Sự chú tâm của một nhà sư

Giữa cuộc sống bận rộn, việc tập trung có ý thức vào một nhiệm vụ duy nhất hàng ngày có thể giúp chúng ta không nhảy ngẫu nhiên từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.

Khi tôi viết bài này, tôi đang trên chuyến bay dài – tôi đã viết nhiều bài đăng trong khi ngồi trên phi cơ và tàu hỏa, và tôi thực sự thấy rằng viết theo cách này dễ dàng hơn nhiều bất chấp máy điện toán xách tay của tôi bị rung xóc trong những chuyến đi này.

Thật dễ dàng để viết trên phi cơ và tàu hỏa vì không có nhiều việc phải làm. Tôi không có Internet trên phi cơ và điều này giới hạn các tùy chọn của tôi. Đó là một lợi thế giúp tôi tập trung.

Trên phi cơ, tôi có thể làm một số việc: đọc, xem phim, ngủ, hay viết – tất cả đều là những lựa chọn tốt tuy rằng cũng có hạn chế. Tôi có xu hướng nghĩ về điều gì đó trong 1 phút và sau đó chọn 1 điều để tập trung vào một lúc.

Tuy nhiên, ở nhà và ở nơi làm việc, các lựa chọn của chúng ta là không giới hạn. Và bộ não của chúng ta dường như muốn làm tất cả. Chúng ta có xu hướng nhảy từ việc này sang việc khác không ngừng cho đến khi giấc ngủ ngọt ngào đưa chúng ta ra khỏi mọi lựa chọn có thể.

Các nhà sư từ lâu là những người có lựa chọn hạn chế, một cách chủ ý. Giống như những người đi phi cơ (không mua dịch vụ Internet) – họ có thể đọc, viết, cầu nguyện, ăn uống, dọn dẹp, thiền định (hay giao tiếp với Chúa, tùy theo tôn giáo của họ). Mọi ngày, mỗi ngày. Và thông thường, họ có những địa điểm được chỉ định trong ngày cho từng việc này.

Điều đó làm cho sự chú tâm nguyên sơ trở nên dễ dàng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể phát triển sự chú tâm hoàn toàn của tu sĩ? Không phải là họ có siêu năng lực – mặc dù cách rèn luyện này cuối cùng sẽ phát triển khả năng tập trung của bạn – nhưng họ có sự sắp xếp và những lựa chọn hạn chế dẫn đến việc tập trung.

Hãy nói về cách biến những ý tưởng đó thành hành động.

Tập trung sự chú ý vào một việc

Hãy tưởng tượng bạn ngồi trong 1 phút, và để trái tim (hoặc lịch trình của bạn) chọn một việc để tập trung vào. Chỉ một lần, trong một khoảng thời gian giới hạn (giả sử là 10 hay 30 phút).

Bây giờ bạn cắt bỏ tất cả các lựa chọn khác. Một cách liên tục. Chỉ có bạn và một việc này thôi.

Bạn sẽ bị cám dỗ và tránh xa một điều, nhưng bạn đã cam kết. Vì vậy, bạn hướng về việc ấy. Và bạn tập trung.

Sự chú tâm của một nhà sư
Khi không hoàn thành cam kết, chúng ta không điều khiển được sức mạnh mà chúng ta có — và cần — để thành công. (Ảnh: KieferPix / Shutterstock)

Bạn cảm thấy muốn quay đi, nhưng bạn đã cam kết rồi mà. Bạn hãy hít thở. Có lẽ bạn nên đứng dậy và vươn vai. Rồi sau đó, hãy quay lại với sự tập trung.

Đây là sự uốn nắn trong việc toàn tâm. Và bạn sẽ tiến bộ hơn nhờ luyện tập.

Mọi việc bạn làm bắt đầu trở nên dễ dàng hơn, trầm tĩnh hơn. Bạn tạo ra tác động lớn hơn mỗi ngày trôi qua trong khi bớt bận rộn hơn. Chỉ một cách thực hành đơn giản này sẽ mang lại mọi điều bạn mong muốn.

Rèn luyện khả năng chú tâm bằng việc lên kế hoạch

Kiểu tập trung chủ ý đó không đến dễ dàng – bạn phải cam kết thực hiện.

Việc sắp xếp lịch trình trong ngày có thể giúp bạn tập trung vào một việc. Nếu đã đến lúc phải thiền – đó chính là điều bạn đang tập trung – một cách riêng biệt. Nếu đã đến lúc viết, đó là điều bạn phải tận tâm thực hiện.

Vậy thì, bạn hãy nghĩ về những điều bạn muốn dành riêng để chú tâm khi bạn thực hiện. Tôi có một số ý tưởng như sau:

  • Một dự án quan trọng
  • Tập thể dục
  • Trả lời email
  • Tài chính
  • Một dự án sáng tạo
  • Nhật ký
  • Thiền định hoặc yoga

Và như thế. Bạn có thể có những việc khác – chơi nhạc, làm đồ thủ công, đọc sách. Bạn muốn có sự chú tâm hoàn toàn vào việc gì trong ngày?

Sau đó, hãy đánh dấu trên lịch của bạn. Đừng dùng cả ngày cho sự chú tâm – có thể từ 2/3 đến 3/4 thời gian rảnh của bạn – vì bạn cần thời gian cho những việc bất ngờ và chăm sóc bản thân. Bạn cần không gian giữa mọi việc.

Tiếp theo hãy tin tưởng vào sự sắp xếp mà bạn nghĩ ra. Hãy để kế hoạch trợ giúp việc thực hành chú tâm có chủ ý của bạn vào một việc tại một thời điểm. Hãy biến điều này thành sự thực hành tận tâm của bạn.

Anh Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn