Bản tin đặc biệt

Người chết não có thể không chết – Đây là lý do

Một người chết não được coi là đã qua đời về mặt pháp lý, nhưng liệu họ có thể còn sống về mặt sinh học hay không vẫn còn là vấn đề cần tranh luận.

Đó là năm 1989, và bà vẫn là bác sĩ gây mê nội trú, Tiến sĩ Heidi Klessig hồi tưởng lại trong cuốn sách đã viết “The Brain Death Fallacy” (Tạm dịch: Ngụy Biện về Chết Não).

Một ngày nọ, bác sĩ gây mê bảo bà chuẩn bị một người hiến tạng chết não để phẫu thuật lấy tạng.

Khi khám cho bệnh nhân này, bác sĩ Klessig đã rất ngạc nhiên khi thấy người đàn ông này trông giống hệt mọi bệnh nhân đang nguy kịch, ông ấy vẫn còn sống và trên thực tế, còn khỏe hơn hầu hết mọi người.

Tiến sĩ Klessig viết, “Ông ấy còn ấm, tim vẫn đang đập và máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho thấy các chỉ số ổn định. Tuy nhiên, khi khám lâm sàng, ông ấy đã đánh dấu tất cả các ô xem chết não và bác sĩ thần kinh tuyên bố ông ấy đã qua đời.”

Bác sĩ gây mê giám sát của bác sĩ Klessig đã hỏi bà rằng bà sẽ chích loại thuốc gây mê nào cho người hiến tặng cho ca phẫu thuật.

Câu trả lời của bà là một chất làm tê liệt để người hiến tặng không thể cử động trong khi phẫu thuật, cũng như một ít thuốc fentanyl để làm giảm đáp ứng đau của cơ thể.

Bác sĩ gây mê nhìn bà và hỏi, “Chà, cô có định cho bất cứ thứ gì để làm mất ý thức của bệnh nhân này không?”

Tiến sĩ Heidi Klessig trong thập niên 90. (Ảnh được đăng với sự cho phép của Tiến sĩ Heidi Klessig)
Tiến sĩ Heidi Klessig trong thập niên 90. (Ảnh được đăng với sự cho phép của Tiến sĩ Heidi Klessig)

Tiến sĩ Klessig choáng váng. Thuốc ức chế ý thức được cung cấp cho bệnh nhân để bảo đảm họ không tỉnh táo và không nhận thức trong quá trình phẫu thuật.

Bà đã được dạy rằng bệnh nhân chết não không nên còn tỉnh táo; ngoài việc có một cơ thể hoạt động sinh học, tâm trí của họ đã biến mất.

“Tôi nhìn ông ấy và nói, ‘Tại sao tôi phải lại làm vậy? Không phải bệnh nhân đã qua đời rồi sao?’”

Bác sĩ gây mê nhìn bà và hỏi, “Tại sao cô không cho anh ấy thứ gì đó để ngăn chặn ý thức – chỉ để đề phòng thôi.”

Tiến sĩ Klessig nói với The Epoch Times, “Tôi cảm thấy cồn cào trong bụng mỗi khi nhớ đến khuôn mặt của ông ấy. Tôi nhớ cách ông ấy nhìn tôi qua chiếc khẩu trang… Nó có vẻ rất khó hiểu.”

“Tôi đã làm như được bảo và tôi rất biết ơn [vì tôi đã làm vậy.]”

Não đã chết, đã chết?

Khi một người chết não, họ được coi là đã tử vong về mặt pháp lý, nhưng về mặt kỹ thuật thì cơ thể của họ vẫn còn sống.

Định nghĩa chết não hay còn gọi là chết theo tiêu chí thần kinh là khi một người rơi vào trạng thái hôn mê vĩnh viễn, mất phản xạ thân não và mất ý thức, và không thể thở nếu không được kích thích hoặc trợ thở.

Tuy nhiên, trái tim của họ có thể đập, các cơ quan nội tạng của người đó có thể hoạt động và người đó có thể chống lại nhiễm trùng, phát triển và thậm chí mang thai đến đủ tháng.

