Thói quen phổ biến trong nhà bếp làm tăng nguy cơ ung thư

Cách bảo quản đồ ăn thừa, lựa chọn dụng cụ nấu ăn và cả biện pháp thông khí căn bếp đều sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư

Bảo quản những sợi mì thừa không đúng cách không chỉ làm biến đổi hương vị, mà có thể mang đến nhiều rắc rối hơn.

Ông Chao Ming-wei đã chia sẻ trên chương trình “Sức khỏe 1+1” của Epoch Times về cách giảm nguy cơ ung thư thông qua những thay đổi nhỏ trong lối sống. Ông là nhà độc chất học Hội Đồng Độc Chất Hoa Kỳ chứng nhận, và là phó giáo sư tại Khoa Công Nghệ Sinh Học thuộc Đại học Cơ Đốc Giáo Chung Yuan ở Đài Loan. Ông cũng chia sẻ biện pháp bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và cách rửa, nấu rau giúp giảm thiểu ảnh hưởng của những chất độc hại đối với cơ thể.

Dấu hiệu của bệnh ung thư

Vào tháng ba, ông Chao, tác giả của cuốn sách mới xuất bản “Mẹ không chiến thắng được ung thư”, đã kể lại trên chương trình “Sức khỏe 1+1” rằng mẹ ông không ăn đồ ngọt, không uống rượu hoặc hút thuốc, nhưng đột nhiên được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy, khiến gia đình vô cùng kinh ngạc.

Ông Chao quan sát thấy chưa đầy một năm sau khi mẹ ông nghỉ hưu ở tuổi 65, bà bắt đầu biểu hiện một số triệu chứng bất thường. Bà thường xuyên bị sốt khoảng hai đến ba tuần một lần và mặc dù ăn rất nhiều, bà vẫn sụt cân. Ban đầu, ông không đưa bà đến khoa ung thư. Ông suy đoán rằng cơn sốt có thể liên quan đến các vấn đề về hệ thống miễn dịch, các vấn đề về nội tiết hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn, vì vậy họ đã đến khoa tiết niệu và khoa tiêu hóa nhưng không thể tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Cuối cùng, họ đến khoa huyết học-ung thư. Khi nghe về các triệu chứng của mẹ anh Chao, bác sĩ đã yêu cầu chụp CT và MRI, phát hiện ra một khối u bên cạnh tuyến tụy của bà.

Ông Chao cho hay ung thư thường âm thầm và không thể nhìn thấy từ bên ngoài, khiến việc phát hiện ở giai đoạn đầu khá khó khăn. Do đó cần phải đặc biệt cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, các triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư bao gồm:

  • Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Sốt hoặc đổ mồ hôi đêm không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi dai dẳng và nghiêm trọng
  • Các khối u hoặc vùng dày lên nằm dưới da
  • Thay đổi thói quen đại tiện hoặc bàng quang
  • Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân
  • Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
  • Khó nuốt, đau sau khi ăn hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Thay đổi da như ngứa hoặc đỏ

Nguy cơ sức khỏe do bảo quản thực phẩm không đúng cách

Nhiều thói quen nấu nướng hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư, một trong số đó là bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chưa đúng.

Ông Chao nhấn mạnh rằng không phải trữ mọi thực phẩm trong tủ lạnh là đã bảo quản tốt. Tủ lạnh là môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, nên dù nhiệt độ thấp làm chậm sự phát triển của chúng nhưng cũng không hoàn toàn ngăn ngừa được.

Ông Chao cho rằng có một số loại thực phẩm nhất định không phù hợp để bảo quản trong tủ lạnh. Ví dụ, thức ăn thừa không được bọc đúng cách trong màng nhựa có thể phát triển vi khuẩn và nấm mốc chỉ sau vài ngày trong tủ lạnh, gây nguy cơ cho sức khỏe cho người ăn.

Độc tố nấm mốc chủ yếu ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua cách ăn uống, hô hấp hoặc tiếp xúc với da. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiếp xúc với nấm mốc tại nhà trong dài hạn làm tăng nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp và ung thư. Một nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với aflatoxin do nấm mốc tạo ra có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư túi mật. Aflatoxin cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư biểu mô tế bào gan.

Ngoài ra nếu không được bảo quản trong tủ lạnh đúng cách, ngũ cốc và các loại đậu như đậu xanh, đậu nành và đậu đỏ có thể bị nhiễm vi khuẩn và nấm mốc, chúng có thể phát triển mạnh ngay cả ở nhiệt độ thấp. Ông Chao kể lại việc đã nhìn thấy đậu nành biến thành “đậu đen” với các đốm mốc sau khi được bảo quản trong tủ lạnh. Do đó, mặc dù không phải luôn cần bảo quản lạnh, nhưng nếu cất trong tủ lạnh, những thực phẩm này phải được để trong hộp kín.

Ông Chao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo quản thuốc đúng cách. Ngoài các loại thuốc có nguồn gốc từ protein và thuốc nhỏ mắt cần bảo quản lạnh, các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc giảm đau và thuốc cảm, không cần bảo quản lạnh và nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Ông Chao đã thấy thuốc viên và viên nang bị mốc do bảo quản không đúng cách.

Về trái cây, ông Chao khuyên nếu có phần trái cây bị mốc thì nên vứt bỏ cả quả thay vì chỉ cắt bỏ phần mốc. Rễ nấm mốc dài có thể xuyên qua lớp vỏ dày và chạm đến phần thịt, nên vẫn có thể ăn phải nấm mốc dù đã loại bỏ phần mốc. Ăn những thực phẩm như vậy thường xuyên có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, dẫn đến các vấn đề như hen suyễn, kích ứng da và viêm da dị ứng.

Đối với phô mai và bánh mì, ông Chao khuyên nên bỏ hết ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của nấm mốc, dù chỉ mốc trên bề mặt, vì có thể khó đánh giá xem nấm mốc đã xâm nhập vào các lớp sâu hơn hay chưa.

Tăng nguy cơ ung thư do thuốc trừ sâu

Dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm nông nghiệp là nguồn chính gây phơi nhiễm thuốc trừ sâu. Một nghiên cứu chỉ ra rằng phơi nhiễm thuốc trừ sâu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư tuyến tụy và não.

Ông Chao giải thích thuốc trừ sâu tích tụ dần trong cơ thể, làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch theo cách tương tự như nấm mốc. Do đó làm giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn của các tế bào miễn dịch.

Thuốc trừ sâu có thể được phân loại thành loại hòa tan trong nước và loại hòa tan trong dầu, trong đó loại hòa tan trong dầu chiếm phần lớn. Khi phun lên cây trồng, thuốc trừ sâu hòa tan trong dầu không bị mưa cuốn trôi, nên rửa bằng nước cũng không thể loại bỏ hết. Ông Chao khuyên bạn nên thêm một lượng nhỏ chất tẩy rửa tự nhiên hoặc baking soda khi rửa. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên sử dụng quá nhiều, vì có thể làm hỏng thực phẩm.

Theo ông Chao, phương pháp thích hợp là ngâm thực phẩm trong nước pha với một lượng nhỏ chất tẩy rửa tự nhiên hoặc baking soda, chà nhẹ bằng miếng bọt biển và rửa sạch dưới vòi nước chảy trong năm phút. Ông cho rằng cách này loại bỏ 80 đến 90 phần trăm thuốc trừ sâu. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu, nhưng phương pháp này có thể làm giảm đáng kể tác hại của chúng đối với sức khỏe.

Một lựa chọn khác là luôn chọn thực phẩm hữu cơ, không có thuốc trừ sâu bất cứ khi nào có điều kiện.

Giảm nguy cơ ung thư phổi bằng máy hút mùi

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Scientific Reports (Báo Cáo Khoa Học) năm 2020 cho thấy việc hít phải khói dầu ăn lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vì vậy nhiều phụ nữ thường xuyên nấu ăn bị bệnh ung thư phổi mặc dù họ không hút thuốc.

Nghiên cứu cũng phát hiện thấy sử dụng máy hút mùi trong dài hạn khi nấu ăn có thể làm giảm hơn 50% nguy cơ ung thư phổi ở những phụ nữ không hút thuốc.

Ông Chao chỉ ra thông thường khi xào đồ ăn, mọi người phi dầu và tỏi, cúi xuống ngửi mùi thơm, sau đó nấu món ăn ở nhiệt độ cao. Những hành động này có thể gây hại cho sức khỏe. Ông giải thích rằng khói dầu sinh ra trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao chủ yếu bao gồm hạt PM 2.5, benzo[a]pyrene, hydrocarbon thơm đa vòng và formaldehyde. Hít phải những loại khói này trong thời gian dài có thể gây ung thư phổi. Ở Châu Á, những bà nội trợ thường xuyên nấu ăn dễ mắc ung thư phổi hơn, ngay cả khi họ không hút thuốc hoặc uống rượu.

Ông Chao khuyên nên lắp đặt máy hút mùi chất lượng cao trong bếp để giảm tác hại của khói dầu độc hại.

Ngoài ra, thay vì xào ở nhiệt độ cao như trước, ông Chao khuyên nên chần qua trước khi xào. Cách làm như sau: làm nóng chảo, cho rau vào, sau đó cho một ít nước, đậy nắp chảo và đun trong vài phút trước khi cho dầu vào xào. Phương pháp này sẽ làm giảm đáng kể lượng khói dầu.

Những dụng cụ nấu nướng gây hại cho sức khỏe

Một số chất độc hại trong dụng cụ nấu có thể ngấm vào thức ăn, làm tăng nguy cơ bị nhiều loại bệnh. Vậy nên chúng ta cần lựa chọn dụng cụ bếp một cách thông thái.

Ông Chao khuyên bạn nên chọn đồ nấu ăn bằng thép không gỉ đã được chứng nhận, có khả năng chịu nhiệt và ít bị dính hơn. Ngược lại, chảo gang dễ dính, thêm nữa chà rửa bằng bàn chải có thể để lại vết xước, nếu nấu ở nhiệt độ cao và bằng dầu thì kim loại nặng có thể ngấm vào thức ăn, gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe.

Ngoài ra, ông Chao lưu ý rằng một số chảo chống dính có lớp phủ Teflon có thể chứa hóa chất độc hại là acid perfluorooctanoic (PFOA), chất này có thể tích tụ trong cơ thể và liên quan đến tăng nguy cơ bị nhiều loại ung thư.

Bên cạnh đó, ông cho biết dụng cụ bằng nhôm dễ bị trầy xước và có thể giải phóng oxide nhôm khi tiếp xúc với các chất có tính acid, dễ dẫn đến các bệnh về thần kinh như sa sút trí tuệ.

Bộ đồ ăn bằng melamine cũng có thể gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe; sử dụng các vật dụng có hàm lượng melamine quá cao sẽ làm tăng khả năng bị sỏi thận, suy thận và thậm chí tử vong. Cuối cùng, bộ đồ ăn bằng nhựa nhiều màu sắc có thể chứa kim loại nặng độc hại trong thuốc nhuộm.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Shan Lam
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn