Sự thanh thản khi xem nhẹ sở thích

Cuộc sống sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ tận hưởng những gì đang có trước mắt và là chính mình ở hiện tại thay vì bị chi phối bởi những xu hướng cố hữu?

Chủ nghĩa tiêu dùng khiến chúng ta tập trung vào việc thỏa mãn sở thích của mình.

Phần lớn những lời khuyên tự lực (self-help) thực chất chỉ là định hình cách sống, khiến chúng ta cảm thấy tự mình có thể tạo ra một cuộc sống hoàn hảo, thỏa mãn bằng cách lựa chọn giữa những gì khiến bản thân hài lòng nhất.

Điều này hoàn toàn trái ngược với cách sống của người xưa. Ngày xưa, con người có ít lựa chọn hơn. Bạn có thể thừa kế một công việc, có cuộc hôn nhân được định sẵn hoặc sống gần nơi mình sinh ra.

Bản thân tôi không thích hồi sinh mọi khía cạnh của lối sống này. Tôi thực sự nghĩ được lựa chọn là điều tốt, và tôi biết ơn vì mình có thể chọn một công việc, người vợ và sở thích phù hợp với tính cách của mình.

Điều tôi lo ngại là lối suy nghĩ ám ảnh với sở thích. Tập trung quá nhiều vào một sở thích có thể lấn át những điều tốt đẹp khác. Ít nhất thì điều đó đã xảy ra với tôi.

Về mặt lý thuyết, thật tuyệt vời khi chúng ta ngày càng đạt được những mong muốn của mình, nhưng điều đó cũng đi kèm với những đánh đổi:

  • Bạn càng đạt được chính xác những gì mình muốn, bạn sẽ càng thất vọng với những khía cạnh không phù hợp với sở thích của mình.
  • Bạn càng dành nhiều thời gian để làm những gì mình muốn, thì càng ít quan tâm đến sở thích của người khác.
  • Bạn càng giới hạn những lựa chọn thì bạn càng ít cho phép những cuộc phiêu lưu và sự tự phát xảy ra trong cuộc sống của mình – thay vào đó, bạn sẽ thích những gì an toàn và dễ dàng.

Vì vậy, tôi đoán là cuộc đời chúng ta sẽ kém trọn vẹn, bị giới hạn và cuối cùng là chúng ta sẽ kém hài lòng hơn.

Bỏ qua sở thích

Khi nói “không có sở thích,” tôi không phủ nhận rằng bạn có thể thực sự thích thứ này hay thứ khác hoặc đôi khi có ý muốn hành động theo những ham muốn này. Ý của tôi là bạn nên từ bỏ việc nuôi dưỡng những sở thích này và xem nhẹ chúng. Đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, không có ý nghĩa gì ngoài một xu hướng hay mốt mới.

Ví dụ, bạn có thể chọn:

  • Không cần phải ưu tiên công việc hay giải trí. Thay vì phân biệt cứng nhắc giữa làm việc và nghỉ ngơi, hãy xem đó như là những phạm trù có thể hoán đổi cho nhau. Những gì người này coi là công việc có thể là sự giải trí đối với người khác và ngược lại. Với thái độ này, chúng ta có thể xem việc hoàn thiện công tác là cách để phục hồi năng lượng, và tham gia vào các hoạt động giải trí truyền thống là để hoàn thành một mục tiêu to lớn hơn.
  • Không nên ưu tiên việc này hay việc kia. Đừng quá kỹ lưỡng khi lựa chọn công việc. Một số người nhìn chằm chằm vào danh sách việc cần làm để quyết định một công việc phù hợp với tâm trạng. Điều đó sẽ càng khiến bạn bồn chồn và thất vọng hơn. Thay vì như vậy, chỉ cần tạo thói quen chọn công việc đầu tiên bạn nhìn thấy. Nếu có việc gì cần phải làm, hãy xem xét vào đêm hôm trước để thực hiện đầu tiên vào sáng hôm sau.
  • Không có sở thích về nơi ở hoặc những gì bạn đang làm. Nhiều lúc bạn buộc phải ở nơi nào đó. Có thể là do nhu cầu hoặc mong muốn của mình, hay được yêu cầu phải có mặt, ngồi yên tại chỗ hoặc xuất hiện và làm việc. Tại sao lại phàn nàn về tình trạng này? Hãy áp dụng tư duy của một người biết hài lòng với hoàn cảnh hiện tại.
  • Không có sở thích về việc ăn hoặc mặc. Các công ty thực phẩm và quần áo đã thổi bùng lên mong muốn của chúng ta về sự đa dạng và thể hiện bản thân. Đó không hẳn là điều xấu, nhưng bạn có thể vui vẻ hơn khi xem nhẹ những sở thích này. Khi nói đến thực phẩm và quần áo, hãy chọn trở thành người dễ tính và vui vẻ thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hòa mình vào dòng chảy

Điều tôi muốn nói đến là không bị ràng buộc bởi gánh nặng phải thỏa mãn và quyết định mọi thứ dựa trên sở thích cá nhân. Theo cách đó, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Thậm chí bạn có thể thử áp dụng ý tưởng này sang các lĩnh vực khác và xem hiệu quả của nó.

Đừng lo rằng điều này sẽ khiến bạn trở nên nhàm chán hoặc máy móc. Chủ nghĩa tiêu dùng đã lừa dối bạn khi nói rằng cách duy nhất để tận hưởng cuộc sống là trước tiên hãy tìm ra sở thích của mình. Một con đường khác, có lẽ sẽ đem lại hạnh phúc nhất cho bạn, là trân trọng những gì trước mắt và đón nhận một cách trọn vẹn. Bạn không cần phải thay đổi hoặc định hình kết quả theo một hướng cụ thể nào cả – chỉ cần hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống.

Tất nhiên, bạn vẫn có thể và phải đưa ra những lựa chọn trong suốt quá trình.

Tuy nhiên, những lựa chọn này sẽ trở nên không đáng kể và nhẹ nhàng hơn khi bạn nhận ra rằng dù ở đâu, bạn cũng có được mọi thứ mình cần. Hôn nhân, sự nghiệp và sở thích chỉ nặng nề khi bị ràng buộc bởi việc thỏa mãn hoàn toàn bản thân. Nhưng nếu chúng ta dễ hài lòng hơn thì sao? Nếu chúng ta học được cách không quá truy cầu mà chỉ đơn giản là trân trọng thì sao? Khi đó, bạn sẽ thấy mình khá hạnh phúc dù ở bất cứ nơi đâu, và bạn sẽ đi được nhiều nơi hơn mà không cần mang thêm hành lý.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Mike Donghia và vợ, cô Mollie, viết blog trên trang This Evergreen Home, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm sống tối giản, có chủ đích, và sự gắn kết trong thế giới hiện đại. Bạn có thể theo dõi các bài viết của họ bằng cách ghi danh nhận bản tin hai lần một tuần.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn