Thực phẩm siêu chế biến liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ trầm cảm và lo âu
Theo một bài báo mới được công bố bởi các nhà nghiên cứu Úc, việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến như nước ngọt, thức ăn nhanh và đồ ăn đông lạnh có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Các chuyên gia từ Đại học Deakin ở Victoria phát hiện ra rằng sự gia tăng nhanh chóng của các loại thực phẩm siêu chế biến giá rẻ, tiện lợi và được bày bán rộng rãi trên các kệ siêu thị có tác động xấu đến bộ não, cơ thể và hành tinh của chúng ta.
Trong bài báo “Thực phẩm tốt là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe bộ não, vì vậy chúng ta phải thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm,” các nhà nghiên cứu lập luận rằng thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến nguy cơ cao bị nhiều bệnh trầm trọng như bệnh tim, tiểu đường, và các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, căng thẳng oxy hóa, giảm khả năng thích ứng của não và phá vỡ trục vi hệ – đường ruột – não.
Bài báo lưu ý: “Đó là lý do tại sao hệ vi sinh vật đường ruột ngày càng được công nhận là yếu tố chính liên kết sức khỏe con người và môi trường.”
“Mất đi sự đa dạng trong hệ vi sinh vật đường ruột của con người do cách ăn uống có liên quan đến các kết cục sức khỏe kém hơn đối với bệnh ung thư, bệnh miễn dịch, và chuyển hóa, cũng như sức khỏe tâm lý ở trẻ em, chứng trầm cảm và khả năng nhận thức theo tuổi.”
Lane nói với 3AW Breakfast: “Điều đó cho thấy nguy cơ bị bệnh trầm cảm tăng lên rõ rệt ở những người có cách ăn uống hàng ngày chứa khoảng 30% từ thực phẩm chế biến sẵn.”
“Đó chỉ là một phát hiện thực sự thú vị rằng dường như có một ngưỡng [tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn] làm tăng nguy cơ trầm cảm.”
Bài báo được công bố bởi Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice vào ngày 08/05.
Thực phẩm siêu chế biến là gì?
Theo hệ thống phân loại thực phẩm NOVA được công nhận trên toàn cầu, thực phẩm siêu chế biến chủ yếu được làm theo các công thức công nghiệp thường không thể tìm thấy trong bếp ăn, chẳng hạn như chất làm ngọt nhân tạo, chất nhũ hóa, dầu hydro hóa, và chất béo.
Chúng chứa rất ít thành phần tự nhiên, thay vào đó là các chất tạo các đặc tính giống thực phẩm thật.
Ví dụ về thực phẩm siêu chế biến là bánh mì và bánh bao đóng gói được sản xuất hàng loạt, thức ăn nhẹ đóng gói, súp ăn liền đóng gói, bánh nướng và pizza làm sẵn, bánh mì kẹp thịt, xúc xích, bánh quy, nước tăng lực, ‘ngũ cốc’ cho bữa sáng, và sữa công thức dành cho trẻ dưới 1 tuổi.
Chiếm từ 17% – 56% tổng lượng năng lượng tiêu thụ hàng ngày ở 28 quốc gia, thực phẩm siêu chế biến thường có bao bì hấp dẫn và được quảng cáo rầm rộ tới người tiêu dùng.
Trong khi đó, thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hai hoặc ba thành phần, chẳng hạn như trái cây và rau được bảo quản, bánh mì tươi, cá đóng hộp, và pho mát.
Các chuyên gia của Deakin lập luận rằng ngành công nghiệp kinh doanh thực phẩm công nghiệp đang thống trị hệ thống thực phẩm toàn cầu thời nay là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của thực phẩm siêu chế biến, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và làm xói mòn “vốn chất xám.”
Vốn chất xám được hiểu là trí tuệ tập thể, tài năng và chuyên môn để giải quyết vấn đề, đổi mới, và học tập. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, xây dựng kỹ năng, sức khỏe tinh thần và năng lực trí tuệ để đạt được tiến bộ và thành công.
Kêu gọi cải cách chính sách công
Giáo sư Michael Berk của Đại học Deakin, đồng tác giả của bài báo, kêu gọi thay đổi chính sách công để cải thiện sức khỏe tâm thần, trí não, và đường ruột.
“Cần phải có sự chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu thông qua chính sách công, cải cách chăm sóc lâm sàng và chống lại thông tin sai lệch do ngành công nghiệp thực phẩm đưa đến,” giáo sư Berk nói, theo bản tin của Đại học Deakin.
Bài báo đã đưa ra một loạt khuyến nghị nhắm đến thực phẩm siêu chế biến trong các hướng dẫn và chính sách về cách ăn uống, hạn chế quảng cáo thức ăn vặt, đặc biệt là cho trẻ em và phát triển các chương trình hỗ trợ thực phẩm để khuyến khích cách ăn giàu thực phẩm toàn phần chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu.
Họ cũng đề xuất các cơ quan chức năng nên yêu cầu dán nhãn trước bao bì để cảnh báo những tác động đối với sức khỏe của thực phẩm siêu chế biến có sẵn trong các tổ chức công và thực hiện các chính sách đối lập lợi ích mạnh mẽ để hạn chế tác động của ngành thực phẩm đối với việc phát triển chính sách.
Bài báo viết: “Ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu đã tạo điều kiện cho việc cung cấp và chi trả đối với các loại thực phẩm đa dạng và bổ dưỡng. Điều này cho phép sản xuất lương thực theo kịp tốc độ tăng dân số nhanh chóng và giảm nạn đói.”
“Tuy nhiên, ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu cũng gây ra 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, 70% lượng nước ngọt bị thu hồi, ô nhiễm, phần lớn nhựa sử dụng, chất độc hóa học nông nghiệp, và là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học toàn cầu.
Mô hình gần đây ước tính chi phí của hệ thống lương thực toàn cầu hiện tại là 20 nghìn tỷ USD mỗi năm, với 11 nghìn tỷ phát sinh từ các tác động hạ nguồn đối với sức khỏe con người, và 7 nghìn tỷ từ các tác động môi trường.”
Phó Giáo sư Harris Eyre, Giảng viên thỉnh giảng, Nghiên cứu viên về Sức khỏe Não bộ tại Viện Baker, cho biết truyền thông sức khỏe cộng đồng cần nhấn mạnh tác động của hệ thống thực phẩm và thức ăn tiêu thụ đối với sức khỏe trí óc.
Phó giáo sư Eyre cho biết: “Loại thông điệp này đã được chứng minh là có thể thay đổi thói quen ăn kiêng, ngay cả ở những nhóm dân số khó tính như nam giới trẻ tuổi.”
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times