Tê bì tay: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị

John là một nhà thiết kế web, anh dùng chuột và bàn phím nhiều giờ mỗi ngày. Gần đây, anh cảm thấy tê và ngứa ở ngón trỏ và ngón giữa bên trái. John cố gắng giảm bớt các triệu chứng bằng cách điều chỉnh tư thế làm việc và tập luyện tay – nhưng vô ích.

Nguyên nhân gây nên tình trạng của John là gì và tê bì tay có thể báo hiệu những ảnh hưởng sức khỏe nào?

Mọi triệu chứng bất lợi của cơ thể đều được coi là một sứ giả báo tin – thay vì là kẻ thù. Cơ thể bộc lộ các triệu chứng để báo hiệu những vấn đề sức khỏe cần được chú ý hoặc điều trị. Nếu mù quáng sử dụng thuốc để che giấu các triệu chứng hoặc phẫu thuật vội vàng trong khi có các lựa chọn điều trị khác để giải quyết vấn đề sức khỏe căn bản đằng sau, chúng ta có thể rơi vào bẫy của nền công nghiệp y tế hiện đại.

Chúng ta tin rằng đã điều trị bệnh – nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ che đậy triệu chứng – bỏ lỡ cơ hội quý giá để giải quyết vấn đề tận gốc và chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Nguyên nhân gây tê tay

Tê tay phổ biến và ngắn hạn. Các triệu chứng không đáng quan tâm quá mức. Những triệu chứng thường do tư thế ngủ hoặc ngồi không đúng, tư thế tay kém hoặc căng thẳng lo âu và có thể được cải thiện đơn giản bằng cách thay đổi vị trí, nghỉ ngơi đầy đủ và điều chỉnh tâm thái.

Tuy nhiên, tê tay dai dẳng sau khi thực hiện các biện pháp kể trên cho thấy các nguyên nhân tiềm ẩn phức tạp hơn. Với tư cách là một nhà thiết kế web, John là một ví dụ điển hình. Anh chuyển sang sử dụng bàn phím có thiết kế bảo vệ cổ tay hơn. Anh nghỉ giải lao thường xuyên trong giờ làm việc, nhưng các triệu chứng tê tay của anh không cải thiện mà còn trở nên xấu hơn theo thời gian.

Hai nguyên nhân cơ bản gây ra tê tay nghiêm trọng. Một nguyên nhân là dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến đau hoặc tê. Thần kinh bị chèn ép đi kèm với các triệu chứng khác như yếu cơ hoặc mất thăng bằng tổng thể.

Một nguyên nhân khả dĩ khác là tuần hoàn máu kém, gây tê và ngứa ran. Tuần hoàn máu kém cũng đi kèm với các triệu chứng khác như đổi màu, lạnh hoặc nóng ở các ngón tay.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị tê tay

Tê tay do các vấn đề thực thể có được chẩn đoán bằng hình ảnh. Chụp X-quang phát hiện các tình trạng bất thường ở xương cổ tay và ngón tay, xác định xem có bất kỳ chèn ép thần kinh hoặc mạch máu nào ở bàn tay hay không.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp thông tin chi tiết về xương, mô mềm, thần kinh và mạch máu, xác định các vấn đề như tổn thương thần kinh hoặc bất thường mạch máu. Ngoài ra, siêu âm giúp phát hiện các vấn đề như hẹp mạch máu hoặc chèn ép thần kinh.

Các vấn đề sinh hóa như thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc rối loạn trao đổi chất cũng gây tê tay. Ví dụ, vitamin B12 (cobalamin) và B6 (pyridoxine) là các chất dinh dưỡng thiết yếu để tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Thiếu hụt các vitamin này dẫn đến tổn thương thần kinh và triệu chứng tê tay.

Calcium và potassium cũng là các chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì các dây thần kinh và cơ bắp khỏe mạnh. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng này dẫn đến các vấn đề về hệ thần kinh và triệu chứng tê tay. Các tình trạng như đường huyết cao và cường giáp cũng gây tê tay.

Các vấn đề cấu trúc và sinh hóa dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa, gây ra sự mất cân bằng hoạt động điện sinh lý. Các xét nghiệm y học như nghiên cứu dẫn truyền thần kinh, điện cơ hoặc điện não đồ giúp phát hiện tổn thương não hoặc thần kinh ngoại biên. Các rối loạn não do mất cân bằng chuyển hóa, chẳng hạn như đột quỵ hoặc động kinh, cũng gây tê tay.

Điều trị tê tay bằng Trung y

Vậy, Trung y nhìn nhận tê tay như thế nào? Theo Trung y, tê tay là do các yếu tố như ứ trệ khí (năng lượng sống), ứ huyết và thấp nhiệt, dẫn đến tắc nghẽn kinh lạc. Các vấn đề về nội tạng, chẳng hạn như can huyết hư hoặc thận âm hư, cũng có thể gây ra tình trạng này.

Dựa trên tình trạng của bệnh nhân, một bác sĩ Trung y có thể sử dụng châm cứu, thảo dược, xoa bóp hoặc các phương pháp khác để điều hòa khí huyết, giảm thấp nhiệt, bổ can huyết và thông kinh lạc, từ đó khôi phục sự lưu thông khí huyết.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng châm cứu giúp điều trị tê và đau tay do hội chứng ống cổ tay. Một nghiên cứu tại Đài Loan chia 77 bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ đến trung bình thành một nhóm điều trị bằng châm cứu và một nhóm điều trị bằng steroid.

Kết quả cho thấy bệnh nhân điều trị bằng châm cứu có sự cải thiện tương tự về tê bì tay so với nhóm điều trị bằng steroid – nhưng nhóm châm cứu còn có sự cải thiện lớn hơn về chất lượng giấc ngủ, với tình trạng tỉnh giấc ban đêm giảm đáng kể do tê bì tay.

Kết quả chẩn đoán tình trạng của John

Kết quả chẩn đoán của John cho thấy hội chứng ống cổ tay ở bàn tay trái. Tình trạng thần kinh phổ biến này thường gây tê hoặc ngứa ran ở lòng bàn tay, ngón tay và cẳng tay. Hội chứng ống cổ tay thường xảy ra ở những người sử dụng tay hoặc cổ tay liên tục trong thời gian dài, chẳng hạn như nhân viên văn phòng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có thể mắc hội chứng ống cổ tay do thay đổi hormone.

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ khuyên John nên giảm sử dụng tay và cổ tay, điều chỉnh tư thế làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời thường xuyên tập các bài tập kéo dãn cổ tay. John cũng phải đeo một nẹp cổ tay để giảm áp lực lên cổ tay và giảm đau. John tuân theo các khuyến nghị điều trị của bác sĩ, thử châm cứu và cảm thấy một số triệu chứng được cải thiện.

Đáng lưu ý rằng việc chẩn đoán hội chứng ống cổ tay không nhất thiết có nghĩa là John hoàn toàn thoát khỏi các vấn đề khác liên quan đến sinh hóa, năng lượng, tâm lý hoặc căng thẳng cảm xúc. Chỉ điều trị vấn đề thực thể có thể không thiết thực hoặc không mang lại sự cải thiện lâu dài nếu không giải quyết các vấn đề căn bản.

Do đó, chúng ta nên áp dụng quan điểm “bốn chiều sức khỏe” và quản lý cơ thể một cách toàn diện từ bốn khía cạnh: cấu trúc cơ thể, sinh hóa, năng lượng và tâm hồn. Ngoài liệu trình điều trị được bác sĩ khuyến nghị, John cũng nên chú ý đến lối sống và sức khỏe tinh thần để đạt được kết quả tổng thể tốt hơn.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn