Ngồi quá nhiều gây hại cho sức khỏe – nhưng một số kiểu ngồi lại ít gây ảnh hưởng hơn những kiểu khác
Chất lượng cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng bởi thời gian chúng ta ngồi, và có lẽ lý do quan trọng hơn là tại sao chúng ta ngồi.
Đại dịch COVID-19 đã mang đến những thói quen mới trong cuộc sống thường nhật như giãn cách, đeo khẩu trang và khử trùng tay. Trong khi đó, nhiều thói quen cũ đã bị gián đoạn như tham dự các sự kiện, đi ra ngoài ăn uống và gặp gỡ bạn bè
Tuy nhiên, ngồi nhiều – một thói quen cũ vẫn tồn tại và thậm chí gia tăng do COVID-19, và không có gì ngạc nhiên khi chúng ta biết lý do. Cho dù là ngồi trong khi di chuyển, làm việc, sử dụng màn hình hay thậm chí là trong bữa ăn, môi trường và hoạt động hàng ngày hầu như luôn phù hợp với việc ngồi lâu. Do đó, việc ít vận động, hay ngồi, chiếm phần lớn thời gian trong ngày của chúng ta.
Trước COVID-19, thời gian ít vận động hàng ngày của một người trưởng thành ở Canada trung bình khoảng 9 tiếng rưỡi, ở Hoa Kỳ là 15 tiếng. Thời gian ít vận động hàng ngày hiện tại thậm chí có khả năng cao hơn.
Người ít vận động có nguy cơ mắc nhiều bệnh nhưng lại nhận định rằng sức khỏe của họ tốt
Đây là một vấn đề, việc ít vận động quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, nguy cơ tử vong cao và thậm chí một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những đánh giá và cảm nhận của họ về chất lượng cuộc sống (hay sự đánh giá sức khỏe chủ quan) có thể quan trọng hơn trong các quyết định và các thói quen sức khỏe của họ so với sự phát triển của các bệnh mãn tính.
Đánh giá sức khỏe chủ quan là đánh giá của cá nhân về chất lượng cuộc sống của họ. Nó bao gồm các nhân tố ảnh hưởng đến cảm giác tích cực và tiêu cực, và sự hài lòng trong cuộc sống. Điều thú vị là những đánh giá này có thể mâu thuẫn với kết quả sức khỏe thể chất. Ví dụ, một người có thể bị tiểu đường nhưng họ vẫn cho rằng tình trạng sức khỏe chủ quan của họ tốt, trong khi một người không có vấn đề sức khỏe thể chất có thể nhận định rằng tình trạng sức khỏe chủ quan của họ kém.
Điều này rất quan trọng, vì nó có nghĩa là cách một cá nhân cảm nhận sức khỏe của chính họ không phải lúc nào cũng phù hợp với những gì cơ thể của họ biểu hiện ra. Đó là lý do tại sao việc đánh giá sức khỏe chủ quan là rất quan trọng để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sức khỏe.
Các bối cảnh khác nhau khi ngồi
Khám phá mối quan hệ giữa đánh giá sức khỏe chủ quan và ngồi nhiều rất quan trọng, vì các hoàn cảnh khi ngồi khác nhau – chẳng hạn như giao tiếp xã hội và thời gian trước màn hình – có thể mang lại cảm giác hoặc đánh giá khác nhau về tình trạng sức khỏe chủ quan, không giống như mối quan hệ giữa sức khỏe thể chất và việc ít vận động có xu hướng nhất quán hơn.
Trong khi các nhà tâm lý học sức khỏe tập trung vào hoạt động thể chất và việc ít vận động, chúng tôi xem xét các tài liệu khoa học mô tả mối quan hệ giữa việc ít vận động và sức khỏe chủ quan.
Đánh giá của chúng tôi nêu bật ba phát hiện chính.
- Thứ nhất, ít vận động, không hoạt động thể chất và thời gian sử dụng màn hình có mối tương quan chặt chẽ với đánh giá sức khỏe chủ quan.
Nói cách khác, những người ngồi thường xuyên và không hoạt động thể chất trong một thời gian dài cho thấy mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp hơn so với những người ít ngồi hơn và hoạt động nhiều hơn.
Chúng tôi cũng nhận thấy mối quan hệ này rõ ràng nhất trong các nghiên cứu so sánh những người ít vận động so với những người có lối sống tích cực hơn.
- Phát hiện chính thứ hai: Ngồi làm việc một mình trước màn hình và ngồi trò chuyện trực tiếp khác nhau về sức khỏe chủ quan
Bối cảnh hoặc hoàn cảnh cụ thể khi ngồi và mối quan hệ của nó với sức khỏe chủ quan có mối tương quan với nhau.
Ví dụ: thời gian sử dụng màn hình có liên quan tiêu cực đến sự đánh giá sức khỏe chủ quan.
Tuy nhiên, ngồi khi giao tiếp xã hội, chơi nhạc cụ và đọc sách thể hiện mối liên hệ tích cực với sự đánh giá sức khỏe chủ quan.
Những kết quả này khác với nghiên cứu việc ít vận động liên quan đến sức khỏe theo cách truyền thống, trong đó tất cả các hành vi ít vận động đều được xem là có hại cho sức khỏe.
Đánh giá của chúng tôi cho thấy rằng không phải mọi hoàn cảnh khi chúng ta ngồi đều ảnh hưởng xấu đến đánh giá sức khỏe chủ quan. Vì vậy, khi mọi người nghĩ đến việc giảm thời gian ngồi, không nên chỉ xem xét giảm bao nhiêu thời gian mà là phải giảm loại nào.
- Phát hiện thứ ba: Ngồi ít hơn thì tốt cho tất cả mọi người
Những phát hiện này cho thấy rằng thời gian mà một cá nhân ngồi có thể không quan trọng bằng việc cá nhân đó ngồi lâu hơn so với thời gian ngồi bình thường của họ. Điều này nghĩa là bất kỳ ai, bất kể họ ngồi thường xuyên hay hoạt động thể chất thường xuyên, ngồi ít hơn thì luôn luôn có lợi hơn.
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times