Thời điểm điều trị ung thư tốt nhất trong ngày
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhịp sinh học ảnh hưởng đến hiệu quả của liệu pháp miễn dịch; điều trị vào thời điểm thích hợp có thể đem lại kết quả điều trị tốt hơn.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi bên trong cơ thể. May mắn thay, hệ miễn dịch hầu như luôn có khả năng nhận ra và loại bỏ các tế bào này. Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư.
Ảnh hưởng của thời điểm trong ngày đến khả năng loại bỏ tế bào ung thư của hệ miễn dịch
Đồng hồ sinh học trong cơ thể hoạt động theo chu kỳ 24 giờ theo quy luật tự nhiên, giúp hỗ trợ vô số quá trình sinh lý. Ví dụ, các tế bào gan sản xuất các enzym tiêu hóa trước khi ăn sáng để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình tiêu hóa bữa ăn sắp tới.
Theo một bài báo gần đây trên tập san Nature, đồng hồ sinh học cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, và khả năng xác định cũng như loại bỏ các tế bào ung thư của hệ miễn dịch thay đổi tùy theo thời điểm trong ngày.
Vào tháng 12/2022, các nhà khoa học từ Đại học Geneva và Đại học Ludwig Maximilian ở Munich đã công bố một nghiên cứu trên tập san Nature minh họa một phương pháp có tính khả thi cao để cải thiện hiệu quả điều trị ung thư: Sử dụng liệu pháp miễn dịch vào đúng thời điểm có thể đạt được kết quả điều trị tốt hơn đáng kể.
Nói cách khác, chỉ cần thay đổi thời điểm điều trị có thể cải thiện đáng kể hiệu quả. Mặt khác, việc bỏ qua yếu tố này có thể đồng nghĩa với việc bỏ lỡ một cơ hội quý giá để chống lại bệnh ung thư một cách hiệu quả, theo nghiên cứu.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu chích tế bào ung thư vào những con chuột khỏe mạnh vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Kết quả cho thấy rằng thời điểm chích ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư. Những con chuột được chích tế bào ung thư trong thời gian nghỉ ngơi có khối u phát triển chậm hơn, trong khi những con được chích trong thời gian hoạt động có khối u phát triển nhanh hơn.
Thật thú vị là người ta không quan sát thấy sự khác biệt như vậy ở những con chuột bị suy giảm miễn dịch. Điều này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu tiến hành một cuộc điều tra chi tiết hơn về vai trò của các tế bào miễn dịch.
Họ quan sát thấy rằng so với các khối u phát triển nhanh, các khối u phát triển chậm chứa nhiều tế bào T gây độc hơn, một loại tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Ngoài các tế bào T diệt, còn có một loại tế bào miễn dịch quan trọng khác là tế bào đuôi gai, xâm chiếm các thành phần của tế bào ung thư, cũng như truyền [tín hiệu] và kích hoạt các tế bào T diệt.
Theo nghĩa ẩn dụ, các tế bào đuôi gai hoạt động như những lính canh phát hiện và chụp ảnh những kẻ tội phạm (tế bào ung thư). Những hình ảnh này sau đó được truyền đến các lực lượng đặc biệt được trang bị vũ khí mạnh là tế bào T diệt như những người lính sẵn sàng chiến đấu và loại bỏ các tế bào ung thư một cách chính xác.
Các tế bào miễn dịch chống lại ung thư tốt hơn khi nghỉ ngơi
Nghiên cứu này cũng báo cáo rằng so với những con chuột được chích tế bào ung thư hoạt động, những con chuột được chích tế bào ung thư trong pha nghỉ ngơi không chỉ có nhiều tế bào đuôi gai hơn trong cơ thể mà những tế bào này còn “tỉnh táo” hơn – biểu hiện nhiều protein có thể kích hoạt hiệu quả các tế bào T gây độc hơn.
Điều này có nghĩa là các tế bào đuôi gai (đóng vai trò là lính canh) được tạo ra trong thời gian nghỉ ngơi của sinh vật không chỉ tồn tại với số lượng lớn hơn mà còn tích cực hơn trong việc kích thích chuyển đổi các tế bào T diệt (lực lượng đặc biệt) từ trạng thái chờ sang trạng thái chiến đấu.
Tuy nhiên, khi chích tế bào ung thư vào lúc đồng hồ sinh học của các tế bào đuôi gai ở chuột bị phá vỡ, thời điểm chích không còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các khối u. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy rằng đồng hồ sinh học có vai trò điều chỉnh việc kích hoạt hiệu quả chống ung thư của tế bào đuôi gai.
Vaccine ung thư cũng được xem là một loại liệu pháp miễn dịch có chứa các thành phần cụ thể của tế bào ung thư giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch tấn công mô ác tính. Do đó, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng việc sử dụng vaccine ung thư vào những thời điểm cụ thể trong ngày có thể làm tăng hiệu quả của chúng trong điều trị ung thư.
Thời điểm chống ung thư tối ưu trong cơ thể con người
Điều đáng chú ý là nghiên cứu này tiến hành trên chuột. Chuột là loài động vật sống về đêm, hoạt động vào ban đêm, với nhịp sinh học trái ngược với con người.
Các nhà nghiên cứu đã nêu trong báo cáo rằng “thời điểm trong ngày để thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào khác liên quan đến kích hoạt hệ miễn dịch cũng có thể quan trọng.”
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích một nghiên cứu trên người được công bố trên tập san Clinical Cancer Research năm 2005, trong đó áp dụng liệu pháp miễn dịch ung thư bằng cách chích vaccine ung thư cho bệnh nhân ung thư da. Dữ liệu cho thấy việc điều trị vào buổi sáng có hiệu quả hơn so với buổi chiều, vì có sự gia tăng các tế bào T trong máu của bệnh nhân.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp miễn dịch hiệu quả hơn vào ban ngày.
Liệu pháp miễn dịch phổ biến nhất là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.
Vào tháng 11/2021, các nhà nghiên cứu từ Viện Ung thư Winship tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, đã công bố một nghiên cứu trên The Lancet, trong đó 299 bệnh nhân bị khối u ác tính giai đoạn cuối được điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. [Điểm kiểm soát miễn dịch là các chất điều chỉnh của hệ miễn dịch để tự dung nạp, ngăn cản hệ miễn dịch tấn công bừa bãi các tế bào.] Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân được chích thuốc vào buổi tối có phản ứng miễn dịch kém hơn so với những người được chích vào ban ngày.
Do đó, họ gợi ý rằng thời điểm tốt nhất để sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch cho bệnh nhân bị u ác tính tiến triển là trước 15 giờ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu có những phát hiện hơi khác nhau.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020, 30 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào thận di căn được chia thành ba nhóm và được điều trị bằng interleukin-2 vào các khoảng thời gian khác nhau (5:00–13:00, 13:00–21:00 và 21:00 –5:00).
Tiêm Interleukin-2 là liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu nhằm gia tăng đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân ung thư.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân được điều trị vào buổi sáng và buổi tối có thời gian sống trung bình lâu hơn so với những bệnh nhân được điều trị vào buổi chiều và buổi tối, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.
Ít tác dụng phụ hơn khi điều trị vào buổi sáng
Trong một thí nghiệm khác, 95 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn (NSCLC) được chích chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, chia thành “nhóm buổi sáng” và “nhóm buổi chiều” dựa trên thời điểm là 12:55 buổi trưa.
Kết quả cho thấy nhóm buổi sáng có tỷ lệ mệt mỏi, chán ăn, đau cơ thấp hơn.
Điều đáng chú ý là trung vị thời gian sống bệnh không tiến triển (PFS) của nhóm buổi sáng là khoảng 11 tháng, so với gần ba tháng của nhóm buổi chiều; trong khi trung vị sống thêm toàn bộ (OS) của nhóm buổi sáng là khoảng 34 tháng, so với khoảng 10 tháng đối với nhóm buổi chiều.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều trị vào buổi sáng không chỉ có độc tính thấp hơn so với điều trị vào buổi chiều mà còn có hiệu quả gấp bốn lần.
Ông Christoph Scheiermann, tác giả của nghiên cứu đã được công bố trên tập san Nature vào tháng 12/2022, đồng thời là giáo sư tại Khoa Bệnh và Miễn dịch học, Trung tâm Nghiên cứu Viêm nhiễm Geneva (GCIR) và Trung tâm Nghiên cứu Dịch mã về Huyết học Ung thư (CRTOH) ) tại Khoa Y UNIGE, tin rằng “sự hoạt hóa miễn dịch dao động trong ngày và đạt đỉnh điểm trong giai đoạn nghỉ ngơi.”