Tác hại của thuốc lá kéo dài rất lâu sau khi bỏ hút
Cơn ho dai dẳng và nghẹt mũi đó sẽ không thuyên giảm, mặc dù bạn đã từ bỏ thói quen hút thuốc từ nhiều tháng trước. Nghiên cứu mới đã đưa ra lời giải thích—hút thuốc có thể gây tổn hại lâu dài cho hệ thống miễn dịch của bạn, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm kéo dài đến 15 năm sau điếu thuốc cuối cùng của bạn.
Darragh Duffy, người đứng đầu đơn vị miễn dịch học tại Viện Pasteur và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phơi bày tác động lâu dài của việc hút thuốc đối với phản ứng miễn dịch.”
Hút thuốc ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch như thế nào
Nghiên cứu được công bố trên tập san Nature đã phân tích dữ liệu lấy được từ 1,000 người Pháp trưởng thành khỏe mạnh có độ tuổi 20 đến 69 khi tham gia dự án Milieu Interieur, một nghiên cứu dựa trên dân số để kiểm tra xem di truyền và môi trường ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như thế nào. Những người tham gia đã cung cấp mẫu máu và trả lời 136 câu hỏi về khẩu phần ăn uống và các yếu tố liên quan tới các lối sống khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã kích thích sản xuất 13 cytokine, là các protein điều chỉnh tình trạng viêm. Cytokine cho phép cơ thể tăng khả năng phòng vệ miễn dịch khi virus, vi khuẩn hoặc các mầm bệnh khác xâm nhập và đe dọa đến sức khỏe.
Kết quả cho thấy việc hút thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch tự nhiên và hệ thống miễn dịch thích ứng của cơ thể. Hệ thống miễn dịch tự nhiên phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa mới, trong khi hệ thống miễn dịch thích ứng được phát triển theo thời gian và nhắm vào các mầm bệnh cụ thể. Mặc dù hệ thống miễn dịch tự nhiên phục hồi nhanh hơn sau khi bỏ thuốc, nhưng tình trạng viêm vẫn tồn tại trong hệ thống miễn dịch thích ứng.
Kết quả là, những người có tiền sử hút thuốc có thể gặp khó khăn trong việc chống lại virus mà cơ thể họ đã gặp phải trước đó, vì khả năng miễn dịch thích ứng của họ vẫn bị suy giảm do chứng viêm.
Violaine Saint-Andre, nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Pasteur và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Đây là một khám phá quan trọng làm sáng tỏ tác động của việc hút thuốc đối với khả năng miễn dịch của những người khỏe mạnh và cũng như đối với khả năng miễn dịch của những người mắc các bệnh khác nhau.”
Chứng viêm dai dẳng làm suy yếu cơ chế phòng vệ
Khả năng hoạt động của Cytokine bị giảm ở những người thừa cân, nhiễm virus herpes hoặc hút thuốc.
Những người hút thuốc cho thấy phản ứng viêm tăng cao hơn so với những người không hút thuốc. Mặc dù giảm đi sau khi người từ bỏ hút thuốc nhưng tình trạng viêm sẽ còn vẫn tồn tại trong nhiều năm ở mức độ thấp hơn.
Tình trạng viêm dai dẳng đã cản trở khả năng thiết lập hệ thống phòng thủ mạnh mẽ của cytokine. Do đó, những người có tiền sử hút thuốc có thể bị bệnh do cùng một loại virus thay vì phát triển khả năng miễn dịch với virus đó.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng hút thuốc có thể làm thay đổi khả năng miễn dịch bằng cách thay đổi cấu trúc tế bào thông qua quá trình methyl hóa DNA. Đây là một quá trình mà trong đó một phân tử nhỏ gọi là nhóm methyl được thêm vào DNA, protein hoặc các phân tử khác trong cơ thể, làm thay đổi hành vi của các phân tử này.
Hút thuốc có thể làm thay đổi các trình tự liên quan đến quá trình trao đổi chất và truyền tín hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của cytokine.
Thuốc lá giết chết 480,000 người mỗi năm ở Mỹ
Mặc dù tỷ lệ hút thuốc đã giảm kể từ những năm 1960 nhưng việc hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, nguy cơ tử vong do khói thuốc lá đã tăng lên trong 50 năm qua.
Ngoài những thay đổi DNA tiềm tàng thông qua quá trình methyl hóa, khói thuốc lá còn gây tổn hại gần như mọi cơ quan trong cơ thể, góp phần gây ra nhiều bệnh tật và làm suy giảm sức khỏe tổng thể.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times