Phương pháp thời châm giúp trẻ hóa khuôn mặt và nâng cao thẩm mỹ
Châm cứu trong Trung Y có thể làm sáng da mặt, giảm chảy xệ và nếp nhăn do lão hóa da bằng cách châm cứu trên các kinh và huyệt của khuôn mặt. Phương pháp này cũng có thể điều chỉnh cơ mặt để gia tăng lưu thông khí huyết.
Thật thú vị là việc thực hành châm cứu chuyên sâu cũng phụ thuộc vào ngày sinh của bệnh nhân. Phương pháp này được gọi là Thời châm (châm cứu theo thời gian). Ông Dư Nhã Văn – bác sĩ tại Phòng khám Trung Y Royal Jade (Thượng Tỳ) Đài Loan đã giải thích cách dùng thời châm cứu để giúp định hình và nâng cơ mặt.
Thuyết ngũ hành của Trung Y cho rằng vạn vật trong vũ trụ được cấu thành từ năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự phát triển và biến đổi của các sự vật và hiện tượng khác nhau trong tự nhiên là kết quả của sự vận động và tương tác không ngừng của năm yếu tố này. Những yếu tố này cũng duy trì trạng thái hài hòa và cân bằng thông qua các chu kỳ chuyển sinh ra và kiềm chế lẫn nhau liên tục.
Sơ lược về lịch sử châm cứu
Thuyết ngũ hành có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành, phát triển của Trung Y trong hơn 5,000 năm qua. Theo lý thuyết, thời gian sinh của một người, được gọi là “sinh thần,” quyết định vận mệnh và đặc điểm bẩm sinh của họ, bao gồm cả sức mạnh của các cơ quan nội tạng. Chức năng của các cơ quan nội tạng sẽ ảnh hưởng đến tướng mạo và sức khỏe của cơ thể. “Thời thần” (“Canh giờ”) là một đơn vị thời gian truyền thống ở Trung Hoa, chia một ngày thành 12 thời thần bằng nhau. Mỗi thời thần tương đương với hai giờ hiện tại.
Châm cứu nhắm vào các huyệt đạo và kinh mạch của cơ thể con người. Vì các cơ quan nội tạng trong cơ thể được kết nối với nhau thông qua các đường kinh lạc, do đó, kích thích kinh lạc bằng châm cứu có thể làm cân bằng năng lượng ngũ hành của cơ thể. Các huyệt đạo là các vị trí đặc biệt của tạng phủ và kinh mạch, nơi khí và huyết lưu thông ra vào, đồng thời cũng là vị trí điều trị chủ yếu trong châm cứu.
Châm cứu là một trong những kỹ thuật trị liệu độc đáo nhất của Trung Y. Cùng với việc cải thiện các chức năng cơ thể, nâng cao miễn dịch, châm cứu còn có tác dụng an thần và giảm đau rõ rệt. Năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội nghị chuyên đề về châm cứu và khuyến cáo dùng châm cứu để điều trị 43 bệnh. Năm 1995, WHO đã ban hành Hướng dẫn Nghiên cứu Lâm sàng về Châm cứu để khuyến khích nghiên cứu lâm sàng về châm cứu và cung cấp hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu. Năm 2010, châm cứu được công nhận và đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiến sĩ Dư nói rằng thời châm không chỉ có thể làm đẹp khuôn mặt và trẻ hóa làn da mà còn cải thiện sự yếu kém bẩm sinh của tạng phủ. Điều này giúp đạt được vẻ đẹp lâu dài chứ không phải chỉ là vẻ đẹp bề ngoài.
Giải quyết các khiếm khuyết bẩm sinh bằng thời châm
Trong khi thảo luận về thời châm, Tiến sĩ Dư đã đưa ra ví dụ về người thiếu Hỏa hoặc Mộc trong mệnh. Theo thuyết ngũ hành của Trung Y thì Hỏa chủ quản kinh tâm, Mộc chủ quản kinh can. Hỏa không đủ có nghĩa là lưu thông máu qua tim kém, biểu hiện qua các triệu chứng như chân và tay lạnh vào mùa đông. Các huyệt như Túc Tam Lý, Thần Môn có thể được dùng để kích thích lưu thông máu.
Mặt khác, Mộc không đủ có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết và hệ thần kinh thực vật thuộc kinh can. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng kinh, xuất hiện các nốt ở gan, ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, Trung Y còn liên kết gan với mắt, vì vậy mắt cũng dễ bị mỏi và khô. Các huyệt như Thái Xung ở kinh can và Hợp Cốc ở kinh đại tràng có thể được dùng để điều trị các cơ quan trên khuôn mặt.
“Hoàng Đế Nội Kinh” có nói “khí của các cơ quan nội tạng đều đi lên và tụ lại ở mắt để hình thành tinh khí,” có nghĩa là nội tạng khỏe mạnh hay không được phản ánh trên khuôn mặt thông qua đôi mắt. Tiến sĩ Dư giải thích rằng trọng tâm của thời châm là đồng thời điều chỉnh các cơ quan nội tạng và vẻ ngoài của khuôn mặt, bảo đảm khí huyết lưu thông liên tục đến mặt.
Làm căng da mặt hiệu quả bằng dao châm cứu
Tiến sĩ Dư cho biết châm cứu thường được dùng để làm giãn các huyệt trên da đầu nhằm nâng cơ mặt. Châm các huyệt nằm gần cơ cắn, bao gồm Địa Thương (ST4), Giáp Xa (ST6) và Hạ Quan (ST7) sẽ giúp nâng cơ mặt. Huyệt Nghinh Hương (LI20) dùng để xóa nếp nhăn, huyệt Toàn Trúc (BL2) và Thái Dương (EX-HN5) để giảm mỏi mắt.
Trung Y dùng những chiếc kim mỏng như sợi tóc và “dao châm cứu” – tương tự như những dụng cụ được dùng trong các thủ thuật phẫu thuật của Tây phương. Ngoài các phương pháp điều trị châm cứu thông thường, dao châm cứu còn được dùng để giảm độ kết dính mô mềm, co rút, tắc nghẽn và sẹo, giảm bớt sự chèn ép thần kinh và mạch máu, cải thiện vi tuần hoàn. Đồng thời, thông qua cơ chế tự sửa chữa sau tổn thương để kích thích tái tạo mô, tương tự như nguyên lý của huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong y học tái tạo Tây phương.
Vậy “dính” là gì? Khi cơ thể liên tục hoạt động, các chất chuyển hóa của tế bào sẽ tích tụ trong lớp cân. Nếu không được đào thải, các chất này có thể gây dính lớp cân, tạo thành một cấu trúc giống như mô liên kết của chính chúng.
Theo Tiến sĩ Dư, hàng ngày, chúng ta đều có nhiều biểu hiện trên khuôn mặt liên quan đến các hoạt động như ăn uống hoặc nói chuyện. Kết quả là sẽ có sự dính giữa cân má và cân mặt khác dẫn đến xuất hiện các nếp nhăn hoặc cơ chảy xệ. Dùng dao châm cứu để giảm độ kết dính gần cơ vòng mi có tác dụng nâng cơ và săn chắc da mặt đáng kể.
Ba lời khuyên khi áp dụng phương pháp châm cứu thẩm mỹ
Tiến sĩ Dư đã đề cập đến ba điều cần lưu ý khi áp dụng phương pháp châm cứu thẩm mỹ gồm:
- Hai ngày trước khi châm cứu không nên thức khuya: Cố gắng đi ngủ trước 11 giờ đêm, vì thức khuya có thể kích thích lưu thông máu, dẫn đến dễ bị chảy máu và bầm tím trong quá trình châm cứu.
- Dưỡng ẩm cho da: Sau khi châm cứu sẽ có một số vết thương nhỏ: Bạn nên tận dụng cơ chế tự sửa chữa của cơ thể bằng cách đắp mặt nạ dưỡng ẩm thường xuyên vì da sẽ hấp thụ [dưỡng chất] tốt hơn trong thời gian này.
- Ăn thêm collagen: Ăn các thực phẩm như yến sào (nước bọt của chim yến có chứa acid sialic), mộc nhĩ đen, nấm tuyết, lily (hoa bách hợp) và sữa đậu nành để bồi bổ kinh phế. Theo Trung Y, phổi chi phối da và tóc, và màu trắng giúp nuôi dưỡng phổi. Điều này cho thấy tình trạng của da có liên quan đến kinh phế và các thực phẩm màu trắng có thể giúp bổ phế.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times