Tóc bạc và rụng tóc? Hãy thử 5 giải pháp tự nhiên sau

Mái tóc đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi được tạo kiểu và chăm chút kỹ lưỡng, mái tóc có thể đem lại sự tự tin cũng như vẻ ngoài bắt mắt. Vậy làm thế nào để luôn có một mái tóc bóng mượt và chắc khỏe?

Trong khi những người lớn tuổi thường lo lắng về tình trạng tóc bạc và thưa thì nhiều người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 cũng gặp phải các vấn đề về tóc do ăn uống không lành mạnh, mức độ căng thẳng cao và tiếp xúc với ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, nhiều sản phẩm chăm sóc và nhuộm tóc hiện nay có thể chứa các hóa chất độc hại làm tổn thương tóc khi sử dụng thường xuyên.

Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng. Dưới đây là các phương pháp tự nhiên có thể cải thiện độ dày và sức khỏe của mái tóc mà vẫn giữ được màu sắc tự nhiên.

Cấu trúc của tóc

Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cấu trúc của tóc. Tóc chủ yếu được cấu tạo từ keratin và gắn vào da bằng cấu trúc nang lông. Các nang nằm ở giữa lớp trung bì sâu và lớp hạ bì. Bên trong thân tóc có những mạch máu nhỏ giúp cung cấp máu, duy trì lưu thông máu và cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, nguyên tố vi lượng, acid amin và acid béo cho tóc.

Bao quanh nang lông có nhiều tuyến khác nhau, trong đó tuyến bã nhờn là quan trọng nhất. Tuyến này tạo ra bã nhờn để bôi trơn tự nhiên cho tóc. Một số người có tóc nhiều dầu hơn do tuyến bã nhờn phát triển hơn, trong khi những người khác lại có tóc khô hơn do mức độ tiết bã nhờn thấp hơn.

Màu tóc được quyết định bởi các tế bào sắc tố trong nang tóc. Thuận theo tuổi tác, các tế bào sắc tố này sẽ giảm dần và có thể khiến tóc bạc màu. Những tế bào này cũng có thể lão hóa sớm do dinh dưỡng kém và sử dụng quá nhiều sản phẩm hóa học.

Trung bình da đầu có khoảng 100,000 nang tóc với số lượng giảm dần theo thời gian.

Các giai đoạn phát triển của tóc

Một chu kỳ phát triển của tóc gồm ba giai đoạn:

  • Giai đoạn tăng trưởng: Phần lớn tóc liên tục dài ra trong nhiều năm.
  • Giai đoạn chuyển tiếp, thường kéo dài trong vài tuần: Tóc phát triển chậm lại và nang tóc co lại.
  • Giai đoạn nghỉ ngơi, có thể kéo dài vài tháng: Tóc ngừng phát triển, những sợi tóc già tách khỏi nang lông, kết thúc một chu kỳ.

Lúc này, tóc mới sẽ mọc, từ từ đẩy tóc cũ ra ngoài và thế chỗ. Trung bình, tóc mọc khoảng nửa inch (1.8cm) mỗi tháng, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn tuỳ từng người.

5 mẹo chữa tóc bạc và rụng tóc

1. Giữ đủ nước

Vì tóc mọc trên da đầu nên để tóc phát triển lành mạnh thì cần giữ cho da đầu khỏe mạnh. Điểm mấu chốt là giữ ẩm. Vì vậy, chúng ta cần uống đủ nước, khoảng 4 đến 8 ly mỗi ngày.

Thêm một số chất điện giải vào nước có thể làm giảm các vấn đề như ngứa, gàu và khô, cũng như giảm rụng tóc do gãy rụng.

2. Ăn thực phẩm thân thiện với tóc

Mẹo thứ hai là ăn các thực phẩm thân thiện với tóc. Giống như các bộ phận khác trên cơ thể, mái tóc cũng bị ảnh hưởng bởi cách ăn uống. Để cải thiện sức khỏe của tóc, da và móng, chúng ta nên tiêu thụ thực phẩm có chứa biotin, vitamin C và vitamin A. Biotin có thể đẩy mạnh sự phát triển của tóc, vitamin C có thể ngăn ngừa tổn thương tóc và vitamin A có thể kích thích sản xuất bã nhờn.

