Tại sao bạn nên ăn 2 quả táo mỗi ngày?
Người xưa tin rằng ăn một quả táo mỗi ngày sẽ giúp bạn không phải đi khám bệnh. Khoa học đang chứng minh rõ hơn điều này, khi các tài liệu khoa học về loại trái cây này thu được nhiều kết quả và chứng minh cho lợi ích sức khỏe. Táo chứa đầy đủ các hợp chất hóa học thiết yếu và các vi sinh vật hữu ích mà cơ thể chúng ta cần.
Một nghiên cứu cho thấy ăn một quả táo mỗi ngày trong 4 tuần có thể làm giảm 40% hàm lượng phức hợp lipoprotein và beta2-glycoprotein I oxy hóa thấp vốn là chất góp phần gây xơ vữa động mạch ở những người trung niên khỏe mạnh.
Tiêu thụ táo cũng là chủ đề được nghiên cứu về tác dụng giảm nguy cơ ung thư, bao gồm ung thư gan, ung thư vú và ung thư thực quản.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng Hai năm nay chỉ ra khả năng của táo trong việc điều hòa hoạt động trao đổi chất đáng kể của vi sinh vật đường ruột. Tất cả chỉ cần: hai quả táo mỗi ngày.
Một số kết quả nghiên cứu
Táo là một loại trái cây được tiêu thụ thường xuyên và là nguồn cung cấp polyphenol và chất xơ đáng tin cậy, những chất trung gian quan trọng bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
Những dấu ấn sinh học kiểm chứng về lượng thức ăn (BFIs) là một công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ của đối tượng nghiên cứu đối với các hướng dẫn về chế độ ăn uống. BFI đưa ra một thước đo chính xác về lượng ăn vào, không phụ thuộc vào trí nhớ và sự thật thà của đối tượng, cũng như kiến thức của họ về thực phẩm được tiêu thụ. Về cơ bản, BFIs cho phép các nhà nghiên cứu xem đối tượng đã tiêu thụ bao nhiêu hợp chất hoạt tính. BFIs không yêu cầu đối tượng tham gia phải tự báo cáo về cách ăn uống – vốn có thể bị ảnh hưởng bởi trí nhớ hoặc khi tường thuật.
Các BFIs mới xuất hiện trong những thập niên gần đây từ các nghiên cứu quá trình trao đổi chất của các loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên số lượng BFI hoàn toàn được xác nhận vẫn còn hạn chế.
Các nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định BFI của việc tiêu thụ táo trong thời gian dài, tìm hiểu cách trái cây ảnh hưởng đến huyết tương của con người và cấu hình chất chuyển hóa trong nước tiểu. Trong một nghiên cứu cắt ngang đối chứng ngẫu nhiên, họ đã chọn 40 bệnh nhân có cholesterol tăng nhẹ trong máu. Trong tám tuần, mỗi ngày những người này được cho ăn hai quả táo hoặc một loại đồ uống có đường hay loại năng lượng khác.
Vào cuối cuộc thử nghiệm, họ thấy 61 chất chuyển hóa trong nước tiểu và 9 chất chuyển hóa trong huyết tương có thể được thống kê, sau khi so sánh toàn bộ nhóm chỉ ăn táo với nhóm sử dụng đồ uống. Các chất chuyển hóa bao gồm một số polyphenol có thể đóng vai trò là BFI.
Điều thú vị là, nghiên cứu cho phép khám phá mối tương quan giữa các chất chuyển hóa bị ảnh hưởng bởi việc ăn táo và hệ vi sinh vật trong phân – đặc biệt là các tương tác của chất Granulicatella và các chất chuyển hóa acid phenyl-acetic. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu có thể thấy các chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến vi sinh vật sống cụ thể trong ruột.
Họ viết: “Việc xác định chất chuyển hóa vi sinh polyphenol cho thấy tiêu thụ táo là trung gian cho hoạt động trao đổi chất của vi sinh vật đường ruột – mà cần được nghiên cứu thêm.”
Hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ cơ thể
Mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe của con người ngày càng được công nhận. Hiện nay người ta đã xác định rõ rằng hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh là một phần quan trọng trong sức khỏe tổng thể. Tức là, hệ vi khuẩn đường ruột trong cơ thể càng khỏe mạnh thì bạn càng khỏe mạnh.
Các nghiên cứu trước đây chứng minh rằng sự phong phú của vi sinh vật đường ruột tương quan với các BFI trao đổi chất. Trong một nghiên cứu trên 123 người không béo phì và 169 người béo phì ở Đan Mạch, một nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy hai nhóm khác biệt về số lượng gene vi sinh vật đường ruột và sự phong phú của vi khuẩn đường ruột.
Ví dụ, những người có lượng vi khuẩn thấp bị béo phì và đề kháng insulin rõ rệt hơn so với những người có lượng vi khuẩn cao. Các đối tượng béo phì trong nhóm ít vi khuẩn cũng có xu hướng tăng cân nhiều hơn theo thời gian.
Một loạt các quan sát tiền lâm sàng cũng cho thấy những thay đổi trong giao tiếp giữa não-ruột-hệ vi sinh vật có thể liên quan đến cơ chế sinh bệnh học và sinh lý bệnh của hội chứng ruột kích thích, béo phì, và một số rối loạn tâm thần và thần kinh.
Việc phát hiện ra rằng táo có tác dụng tốt với hệ vi sinh vật đường ruột có nghĩa là chúng không chỉ nuôi cơ thể mà còn cung cấp đúng loại vi khuẩn mà cơ thể cần.
Các lợi ích khác của táo
Táo, một ‘siêu thực phẩm,’ mang lại lợi ích chữa bệnh không nên bỏ qua.
Những lợi ích của trái cây này bao gồm cung cấp các chất dinh dưỡng carotenoid có thể làm chậm quá trình lão hóa và giúp chữa dị ứng, rụng tóc, tiêu chảy, kháng insulin, bệnh do bức xạ và nhiễm trùng tụ cầu. Trong điều trị ung thư, táo được phát hiện là có thể phòng ngừa và ngăn chặn ung thư tuyến vú trên mô hình động vật. Trong khi đó, carotenoid chiết xuất từ táo được phát hiện có khả năng ức chế sự nảy nở của dòng tế bào ung thư kháng thuốc.
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times