Mặc dù họ có thể không có dấu hiệu nhận thức nhưng một số vùng não vẫn có thể hoạt động. Khoảng 50% bệnh nhân chết não vẫn duy trì hoạt động ở vùng dưới đồi, nơi điều phối hệ thống nội tiết của cơ thể và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ dừng lại nếu họ không còn được trợ giúp sự sống.

Vì lý do này, các bác sĩ đang tranh cãi gay gắt liệu chết não có đồng nghĩa với qua đời hay không.

Tiến sĩ James Bernat, nhà thần kinh học và giáo sư danh dự tại Trường Y khoa Dartmouth Geisel, nói với The Epoch Times rằng những người chết não là tử vong vì cơ thể của họ “không còn hoạt động như một sinh vật hoàn chỉnh nữa.” Ông nói, nếu không có công nghệ để phát triển các loại máy móc trợ giúp sự sống này, thì những người này sẽ qua đời thực sự.

Mặt khác, bác sĩ X quang, Tiến sĩ Joseph Eble và bác sĩ huyết học hàn lâm trước đây, Tiến sĩ Doyen Nguyen, đã viết trong một bài viết rằng máy móc chỉ có thể duy trì sự sống chứ không thể tạo ra nó – giống như việc một người chết không thể tự thở khi không có máy thở.

Một chủ đề khác liên quan đến chết não là liệu bệnh nhân có còn cảm giác hay không.

Trong số các bác sĩ gây mê châu Âu, đang có một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu những người hiến tạng chết não có nên dùng thuốc ức chế ý thức trong quá trình lấy nội tạng hay không.

Một số người cho rằng họ nên làm như vậy trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau. Những người khác không đồng ý. Điều đáng ngạc nhiên là quan điểm của các bác sĩ gây mê “không dựa trên khẳng định rằng bệnh nhân không có khả năng cảm nhận được cơn đau”, mà thay vào đó, vì lo ngại rằng công chúng có thể nghi ngờ về chẩn đoán chết não, các nhà đạo đức sinh học, Tiến sĩ Robert Truog và Franklin Miller (có bằng tiến sĩ triết học) đã viết trong cuốn sách của họ, “Death, Dying, and Organ Transplantation” (Tạm dịch: Tắt Thở, Hấp Hối và Ghép Tạng).

Tiến sĩ Ronald Dworkin, một nhà nghiên cứu và bác sĩ gây mê, đã viết trong một bài nghiên cứu về việc lấy nội tạng rằng ông chọn cách dùng thuốc ức chế ý thức vì ông nghĩ rằng bệnh nhân của ông “có thể vẫn còn ‘còn sống một chút,’ bất kể điều đó có nghĩa là gì,” ông nói.

Ông Miller, đồng thời là giáo sư đạo đức y khoa tại Đại học Y khoa Weill Cornell Medical College, nói rằng việc dán nhãn chết não là sai lầm. Ông và bác sĩ Truog, giáo sư gây mê và giám đốc danh dự của Trung tâm Đạo đức sinh học Trường Y khoa Harvard Medical School, đều cho rằng người chết não còn sống nhưng có khả năng sẽ không lấy lại ý thức và hồi phục.

Một số người nói rằng bệnh nhân chết não thực sự có thể hồi phục, như trường hợp nổi tiếng của Jahi McMath, một bé gái 13 tuổi được tuyên bố là chết não vào ngày 12/12/2013. Mẹ cô bé phản đối chẩn đoán chết não và giữ cho Jahi được trợ giúp sự sống trong 4 năm rưỡi. Mặc dù Jahi không thể nói và không bao giờ tỉnh lại hoàn toàn nhưng hai nhà thần kinh học đã làm chứng rằng trong những ngày cuối đời, cô bé đã có “trạng thái ý thức tối thiểu.”

Jahi đã có thể làm theo hướng dẫn, các y tá và bác sĩ đã làm chứng điều này. Sau đó, điện não đồ (EEG) phát hiện tín hiệu sóng não.

Điện não đồ của Jahi McMath, người được tuyên bố là chết não, lẽ ra không có hoạt động gì. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)
Điện não đồ của Jahi McMath, người được tuyên bố là chết não, lẽ ra không có hoạt động gì. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Một người chết não sẽ không có bất kỳ hoạt động điện não đồ nào.

