Tám thói quen giúp bạn tăng thêm hàng chục năm tuổi thọ
Một nghiên cứu đo lường số năm chúng ta có thể sống thêm bằng những hiểu biết thông thường và những phát hiện gần đây nhất.
Trong hành trình tìm kiếm Suối nguồn tươi trẻ (Fountain of Youth), giới khoa học đã tiết lộ một kho tàng phương thức sống có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm nhiều thập niên. Một nghiên cứu mới đây cho thấy bí quyết sống thọ có thể đơn giản hơn những gì bạn nghĩ.
Theo nghiên cứu được trình bày tại Nutrition 2023, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, có thể chúng ta chỉ cần thay đổi tám [thói quen] ở tuổi trung niên [cũng có thể kéo dài thọ mệnh].
Xuân-Mai T. Nguyen, tác giả nghiên cứu và là chuyên gia về khoa học sức khỏe của Bộ Cựu chiến binh, cho biết trong một công bố rằng: “Chúng tôi thực sự ngạc nhiên về số năm tuổi thọ có thể đạt được khi áp dụng một, hai, ba hoặc cả tám thói quen về lối sống.”
Điểm mấu chốt
Những người đàn ông thực hiện đủ tám thói quen về lối sống ở độ tuổi 40 được dự đoán sẽ tăng thêm trung bình 24 năm tuổi thọ so với những người không có những thói quen này. Tương tự như thế, phụ nữ được dự đoán sẽ tăng thêm 21 năm tuổi thọ khi thực hiện đủ tám thói quen này.
Việc không tập thể dục, hút thuốc phiện (opioid) và thuốc lá là những nguyên nhân lớn nhất làm giảm tuổi thọ. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ tử vong từ 30 đến 45%.
Những hành vi không lành mạnh khác như căng thẳng mạn tính, uống rượu quá đà, ăn uống kém và ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ tử vong lên khoảng 20%. Việc thiếu các mối quan hệ xã hội tích cực có liên quan đến việc tăng 5% nguy cơ tử vong.
Những thói quen giúp kéo dài tuổi thọ
Các thói quen về lối sống này phản ánh những hiểu biết thông thường và nghiên cứu có bằng chứng về việc duy trì lối sống khỏe mạnh.
Vậy tám bí quyết kéo dài tuổi thọ là gì?
1. Trở nên năng động hơn
Việc hoạt động thể chất thường xuyên làm giảm nguy cơ bị các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư. Hướng dẫn Hoạt động Thể chất (Physical Activity Guidelines) khuyến nghị nên hoạt động vừa phải trong 150 phút mỗi tuần hoặc hoạt động mạnh trong 75 phút, kết hợp với các bài tập tăng khối cơ hai lần một tuần.
2. Tránh dùng thuốc phiện (Opioid)
Nghiện thuốc phiện gây tổn hại sức khỏe về lâu dài. Sử dụng nhiều lần có thể gây hại cho gan, thận và thường làm trầm trọng thêm các cơn đau mạn tính, dẫn đến việc lệ thuộc vào thuốc nhiều hơn.
3. Không uống rượu quá đà
Uống rượu quá đà, được định nghĩa là uống từ bốn ly rượu trở lên đối với phụ nữ và năm ly trở lên đối với nam giới trong một lần, có thể dẫn đến tổn thương gan, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.
4. Không hút thuốc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 1,300 ca tử vong mỗi ngày ở Hoa Kỳ – hơn 480,000 ca tử vong hàng năm. Thói quen xấu này gây ra tới 90% số ca tử vong do ung thư phổi. Hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, làm tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh tim mạch.
5. Ăn uống lành mạnh
Một khẩu phần ăn uống bổ dưỡng với đầy đủ thực phẩm toàn phần, được chế biến tối thiểu giúp bảo đảm cơ thể nhận được tất cả các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết.
Cô Emily Feivor, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký của Bệnh viện Đại học Long Island Jewish Forest Hills tại quận Queens, New York, là người đề nghị kiểu ăn Địa Trung Hải, nói với The Epoch Times rằng phương pháp ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải khuyến khích ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo lành mạnh đồng thời hạn chế ăn nhiều thịt.
Cô Feivor cho biết thêm: “Trứng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, lòng trắng trứng có thể được xem là một giải pháp tốt cho những người muốn giảm lượng chất béo bão hòa.”
6. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng mạn tính, theo thời gian sẽ gây tổn hại cho sức khỏe như cao huyết áp và góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường, khó ngủ và đau đớn. Căng thẳng mạn tính thậm chí có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và nhiễm bệnh hơn.
7. Thực hiện các thói quen ngủ ngon
Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc Viện Y học Giấc ngủ thuộc Bệnh viện Đại học Staten Island, cho biết: “[Ngủ kém] cũng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh mạn tính khác, bao gồm cả bệnh tim.” Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.
Theo Tiến sĩ Kilkenny, một số thảm họa lớn trong lịch sử thế giới có liên quan đến sai lầm do con người thiếu ngủ, bao gồm cả thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
8. Duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực
Mối quan hệ xã hội tích cực có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ bị bệnh mạn tính, giảm căng thẳng, tăng khả năng miễn dịch, và tăng tuổi thọ.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times