Thực phẩm ngăn ngừa và điều trị bệnh như thế nào?
Các bác sĩ Trung y tin rằng một số thực phẩm có công dụng điều hoà cơ thể, giúp cơ thể tránh được bệnh tật.
Hồi nhỏ khi bị bệnh, tôi luôn được bố mẹ đưa đến bác sĩ Tây y. Khi trưởng thành, tôi cũng làm như vậy và không nghĩ đến việc gặp bác sĩ Trung y.
Tuy nhiên, một kinh nghiệm trong cuộc sống đã khiến tôi nhận ra rằng các nguyên lý về đặc tính chữa bệnh của thực phẩm trong Trung y là đúng đắn. Khi đó, tôi đã rất ngạc nhiên. Khái niệm “Y thực đồng nguyên” khiến tôi cảm thấy Trung y rất bao la và thâm thúy.
Canh gà hầm rượu giúp tôi tránh được thủ thuật nạo buồng tử cung sau sảy thai
Trong lần mang thai đầu tiên, tôi bị sảy khi thai được 10 tuần tuổi. Vào thời điểm đó, tôi đang sống ở Canada. Tại phòng khám, bác sĩ nói rằng cổ tử cung của tôi đã nở ra và tôi chắc chắn đã bị sảy thai – nhưng bà không chấp nhận cách làm thông thường là lập tức tiến hành nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung. Bà đề nghị tôi theo dõi tình trạng xuất huyết. Miễn là tình trạng xuất huyết không quá trầm trọng, tôi có thể đợi một hoặc hai ngày trước khi quyết định phải làm gì tiếp.
Ngày hôm sau tôi đi mua sắm và ăn tối ở nhà mẹ tôi. Mẹ hỏi tôi, “Con đang bị sảy thai mà? Sao mà con vẫn có thể đi mua sắm như không có gì xảy ra vậy?” Sau đó, bà nấu cho tôi một ít “canh gà hầm rượu.”
Canh gà hầm rượu được phụ nữ ở Quảng Đông, Trung Quốc ăn sau sinh. Các thành phần chính gồm nấm đen, nấm kim châm, thịt gà, gừng, và rượu gạo. Đậu phộng có thể được cho thêm vào tùy theo sở thích.
Món canh rất ngon. Tôi ăn canh và tiếp tục làm công việc thường ngày của mình. Khoảng hai tiếng sau, cảm thấy có cái gì đó đang xảy ra trong bụng, nên tôi đến phòng cấp cứu của bệnh viện – nhưng khi gần đến cửa, tôi không thể đi được nữa (sau này tôi mới biết rằng một người khi sắp sinh sẽ cảm thấy yếu ở đầu gối). Tôi quỳ trên mặt đất, cảm thấy có thứ gì đó bị trục ra, sau đó tôi cảm thấy bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Thứ đấy giống như một mảnh có hình quả trứng.
Sau đó, mẹ tôi bảo tôi nấu món canh này và uống trong vài ngày cho đến khi cơ thể không còn phản ứng gì nữa. Quả thực, mấy ngày đầu, mỗi lần ăn canh là tôi thấy máu ra nhiều hơn. Và tôi không còn triệu chứng nào nữa sau vài ngày ăn món canh đó.
Các nguyên liệu trong món canh này được người Á châu sử dụng hàng ngày khi nấu ăn – tuy nhiên, món canh kết hợp những nguyên liệu này đã giải quyết được vấn đề sức khỏe sau khi sảy thai.
Trung y cho rằng khí (sinh lực), huyết, tinh, và dịch là những chất cần thiết cho hoạt động sống. Tất cả đều bắt nguồn từ nội tạng và lưu chuyển không ngừng bên trong cơ thể. Việc bảo đảm đủ các chất thiết yếu này và lưu thông khắp cơ thể rất quan trọng cho sức khỏe và tinh thần.
Bệnh tật xảy ra là do các yếu tố trong môi trường. Sáu thứ gây ra bệnh gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), tỏa (nhiệt).
Trung y cho rằng mộc nhĩ có có tác dụng hoạt huyết và dưỡng huyết; thịt gà có tác dụng bổ khí dưỡng huyết; nấm kim châm có thể loại huyết thấp; các thành phần khác nhau như lecithin, calcium, phosphorus, và vitamin trong hoa hiên có thể trì hoãn lão hoá; còn gừng có tác dụng trừ phong hàn, tán hàn, kích thích co bóp tử cung, giúp bài tiết sản dịch sau khi sinh (dịch tiết ra từ âm đạo sau khi sinh).
Đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi về “y thực đồng nguyên.”
Thuốc và thực phẩm đều có công dụng trị liệu
Trung y cho rằng thuốc và thực phẩm đều có sự tương đồng về công dụng trị liệu, nhưng có sự khác biệt về “liều lượng.” Thuốc sử dụng liều lượng thấp nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn, còn thực phẩm có thể tiêu thụ lượng nhiều hơn và ít tác dụng phụ hơn.