Tiến sĩ Klessig nói, “Jahi McMath là ví dụ điển hình về một người được chẩn đoán ‘chính xác/xác định’ là chết não và sau đó được ghi nhận là đã phục hồi chức năng não. Bà nói thêm, cô gái chắc chắn đã được chẩn đoán chết não theo hướng dẫn của thời đó và sẽ được chẩn đoán như vậy theo hướng dẫn mới.

Chết não được đánh giá như thế nào?

Theo hướng dẫn đánh giá tình trạng chết não gần đây nhất do Học viện Thần kinh Hoa Kỳ (AAN) công bố vào năm 2023, tình trạng chết não được xác định qua đánh giá tại giường bệnh.

Trước khi tiến hành đánh giá tình trạng chết não, phải thực hiện chẩn đoán hình ảnh thần kinh để bảo đảm rằng có tổn thương não.

“Nếu quý vị thấy một kết quả quét CAT bình thường hoặc kết quả MRI bình thường, thì quý vị cần phải hết sức cẩn thận và nhận thức được rằng có thể quý vị đang rơi vào tình huống dương tính giả.” Tiến sĩ Panayiotis Varelas, một trong những đồng tác giả của Hướng dẫn năm 2010 và chủ tịch Khoa Thần kinh học tại Đại học Y khoa Albany Medical College nói với The Epoch Times.

Sau khi chấn thương não được xác nhận, hai bác sĩ sẽ hoàn thành việc đánh giá tình trạng chết não. Bệnh nhân được kiểm tra hai lần về khả năng đáp ứng với kích thích đau và phản xạ thân não, với khoảng thời gian 24 tiếng giữa mỗi lần kiểm tra.

Nếu bệnh nhân không có đáp ứng cả hai lần khám, các bác sĩ sẽ tiến hành test ngưng thở – được coi là kết quả chính xác nhất – để xem người đó có bị mất phản xạ thở hay không. Ở trẻ em, test ngưng thở được thực hiện hai lần, sau mỗi lần đánh giá tình trạng chết não tại giường.

Để đánh giá tình trạng chết não, các bác sĩ dùng kích thích đau, kiểm tra phản xạ thân não, sau đó tiến hành test ngưng thở nếu bệnh nhân không đáp ứng với cả hai phản xạ đau và phản xạ thân não. (Ảnh minh hoạ bởi The Epoch Times)
Để đánh giá tình trạng chết não, các bác sĩ dùng kích thích đau, kiểm tra phản xạ thân não, sau đó tiến hành test ngưng thở nếu bệnh nhân không đáp ứng với cả hai phản xạ đau và phản xạ thân não. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Trong quá trình test ngưng thở, bệnh nhân được tắt máy thở trong 10 phút. Một ống dẫn oxy nguyên chất được đưa vào đường thở. Nếu bệnh nhân không tự thở thì được coi là chết não.

Test ngưng thở đi kèm với một số nguy cơ.

Ví dụ, những người bị suy hô hấp có thể gặp các biến chứng, bao gồm hạ huyết áp nghiêm trọng, thiếu oxy và rối loạn nhịp tim.

Tiến sĩ Paul Byrne, người được coi là người tiên phong trong lĩnh vực sơ sinh và tham gia điều trị những trẻ sơ sinh được cho là chết não, nói với The Epoch Times rằng trên bệnh nhân bị tổn thương não, test ngưng thở có thể làm tình trạng của người đó trở nên xấu hơn hoặc gây ra tổn thương não nặng hơn. Tình trạng xấu hơn có thể dẫn đến chẩn đoán chết não ở những người thực sự có thể đang hồi phục.

Chẩn đoán sai cũng có thể xảy ra trong quá trình đánh giá chết não.

Một ví dụ là Zack Dunlap. Tháng 11/2007, anh bị tai nạn giao thông và được xác định là chết não tại bệnh viện.

Một khi người đã chết về mặt sinh học, nội tạng của họ không thể được thu hoạch để hiến tặng. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)
Zack Dunlap khi còn hôn mê trong bệnh viện. (Ảnh được đăng với sự cho phép của Zack Dunlap)

Anh Dunlap nói với The Epoch Times rằng anh đã tỉnh lại trong bệnh viện sau khi được thông báo là chết não và bạn bè cũng như gia đình anh đang nói lời vĩnh biệt với anh.

Anh đã cố gắng hét to và cử động, nhưng không có hiệu quả. Vì là người hiến tạng nên anh đã sớm được lên lịch lấy nội tạng.

Gia đình cầu nguyện cho anh Dunlap tại bệnh viện. Anh họ của Dunlap, một y tá, không tin rằng đây là thời điểm Dunlap qua đời.

Zack Dunlap hồi phục trong bệnh viện. (Ảnh được đăng với sự cho phép của Zack Dunlap)
Zack Dunlap hồi phục trong bệnh viện. (Ảnh được đăng với sự cho phép của Zack Dunlap)

Người anh họ đã tiến hành các xét nghiệm bổ sung cho Dunlap. Khi người anh họ ấn vào dưới móng tay cái của anh Dunlap, Dunlap kéo cánh tay của anh sang phía bên kia cơ thể. Cử động này đã đảo ngược hoàn toàn chẩn đoán.

Sau vài ngày, anh Dunlap bắt đầu tự thở được. Sau một tháng, anh xuất viện.

Tiến sĩ Varelas, người đã xem xét các báo cáo truyền thông về anh Dunlap, nói với The Epoch Times rằng kết quả của anh có vẻ tốt đến mức ông nghi ngờ một số bước [chẩn đoán chết não] có thể đã bị bỏ sót trong quá trình đánh giá.

Tiến sĩ Varelas cho biết, nếu các bác sĩ có đủ kinh nghiệm về việc đánh giá tình trạng chết não và tuân theo nghiêm ngặt các hướng dẫn của AAN thì kết quả dương tính giả đã không xảy ra.

Trong khi bệnh viện của ông thực hiện 50 đến 60 đánh giá về tình trạng chết não mỗi năm thì các bệnh viện cộng đồng nhỏ hơn có thể thực hiện rất ít. Vì vậy, các bác sĩ tại các bệnh viện này có thể không đủ kinh nghiệm, bỏ sót các dấu hiệu hoặc thực hiện đánh giá chết não không theo trình tự, ông nói thêm.

Tiến sĩ Bernat cho biết, xét nghiệm thường được thực hiện không chính xác chính là test ngưng thở.

Năm 2010, các nhà thần kinh học đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan cho AAN để đánh giá tất cả các trường hợp hồi phục sau khi chết não ở người lớn từ năm 1996 đến năm 2009. Họ xác định rằng “không có báo cáo nào được công bố về sự phục hồi” sau khi chết não nếu bệnh nhân được chẩn đoán chính xác bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán chết não vào thời điểm đó. Trường hợp của anh Dunlap không được thẩm định.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn vì một số bệnh lý có thể [biểu hiện] giống như chết não. Những bệnh lý này phải được loại trừ trước khi bắt đầu đánh giá tình trạng chết não.

Các bệnh lý cần được loại trừ trước khi chẩn đoán chết não

Các tác giả của hướng dẫn AAN 2023 khuyên rằng trước khi đánh giá tình trạng chết não, cần loại bỏ tất cả các tình trạng sau đây, bao gồm:

  • Hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể thấp)
  • Bệnh hệ thần kinh tự miễn
  • Quá liều thuốc
  • Ngộ độc

Hạ thân nhiệt trị liệu, một phương pháp điều trị làm giảm nhiệt độ cơ thể, thường được sử dụng ở những bệnh nhân được hồi sức sau khi ngừng tim. Các thiết bị làm mát được áp dụng để giúp cơ thể và bộ não phục hồi và chữa lành. Tuy nhiên, bệnh nhân bị hạ thân nhiệt có thể phải mất tới một tuần mới tỉnh lại.

Các bệnh lý tự miễn như hội chứng Guillain-Barré, gây tổn thương hệ thần kinh của một người, cũng có thể làm mất phản xạ và ý thức của bệnh nhân.

Tiến sĩ May Kim-Tenser, giáo sư thần kinh lâm sàng tại Trường Y khoa Keck School of Medicine thuộc University of Southern California, đã báo cáo vào năm 2016 về một trường hợp một bệnh nhân mắc một dạng hội chứng Guillain-Barré ban đầu bị chẩn đoán nhầm là chết não.

Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sau khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Trong vòng vài ngày, bệnh nhân trở nên mất ý thức và mất phản xạ, mất phản xạ thân não và cần máy thở để thở.

Test ngưng thở đã không được tiến hành. Tiến sĩ Kim-Tenser cho biết, nếu bệnh nhân này được kiểm tra theo cách như vậy, bệnh nhân sẽ thất bại vì quá yếu ớt để thở.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện của bác sĩ Kim-Tenser. Tại đây, bệnh nhân được kê đơn thuốc điều trị bệnh tự miễn. Sau đó, bệnh nhân tỉnh lại và một số chức năng của tay chân hồi phục.

Dùng quá liều thuốc opioid và cocaine cũng có thể gây ra dấu hiệu chết não. Ví dụ, sử dụng quá liều thuốc giãn cơ baclofen được cho là có triệu chứng giống như chết não.

Thật không may, các hướng dẫn không đưa ra cách để loại trừ những tình trạng này, Tiến sĩ Bernat cho biết.

Xung đột lợi ích

Có sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng [chết não] của [các tổ chức thu nội tạng], cộng đồng ghép tạng và các bệnh nhân trong danh sách chờ được ghép nội tạng. Tiến sĩ Varelas viết trong một bài viết năm 2016 về chết não.

Khoảng 90% số người hiến tạng là người chết não. Điều này là do định nghĩa chết não cho phép các bác sĩ phẫu thuật thu được các cơ quan khỏe mạnh mà không cần viện đến “quy tắc hiến tạng từ người đã tử vong.”

Theo quy tắc hiến tạng từ người đã qua đời, một tiêu chuẩn đạo đức, người hiến tạng phải được tuyên bố là đã tử vong trước khi lấy nội tạng và việc lấy nội tạng không được gây ra cái chết của người hiến tặng.

Nội tạng không thể được ghép từ người đã qua đời về mặt sinh học, điều này xảy ra sau khi tim của một người ngừng đập và người đó không thể hồi sức.

Tiến sĩ Klessig cho biết, “Khi bạn tử vong về mặt sinh học, việc mất oxy đến các cơ quan quan trọng của bạn khiến chúng bị phân hủy nhanh đến mức bạn không thể hiến nội tạng được”.

Một khi người đã chết về mặt sinh học, nội tạng của họ không thể được thu hoạch để hiến tặng. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)
Một khi người đã chết về mặt sinh học, nội tạng của họ không thể được thu hoạch để hiến tặng. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Điều đó nói lên rằng, các mô như giác mạc, sụn, xương và da có thể được lấy từ người hiến tặng đã qua đời. Người hiến tạng còn sống cũng có thể cho thùy phổi, gan hoặc thận.

Các bác sĩ thực hiện đánh giá tình trạng chết não không được tham gia vào quá trình lấy nội tạng.

Tiến sĩ Varelas nói, “Chúng tôi cố gắng tách bản thân ra khỏi quy trình hiến tạng. Trong tâm trí tôi, chúng tôi cố gắng cứu sống bệnh nhân và đó là mục tiêu vì Lời thề Hippocrates đầu tiên là không làm hại.”

Tuy nhiên, xung đột lợi ích vẫn còn đó. 49% tác giả của hướng dẫn năm 2023 của AAN về đánh giá chết não đã báo cáo những xung đột lợi ích liên quan đến việc lấy nội tạng.

Ông Miller cho biết, việc đánh động chết não với tử vong thực sự là một vấn đề thiếu minh bạch. Tuy nhiên, ông cho biết ông sẽ không coi việc lấy nội tạng là phi đạo đức miễn là người hiến tạng có có đủ thông tin.

Tiến sĩ Klessig cho biết, tại Hoa Kỳ, nhiều người đăng ký trở thành người hiến tạng khi họ xin cấp bằng lái xe và hầu hết họ đều cho rằng nội tạng của họ sẽ chỉ bị lấy đi trong trường hợp họ qua đời.

Tiến sĩ Byrne nói, “Họ nghĩ, Nếu tôi đủ tốt thì có thể lấy nội tạng của tôi.’

Thực tế là tình trạng hiến tặng của họ có thể dẫn đến việc nội tạng của họ sẽ bị lấy nếu họ “chết não,” và các thành viên trong gia đình họ không thể thay đổi tình trạng của người hiến tặng.

Vẫn là một bí ẩn

Khái niệm chết não bắt đầu từ nửa thế kỷ trước, vài năm sau khi ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện thành công.

Việc lấy nội tạng từ những người hôn mê bắt đầu vào cuối những năm 1950. Tuy nhiên, điều này rất hiếm và không được thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào. Trong cùng thời đại đó đã có sự thay đổi trong định nghĩa về cái chết.

Năm 1959, các bác sĩ người Pháp Pierre Mollaret và Maurice Goulon đã đặt ra thuật ngữ “le coma dépassé,” có nghĩa là “ngoài tình trạng hôn mê” hoặc “hôn mê không hồi phục,” như một tình trạng đồng nghĩa với tắt thở. Dần dần, chết não, còn được gọi là “cái chết của hệ thần kinh,” trở thành một định nghĩa mới và do đó, nội tạng có thể được lấy từ những bệnh nhân như vậy.

Vào ngày 03/12/1967, thế giới đã kinh ngạc trước báo cáo đầu tiên về ca ghép tim người thành công được thực hiện bởi Tiến sĩ Christiaan Barnard ở Cape Town, Nam Phi. Quả tim được lấy từ một nạn nhân bị chấn thương nặng ở đầu. Người hiến tạng không có hoạt động não được phát hiện trên bản quét EEG và thiếu phản xạ thân não. Tuy nhiên, trái tim cô vẫn tiếp tục đập nhờ [thiết bị] trợ giúp sự sống.

Người nhận tim sống sót được 18 ngày trước khi qua đời vì bệnh viêm phổi, nhưng tim của anh ta vẫn hoạt động bình thường cho đến khi qua đời. Thành công này đã khởi đầu cho việc thực hành ghép tim.

Một tháng sau cuộc đại phẫu của Tiến sĩ Barnard, Tiến sĩ Norman Shumway đã thực hiện ca ghép tim người đầu tiên ở Hoa Kỳ tại Bệnh viện Stanford, lấy tim từ một người hiến tặng đã chết não.

Vị trưởng khoa trợ giúp hỏi, “Anh có nghĩ việc này thực sự hợp pháp không?”

Tiến sĩ Shumway nói, “Tôi đoán chúng ta sẽ thấy.”

Vào tháng 8/1968, Ủy ban Đặc biệt của Trường Y khoa Harvard Medical School đã công bố “Định nghĩa về tình trạng hôn mê không thể hồi phục” trên Journal of the American Medical Association (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ – JAMA).

Họ định nghĩa tình trạng hôn mê không hồi phục là một “tiêu chuẩn mới cho cái chết,” vốn đã trở thành nền tảng cho định nghĩa chết não.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn không chắc liệu định nghĩa hoặc đánh giá hệ quả này đã hoàn hảo hay không.

Về sự hồi phục của anh Dunlap, Tiến sĩ Varelas nói, “Tôi rất vui vì chàng trai này đã sống sót.” Ông tin rằng những lời cầu nguyện của gia đình dành cho anh Dunlap có thể đã góp phần vào kết cục của anh.

Ông nói, “Có những sức mạnh cao siêu hơn nhiều so với những gì chúng ta đã biết – hoặc thậm chí không biết.”

Tiến sĩ Dworkins cho biết, “Bí mật của cuộc sống – bao gồm cả định nghĩa về cuộc sống – vẫn là điều sâu sắc nhất và bí ẩn nhất”.

Tự nhiên có thể không bao giờ “cho phép bất cứ ai biết chính xác thời điểm chết não trở thành cái chết thực sự,” ông nói thêm.

Ngọc Thuần và Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription