Thai phụ dùng cần sa có liên quan đến nguy cơ ADHD và tự kỷ cao hơn cho con của họ
Những thai phụ dùng cần sa cũng có nhiều khả năng dùng các chất kích thích khác có liên quan đến rối loạn hành vi và phát triển của con họ.
Cần sa có tác động gì đến thai nhi?
Trong nhiều năm, nghiên cứu đi sâu vào câu hỏi này đã mang lại nhiều kết quả khác nhau, nhưng một phân tích gộp 14 nghiên cứu của Úc trên hơn 200,000 người tham gia cho thấy rằng việc tiếp xúc với cần sa trước khi sinh có thể dẫn đến nguy cơ bị các triệu chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cao hơn ở trẻ em. Kết quả phân tích đã được công bố trên Journal of Psychiatric Research (Tập san Nghiên cứu Tâm thần) cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa và can thiệp sớm giúp thai nhi tránh tiếp xúc với cần sa.
Nhóm nghiên cứu viết, “Chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ tiếp xúc với cần sa trước khi sinh có nguy cơ bị các triệu chứng và/hoặc rối loạn ADHD và ASD ngày càng tăng so với những đứa trẻ không tiếp xúc.”
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng việc tiếp xúc với cần sa trước khi sinh dẫn đến tăng nguy cơ bị các triệu chứng ADHD hoặc bệnh tự kỷ vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc tiếp xúc với cần sa trước khi sinh, trực tiếp làm thay đổi sự phát triển thần kinh, đặc biệt là ở vỏ não trước trán, có liên quan đến suy giảm nhận thức và điều chỉnh cảm xúc. Trong các nghiên cứu ở người, các nhà nghiên cứu tin rằng delta-9-tetrahydrocannabinol (THC), thành phần trong cần sa tác động lên thần kinh, có thể đi qua nhau thai và hàng rào máu não của thai nhi. Khi điều này xảy ra, nó có thể làm gián đoạn sự phát triển thần kinh của thai nhi, dựa trên kết quả của các nghiên cứu về loài gặm nhấm.
Nhóm nghiên cứu viết, “Hơn nữa, dữ liệu phát triển thần kinh ở người cho thấy rằng việc tiếp xúc với THC trước khi sinh có thể dẫn đến những thay đổi tinh tế, dai dẳng về hành vi, nhận thức và sức khỏe tâm lý”.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một nghiên cứu khác đã cho thấy tác động của việc tiếp xúc với cần sa trong ba tháng đầu thai kỳ. Nhiều hình thái di truyền xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ và chính trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu tin rằng trẻ em có nguy cơ cao phát triển các triệu chứng ADHD như bốc đồng, thiếu chú ý và hiếu động thái quá.
Một nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu đã phân tích cho thấy rằng trẻ em tiếp xúc với cần sa trong bụng mẹ có nhiều khả năng bị rối loạn điều hòa cảm xúc và xu hướng cảm xúc, bao gồm tính hung hăng, tính bốc đồng cao hoặc rối loạn cảm xúc. Họ cũng có nguy cơ bị chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện cao hơn.
Thai phụ dùng cần sa có nhiều khả năng sử dụng các chất khác hơn
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù phân tích của họ đã điều chỉnh các vấn đề sức khỏe tâm thần của người mẹ, việc sử dụng rượu và hút thuốc lá, nhưng điều quan trọng là phải tính đến khả năng một người sử dụng cần sa cũng có thể sử dụng các chất kích thích khác. Trên thực tế, trích dẫn từ ba nghiên cứu riêng biệt, nhóm nghiên cứu viết, “các nghiên cứu cho thấy rằng thai phụ dùng cần sa có nhiều khả năng sử dụng các chất khác như rượu, thuốc lá và các loại thuốc bất hợp pháp khác, điều này khiến nhiều người nhầm lẫn về tác hai của việc sử dụng cần sa trước khi sinh đối với chứng rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em.”
Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên American Journal of Psychiatry (Tập san Tâm thần học Hoa Kỳ) lưu ý rằng ngay cả việc sử dụng rượu ở mức độ thấp cũng có thể làm tăng 25% nguy cơ bị chứng ADHD ở trẻ. Việc sử dụng rượu mạnh làm tăng nguy cơ bị bệnh ở trẻ lên đến 30% và có liên quan đến hành vi phá vỡ quy tắc và gây hấn.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tập san Frontiers in Public Health (Lĩnh vực Sức khỏe Công cộng), những đứa trẻ có cha mẹ hút thuốc lá trước và trong khi mang thai có nguy cơ bị ADHD cao gấp đôi so với những đứa trẻ có cha mẹ không hút thuốc.
Gần 10% trẻ em Mỹ bị chứng ADHD
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), gần 6 triệu (gần 10%) trẻ em Mỹ trong độ tuổi 6 – 17 đã được chẩn đoán bị chứng ADHD.
Năm 2011, số trẻ em được chẩn đoán ADHD lên tới đỉnh điểm là 6,4 triệu trẻ; từ năm 2016 đến năm 2019, con số này vẫn tương đối ổn định ở mức 6 triệu.
Trẻ nam có thường được chẩn đoán cao hơn trẻ gái. Trẻ em da đen và trẻ em da trắng (lần lượt là 12% và 10%) thường được chẩn đoán bị ADHD nhiều hơn trẻ em gốc Tây Ban Nha hoặc châu Á (lần lượt là 8% và 3%).
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times