Thuốc ngăn ngừa đau nửa đầu giúp giảm triệu chứng và hạn chế lạm dụng thuốc

Theo một nghiên cứu mới, Atogepant làm giảm số ngày đau nửa đầu và giảm lạm dụng thuốc giảm đau ở người bị bệnh này.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra một loại thuốc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, đồng thời có hiệu quả trong việc giảm các cơn đau đầu hồi ứng do lạm dụng thuốc giảm đau ở nhóm người mắc bệnh này.

Giảm đáng kể việc lạm dụng thuốc

Nghiên cứu được công bố vào ngày 26/6 trên Neurology (Tập san Thần Kinh Học), với sự tham gia của 755 người mắc chứng đau nửa đầu mạn tính. Atogepant (Qulipta), một chất đối kháng thụ thể peptide liên quan đến gene calcitonin (CGRP), hoạt động bằng cách ngăn chặn một protein quan trọng đối với quá trình khởi đầu đau nửa đầu. Atogepant đã được Hoa Kỳ chấp thuận đưa vào sử dụng năm 2021.

Những người tham gia dùng atogepant 2 lần/ngày trong 12 tuần cho biết, trung bình số ngày đau nửa đầu và đau đầu mỗi tháng ít hơn 3 lần so với nhóm dùng giả dược. Những người dùng atogepant 1lần/ngày giảm được 2 lần đau nửa đầu và đau đầu mỗi tháng.

Nghiên cứu, do nhà sản xuất thuốc AbbVie tài trợ, phát hiện ra việc lạm dụng thuốc cũng đã giảm đáng kể. Trong số những người tham gia dùng atogepant 2 lần/ngày, việc lạm dụng thuốc giảm đau cấp tính đã giảm 62%, trong khi những người dùng thuốc giảm đau 1 lần/ngày giảm 52%.

Những phát hiện này cho thấy atogepant có thể giúp giảm nguy cơ đau đầu hồi ứng bằng cách giảm sử dụng thuốc giảm đau cấp tính, có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc chứng đau nửa đầu.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Peter J. Goadsby của King’s College London (Đại học Nhà Vua Luân Đôn), thành viên của Viện Thần kinh học Hoa Kỳ, cho biết trong báo cáo, “Có tỷ lệ lạm dụng thuốc giảm đau cao ở những người bị chứng đau nửa đầu khi cố gắng kiểm soát những triệu chứng gây suy nhược cơ thể này.” Ông mô tả những phát hiện này là “đáng khích lệ”, và cho biết rằng, atogepant có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau ở bệnh nhân đau nửa đầu mạn tính.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Goadsby, người đã báo cáo việc nhận chi phí cá nhân từ AbbVie trong quá trình nghiên cứu, lưu ý rằng, cần nghiên cứu thêm để đánh giá tính an toàn, hiệu quả lâu dài của atogepant và nguy cơ tái bùng phát do lạm dụng thuốc.

Các tác dụng phụ thường gặp của atogepant bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, chán ăn, sụt cân và chóng mặt.

Thuốc trị đau nửa đầu là con dao hai lưỡi

Rối loạn đau đầu, bao gồm chứng đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng và đau đầu từng cơn, là một trong những bệnh lý phổ biến nhất của hệ thần kinh. Tiến sĩ Cynthia E. Armand, nhà thần kinh học và là giám đốc lâm sàng tại Trung tâm Đau đầu Montefiore ở New York, nói với The Epoch Times rằng, việc điều trị các cơn đau nửa đầu càng sớm càng tốt là rất quan trọng vì các triệu chứng sẽ ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian.

Bà nói, “Chúng tôi biết các cơn đau nửa đầu là một chuỗi tín hiệu thần kinh tăng theo thời gian. Chúng ta càng kéo dài thời gian chờ điều trị thì các triệu chứng càng có nhiều thời gian để tiến triển nghiêm trọng hơn và khó điều trị hơn.”

Tiến sĩ Armand cho biết thêm, việc lạm dụng thuốc là đặc biệt phổ biến đối với các chứng rối loạn đau đầu mạn tính do nhu cầu giảm đau thường xuyên.

Việc lạm dụng thuốc giảm đau là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau đầu hồi ứng. Lạm dụng thuốc được định nghĩa là dùng thuốc giảm đau đơn giản từ 15 ngày trở lên hoặc các loại thuốc như triptans, ergots, opioid hay kết hợp trong 10 ngày trở lên/tháng.

Hàng năm có khoảng 1% đến 2% người bị đau đầu do lạm dụng thuốc, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ và những người bị đau mạn tính, trầm cảm hoặc lo lắng.

Đau đầu hồi ứng theo mô hình sau:

  • Xảy ra khi thức dậy hoặc ngay sau đó.
  • Cơn đau sẽ được cải thiện khi dùng thuốc nhưng sẽ quay trở lại khi thuốc hết tác dụng.
  • Cơn đau đầu tăng lên khi thuốc hết tác dụng.
  • Thuốc giảm đau trở nên kém hiệu quả.

Tiến sĩ Armand khuyên nên chuẩn bị sẵn thuốc đồng thời cũng đề xuất liệu pháp thiền định và chánh niệm như những phương pháp giảm đau thay thế.

Lo ngại nguy cơ tim mạch của thuốc ức chế CGRP

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, thuốc ức chế CGRP tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm cả các biến cố tim mạch nghiêm trọng.

Nghiên cứu gần đây được công bố trên Frontiers in Neurology (Tập san Lĩnh Vực Thần Kinh Học) cho thấy hơn 3% trong số gần 200 người tham gia nghiên cứu dùng erenumab (Aimovig) hoặc fremanezumab (Ajovy) – phương pháp điều trị ngăn ngừa chứng đau nửa đầu – có kết quả điện tâm đồ bất thường hoặc các biến chứng tim mạch bất lợi. Hơn 1.5% trong số này ở mức độ từ trung bình đến nặng, dẫn đến phải ngưng điều trị. Các biến cố được báo cáo bao gồm đột quỵ tiểu não, bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) và viêm màng ngoài tim.

Mặc dù không có báo cáo nào về thuốc atogepant ức chế CGRP, nhưng nhà sản xuất AbbVie vẫn khuyến cáo nên thận trọng khi kê đơn cho bệnh nhân lớn tuổi. Công ty khuyến nghị nên bắt đầu với liều thấp nhất có hiệu quả, và tính đến khả năng bị suy giảm chức năng gan, thận hoặc tim cao hơn cũng như khả năng tương tác thuốc ở nhóm tuổi này.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn