Tìm hiểu về Khí của bạn
Khí là một thuật ngữ từ tiếng Trung, mô tả tất cả các loại năng lượng sống của con người. Phần trên của ký tự Khí trong tiếng Trung là 氣, tượng trưng cho các loại năng lượng như không khí và phần dưới tượng trưng cho thực phẩm như gạo.
Trong Trung y cổ xưa, ký tự này cho thấy có 2 nguồn Khí mà cơ thể con người cần để tồn tại và phát triển bao gồm không khí và thức ăn.
Có thể hiểu rằng cuộc sống của chúng ta bắt đầu từ hơi thở đầu tiên và kết thúc ở hơi thở cuối cùng nên không khí rất quan trọng. Chúng ta phải tiếp tục ăn và thở để sống, phát triển, sinh sản và hoạt động. Do đó, nghĩa thích hợp nhất với từ Khí có thể là năng lượng sống song song với các chất hóa học quan trọng mà cơ thể cần, chẳng hạn như vitamin.
Bảo vệ nguồn khí
Hệ thống hô hấp mang không khí vào và ra khỏi cơ thể. Hệ thống tim mạch vận chuyển oxy khi được hít vào, sau đó, các cơ quan và mô sử dụng oxy, đồng thời đưa carbon dioxide vào phổi để thở ra.
Hệ thống tiêu hóa giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, chuyển hóa thức ăn được hấp thụ thành dạng năng lượng trong một quá trình được biết đến trong hóa sinh hiện đại là Chu trình Krebs.
Khí thu được từ không khí và thức ăn được gọi là Khí hậu thiên.
Tuy nhiên, cuộc đời của chúng ta được tính từ khi thụ thai. Năng lượng quan trọng khởi đầu quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi đến từ trứng của người mẹ, được thụ tinh bởi người cha và sau đó là Khí của người mẹ khi mang thai. Đây được gọi là Khí tiên thiên, rất cần để trợ giúp cho sự phát triển ban đầu của trẻ. Vì vậy, sức khỏe của cha mẹ rất quan trọng đối với sức khỏe của con.
Các nghiên cứu đã cho thấy, người cha càng lớn tuổi càng có khả năng có nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu cao hơn, bị một số dị tật bẩm sinh hiếm gặp (bao gồm các khuyết tật về phát triển hộp sọ, tay chân và tim), rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt và bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp ở trẻ em. Và tất nhiên, nếu cha mẹ hút thuốc hoặc uống rượu cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi.
Hiểu về trạng thái Khí của bạn
Không giống như không khí hoặc điện, mắt người không thể nhìn thấy Khí. Tuy nhiên, từng người sẽ tự có những trải nghiệm về các chức năng của Khí chừng nào họ còn sống. Nhiệt độ cơ thể là một trong số đó. Khi Khí cân bằng và đủ, nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường và có thể tự điều chỉnh được trước sự thay đổi của khí hậu. Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn hoặc thấp hơn bình thường một độ, cơ thể sẽ cảm thấy rất khó chịu. Nhiệt độ cơ thể cao hơn có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm; nhiệt độ cơ thể thấp hơn có thể là do chức năng tuyến giáp và tuyến thượng thận suy yếu.
Nhịp tim là một chức năng quan trọng khác của Khí. Nhịp đập của tim sẽ đưa máu đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm da, cơ, cơ quan nội tạng, tứ chi và não, được gọi là Khí của tim. Khi đo hoạt động điện tử của tim bằng điện tâm đồ, chúng ta thực sự đang đo Khí của tim. Khi Khí trong tim bị thiếu hụt sẽ gây ra lưu thông huyết kém, khó thở và nghiêm trọng hơn là suy tim. Khi Khí trong tim bị ứ đọng hoặc tắc nghẽn sẽ gây ra đau hoặc đau thắt ngực. Đây có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng.
Tiêu hóa tốt liên quan đến khả năng vận động của hệ tiêu hóa, thực quản, ruột và túi mật. Đây là một chức năng khác của Khí. Các cơ quan này có thể bị tê liệt khi thiếu Khí.
Các tế bào thần kinh giao tiếp qua các đường truyền điện tử trong não và hệ thần kinh. Quá trình này phụ thuộc vào Khí của mọi cơ quan nội tạng để hoạt động bình thường. Mỗi hệ thống cơ quan nội tạng đều có những đóng góp đặc biệt vào chức năng của não.
Ví dụ, thận và bàng quang hỗ trợ chức năng phối hợp và các chức năng nhận thức như trí nhớ, sự tập trung và động lực; những cơ quan này bổ trợ thính giác và trải nghiệm sợ hãi trong những tình huống nguy hiểm. Gan và túi mật trợ giúp các chức năng điều hành như lập kế hoạch, lập chiến lược, ưu tiên, tổ chức và ra quyết định. Sự kết hợp này giúp điều chỉnh giấc ngủ, tầm nhìn và cảm giác tức giận trong những tình huống bất công.
Tất cả các cơ quan nội tạng đều cung cấp Khí cho não và có thể được đo với điện não đồ định lượng (qEEG). Sự thiếu hụt năng lượng có thể góp phần gây ra một số rối loạn chức năng não và tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), mất trí nhớ, thiếu tập trung (ADHA) và rối loạn giấc ngủ.
Khí của nội tạng cũng cung cấp dinh dưỡng và chức năng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể. Khi bị viêm nhiễm hoặc cảm thấy không khỏe, nên xem xét điều gì đã làm tổn hại đến Khí của các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở lĩnh vực cảm xúc đau buồn và lối sống không cân bằng.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times