Ăn thực phẩm dồi dào acid béo thiết yếu cũng rất quan trọng, như cá hồi, hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và trái bơ. Những thực phẩm này chứa omega-3 có thể giúp kích thích mọc tóc. Ngoài ra, các loại rau lá xanh, phô mai, rau bina, khoai lang, thịt và quả mọng cũng rất có ích cho mái tóc.

3. Tăng lưu lượng máu đến da đầu

Việc thiếu cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho nang tóc là một trong những lý do chính khiến nhiều người bị rụng tóc, tóc dễ gãy, thậm chí là bạc sớm.

Trong Trung y có câu nói “phát vi huyết chi dư” (tóc là biểu hiện của máu), ý rằng tình trạng tóc phụ thuộc vào lượng máu cung cấp. Quan điểm này phù hợp với kiến ​​thức y học hiện đại. Từ quan điểm của Trung y, sức khỏe của mái tóc cũng phản ánh sức khỏe của các cơ quan nội tạng.

Tập thể dục thường xuyên là một cách tuyệt vời để tăng lưu lượng máu đến nang tóc. Hoạt động thể chất kích thích toàn bộ cơ thể và kích hoạt các tuyến bã nhờn trên da đầu, từ đó cải thiện sức khỏe của mái tóc.

Một cách tuyệt vời khác để tăng lưu lượng máu đến nang tóc là thường xuyên xoa bóp da đầu nhẹ nhàng. Mặc dù bơi lội cũng là một bài tập hữu ích nhưng nước trong bể bơi thường chứa các hóa chất có thể gây hại cho tóc. Vì vậy, nên đội mũ bơi hoặc gội đầu ngay sau khi bơi.

4. Tránh gội đầu quá nhiều

Không nên gội đầu hàng ngày vì có thể khiến tóc bị khô. Tốt nhất là nên gội đầu từ hai đến ba lần một tuần.

5. Chải tóc thường xuyên

Thường xuyên chải tóc rất hữu ích vì điều này có thể giúp gia tăng hoạt động của tuyến bã nhờn và phân tán lượng dầu tự nhiên lên da đầu và tóc. Tuy nhiên, cần chải tóc theo các đường kinh lạc, từ trước ra sau và bao phủ toàn bộ da đầu vì các kinh tuyến khác nhau hoạt động ở các phần khác của đầu. Ngoài ra, chải tóc từ trước ra sau cũng có thể làm tăng lưu thông máu.

Vai trò của căng thẳng và nghỉ ngơi đối với sức khỏe của mái tóc

Một yếu tố quan trọng khác để có mái tóc khỏe mạnh là giảm căng thẳng tinh thần, vì mức độ căng thẳng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp và bệnh tim. Vì vậy, cần duy trì một tâm trí bình tĩnh và cân bằng. Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng vì giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan và do đó ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc.

Bí quyết để có màu tóc tự nhiên

Ngoài những lời khuyên trên, việc chăm sóc các tế bào sắc tố cũng rất cần thiết để bảo đảm quá trình sản xuất melanin liên tục. Duy trì cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc đều có thể giúp sản xuất melanin trong tóc.

Đồng là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melanin, vì vậy nên tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đồng như đậu phộng, thịt cua, hạnh nhân, đậu lăng và nấm trắng. Tuy nhiên, quá nhiều đồng có thể gây hại cho gan và não, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nếu bạn đã có một ít tóc bạc và muốn sử dụng thuốc nhuộm tóc, tốt nhất là nên chọn thuốc nhuộm hữu cơ và tự nhiên vì hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc khác đều chứa các hóa chất như ammonia, chì acetate, DMDM ​​(chất bảo quản và kháng khuẩn) và methylisothiazolinone (chất bảo quản) đều có thể gây hại cho sức khỏe.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn