Thầy thuốc kể chuyện: Trời đất quay cuồng

Ngày nay, mỗi khi có thảm họa to lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra trong xã hội và trên thế giới, thì số bệnh nhân mắc chứng chóng mặt sẽ ngày càng gia tăng.

Một người phụ nữ 53 tuổi được một người bạn dìu đến phòng khám của tôi. Sắc mặt của bà nhợt nhạt, bước đi khó khăn. Tôi vừa từ phòng châm cứu bước ra, nhìn thấy vậy liền hỏi, “Sao bà lại ra nông nỗi này?” Bà nói bản thân bị choáng, chóng mặt, cảm thấy trời đất quay cuồng, vừa mới nôn xong, toàn thân vô lực, đứng không vững. Đầu tiên, tôi châm cho bà một kim để ngừng chóng mặt, rồi mời bà ngồi xuống đợi một lúc vì chưa đến lượt khám. Sau đó tôi quay trở vào phòng khám tiếp tục công việc.

Khi đến lượt khám bệnh, sắc mặt bà đã đỡ hơn. Bà lập tức nói, “Bác sỹ, hãy giúp tôi! Cảm giác chóng mặt thật đáng sợ! Đau đớn hơn cả việc điều trị bằng hóa chất! Vì sao lại như vậy?”

Chứng chóng mặt thường liên quan nhiều đến gan, hệ tiêu hóa, hơn nữa đa số người bị chứng này thường có đặc điểm thể hư.

Tôi hỏi bà, “Có phải chứng chóng mặt càng nghiêm trọng hơn khi bà ở vào một tư thế nào đó không?” Bà nói, “Trước kia mỗi lần chứng chóng mặt xuất hiện đều là như vậy, nhưng sau khi thực hiện phương pháp bác sỹ dạy cho tôi, thì đã rất lâu rồi không bị nữa.” Lần trước, bà bị chứng chóng mặt là do sỏi tai (otolith) rơi xuống gây ra. Tôi đã hướng dẫn bà thực hiện bài tập nhằm đưa sỏi tai trở về vị trí cũ, bài tập gồm: Quay đầu sang phải 45 độ giữ trong 5 giây, quay trở về và dừng lại 5 giây; sau đó quay sang trái 45 độ giữ nguyên 5 giây, rồi quay trở về và giữ trong 5 giây. Số lần thực hiện tăng dần từ ít lên nhiều, lên đến 9 lần.

Tôi lại hỏi tiếp, “Khi bị chóng mặt, có phải bà sẽ có hiện tượng đột nhiên trước mắt biến thành màu đen, cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói, đồng thời kèm theo ù tai và giảm thính lực không?” Bà trả lời, “Chỉ có hiện tượng đột nhiên trước mắt biến thành màu đen, cảm thấy buồn nôn hoặc nôn ói, không có hiện tượng ù tai hay giảm thính lực.”

Triệu chứng này đã loại trừ tình trạng thiếu máu não tạm thời là một loại đột quỵ. Nếu tình trạng chóng mặt nghiêm trọng như xoay vòng vòng, hơn nữa lại xuất hiện thường xuyên, thì có thể là bệnh xơ cứng động mạch não. Nếu chóng mặt xuất hiện không đều mà kèm theo đỏ mặt, nhịp tim nhanh, cơ thể nóng lên, thì có thể là do rối loạn thần kinh tự chủ. Nhưng bà lại nói rằng cơn chóng mặt xảy ra sau khi bà xem tin tức về tai nạn trên biển.

Điều trị bằng châm cứu

Để trấn định trung khu thần kinh, châm huyệt Bách hội xuyên đến huyệt Tiền đỉnh, châm huyệt Giác tôn xuyên đến huyệt Thái dương, châm huyệt Thông thiên xuyên đến huyệt Thừa quang. Trường hợp nghiêm trọng, châm huyệt Ấn đường xuyên đến huyệt Sơn căn, châm huyệt Dương bạch xuyên đến huyệt Ngư yêu.

Gan là chủ các bệnh tật về phong, hơn nữa “Chư phong huyễn điệu giai chúc vu can” (các chứng về phong, chóng mặt, run rẩy co giật đều thuộc về gan). Cho nên châm huyệt Thái xung thuộc can kinh nhằm ức chế can dương thăng lên cao gây hỗn loạn ở đầu. Hiện tượng ở dạ dày do gan thuộc hành mộc khắc lá lách thuộc hành thổ, muốn trấn định thần kinh phản xạ dạ dày, châm các huyệt Khúc trì, Nội đình, Nội quan, Hợp cốc.

Tôi nói cho bà biết rằng trước khi hiện tượng chóng mặt xảy ra, cơ thể sẽ có dấu hiệu. Khi cảm thấy đầu không thoải mái, bà hãy nhanh chóng ấn huyệt Khúc trì, nhằm kích thích đặc tính nhiều khí nhiều huyết của Dương minh kinh thông qua hàng rào máu não để có thể kịp thời dừng cơn chóng mặt, hoặc ít nhất có thể làm chậm lại mức độ xảy ra. Một khi hiện tượng xảy ra mạnh mẽ, cơn chóng mặt quay cuồng, phải nhanh chóng cắn nhẹ đầu lưỡi, đồng thời tay bấm vào hai bên gốc móng tay của ngón tay út bên trái. Như vậy có thể khôi phục nhanh, hoặc có thể làm chậm mức độ chóng mặt.

Ngày thường hãy thường xuyên ấn các huyệt Khúc trì, Nội đình, Thái xung; thường xuyên uống trà hoa cúc, hoặc dùng củ cải trắng mài nhuyễn trộn với cơm ăn. Đồng thời tôi còn dặn dò thêm bà đừng để quá mệt mỏi, vì cảm xúc kích động, mất ngủ và cảm lạnh có thể dễ dàng khiến chứng chóng mặt xuất hiện.

Châm cứu xong, bà tươi tỉnh hẳn lên, khuôn mặt tràn đầy vui vẻ nói, “Khi đến đây tôi được người dìu đến, giờ ra về lại đi đứng khỏe khoắn nhẹ nhàng, thật là thần kỳ!” Vì sợ chứng chóng mặt tái phát lần nữa, nên bà tiếp tục điều trị ở phòng khám của tôi thêm nửa năm. Trong thời gian đó chứng bệnh của bà chỉ thỉnh thoảng xuất hiện. Sau đó, qua mấy năm cũng không tái phát lần nào.

(Bài viết được trích từ cuốn “Minh Huệ chẩn gian – Dung quang tất chiếu” (Phòng khám Minh Huệ Vẻ đẹp tỏa sáng),

, Đài Loan cung cấp)
, Đài Loan cung cấp)

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn