Phơi nhiễm kim loại nặng có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ

Các kim loại độc hại như chì, cadmium và manganese tồn tại khắp nơi trong môi trường và có liên quan đến suy giảm và thoái hóa chức năng nhận thức.

Trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ tiếp tục gia tăng, ngày càng nhiều nghiên cứu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phơi nhiễm kim loại nặng.

Từ các loại thuốc cho đến nước uống và thậm chí là không khí, môi trường xung quanh chúng ta đều chứa các kim loại như chì, cadmium và nhôm. Những kim loại này có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và các bệnh về thần kinh.

Các yếu tố môi trường góp phần gây suy giảm nhận thức

Theo Hiệp hội Alzheimer, gần 7 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh Alzheimer và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Các nghiên cứu trên người liên tục chứng minh rằng phơi nhiễm với chì, cadmium và manganese có liên quan đến suy giảm và thoái hóa chức năng nhận thức.

Đặc biệt, cadmium được thải ra môi trường ngày càng nhiều thông qua các hoạt động công nghiệp như khai thác than và sử dụng phân bón phosphate trên các cánh đồng.

Nhôm, một kim loại khác làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, đang được xem là một phần của các phương pháp geoengineering tiềm năng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách phun aerosol vào phần dưới của tầng bình lưu. Cách làm này có thể khiến con người và hệ sinh thái bị phơi nhiễm các hợp chất nhôm nhiều hơn.

Việc hợp pháp hóa cần sa ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ cũng có thể làm vấn đề phơi nhiễm kim loại độc hại trở nên trầm trọng hơn. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy những người sử dụng cần sa có mức độ chì và cadmium trong máu và nước tiểu cao hơn đáng kể so với những người không sử dụng. Các nhà nghiên cứu phát hiện mức cadmium trung bình ở những người dùng cần sa cao hơn 22% trong máu và 18% trong nước tiểu. Những người này cũng có mức chì tăng 27% trong máu và 21% trong nước tiểu.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, không có mức độ phơi nhiễm chì nào là an toàn.

Các kim loại vi lượng làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Mặc dù một số kim loại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thần kinh, nhiều kim loại vi lượng thiết yếu lại có khả năng làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Những kim loại vi lượng này, hay còn gọi là chất khoáng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe bộ não và giảm nguy cơ bị các bệnh thần kinh thoái hóa nếu không tiêu thụ quá mức.

  • Magnesium: có tác dụng bảo vệ thần kinh, giảm căng thẳng oxy hóa và viêm.
  • Kẽm: cần thiết cho chức năng miễn dịch và giao tiếp bộ não.
  • Đồng: giảm căng thẳng oxy hóa và viêm.
  • Selenium: cải thiện nhận thức ở người suy giảm nhận thức nhẹ.

Các nguồn thực phẩm chứa nhiều kim loại vi lượng bao gồm:

  • Các loại quả hạch khác nhau như hạnh nhân, quả óc chó và hồ đào.
  • Hạt giống như hạt chia, lanh và hướng dương.
  • Các loại đậu như đậu lăng, đậu gà và đậu đen.
  • Ngũ cốc nguyên cám như yến mạch nguyên cám, hạt quinoa và lúa mạch.

Mặc dù các kim loại vi lượng này có tác dụng bảo vệ thần kinh, nhưng không thể thay thế các phương pháp điều trị hiện có cho bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Một kế hoạch điều trị toàn diện bao gồm thay đổi lối sống, thuốc men và rèn luyện nhận thức là cần thiết để kiểm soát hiệu quả các chứng bệnh này.

Phơi nhiễm kim loại nặng trong cuộc sống hàng ngày

Một bài đánh giá khoa học trên Toxicology cho thấy phơi nhiễm kéo dài với nhôm ở mức độ thấp có thể dẫn đến những thay đổi liên quan đến lão hóa não và thoái hóa thần kinh. Việc sử dụng thuốc kháng acid được làm bằng nhôm hydroxide là một trong những nguồn chính gây phơi nhiễm nhôm ở người.

Tiến sĩ Charles M. Janssens, chuyên gia về y học nội khoa tại Cincinnati, chia sẻ với The Epoch Times rằng hiện không có cách nào để đảo ngược những tổn thương do phơi nhiễm nhôm gây ra. Mặc dù bộ não có một số đặc tính mềm dẻo và khả năng tái tạo, nhưng tốt nhất vẫn là loại bỏ nguồn gốc gây ra tổn thương.

Cách chúng ta tiếp xúc với những kim loại này thì khác nhau. Đối với chì và arsenic, chủ yếu đi vào cơ thể qua nguồn thức ăn, còn đối với các kim loại khác thì thường là do tiếp xúc khi làm việc.

Một số loại thực phẩm và gia vị, bao gồm kẹo nhập khẩu, rau mùi, nghệ và bột ớt, cũng có chứa chì.

Mặc dù nhôm được cho là có liên quan đến suy giảm nhận thức, nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải vứt bỏ dụng cụ nấu nướng bằng nhôm của mình. Những kim loại này cần phải ở một trạng thái nhất định, chẳng hạn như khí hoặc chất lỏng, thì mới được hấp thụ và gây hại cho cơ thể.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn