Nghiên cứu: Nhịn ăn gián đoạn giúp chống viêm gan, ung thư

Chữa lành cho lá gan là một trong số rất nhiều lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn.

Một nghiên cứu mới cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp chống lại chứng viêm gan và thậm chí là ung thư gan.

Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, Đại học Tübingen và được công bố trên Cell Metabolism (Tập san Chuyển hóa Tế bào), với mục đích giúp mọi người hiểu thêm về việc nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến gan như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc nhịn ăn gián đoạn có thể ngăn được sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), tiền thân của bệnh viêm gan mạn tính và ung thư gan.

Giải thích kết quả nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm bằng cách áp dụng công thức nhịn ăn cho những con chuột bị viêm gan từ trước và phát hiện ra rằng, sau 4 tháng nhịn ăn gián đoạn, những con chuột này đã cải thiện được các kết quả xét nghiệm về chức năng gan, ít mỡ trong gan hơn, giảm xơ hóa và ít có khả năng phát triển ung thư gan trong tương lai.

Những con chuột được áp dụng công thức ăn uống 5:2, nghĩa là nhịn ăn trong 2 ngày và sau đó được cho tiêu thụ số lượng calorie không giới hạn trong 5 ngày. Chu kỳ này sau đó được lặp lại trong 4 tháng cho đến khi nghiên cứu kết thúc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra 2 loại protein (được gọi là PPAR-alpha và PCK1) trong tế bào gan dường như đã góp phần tạo ra hiệu quả bảo vệ khi nhịn ăn gián đoạn. Nghiên cứu này trợ giúp cho nghiên cứu hồi tháng Ba, cho thấy việc nhịn ăn có thể có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tổng thể của con người.

“Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về việc hạn chế calo và nhịn ăn đã thu được nhiều lợi ích sức khỏe tích cực. Một trong số những lợi ích đó là ngăn ngừa ung thư. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng các yếu tố trao đổi chất như lượng insulin và lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.” Tiến sĩ Francisco Contreras, một bác sĩ chuyên khoa ung thư được hội đồng chứng nhận, người điều trị cho các bệnh nhân ở California và Mexico, đã nói với The Epoch Times trong một email.

“Nhịn ăn gián đoạn đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc căn bệnh ác tính này, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ tái phát sau điều trị. Những bệnh nhân có thể nhịn ăn gián đoạn trong quá trình điều trị đã giảm bớt các tác dụng phụ và độc tính tế bào do hóa trị liệu gây ra, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của họ.”

Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Nhịn ăn gián đoạn là một kiểu ăn uống bao gồm các khoảng thời gian ăn và kiêng xen kẽ. Hầu hết mọi người tham gia nhịn ăn gián đoạn vì lý do sức khỏe và nghiên cứu ủng hộ việc nhịn ăn gián đoạn như một cách để kiểm soát cân nặng và một số dạng bệnh, ít nhất là trong thời gian ngắn.

“Trong những ngày nhịn ăn, cơ thể bạn sẽ thải ra ketones có nguồn gốc từ chất béo dự trữ (triglyceride) trong cơ thể. Nhưng các ketones này không chỉ có tác dụng làm nhiên liệu mà còn điều chỉnh sự biểu hiện của nhiều protein và phân tử tín hiệu.” Tiến sĩ Caroline Walker, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Denton, Texas, đã nói với The Epoch Times trong một email.

“Chính nhờ những phân tử này mà các nhà nghiên cứu cho rằng việc nhịn ăn gián đoạn có thể có tác động đến sự phát triển và độ linh hoạt của tế bào, tái tạo mô, giảm tiếp xúc với insulin và giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện thành phần lipid, cải thiện huyết áp và thậm chí cải thiện các triệu chứng hen suyễn.”

Theo Tiến sĩ Contreras, còn có những lợi ích khác của việc ăn ít hơn, bằng cách hạn chế số lượng hoặc nhịn ăn, như giảm cân, tăng độ nhạy insulin, tăng sức đề kháng, thải độc cơ thể, giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Tất cả những lợi ích này đều có khả năng ngăn ngừa bệnh mạn tính, bao gồm tiểu đường loại 2, bệnh tim, rối loạn thoái hóa thần kinh, viêm ruột và ung thư.

Mặc dù có nhiều lịch trình nhịn ăn gián đoạn khác nhau để lựa chọn, nhưng nhìn chung, chúng tôi khuyên bạn không nên nhịn ăn lâu hơn 24 tiếng, vì làm như vậy thường có hại nhiều hơn là có lợi. Nghiên cứu về hiệu quả lâu dài của việc nhịn ăn gián đoạn cũng thu được nhiều kết quả khác nhau. Một nghiên cứu vào tháng 01/2023 cho thấy, không tìm được bằng chứng nào cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn ảnh hưởng đến kết quả giảm cân lâu dài.

Hơn nữa, điều quan trọng cần nhớ là nhịn ăn gián đoạn không phải là lựa chọn ăn kiêng tốt nhất cho mọi người và thậm chí có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định.

Tiến sĩ Walker khuyên, “Bệnh nhân phải luôn nói chuyện với bác sĩ chăm sóc chính của mình trước khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn. Việc nhịn ăn gián đoạn có thể không phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, có tiền sử rối loạn ăn uống, đang mang thai, đang cho con bú (hoặc đang cố gắng mang thai) hoặc đang dùng thuốc chống đông máu warfarin.”

Ai có nguy cơ bị viêm gan hoặc ung thư gan cao nhất?

Một bệnh về gan phổ biến nhất trên toàn thế giới được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Tiến sĩ Contreras giải thích, người ta ước tính rằng 24% người lớn ở Hoa Kỳ và gần 10% trẻ em ở Hoa Kỳ mắc bệnh NAFLD, dẫn đến tích tụ quá nhiều chất béo trong gan, từ đó có thể dẫn đến viêm gan, hay còn được gọi là viêm gan nhiễm mỡ. Tiến sĩ Contreras giải thích:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, thói quen ăn kiêng của thế hệ chúng ta là yếu tố chính gây ra rối loạn trao đổi chất do béo phì và gan là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đang gia tăng trên toàn thế giới. Một tình trạng rất nguy hiểm có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ và xơ gan, dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan, một trong những khối u ác tính nguy hiểm nhất và là loại ung thư phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ.”

Theo Tiến sĩ Walker, có một số người có nhiều nguy cơ mắc bệnh NAFLD hơn, bao gồm cả những người mắc các bệnh sau:

  • Hội chứng chuyển hóa
  • Béo bụng (được định nghĩa là chu vi vòng eo lớn hơn hoặc bằng 102 cm (40 inch) ở nam và lớn hơn hoặc bằng 89 cm (35 inch) ở nữ)
  • Mức chất béo trung tính (triglycerides) cao
  • Nồng độ HDL thấp
  • Huyết áp cao
  • Đường huyết lúc đói cao
  • Viêm gan B hoặc C
  • Sử dụng rượu nặng

Ngoài các tình trạng bệnh lý đã có từ trước, gene và cách thức ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh NAFLD. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cách quần thể sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến NAFLD và đã phát hiện ra sự khác biệt về hệ vi sinh vật giữa những người mắc NAFLD và những người không mắc bệnh này.

Cơ hội nghiên cứu trong tương lai

Mặc dù nghiên cứu này đầy hứa hẹn nhưng các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, vì nghiên cứu được thực hiện trên chuột nên không có cách nào để biết chắc chắn liệu cách thức nhịn ăn gián đoạn có mang lại kết quả tương tự ở người hay không. Tuy nhiên, kết quả cho thấy nhiều hứa hẹn về hiệu quả tiềm tàng của việc nhịn ăn gián đoạn như một công cụ phòng ngừa cho con người.

Ngoài ra, Tiến sĩ Walker cho biết, trong tương lai nên có thử nghiệm so sánh và đối chiếu giữa một nhóm nghiên cứu theo công thức ăn uống 5:2 với một nhóm khác theo một công thức ăn kiêng khác.

Tiến sĩ Walker nói, “Tôi tin rằng các nhà nghiên cứu có thể làm tăng giá trị nghiên cứu của mình qua kết quả về việc có một nhóm chuột đối chứng đã giảm trọng lượng cơ thể bằng một hình thức kiểm soát chế độ ăn uống khác. Điều này sẽ làm tăng thêm giá trị, đặc biệt là cho giả thuyết của các nhà nghiên cứu rằng, chính việc nhịn ăn là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong tình trạng xơ hóa.”

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ayla Roberts
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ayla Roberts là một y tá có chứng nhận và là nhà văn tự do. Cô có bằng cử nhân và thạc sĩ về điều dưỡng và đã làm việc ở nhiều vai trò lâm sàng và học thuật khác nhau.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn