Triệu chứng và cách điều trị trào ngược acid dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản hay trào ngược acid dạ dày là chứng bệnh thường gặp đôi khi liên quan đến cách ăn uống, trong đó acid dạ dày trào ngược lên thực quản (ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày), gây ra triệu chứng trào ngược acid như cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng) và miệng có vị đắng hoặc vị chua.
Triệu chứng trào ngược acid này thường kéo dài vài tiếng sau khi ăn và sau đó biến mất. Hầu hết mọi người thỉnh thoảng bị trào ngược acid dạ dày, thường là sau khi ăn một số thực phẩm nhất định.
Trào ngược acid xảy ra hơn 2 lần một tuần gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Đây là tình trạng trầm trọng hơn mà nếu không được điều trị sẽ có thể dẫn đến các vấn đề như viêm thực quản và tình trạng tiền ung thư gọi là Barrett thực quản.
GERD còn có thể làm bệnh hen suyễn, ho kinh niên, mất ngủ và xơ phổi trầm trọng hơn.
Các triệu chứng trào ngược acid là gì?
Chứng ợ nóng là triệu chứng trào ngược acid phổ biến nhất. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Miệng đắng hoặc chua
- Ho khan kinh niên
- Khó nuốt
- Khò khè
- Khàn tiếng
Nguyên nhân gây trào ngược acid?
Trào ngược acid xảy ra khi một cơ vòng ở đáy thực quản gọi là cơ thắt thực quản dưới (LES) không hoạt động bình thường. Thông thường, LES giữ các chất trong dạ dày và ngăn acid trào ngược bằng cách thắt chặt sau khi nuốt.
Nhưng ở những người bị trào ngược acid, LES trở nên yếu và giãn ra, khiến acid và dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
Mặc dù vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân khiến cơ thắt thực quản dưới suy yếu, nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng và góp phần làm cho tình trạng trào ngược acid trầm trọng hơn, gồm có:
- Béo phì (tăng cân tạo gánh nặng lên cơ thắt thực quản dưới)
- Mang thai
- Thoát vị gián đoạn, tình trạng phần trên của dạ dày nhô ra phía trên cơ hoành ở ngực
- Hút thuốc
- Uống rượu hoặc caffeine
- Ăn một bữa nhiều thức ăn
- Ăn trước khi đi ngủ
- Các loại thuốc như thuốc kháng histamine, thuốc chẹn kênh calcium, theophylline, và nitrate.
- Thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên, đồ cay, thực phẩm làm từ cà chua, trái cây họ cam quýt, chocolate, bạc hà, tỏi và hành.
Ai có thể bị trào ngược acid?
Trào ngược acid và trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người thừa cân, hút thuốc và ăn uống không lành mạnh, cũng như ở những phụ nữ đang mang thai.
Chẩn đoán trào ngược acid như thế nào?
Trào ngược acid xảy ra nhiều hơn 2 lần một tuần có thể là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên đi khám bác sĩ đặc biệt nếu đã dùng thuốc kháng acid hoặc thuốc trị trào ngược không kê đơn trong hơn hai tuần.
Để kiểm tra bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể cho chỉ định chụp X quang dạ dày thực quản cản quang. Bệnh nhân uống một loại thuốc cản quang hoặc thuốc nhuộm gọi là barium lỏng, để hiện rõ đường tiêu hóa trên trên phim X quang. Khi barium chảy xuống thực quản vào dạ dày, bác sĩ sẽ chụp phim X-quang của cả quá trình.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị nội soi thực quản dạ dày. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ, mềm có gắn một camera nhỏ ở đầu vào miệng và thực quản trong khi bệnh nhân được gây mê. Camera cho phép bác sĩ xem được bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở thực quản.
Các phương pháp điều trị thông thường là gì?
Đầu tiên, bác sĩ thường khuyên nên thay đổi lối sống và dùng các loại thuốc không kê đơn để điều trị chứng trào ngược acid. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc đặc trị. Bác sĩ cũng sẽ xem xét các loại thuốc mà bệnh nhân đã dùng và trao đổi về các loại thuốc thay thế cho những loại có khả năng đã gây nên chứng trào ngược acid.
1. Các cách thay đổi lối sống
- Bỏ hút thuốc lá
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng
- Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên
- Không nằm xuống trong vòng ba tiếng sau khi ăn
- Giảm cân nếu cần
- Tránh mặc quần áo chật, đặc biệt là chật phần bụng
2. Thuốc kháng acid
Các loại thuốc không kê đơn (Alka-Seltzer, Maalox, Mylanta, Rolaids, Tums) sử dụng các kết hợp khác nhau của magnesium, calcium hoặc nhôm và các ion hydroxide hoặc ion bicarbonate để giúp trung hòa acid dạ dày và tạm thời giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào thành phần, thuốc có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón.
3. H2 Blockers (Thuốc đối kháng thụ thể H2)
Có cả loại kê đơn và không kê đơn, các loại thuốc này (Tagamet, Pepcid, Zantac, Axid) giúp giảm trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian ngắn bằng cách ngăn dạ dày sản xuất acid.
4. Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)
Thuộc nhóm thuốc kê toa, PPI (Prilosec, Prevacid, Protonix, Nexium) ngăn chặn dạ dày sản xuất acid hiệu quả hơn thuốc H2 blockers. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra trào ngược “bùng phát”: nếu bệnh nhân dùng thuốc, sau đó ngừng thì acid dạ dày có thể trở lại nhiều hơn trước.
Tiến sĩ Weil khuyên dùng phương pháp nào cho chứng trào ngược acid?
Bên cạnh thay đổi lối sống được liệt kê ở trên, tiến sĩ Weil khuyên dùng các phương pháp điều trị sau đây và thay đổi cách ăn uống của bạn:
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times