Nghiên cứu: Quá nhiều niacin có thể gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch
Vitamin B từng là lựa chọn hàng đầu để giảm LDL, hay cholesterol “xấu,” nhưng nghiên cứu mới cho thấy lượng niacin quá cao tạo ra một sản phẩm phụ nguy hiểm.
Mức độ cao niacin, hay còn gọi vitamin B3, góp phần vào bệnh tim mạch trong một nghiên cứu gần đây.
Nghiên cứu mới từ Bệnh viện Cleveland, được công bố trên tập san Nature Medicine, xác định một sự cân bằng tinh tế giữa lượng niacin quá mức và lượng vừa đủ – một loại hiệu ứng Goldilocks.
Niacin từng là lựa chọn hàng đầu để giảm LDL, hay cholesterol “xấu”. Tuy nhiên, theo quan sát của Bệnh viện Cleveland quan sát thấy, quá nhiều niacin tạo ra một sản phẩm phụ là 4PY. Sản phẩm này lưu thông trong máu và có liên quan đến nguy cơ cao hơn nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và các biến chứng tim mạch khác. Ngoài ra, 4PY được chứng minh trong các nghiên cứu tiền lâm sàng kích hoạt tình trạng viêm và tổn thương mạch máu, cuối cùng dẫn đến xơ vữa động mạch.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này bằng cách kiểm tra dữ liệu từ 1,162 bệnh nhân bệnh tim mạch nặng, trong đó có hơn phân nửa là nữ. Ban đầu, nhóm nghiên cứu tìm kiếm các dấu ấn [sinh học] của biến chứng bệnh tin. Dấu hiệu phổ biến nhất trong số các bệnh nhân là mức độ niacin dư thừa.
Các phát hiện này đã dẫn đến các nghiên cứu bổ sung để xác nhận nghiên cứu ban đầu. Cả hai nghiên cứu đối tượng, được tiến hành tại Hoa Kỳ và Âu Châu, đã xác nhận rằng sự phân hủy của niacin dự đoán một cá nhân có nguy cơ mắc các cơn nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tử vong do bệnh tim mạch trong tương lai.
“Điều thú vị chưa từng biết trước đây là, lượng niacin quá mức dường như là một dấu hiệu góp phần đáng kể vào sự phát triển của bệnh tim mạch.” Tiến sĩ Stanley Hazen, chủ tịch khoa Tim mạch và Khoa học Chuyển hóa tại Viện Nghiên cứu Lerner của bệnh viện Cleveland cho biết trong một thông cáo báo chí, “Hơn nữa, chúng ta có thể đo lường [lượng niacin], có nghĩa là có khả năng xét nghiệm để có chẩn đoán. Những hiểu biết này mở ra con đường cho việc phát triển các phương pháp mới chống lại tác động này.”
Niacin là gì?
Trong nhiều năm, niacin đã được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung để phòng ngừa bệnh tim mạch nhờ vào khả năng giảm cholesterol của niacin. Cơ thể dùng niacin để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và duy trì sức khỏe của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và làn da. Hầu hết mọi người đều có đủ lượng niacin thông qua cách ăn uống, đặc biệt khi họ tuân theo một thực đơn ăn uống cân đối. Thực phẩm giàu niacin bao gồm men, sữa, thịt, yến mạch và bột mì.
Lượng niacin khuyến nghị bao gồm 16mg mỗi ngày cho nam giới trưởng thành và 14mg mỗi ngày cho phụ nữ trưởng thành không mang thai.
Niacin kê toa, như Niacor và Niaspan, đã được sử dụng để điều chỉnh cholesterol. Niacin kê toa hoạt động bằng cách tăng cholesterol tốt trong khi loại bỏ cholesterol xấu khỏi dòng máu. Tuy nhiên, nghiên cứu kể từ đó đã cho thấy rằng niacin ít hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị cholesterol khác và thực sự có tác dụng phụ và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Tiến sĩ Hazen chia sẻ, “Tác dụng của niacin luôn có phần nghịch lý. Mặc dù niacin làm giảm cholesterol, nhưng lợi ích lâm sàng luôn ít hơn dự đoán dựa trên mức độ giảm LDL. Điều này dẫn đến ý tưởng rằng niacin dư thừa gây ra các tác dụng phụ không rõ ràng làm giảm bớt phần lợi ích giảm LDL. Chúng tôi tin rằng nghiên cứu đã giúp giải thích nghịch lý này. Điều này cho thấy tại sao điều tra về nguy cơ tim mạch rất quan trọng; chúng ta học hỏi được nhiều hơn nhiều so với những gì chúng ta dự định tìm kiếm.”
Tiến sĩ Hazen và đội ngũ của ông lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu để xác định tác động lâu dài mức độ 4PY cao mạn tính.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times