Thiếu acid béo có thể dẫn đến chứng rối loạn lưỡng cực
Can thiệp dinh dưỡng liệu có thể giúp ngăn ngừa bệnh tâm thần phổ biến này?
Rối loạn lưỡng cực là bệnh đặc trưng bởi sự thay đổi luân phiên giữa cảm giác hưng phấn và trầm cảm tê liệt. Vậy làm thế nào mà việc ăn uống có thể giúp ngăn ngừa sự thay đổi tâm trạng của chứng bệnh này?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy câu trả lời có thể nằm ở chất dinh dưỡng có trong những thực phẩm hàng ngày như trứng, hải sản và thịt gà. Những người có hàm lượng acid arachidonic cao hơn (một loại acid béo omega-6 không bão hòa đa) sẽ có nguy cơ phát triển rối loạn lưỡng cực thấp hơn.
Những phát hiện này giúp chúng ta hiểu sơ qua về cách mà chất dinh dưỡng quan trọng này có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những tác động của chứng rối loạn lưỡng cực.
Mảnh ghép về trao đổi chất: Acid arachidonic và tình trạng tâm thần
Acid arachidonic là thành phần quan trọng của màng tế bào, chủ yếu được tìm thấy trong lipid. Acid này rất quan trọng trong việc duy trì chức năng tế bào, tăng sức khỏe bộ não và chuyển hóa lipid.
Nghiên cứu gần đây của Đại học Nam Úc cho thấy sự biến động về mức độ chuyển hóa – số lượng các phân tử nhỏ tham gia vào quá trình trao đổi chất – là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển rối loạn lưỡng cực và các tình trạng tâm thần liên quan.
Ông David Stacey, nhà nghiên cứu chính và làm việc tại trường đại học, cho biết, “Bằng cách xác định các chất chuyển hóa đóng vai trò là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lưỡng cực, chúng tôi hy vọng có thể làm nổi bật các giải pháp can thiệp tiềm năng về lối sống hoặc ăn uống.”
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu di truyền từ 14,296 người gốc châu Âu, bao gồm 913 chất chuyển hóa khác nhau trong máu, để đánh giá mối liên hệ tiềm ẩn với chứng rối loạn lưỡng cực. Trong số đó, 33 chất chuyển hóa, chủ yếu là lipid, được phát hiện có liên quan đến rối loạn này.
Hàm lượng lipid chứa acid arachidonic cao hơn có liên quan đến nguy cơ rối loạn lưỡng cực thấp hơn. Ngược lại, người có nhiều lipid chứa acid linoleic (một loại acid béo thiết yếu) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Quan sát này cho thấy tầm quan trọng quá trình chuyển hóa acid linoleic thành acid arachidonic trong việc điều chỉnh nguy cơ rối loạn lưỡng cực.
Tác giả nói thêm rằng mối liên hệ nhân quả này chỉ áp dụng đối với rối loạn lưỡng cực và không mở rộng sang các bệnh tâm thần liên quan gần khác, chẳng hạn như tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm.
Nghiên cứu trước đây cũng gợi ý mối liên hệ giữa sự thiếu hụt acid arachidonic và nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt cao hơn.
Bổ sung acid arachidonic trong giai đoạn sớm giúp giảm nguy cơ rối loạn lưỡng cực
Những phát hiện này cũng nêu bật vai trò then chốt của acid arachidonic trong quá trình phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Sữa mẹ là nguồn cung cấp acid arachidonic tự nhiên cho trẻ và chất này thường được thêm vào sữa bột cùng với các acid béo thiết yếu như acid docosahexaenoic. Theo nghiên cứu, sự gián đoạn trong quá trình chuyển hóa acid arachidonic vào giai đoạn quan trọng này có thể góp phần gây ra rối loạn lưỡng cực và suy giảm nhận thức về sau.
Theo ông Stacey, người ủng hộ các giải pháp can thiệp y học chính xác, dinh dưỡng đầu đời là điều quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí não tối ưu. Những giải pháp can thiệp này bảo đảm cho trẻ sơ sinh và trẻ em nhận đủ acid arachidonic và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, có khả năng làm giảm nguy cơ rối loạn lưỡng cực.
Kết quả nghiên cứu mở ra cánh cửa cho những can thiệp về khẩu phần ăn uống để ngăn ngừa hoặc giảm sự tiến triển của chứng rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là ở những người có tiền sử gia đình bị rối loạn này. Trong khi acid arachidonic có nhiều trong trứng, thịt và hải sản, cơ thể chúng ta cũng có thể tự tổng hợp chất này từ các loại quả hạch, hạt và dầu thực vật. Việc bổ sung acid arachidonic từ thực phẩm chức năng có thể cần thiết đối với những người có khả năng tổng hợp tự nhiên hạn chế hoặc đang ăn kiêng.
Phương Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times