Nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa nhanh
Nguyên nhân hàng đầu đẩy nhanh quá trình lão hóa là gì? Điều mà chúng ta thường nghĩ đến trước tiên là các thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu quá mức. Tuy nhiên, thật đáng kinh ngạc khi các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra rằng nguyên nhân hàng đầu đằng sau sự lão hóa là trạng thái tâm lý không tốt.
Nguyên nhân chính của lão hóa: Trạng thái tâm lý tiêu cực
Một bài báo của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Hồng Kông đã đánh giá những tác động của nhiều yếu tố khác nhau đến tuổi sinh học của con người trên 11,914 người trưởng thành trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu theo chiều dọc về sức khỏe và hưu trí ở Trung Quốc (CHARLS). Dữ liệu bao gồm xét nghiệm máu, điều kiện sống, trạng thái tâm lý, tiền sử bệnh tật, v.v. của những người tham gia.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tác động trung bình của đột quỵ, bệnh gan, và bệnh phổi đến sự lão hóa sinh học không quá 1.5 năm.
Họ cũng kiểm tra những người khỏe mạnh và phát hiện rằng đối với người không bị bệnh, nguyên nhân chính đẩy nhanh quá trình lão hóa là trạng thái tinh thần.
Trạng thái tinh thần kém sẽ làm tăng 1.65 tuổi sinh học. Yếu tố thứ hai là hút thuốc, một thói quen xấu có tác động đến tuổi thọ, gây tăng 1.25 tuổi lão hóa. Các yếu tố khác góp phần gây lão hóa nhanh bao gồm giới tính nam, sống ở vùng nông thôn, độc thân, v.v.
Căng thẳng hoặc lo lắng cũng có thể làm gia tăng tuổi sinh học và đẩy nhanh sự lão hóa. Trạng thái tâm lý tiêu cực, cảm thấy không hạnh phúc khiến một người già đi 0.35 tuổi, trong khi ngủ không yên giấc làm tăng 0.44 tuổi.
Đồng tác giả Manuel Faria của Đại học Stanford cho biết: “Trạng thái tinh thần và tâm lý xã hội là hai trong những yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về các kết cục sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nhưng phần lớn những yếu tố này đã bị loại khỏi dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.”
Tuổi sinh học lớn hơn: Lão hóa nhanh hơn, dễ bị bệnh hơn
Có một sự khác biệt giữa tuổi sinh học và tuổi thời gian (tính theo thời gian sống).
Trong một nghiên cứu về lão hóa năm 2022, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình thống kê để tính tuổi sinh học với một cái tên dễ hình dung là: đồng hồ lão hóa. Có thể dùng đồng hồ lão hóa để tính tuổi sinh học của một người bằng cách nhập các chỉ số sinh hóa máu, huyết áp, nhịp tim, tình trạng hôn nhân, khu vực sống, lối sống, v.v.
Nếu tuổi sinh học của một người thấp hơn tuổi thời gian, họ sẽ lão hóa chậm hơn. Nói cách khác, tuổi sinh học cao hơn tuổi thời gian sẽ khiến một người già đi nhanh chóng. Tăng tuổi sinh học cũng có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và nhiễm trùng, cũng như một số bệnh lý khác.
Ngoài các yếu tố tâm lý như căng thẳng, cô đơn, sức khỏe tinh thần, và quan điểm tiêu cực về lão hóa, có một số yếu tố tâm lý khác cũng làm đẩy nhanh quá trình lão hóa, bao gồm các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống và lối sống hiện đại thời nay.
Có một số nguyên nhân đằng sau những trạng thái tâm lý tiêu cực làm đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Tại sao trạng thái tâm lý tiêu cực lại tác động đáng kể đến tuổi sinh học như vậy? Khi tích tụ các loại cảm giác tiêu cực, cơ thể sẽ trải nghiệm một loạt những phản ứng tinh vi, và nhiều chỉ số sinh lý cũng thay đổi theo đó. Cơ thể tiết ra các hormone căng thẳng và các chất hóa học khác, và làm tăng tổn thương do oxy hóa. Từ đó, kích thích các gene liên quan đến lão hóa, tạo ra nhịp sống bất ổn định.
Khi chịu căng thẳng, cơ thể sản xuất lượng lớn glucocorticoid, làm tổn thương gần như toàn bộ mô cơ thể và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Glucocorticoid có liên quan đến trí nhớ và nhận thức, gây ra những thay đổi biểu sinh trong DNA và tác động đến quá trình methyl hóa liên quan đến lão hóa, góp phần dẫn đến chứng xơ vữa động mạch và các vấn đề sức khỏe khác.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy căng thẳng xã hội do cạnh tranh có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Một số nhà nghiên cứu đã tính toán rằng căng thẳng tích lũy trong suốt cuộc đời dẫn đến sự gia tăng độ tuổi sinh học thêm 3.6 năm.
Hơn nữa, căng thẳng có thể làm cho tổn thương do oxy hóa trầm trọng hơn và làm ngắn telomere DNA trong cơ thể người, cả hai đều góp phần gây lão hóa và tăng thêm 10 năm tuổi sinh học. Các nghiên cứu về chấn thương thuở nhỏ và rối loạn căng thẳng sau chấn thương cũng cho thấy rằng sự gia tăng tốc độ lão hóa do loại căng thẳng này có thể kéo dài trong nhiều năm.
Cũng có những nghiên cứu cho thấy căng thẳng tích lũy dẫn đến tình trạng kháng insulin trong cơ thể người. Kháng insulin sẽ dẫn đến viêm kinh niên và căng thẳng oxy hóa, là những cơ chế chính của quá trình lão hóa sinh học. Chiều dài telomere ở tế bào bạch cầu (LTL) có mối liên quan nghịch với sự kháng insulin. Khi sự kháng insulin tăng, LTL giảm và sự lão hóa của tế bào tăng lên.
Trong số các dấu ấn sinh học của máu trong đồng hồ lão hóa, sự gia tăng một dấu ấn quan trọng – cystatin C – cho thấy sự thoái hóa chức năng thận. Suy giảm chức năng thận là yếu tố nguy cơ chính làm tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong dân số nói chung. Hơn nữa, nồng độ cystatin C bất thường có thể liên quan đến các triệu chứng trầm cảm mới khởi phát.
Sự gia tăng nhanh chóng về mức độ không hài lòng trong những năm gần đây
Nhìn chung, trạng thái tâm lý của chúng ta đang ngày càng xấu đi: Chúng ta thấy cô đơn và ít hạnh phúc hơn.
Theo Gallup, cảm giác không hài lòng của dân số toàn cầu đang tăng lên trong 15 năm qua và bây giờ đang ở mức cao kỷ lục. Mọi người cảm thấy tức giận, buồn bã, đau đớn, lo lắng, và căng thẳng hơn bao giờ hết. Nếu chỉ số trải nghiệm tiêu cực nằm trong khoảng 0 đến 100, thì cảm giác bất hạnh của con người đang tăng lên từ 24 (năm 2006) đến 33 (năm 2021).
Trong hơn 5 triệu cuộc phỏng vấn về cảm giác hạnh phúc do Gallup thực hiện (đại diện thống kê cho 98% dân số trên thế giới), những người phỏng vấn được yêu cầu mô tả cuộc sống của họ theo thang điểm 0 đến 10, với 0 là mức độ hài lòng thấp nhất, và 10 là mức độ cao nhất.
Khi cuộc khảo sát bắt đầu năm 2006, 3.4% số người cho 10 điểm, và chỉ 1.6% cho 0 điểm. Năm 2021, sau 15 năm theo dõi, những con số này đã tăng lên đáng kể. Trong số họ, những người đánh giá mức tốt nhất chiếm 7.4%, tăng 1.1 lần, trong khi những người đánh giá mức tệ nhất đạt 7.6%, tăng gấp 3.75 lần.
Tình trạng cô đơn đã tăng lên đáng kể từ sau sự bùng phát của COVID-19.
Một cuộc khảo sát trực tuyến trên 950 người Mỹ của trường Đại học Harvard vào tháng 10/2020 cho thấy 36% người dân Hoa Kỳ – bao gồm 61% thanh niên từ 18 đến 25 tuổi và 51% bà mẹ có con nhỏ – cảm thấy cô đơn trầm trọng. Báo cáo cũng tiết lộ những kết cục của sự cô đơn, bao gồm tử vong sớm và một loạt các vấn đề thể chất và cảm xúc trầm trọng, như trầm cảm, lo lắng, bệnh tim, lạm dụng chất kích thích, và bạo lực gia đình.
Một cách để thay đổi trạng thái tâm lý và giảm tuổi sinh học
Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi trạng thái tinh thần và giảm bớt cảm giác bất hạnh? Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng ngoài việc cải thiện cách ăn uống, gần gũi với thiên nhiên, và tập thể dục thường xuyên, thì sự duy trì lòng trắc ẩn với bản thân và người khác cũng có thể tạo ra một trạng thái tâm lý tích cực và trì hoãn quá trình lão hóa.
Các học giả định nghĩa lòng trắc ẩn là sự đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác cùng một tâm thái sẵn sàng giúp đỡ. Trái ngược với sự đồng cảm, lòng trắc ẩn không chỉ là khả năng nhận biết và cảm thụ trạng thái tâm lý của người khác, mà còn cần thực hiện bằng hành động. Không chỉ vậy, lòng trắc ẩn cũng bao hàm cả lòng tự trắc ẩn.
Lòng trắc ẩn giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe thể chất qua nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như giảm sự cô đơn, tăng cảm giác hạnh phúc, giảm nguy cơ tim mạch và viêm nhiễm, và cải thiện bệnh tiểu đường.
Trang Transitional Psychiatry đã công bố một nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm trên 1,090 người Mỹ trưởng thành. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các tác động thể chất và tinh thần của lòng trắc ẩn đối với bản thân (CTS) và đối với người khác (CTO) bằng cách gọi điện thoại và điền vào các biểu mẫu. Các kết quả cho thấy một người luôn có mức độ CTS và CTO cao thường ít cô đơn hơn trong nhiều năm sau đó.
Nếu bắt đầu với mức độ CTS và CTO thấp nhưng sau đó thay đổi, sức khỏe tinh thần cũng sẽ được cải thiện tương ứng.
Những tác động tích cực của lòng trắc ẩn đối với sức khỏe là lớn hơn nhiều so với những ảnh hưởng xấu của việc hút thuốc và uống rượu. Điều này nhắc lại các phát hiện ban đầu của bài báo rằng trạng thái tinh thần kém làm tăng tốc độ lão hóa nhanh hơn cả việc hút thuốc.
Đó là do lòng trắc ẩn và hành động tốt có thể tăng sự kết nối với những người khác mà không đem đến cảm giác đe dọa. [Vì vậy,] người ta sẽ có xu hướng đáp lại nhiều hơn cùng nhiều sự ấm áp hơn. Hơn nữa, CTS và CTO phản ánh khả năng đồng cảm – thấu hiểu cảm xúc và quan điểm của người khác – giúp củng cố nhiều mối quan hệ xã hội có giá trị.
Trong thời kỳ sau đại dịch, con người ngày càng bị trầm cảm, lo lắng, và căng thẳng, cũng như giảm cảm giác an toàn xã hội.
Một nghiên cứu bao gồm những người trưởng thành từ 21 quốc gia và khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng chứng minh hiệu quả bảo vệ chung của lòng trắc ẩn đối với con người. Ba cách thể hiện lòng trắc ẩn bao gồm: lòng trắc ẩn đối với bản thân, người khác và nhận được từ những người khác.
Các kết quả cho thấy rằng, việc đối xử thiện lương hơn với bản thân và người khác sẽ làm giảm các vấn đề về tâm lý và mang lại cảm giác an toàn xã hội cao hơn. Người ta có thể ít buồn chán hơn nếu giữ tấm lòng thiện lương với những người khác. Cảm giác trầm cảm, lo lắng, và căng thẳng cũng sẽ giảm đi khi thực hành lòng tự trắc ẩn. [Ngoài ra,] lòng trắc ẩn có thể giúp những người xung quanh giảm bớt nỗi sợ hãi về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe như đại dịch bùng phát, và tăng cảm giác an toàn xã hội.
Tuy nhiên, những hành động thể hiện lòng trắc ẩn và lòng tốt sẽ đem đến nhiều lợi ích hơn là việc chỉ dừng lại ở suy nghĩ.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times