Thuốc thảo dược tự làm để đuổi muỗi và bọ ve
Nhà giáo dục về liệu pháp thảo dược Quách Tư Quân giải thích với chương trình "Health 1+1" của Thời báo The Epoch Times rằng các loại thảo mộc thơm có thể giúp ngăn ngừa côn trùng cắn. Dưới đây là chia sẻ của cô về cách tự làm thuốc đuổi muỗi và tinh dầu sơ cứu.
Hai loại hydrosol xua đuổi côn trùng và giảm ngứa
Vào mùa hè, muỗi đốt có thể gây mẩn đỏ, sưng tấy và ngứa ngáy liên tục trong ngày. Điều này khiến bạn khó ngủ ngon vào ban đêm và thiếu năng lượng khi làm việc vào ban ngày. Nếu bạn gãi ngứa không đúng cách, vi khuẩn dễ xâm nhập vào da và gây viêm mô tế bào. Vì vậy, cô Quách nhấn mạnh rằng việc quan trọng là phải giảm ngứa, giảm sưng tấy ngay sau khi bị muỗi đốt.
Để giảm ngứa, một số người sẽ vò nát cây húng chanh (tần dày lá), họ hàng của cây kinh giới và bôi trực tiếp lên da để giảm ngứa. Tuy nhiên, cô Quách nhấn mạnh rằng không nên làm như thế vì húng chanh chứa thành phần tinh dầu mạnh, không thích hợp để bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, dẫn đến loét da trầm trọng.
Cô Quách khuyên nên dùng hydrosol hoa oải hương và hydrosol bạc hà tự nhiên để giảm ngứa. Cả hai đều có mùi hương khiến muỗi không thích, giúp xua đuổi côn trùng, làm dịu cơn ngứa. Hydrosol là sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất tinh dầu thực vật, chứa khoảng 0.02% phân tử tinh dầu. Hydrosol có mùi dịu nhẹ và không gây kích ứng nên thích hợp để dùng trực tiếp lên da.
Thuốc chống côn trùng thảo dược tự làm
Khi được tinh chế đúng cách, dầu khuynh diệp chanh (lemon eucalyptus) và tinh dầu khuynh diệp (eucalyptus) có chứa thành phần PMD (p-menthane-3.8-diol) giúp đuổi muỗi hiệu quả.
Một điều quan trọng cần lưu ý về dầu khuynh diệp chanh (OLE) là nó không giống với tinh dầu khuynh diệp chanh, mặc dù có tên tương tự. Dầu khuynh diệp chanh chủ yếu chứa PMD, trong khi tinh dầu chủ yếu là sả.
Cô Quách khuyên bạn nên mua dầu và tinh dầu khuynh diệp về sử dụng riêng lẻ hoặc trộn đều rồi nhỏ một vài giọt lên miếng dán tinh dầu, sau đó dán lên quần áo để ngăn muỗi. Bạn có thể tái dùng miếng dán nhiều lần trong khoảng một tuần.
Cô nói thêm rằng, ngoài ra còn có các loại thuốc chống côn trùng hiệu quả khác như sả, bạc hà, sả chanh, tuyết tùng, đinh hương, sầu đâu, hoắc hương và phong lữ.
Công thức pha chế như sau:
- 20ml (0.67 ounce) hydrosol hoa oải hương tự nhiên
- 5ml (0.16 ounce) dầu sầu đâu
- 2 giọt tinh dầu hương thảo
- 3 giọt tinh dầu oải hương
- 3 giọt dầu khuynh diệp chanh
- 2 giọt tinh dầu bạc hà
- 1 giọt tinh dầu quế.
Cho hỗn hợp vào chai 20ml (0.67 ounce) hoặc 30ml (1.01 ounce) và xịt lên quần áo. Xịt lại sau mỗi 2 giờ.
Cô Quách nhắc nhở rằng hydrosol đúng phải là không màu, khác với một số sản phẩm bán trên thị trường chỉ đơn giản là nước pha loãng với tinh dầu. Khi mua tinh dầu quế, nên chọn quế Ceylon, vì loại quế này được xem là an toàn hơn loại quế Cassia.
