Nghiên cứu: Mọi người hiếm khi lây truyền COVID-19 trước khi xuất hiện triệu chứng
Một nghiên cứu gần đây công bố trên tập san The Lancet đã giáng đòn mạnh lên câu chuyện “kẻ lây truyền thầm lặng” COVID-19 được sử dụng để thúc đẩy việc đeo khẩu trang lên tất cả mọi người bao gồm cả ở học sinh, đưa ra khả năng lây truyền cho người khác của những người không có triệu chứng là rất thấp.
Lây truyền thầm lặng là một ý tưởng cho rằng những người bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng vẫn có thể lây virus cho người khác.
Tất cả các nghiên cứu có liên quan đều cho rằng trong số “những người lây truyền thầm lặng” không triệu chứng và tiền triệu chứng có một tỷ lệ nhất định lây bệnh cho người khác, tuy nhiên mức độ lây truyền thầm lặng như vậy vẫn chưa rõ ràng.
Một số nghiên cứu ban đầu cho rằng sự lây truyền thầm lặng chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm trùng thứ phát, hoặc thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên các nghiên cứu này tồn tại những hạn chế, dẫn đến tỷ lệ lây truyền tiền triệu chứng bị thổi phồng một cách giả tạo.
Những nghiên cứu ban đầu này là nguyên nhân khiến các cơ quan y tế công cộng lập luận rằng mọi người nên luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài nơi công cộng hoặc nơi đông người. Điều này đã giúp thúc đẩy các chính sách đeo khẩu trang rộng rãi và hà khắc – bao gồm cả trong trường học – nhằm giảm sự lây lan của COVID-19.
Chẳng hạn, tiến sĩ Anthony Fauci, cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), ban đầu không khuyến khích việc đeo khẩu trang rộng rãi trong đại dịch nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm.
Ban đầu, “chúng tôi không nhận ra quy mô của sự lây lan không triệu chứng”, tiến sĩ Fauci cho biết vào tháng 07/2020 và nói thêm rằng sau đó, “chúng tôi nhận ra rõ ràng rằng có rất nhiều người không có triệu chứng đang lây truyền bệnh.”
Tiến sĩ Fauci nói vào thời điểm đó, “Vì vậy, rõ ràng là chúng ta nhất định phải kiên trì đeo khẩu trang.”
Nhưng nghiên cứu mới đây đã đặt ra nghi vấn về mức độ nghiêm trọng của lây truyền thầm lặng, tại thời điểm mà các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở Mỹ, thúc đẩy điều mà một số người gọi là “cơn cuồng loạn” đại dịch mới và kêu gọi một vòng hạn chế mới, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang.
“Lượng virus phát tán rất ít” trước khi khởi phát triệu chứng
Nghiên cứu mới, được công bố trên Tập san The Lancet’s Microbe số tháng Tám, cho thấy những người bị bệnh COVID-19 nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào có khả năng lây truyền virus sang người khác ở mức độ hạn chế.
Nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, những người tham gia là người trưởng thành khỏe mạnh chưa được chích ngừa ở độ tuổi 18-30 và bị lây nhiễm COVID-19 có chủ đích.
Người tham gia được theo dõi trong hoàn cảnh có kiểm soát, tự báo cáo các triệu chứng ba lần mỗi ngày, đồng thời các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu dịch mũi họng hàng ngày để kiểm tra sự hiện diện của virus.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra bên trong khẩu trang những người tham gia đeo, kiểm tra tay, kiểm tra không khí và bề mặt của những căn phòng lưu giữ họ trong tối thiểu 14 ngày.
Cuối cùng, các nhà khoa học phát hiện thấy ở thời điểm trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, những người tham gia bị nhiễm bệnh phát tán chưa đến 10% lượng virus.
Các tác giả nghiên cứu viết, “Lượng phát tán xảy ra trước khi báo cáo triệu chứng lần đầu là rất thấp (7%) và hầu như không có lượng phát tán nào trước khi xét nghiệm kháng nguyên theo dòng dương tính lần đầu (2%).”
Nghiên cứu mới thực hiện dưới hình thức một “nghiên cứu thử thách” nghiêm ngặt, có kiểm soát thay vì các nghiên cứu dạng mô hình trước đó dựa trên đầu vào và giả định chủ quan của các nhà nghiên cứu, có kết quả mâu thuẫn với nghiên cứu trước đó vốn tạo cảm hứng cho câu chuyện “kẻ lây lan thầm lặng.” Nghiên cứu trước đây dường như đã thổi phồng mối đe dọa về sự lây lan của người nhiễm bệnh chưa biểu hiện triệu chứng.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy sự lây truyền thầm lặng là không đáng kể, xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo khi số ca nhiễm, số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 đang gia tăng — cùng với những lời kêu gọi trong các giới nhằm áp dụng hạn chế mới.
Ngược lại, nhiều người đang kêu gọi giữ bình tĩnh— hoặc đang thúc giục sự bất tuân dân sự nếu lệnh phong toả hoặc các lệnh khác được áp dụng lại.
‘Thổi phồng giả tạo’?
Một số nghiên cứu ban đầu, chẳng hạn như nghiên cứu được xuất bản vào tháng 08/2020 có tên “Động lực trong việc phát tán virus và khả năng lây truyền của COVID-19”, cho thấy những người không có triệu chứng hoặc chưa biểu hiện triệu chứng là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp nhiễm trùng thứ phát.
Nghiên cứu này ước tính rằng 44% các trường hợp nhiễm bệnh thứ phát diễn ra trong giai đoạn tiền triệu chứng, đồng thời kết luận rằng “các biện pháp kiểm soát bệnh nên được điều chỉnh để tính đến khả năng lây truyền đáng kể ở giai đoạn tiền triệu chứng.”
Tuy nhiên, các tác giả thừa nhận rằng công trình này có một số hạn chế, bao gồm cả “sai số nhớ lại” tiềm ẩn có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc nhận biết các triệu chứng đầu tiên.
Họ cho biết, “Thời gian ủ bệnh có thể đã được đánh giá quá lên và do đó tỷ lệ lây truyền tiền triệu chứng đã bị thổi phồng một cách giả tạo,” nghĩa là nghiên cứu có thể đã phóng đại tỷ lệ những người lây lan virus trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Một nghiên cứu khác từ tháng 07/2020 mang tên “Ý nghĩa của sự lây truyền thầm lặng trong việc kiểm soát các đợt bùng phát COVID-19” thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng mọi người dễ lây truyền nhất trong giai đoạn không có triệu chứng và kết luận rằng sự lây truyền thầm lặng là “nguyên nhân chính dẫn đến các đợt bùng phát COVID-19, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược giảm nhẹ sự lây lan dịch bệnh, chẳng hạn như truy vết tiếp xúc, nhằm phát hiện và cách ly những người nhiễm bệnh trước khi họ xuất hiện các triệu chứng.”
Nghiên cứu này dựa trên một loạt giả định và mô hình, với tốc độ lây truyền của người tiền triệu chứng, không có triệu chứng và có triệu chứng khác nhau và được tính toán dựa trên mô hình toán học phức tạp từ một nghiên cứu khác.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times