảm nhất với cảm xúc nóng giận.”
Tiến sĩ Serene Feng, giám đốc Khoa Trung y tại Trung tâm Y khoa Northern, dẫn chứng một trường hợp tương tự.
Tiến sĩ Feng là bác sĩ châm cứu và thảo dược với hơn 20 năm kinh nghiệm ở Úc và Hoa Kỳ. Bà có bằng y khoa của Đại học Quốc lập Trung Sơn ở Trung Quốc và bằng tiến sĩ về châm cứu và Trung y tại New York College of Traditional Chinese Medicine.
Nhiều tháng trước, bà đã điều trị cho một cô gái trẻ bị đau lưng, tình trạng này luôn xảy ra vào một thời gian nhất định trong tháng.
Qua trò chuyện, tiến sĩ Feng nhận thấy nỗi đau ập đến mỗi tháng khi người sếp của bệnh nhân gọi nhân viên đến đánh giá hiệu quả công việc hàng tháng; những ngày đó bệnh nhân luôn sợ hãi và lo lắng.
Tiến sĩ Feng nói với The Epoch Times, “Thắt lưng liên quan đến thận, và thận liên quan đến nỗi sợ hãi. Khi bệnh nhân nhận ra nếu cô ấy mất việc thì cũng chẳng có gì to tát và cô ấy luôn có thể tìm một công việc mới, nỗi đau của cô ấy đã biến mất.”
Tiến sĩ Dương nói thêm, “Đó là lý do tại sao Trung y luôn nhấn mạnh điều quan trọng nhất để đạt được sự cân bằng là có một tâm hồn bình yên.”
Bốn khía cạnh của sức khỏe
Tiến sĩ Dương nói, “Làm thế nào để chúng ta điều chỉnh cảm xúc bản thân và không gia tăng những cảm xúc tiêu cực đó? Điều đó phụ thuộc nhiều vào cách bạn nhìn nhận [vấn đề].”
“Nếu điều gì đó xảy ra và bạn xem đó là tốt, bạn sẽ không tức giận; nếu bạn cho đó là xấu, bạn sẽ phiền muộn.”
Do đó, cảm xúc có liên quan đến tâm linh hoặc niềm tin của một người, vốn là một khía cạnh quan trọng của sức khỏe.
Ông nói thêm, cảm xúc, kết hợp với thể chất, dinh dưỡng, và năng lượng – một khía cạnh chủ yếu của Trung y – tạo thành bốn khía cạnh của sức khỏe, phải được giải quyết đồng thời để một người có được sức khỏe lâu dài.
Ngoài Trung y, Tiến sĩ Dương còn được đào tạo về y học Tây phương, bao gồm thần kinh học và tâm thần học tại Đại học Quân y số 4 Trung Quốc, học bổng nghiên cứu về tâm sinh lý lâm sàng tại Đại học Oxford và đào tạo bác sĩ nội trú về tâm thần học tại Thomas Jefferson University.
Ông cho biết, mô hình sức khỏe kết hợp trí tuệ của Trung và Tây y này sẽ định hướng sự phát triển không chỉ thực hành châm cứu mà còn các hoạt động khác tại Trung tâm Y khoa Northern.
“Các chuyên gia châm cứu của chúng tôi cũng là những nhà thảo dược và bác sĩ Trung y, những người sẽ hướng dẫn về cách ăn uống và lối sống.”
Ông nói, “Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của chúng tôi sẽ không dừng lại ở việc chỉnh sửa cơ thể và nói, ‘Tạm biệt.’ Họ sẽ nói, Hãy chú ý đến [dinh dưỡng], năng lượng và tâm hồn của bạn.”
“Chúng tôi không chỉ xây dựng [thêm] một trung tâm y tế, một bệnh viện hay một trường y khoa khác. Chúng tôi đang xây dựng mô hình y học mới trong thực hành lâm sàng, nghiên cứu, và giáo dục.”
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times