Thai phụ căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ
Nghiên cứu mới cho thấy mức độ căng thẳng của người mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số IQ của con, nhưng tác động chính xác của căng thẳng còn phụ thuộc vào giới tính của trẻ.
Nồng độ cortisol tăng cao trong tam cá nguyệt thứ ba có liên quan đến điểm IQ thấp hơn ở bé trai 7 tuổi, trong khi nồng độ cortisone trong nước tiểu cao hơn khi mang thai có liên quan đến điểm IQ cao hơn ở bé gái.
Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị Nội tiết Châu Âu lần thứ 26 ở Stockholm, đã làm sáng tỏ vai trò của một loại enzyme nhau thai cụ thể, 11β-HSD2, trong việc điều chỉnh sự tiếp xúc của thai nhi với cortisol. Enzyme này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hormone căng thẳng cortisol thành dạng trơ, cortisone, từ đó kiểm soát mức độ cortisol đến thai nhi đang phát triển.
Hormone căng thẳng của mẹ ảnh hưởng khác nhau đến chỉ số IQ ở trẻ em
Tiến sĩ Anja Fenger Dreyer, người có bằng tiến sĩ về nội tiết và là nhà nghiên cứu chính, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi là những người đầu tiên xem xét các mẫu nước tiểu cũng như mẫu máu và điều tra riêng biệt các bé trai và bé gái.”
Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Odense ở Đan Mạch đã phân tích dữ liệu về nồng độ cortisol và cortisone của 943 phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba. Họ cũng phân tích bài kiểm tra IQ của con họ lúc 7 tuổi.
Theo kết quả, phụ nữ mang thai mang thai nhi bé trai có nồng độ cortisol lưu thông trong máu thấp hơn so với những người mang thai bé gái.
Các bé trai tiếp xúc với nồng độ cortisol cao hơn trong bụng mẹ đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra IQ ở tuổi 7. Ngược lại, các bé gái đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ khi mẹ có nồng độ cortisone trong nước tiểu cao hơn khi mang thai.
Bà Fenger Dreyer cho biết, “Kết quả của chúng tôi cho thấy các bé gái có thể được bảo vệ nhiều hơn nhờ hoạt động của 11β-HSD2 của nhau thai, trong khi các bé trai có thể dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với cortisol sinh lý của mẹ trước khi sinh.”
Bà lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động của enzyme 11β-HSD2 bảo vệ thai nhi là bé gái hiệu quả hơn khỏi những tác động xấu tiềm ẩn do lượng hormone gây căng thẳng dư thừa ở người mẹ.
Sự phân đôi của các hiệu ứng
Cortisol là một loại hormone steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận nằm ở cực trên của thận. Cơ thể bị căng thẳng sẽ tiết ra cortisol giúp điều chỉnh phản ứng của cơ thể.
Cortisol hoạt động bằng cách tiết ra glucose từ gan để duy trì mức năng lượng trong thời kỳ căng thẳng. Cortisol còn giúp điều hòa quá trình trao đổi chất, huyết áp và ức chế tình trạng viêm. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài có thể khiến cơ thể tiếp xúc với cortisol liên tục, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp và các vấn đề về trí nhớ.
Đối với trẻ đang phát triển, việc tiếp xúc với hormone gây căng thẳng cũng được cho là có ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ.
Bà Fenger Dreyer và nhóm nghiên cứu của bà trước đây đã nghiên cứu tác động của hormone gây căng thẳng đối với sự phát triển của thai nhi. Họ phát hiện ra rằng trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 3 có kỹ năng nói và ngôn ngữ tiến bộ hơn khi mẹ các em có nồng độ cortisol trong máu cao hơn trong ba tháng cuối thai kỳ, theo kết quả được công bố trên Journal of Neuroendocrinology (Tập san Thần kinh nội tiết).
Bà Fenger Dreyer cho biết, “Mặc dù nghiên cứu trước đây của chúng tôi cho thấy việc tiếp xúc với cortisol trước khi sinh có liên quan tích cực đến sự phát triển ngôn ngữ, nhưng trong nghiên cứu này việc tiếp xúc với cortisol trước khi sinh – ‘trực tiếp’ bởi cortisol huyết thanh và ‘gián tiếp’ bởi cortisone trong nước tiểu – có liên quan xấu đến điểm IQ.”
Việc tiếp xúc nhiều với cortisol trước khi sinh có thể chỉ có tác dụng tạm thời đối với sự phát triển nhận thức của trẻ.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times