Trí tuệ cổ xưa giúp ngủ ngon (Phần 1)
Con người dành gần 1/3 cuộc đời để ngủ. Giấc ngủ ngon đóng vai trò rất quan trọng cho một cuộc sống lành mạnh.
Điều gì sẽ diễn ra trong lúc ngủ? Cơ thể thả lỏng, hồi phục, và xây dựng lại trong giấc ngủ. Sau một đêm ngon giấc, con người thức dậy với cảm giác sảng khoái. Điều này là do nhiều thứ diễn ra trong khi ngủ giúp cơ thể hồi phục và tái tạo. Ví dụ, trong khi ngủ, cơ thể sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng, đây là hormone quan trọng trong việc đốt cháy chất béo và phát triển cơ bắp săn chắc.
Khi ngủ cũng là lúc cơ thể trải qua quá trình điều chỉnh phức tạp các chức năng của hệ miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi con người thiếu ngủ hoặc bị mất ngủ mạn tính, các tế bào T sẽ suy giảm, và cytokine gây viêm sẽ tăng lên. Con người dễ bị cảm lạnh hoặc cúm.
Trong giấc ngủ sâu, các cơ bắp thả lỏng và mạch máu giãn ra, thúc đẩy quá trình lưu thông máu tốt hơn, và não giải quyết thông tin. Vì thế, ngủ không phải là một quá trình thụ động, mà là một phần tích cực, không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Những người cho rằng giấc ngủ là lãng phí thời gian và cố gắng dùng các phương tiện nhân tạo để cắt giảm giấc ngủ sẽ khiến cho sức khỏe suy giảm đáng kể.
Chúng ta nên ngủ bao nhiêu?
Chúng ta nên ngủ bao nhiêu tùy thuộc vào độ tuổi của chúng ta. Càng lớn, chúng ta càng ngủ ít hơn. Trẻ sơ sinh cần ngủ từ 14 đến 15 tiếng; trẻ mới biết đi cần ngủ từ 12 đến 14 tiếng; trẻ em trong độ tuổi đi học cần 10 đến 11 tiếng; người lớn cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng.
Những người bị mất ngủ mạn tính, những người thường xuyên có tình trạng ngủ kém, và phụ nữ mang thai có thể cần ngủ nhiều hơn. Những người cao niên có thể gặp tình trạng ngủ không sâu và cần những giấc ngủ ngắn trong ngày.
Nói chung, người lớn ngủ ít hơn sáu tiếng và ngủ nhiều hơn chín tiếng có thể có tuổi thọ ngắn hơn.
Nghiên cứu ban đầu tập trung vào những gì sẽ xảy ra nếu một người bị thiếu ngủ từ 48 đến 96 tiếng. Các triệu chứng bao gồm buồn ngủ, rụng tóc, khó chịu, kích động, và rối loạn tâm thần.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã chuyển trọng tâm sang việc thiếu ngủ, nghiên cứu điều gì xảy ra với những người ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi đêm. Một số người có xu hướng trở nên tăng động và bồn chồn trong ngày, những người khác thì mệt mỏi và buồn ngủ.
Các bác sĩ băn khoăn liệu họ có nên cho những bệnh nhân này thuốc kích thích tinh thần để giúp họ bình tĩnh và tỉnh táo hay không. Một câu hỏi khác là, những bệnh nhân này thực sự có gặp phải vấn đề sức khỏe nào không?
Thời gian ngủ tốt nhất
Các hướng dẫn vệ sinh giấc ngủ hiện nay khuyên mọi người nên đi ngủ và thức dậy cùng thời điểm mỗi ngày, nhưng rất ít nhà nghiên cứu nhắc đến việc mọi người nên đi ngủ vào lúc nào.
Tiến sĩ Christian Guilleminault, thuộc Stanford University, đã tiến hành một nghiên cứu sơ bộ trên tám người đàn ông dành một tuần trong phòng Lab về giấc ngủ (còn gọi là Sleep Lab). Nghiên cứu của ông đã theo dõi hành vi và mức độ hoạt động của họ trong khi mô phỏng việc lái xe và thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ, cũng như kiểm tra khả năng tỉnh táo. Họ được phép ngủ tám tiếng rưỡi trong hai đêm và chỉ bốn tiếng trong bảy đêm còn lại.
Một nhóm ngủ từ 10 giờ rưỡi tối đến 2 giờ rưỡi sáng trong bảy đêm, nhóm còn lại từ 2 giờ 15 phút sáng đến 6 giờ 15 phút sáng. Theo như dự đoán, tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng đến tất cả những người tham gia. Kết quả của bài kiểm tra mức độ tỉnh táo được thực hiện vào ngày [mà người tham gia] đã ngủ 8 tiếng rưỡi khác biệt rất nhiều so với kết quả của ngày cuối bị thiếu ngủ.
Nhưng kết quả cũng khác nhau giữa hai nhóm. Điểm số của nhóm ngủ vào sáng sớm trong bài kiểm tra mức độ tỉnh táo tốt hơn đáng kể so với nhóm ngủ muộn. Nhóm ngủ sớm cũng có tỷ lệ ngủ hiệu quả (phần trăm thời gian ngủ trong khoảng thời gian 4 tiếng) và tỷ lệ chìm vào giấc ngủ (lượng thời gian dành cho việc chìm vào giấc ngủ) tốt hơn.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times