Tiêu thụ flavonoid giúp giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2
Đặc biệt, uống nhiều trà, quả mọng và táo mang lại nhiều lợi ích nhất.
Ăn nhiều thực phẩm dồi dào flavonoid, bao gồm các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt, trà, ca cao, hành tây, và thậm chí rượu vang, có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Đặc biệt, việc uống nhiều trà, quả mọng và táo sẽ có ích nhất.
Những phát hiện này đến từ một nghiên cứu trên Nutrition & Diabetes (Tập san Dinh dưỡng và Tiểu đường) vào ngày 22/5. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa thực phẩm dồi dào flavonoid và sự khởi phát của bệnh tiểu đường loại 2 trong một nhóm người ở Anh.
Hợp chất tạo màu
Flavonoid là hợp chất hóa học có trong trái cây, rau và hoa, thường tạo ra màu sắc cho thực vật. Không giống như carbohydrate, protein và chất béo được chuyển hóa trong dạ dày, flavonoid bị phân hủy bởi vi khuẩn đường ruột và được chuyển đến các bộ phận khác nhau để sử dụng. Flavonoid cung cấp các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, chống dị ứng và chống ung thư.
Có sáu loại flavonoid chính: flavanone, flavone, flavan-3-ol, flavonol, anthocyanin và isoflavone. Mỗi loại cung cấp những lợi ích khác nhau.
Nghiên cứu đã liên hệ flavonoid với nguy cơ mắc các bệnh mạn tính giảm, bao gồm bệnh tim mạch và cải thiện chức năng nhận thức.
Flavonoid giảm đáng kể rủi ro
Trong một nghiên cứu ở Anh, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 113,097 người trong ngân hàng sinh học Anh Quốc, chứa dữ liệu của hơn 500,000 người trưởng thành từ năm 2006 đến năm 2010. Hai cuộc khảo sát trở lên về cách ăn uống trong 24 giờ đã đánh giá lượng flavonoid của từng người tham gia. Sau đó, tiến hành phân tích dữ liệu bằng cơ sở dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 10 loại thực phẩm có chứa flavonoid: trà đen và xanh, rượu vang đỏ, táo, quả mọng, nho, cam, bưởi, ớt ngọt, hành tây và chocolate đen. Trung bình lượng flavonoid tiêu thụ hàng ngày là 805.7mg. Trà là nguồn cung cấp flavonoid cao nhất, trong khi ớt có hàm lượng thấp nhất. Tổng lượng tiêu thụ, tương đương với sáu khẩu phần thực phẩm dồi dào flavonoid mỗi ngày, có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 28% so với một khẩu phần thực phẩm dồi dào flavonoid mỗi ngày.
Hơn nữa, tăng một khẩu phần thực phẩm dồi dào flavonoid sẽ giảm khoảng 6% nguy cơ bị tiểu đường loại 2. Bốn khẩu phần trà đen hoặc trà xanh mỗi ngày sẽ làm giảm 21% nguy cơ. Một khẩu phần quả mọng mỗi ngày sẽ giảm 15% nguy cơ và một khẩu phần táo mỗi ngày sẽ làm giảm 12% nguy cơ.
Các loại flavonoid khác nhau có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 khác nhau. Việc hấp thụ nhiều anthocyanin hơn, có trong nho, quả mọng, táo và tạo ra màu đỏ đậm, xanh lam và tím, có liên quan đến nguy cơ thấp hơn 19%; lượng flavan-3-ol trong ca cao và trà cao hơn giúp giảm 26% nguy cơ; flavonol trong ca cao, giúp giảm 28% nguy cơ; và proanthocyanidin, trong hạt nho và trái việt quất, giúp giảm 27% nguy cơ.
Các phát hiện cho thấy ăn nhiều thực phẩm chứa flavonoid, đặc biệt là trà, quả mọng và táo, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường và chức năng thận, gan. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm dồi dào flavonoid có thể giúp kiểm soát cân nặng, giảm hơn nữa nguy cơ bị tiểu đường loại 2.
Bệnh tiểu đường lan tràn ở Hoa Kỳ
Nghiên cứu này ủng hộ cho khuyến nghị của các hướng dẫn ăn uống rằng cần bổ sung trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng và táo, để giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Theo Hiệp Hội Tiểu đường Hoa Kỳ, 38.4 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 11.6% dân số, được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường vào năm 2021. Hơn 1 triệu người bị bệnh tiểu đường mỗi năm và hơn 350,000 người từ 20 tuổi trở xuống phải sống chung với căn bệnh này.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo có 97.6 triệu người Mỹ từ 18 tuổi trở lên bị bệnh tiểu đường, chiếm 38% dân số.
Phương Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times