Thiếu vitamin D liên quan đến bệnh sâu răng ở người cao tuổi
Một nghiên cứu mới cho thấy người cao tuổi có nguy cơ bị sâu răng nếu không bổ sung đủ vitamin D.
Theo nghiên cứu mới, người lớn tuổi thiếu vitamin D có nguy cơ bị sâu răng không được điều trị cao hơn 44%.
Nghiên cứu trên Nutrients (Tập san Dinh Dưỡng) cho thấy “tầm quan trọng của vitamin D đối với sức khỏe răng miệng ở người lớn tuổi,” các tác giả cho biết.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Utah, Đại học Nha khoa tại South Jordan, Utah và Viện Lão khoa tại Portland đã phân tích dữ liệu từ hơn 2,700 người từ 65 tuổi trở lên. Dữ liệu bao gồm thông tin từ các phản hồi cho Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES).
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng khoảng một nửa số người lớn tuổi bị thiếu vitamin D. Họ đưa ra giả thuyết rằng vitamin D giúp cơ thể hấp thụ calcium và phosphorus cần thiết để bồi đắp men răng (lớp phòng thủ tự nhiên của răng để chống lại vi khuẩn có hại). Ngoài ra, răng của người cao tuổi còn có hàm lượng nước ít hơn, khiến răng giòn hơn.
Thiếu hụt vitamin D và sâu răng
Nhóm nghiên cứu đã xem xét các cuộc kiểm tra răng miệng và đánh giá mức vitamin D trong máu của những người tham gia. Lượng vitamin D càng ít thì khả năng bị sâu răng càng cao.
Khoảng 32% những người có mức vitamin D bình thường (lớn hơn 75 nmol/mL) bị sâu răng. Tỷ lệ những người bị sâu răng tăng lên khi mức vitamin D giảm. Hơn 36% những người thiếu ít vitamin D bị sâu răng, trong khi gần 41% những người có vitamin D bị thiếu hụt và thiếu nghiêm trọng bị sâu răng.
Ngoài ra, các tác giả còn phát hiện tình trạng thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng (dưới 25 nmol/mL) có liên quan đến nguy cơ sâu răng, mất răng hoặc trám răng tăng 13%.
Theo nghiên cứu, chủng tộc, giới tính và nơi sinh cũng ảnh hưởng đến số lượng sâu răng mà một người có thể mắc phải, trong đó nam giới có nguy cơ cao hơn một chút. Gần 49% người Mỹ gốc Mexico tham gia nghiên cứu bị sâu răng chưa được điều trị, trong khi khoảng 38% người gốc Tây Ban Nha và người da đen không phải gốc Tây Ban Nha bị sâu răng. Chỉ hơn 30% người châu Á và người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha bị sâu răng.
Tỷ lệ sâu răng cao hơn cũng được phát hiện ở những người tham gia nghiên cứu sinh ra ở bên ngoài Hoa Kỳ.
Các tác giả nghiên cứu viết, “Nghiên cứu này chứng minh mối tương quan nghịch đáng kể giữa nồng độ vitamin D và DMFT (răng sâu, mất và trám) ở người lớn tuổi và ủng hộ mối liên hệ giữa vitamin D và sâu răng.”
Tại sao vitamin D lại quan trọng đối với sức khỏe răng miệng
Mặc dù các nhà nghiên cứu không hiểu rõ cơ chế chính xác mà vitamin D có thể tác động đến sức khỏe răng miệng, nhưng họ nhận ra vitamin D có đặc tính kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch, giúp hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh. Theo nghiên cứu, những đặc tính này rất quan trọng đối với nhiều phương diện chứ không chỉ riêng sức khỏe răng miệng. Khi thiếu vitamin D, phản ứng miễn dịch bị suy yếu, khiến việc chống lại vi khuẩn hoặc nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn và mô nâng đỡ quanh răng dễ bị tổn thương hơn. Do đó, những người có mức vitamin D thấp có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng khác cao hơn, bao gồm viêm nha chu, một bệnh nướu răng trầm trọng.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times