Theo Trung y, thức ăn cũng như thuốc đều có “tính chất và mùi vị” khác nhau – cũng được chia thành bốn thuộc tính khác nhau là “nóng, ấm, mát và lạnh” và năm loại vị là “chua, đắng, ngọt, cay, và mặn.”
Ví dụ, thịt và gia vị có tính ấm, thúc đẩy tuần hoàn trong cơ thể và giúp chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng, trong khi trái cây mùa hè, hải sản, rau xanh, v.v. có tính hàn lại khiến chúng ta cảm thấy sảng khoái.
Điều này cũng liên quan đến khái niệm “điều hòa” trong Trung y. Thể chất khác nhau, thức ăn khác nhau, thuốc men khác nhau có tác dụng khác nhau đối với cơ thể con người. Thông qua điều chỉnh và đạt được sự cân bằng, cơ thể có thể khỏe mạnh và chúng ta cũng có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Trung y có lịch sử hàng nghìn năm và chứa đầy trí tuệ của người Trung Quốc cổ đại. Tôn Tư Mạc (581–682), danh y thời Đường, đã đề cập trong chương “thực trị thiên” của quyển “Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương” rằng“thực liệu bất dũ, nhiên hậu mệnh dược – ý tứ là các thầy thuốc cần phải dùng ẩm thực để điều trị cho bệnh nhân;Nếu không khỏi thì mới dùng thuốc để trị bệnh. Ông cũng trích dẫn lời của thầy thuốc Trương Trọng Cảnh) (150–219), một danh y thời Đông Hán rằng:“Nhân thể bình hòa, duy tu hảo tương dưỡng, vật vọng phục dược”, ý rằng,cơ thể con người cân bằng, điều duy nhất cần thiết là chăm sóc nó thật tốt, không uống thuốc bừa bãi.”
Tôn Tư Mạc tin rằng không nên xem nhẹ việc điều trị bằng thuốc, vì thuốc có dược tính rất mạnh. Thuốc tương tự như một đội quân trong cơ thể chúng ta. Khi nó quá mạnh sẽ gây ra nhiều tổn thương, cho nên việc chữa và phòng bệnh ban đầu phải thông qua cách ăn uống.
Cách nay 2,500 năm tại Hy Lạp cổ đại, ông tổ nghề y Hippocrates đã nói: “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn.” Quan niệm này của ông cũng tương đồng như “món ăn vị thuốc” vậy.
Món cà ri giảm tỷ lệ ung thư ở Ấn Độ
Bác sĩ Michael Greger, một bác sĩ đa khoa chuyên về dinh dưỡng lâm sàng ở Hoa Kỳ, đã viết trong quyển “Làm Thế Nào Để Không Phải Chết” rằng tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở phụ nữ Ấn Độ chỉ bằng 1/10 so với phụ nữ Hoa Kỳ và ung thư nội mạc tử cung cũng như ung thư hắc tố chỉ bằng 1/9 số người ở Hoa Kỳ. Còn nam giới ở Hoa Kỳ bị ung thư đại trực tràng cao gấp 11 lần, ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 23 lần, ung thư phổi và ung thư bàng quang cao gấp 7 lần so với nam giới ở Ấn Độ.
Củ nghệ, thành phần chính trong món cà ri được người dân Ấn Độ tiêu thụ hàng ngày, được xem là một trong những yếu tố chính làm giảm tỷ lệ ung thư ở Ấn Độ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trên những trường hợp bệnh nhân có khối polyp (polyp là một dạng tế bào bị tổn thương có hình dáng giống với một khối u nhưng lành tính) chuyển dạng sang ác tính và trở thành ung thư, hoặc thậm chí trên những bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, thì củ nghệ cũng có thể giúp một phần ba trong số họ làm chậm quá trình thoái hóa của chúng trong hai đến bốn tháng.
Bác sĩ Greger giải thích rằng tất cả các tế bào đều có cơ chế tự chết [theo chương trình] và cơ thể thỉnh thoảng sử dụng các thành phần trong thực phẩm để tự xây dựng lại, nhưng các tế bào ung thư tắt cơ chế tự chết này và cuối cùng phân chia để tạo thành khối u. Chất curcumin trong nghệ dường như có thể lập trình lại cơ chế tự chết trong tế bào ung thư bằng cách kích hoạt caspase (enzyme protease) và cắt đứt protein bên trong tế bào ung thư.
Bệnh đến từ thói quen ăn uống
Trước khi trở thành một chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng quốc tế, bác sĩ Greger đã chứng kiến bà của mình sống thêm 31 năm sau khi bà bị một cơn đau tim thập tử nhất sinh – nhờ chuyển sang ăn thực phẩm nguyên chất từ thực vật (thực phẩm chưa qua chế biến). Do đó, ông tin rằng “bệnh tật đến từ thói quen ăn uống.”