Cách phòng ngừa bọ ve cắn
Vào tháng 6, một phụ nữ 70 ở Nhật Bản đã tử vong vì virus Oz, đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên thế giới do nhiễm virus lây truyền qua bọ ve.
Bọ ve là loài ký sinh nhỏ sống trên động vật, đặc biệt là ở hươu và gấu trúc. Bọ ve mang vi khuẩn có thể lây truyền nhiều loại bệnh cho người và vật nuôi. Cô Quách nhắc nhở mọi người hãy đề phòng hươu hoặc gấu mèo vào sân nhà vì bọ ve xâm nhập vào những loài động vật này có thể cắn người.
Sau khi bị bọ ve cắn, các triệu chứng khác nhau sẽ xuất hiện nhưng vì khó xác định nguyên nhân nên nhiều trường hợp được chẩn đoán là trầm cảm, rối loạn tâm thần hoặc bệnh tim.
Vết cắn của bọ ve nhiễm vi khuẩn Borrelia burgdorferi cũng có thể gây bệnh Lyme với các triệu chứng bất thường ở mô da, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ cơ xương.
Dưới đây là 10 loại tinh dầu và gia vị có hoạt tính mạnh, giúp chống lại các tế bào pha nghỉ của Borrelia burgdorferi và có khả năng phòng ngừa bệnh Lyme:
- Quế.
- Tỏi.
- Tiêu.
- Cây thì là.
- Sả hồng.
- Một dược.
- Gừng cảnh (họ hàng của gừng).
- Đàn hương.
- Xạ hương.
- Màng tang.
- Dầu khuynh diệp chanh.
Sơ cứu bằng thảo dược cho hoạt động ngoài trời
Nếu bạn vui chơi ở nơi hoang dã, cô Quách khuyên bạn nên mang theo tinh dầu tràm trà và tinh dầu oải hương để sơ cứu khi bị côn trùng cắn. Cả hai đều có đặc tính chống sưng tấy và ít gây dị ứng ngay cả khi không pha loãng.
Cô Quách cho biết tinh dầu oải hương tự nhiên còn có thể sơ cứu trong trường hợp bỏng và bỏng nước. Sau khi dùng nước rửa vùng bị bỏng cháy và bỏng nước, thoa tinh dầu và hydrosol oải hương tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa phồng rộp. Đối với tinh dầu tràm trà, tốt nhất là dùng các sản phẩm mới chiết xuất. Cả hai loại tinh dầu này đều tương đối dịu nhẹ, nhưng nếu vẫn cảm thấy quá khó chịu cho làn da, bạn cũng có thể trộn thêm dầu nền trước khi dùng.
Nếu bạn không chuẩn bị thuốc chống ngứa khi ở ngoài trời, cô Quách gợi ý nên dùng Âu thi thảo, một loại cây phổ biến ở Hoa Kỳ. Vò nát lá hoặc hoa rồi đắp lên da có thể làm dịu cơn ngứa. Phương pháp này không gây kích ứng da và có thể giúp giảm sưng. Nếu bạn bị sốt hoặc vết thương sưng tấy sau khi bị muỗi đốt, bạn có thể cắt lá Âu thi thảo, ngâm trong nước sôi và uống khoảng 4 chén mỗi ngày để giúp giảm sưng tấy.
Thuốc chống côn trùng thơm tự làm
Để phòng ngừa côn trùng cắn vào mùa hè, cô Quách khuyên nên làm thuốc chống côn trùng có mùi thơm. Bạn có thể sử dụng máy khuếch tán hương thơm, thêm 3 giọt dầu khuynh diệp chanh, 2 giọt tinh dầu oải hương và 1 giọt tinh dầu hoa phong lữ. Công thức này không chỉ dùng để đuổi muỗi mà còn có mùi thơm dễ chịu, có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ cho phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc mãn kinh.
Cô Quách khuyên không nên dùng máy khuếch tán liên tục trong vài giờ. Nên bật trong khoảng 1 giờ, sau đó tắt máy và mở cửa sổ để tăng lưu thông không khí. Nếu bạn muốn dùng lại máy khuếch tán, nên thêm tinh dầu mới.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.