Ông Hiromi Shinya, 72 tuổi, bác sĩ nội soi ở Nhật Bản và Hoa Kỳ, đã hành nghề 45 năm. Ông đã chẩn đoán và điều trị hơn 300,000 trường hợp ung thư – nhưng chưa bao giờ cấp giấy chứng tử cho bệnh nhân nào. Sau khi được phẫu thuật, dưới sự chăm sóc, hướng dẫn của ông, bệnh nhân của ông đã khỏi bệnh, không tái phát hay di căn nhờ điều chỉnh nghiêm ngặt cách ăn uống, sinh hoạt, từ bỏ sự lệ thuộc vào thuốc. Bác sĩ Shinya nói rằng kể từ khi học y khoa, ông đã không uống bất kỳ loại thuốc nào và chưa bao giờ bị bệnh.
Trong quyển “Làm Thế Nào Để Sống Lâu và Không Bao Giờ Bệnh Tật,” bác sĩ Shinya viết rằng ông đã tìm ra nguyên nhân thực sự của những căn bệnh nan y thời hiện đại, như ung thư, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, sốt cỏ khô, viêm da dị ứng và loét, viêm dạ dày ruột – đều đến từ những thói quen ăn uống trong thời gian lâu dài và phụ thuộc vào thuốc một cách thiếu hiểu biết.
Bác sĩ Shinya cũng đề cập rằng khi quan sát trực tiếp bệnh nhân qua nội soi đường tiêu hóa, ông nhận thấy những người bị các bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú và ung thư phổi thường được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa cùng một lúc. Ông đã chỉ ra trong cuốn sách của mình rằng dạ dày và đường ruột không khỏe mạnh là nguồn gốc của mọi bệnh tật, và sự suy thoái của đường tiêu hóa là gốc rễ.
Trung y cho rằng, các vấn đề về đường tiêu hóa và hệ tiêu hóa thuộc “tỳ và vị.” Đây là hai cơ quan căn bản và là “nguồn sản sinh ra khí và huyết.” Nếu tỳ vị tiêu hóa và hấp thu tốt, thì thức ăn hàng ngày có thể chuyển thành khí và huyết một cách hiệu quả, khí và huyết có thể được bổ sung một cách tự nhiên.
Ngoài ra, nếu tỳ vị khỏe mạnh sẽ không dễ bị mầm bệnh bên ngoài xâm nhập. Sau đó, khí huyết trong cơ thể sẽ có thể tuần hoàn thông suốt mà không bị tắc nghẽn. Do đó, để duy trì sức khỏe tốt và không bị bệnh, điều quan trọng là phải điều hòa hai cơ quan tỳ và vị này.
Cơ thể con người là một “hệ thống hoàn chỉnh”
Bác sĩ Shinya tin rằng phần lớn các căn bệnh hiện đại là do cách ăn uống và thói quen không lành mạnh, và thậm chí là do cả yếu tố tinh thần gây ra.
Ông nói trong quyển sách của mình rằng, hiện nay hầu hết các phương pháp điều trị chỉ dùng thuốc để trị triệu chứng, tức là không nhắm vào nguyên nhân mà chỉ ức chế triệu chứng và giảm đau tạm thời. Thuốc có thể làm giảm huyết áp, hạ sốt và giảm đau. Bản thân thuốc không thể điều trị nguyên nhân một cách căn bản, và dùng thuốc liều cao thì có thể gây hại. Các phương pháp chống ung thư rất độc hại và có thể phá hủy nặng nề hệ thống miễn dịch.
Bác sĩ Shinya cho biết hầu hết các bác sĩ chỉ điều trị bệnh khi căn bệnh đã nặng, đã ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống bình thường của bệnh nhân. Khi đó, họ dùng thuốc hoặc phẫu thuật những tổn thương có thể nhìn thấy mà không chú ý đến nguyên nhân gây ra bệnh trước khi nó phát triển đến mức trầm trọng. Họ không xem xét thói quen ăn uống, mối quan hệ giữa các cá nhân, trạng thái tinh thần hoặc môi trường sống của bệnh nhân.
Người Trung Quốc có một thành ngữ là “Băng dày ba thước không bởi cái lạnh một ngày.” Bệnh tật không tự dưng xuất hiện mà phải có một quá trình phát triển. Trước khi một căn bệnh phát triển thành cơn đau không thể chịu nổi và những tổn thương có thể quan sát được, đó là tình trạng “vị bệnh (bệnh chưa hình thành). Trung y thời xưa cho rằng, thầy thuốc nào có thể trị được vị bệnh thì được gọi là Thượng Y (Thầy thuốc tài giỏi).
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes