Nghiên cứu: Hạt nano cám gạo cho thấy hiệu quả kháng ung thư mạnh mẽ

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy các hạt nano cám gạo có thể cung cấp một liệu pháp điều trị ung thư an toàn, hiệu quả và có thể chi trả được trong tương lai.

Một nghiên cứu mới, được công bố trên Journal of Nanobiotechnology (Tập san Công Nghệ Sinh Học Nano), cho thấy rằng, các hạt nano có nguồn gốc từ cám gạo (rbNP) hứa hẹn có hoạt tính chống ung thư tuyệt vời ở chuột. Ngoài ra, không giống như nhiều loại thuốc điều trị ung thư, rbNP không làm tổn hại đến các tế bào không bị ung thư.

Mặc dù các nhà nghiên cứu mô tả về hiệu quả chống ung thư của rbNP là “mạnh”, vẫn cần có các thử nghiệm lâm sàng để xác định xem các hạt nano này có mang lại lợi ích tương tự cho người hay không.

Những phát hiện đầy hứa hẹn

Cám gạo là sản phẩm phụ của quá trình xay xát gạo. Mặc dù phần lớn bị loại bỏ trong quá trình sản xuất nhưng cám gạo vẫn còn chứa các chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất, protein và acid béo thiết yếu. Cám gạo cũng là nguồn cung cấp các hợp chất có đặc tính chống ung thư, chẳng hạn như gamma-oryzanol, gamma-tocotrienol và tricin. Hạt nano là những hạt tí hon được sử dụng để đưa một chất tới các mô.

Nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản đã đưa ra giả thuyết rằng rbNP có thể có giá trị trị liệu đáng kể trong điều trị ung thư.

Sau khi chích rbNP vào những con chuột bị mắc bệnh ung thư có tên là Colon26, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự phân chia tế bào bị dừng lại và quá trình apoptosis (tự thực bào) bắt đầu xảy ra. Điều này cho thấy về tác dụng chống ung thư rất tốt của rbNP. Sự biểu hiện của các protein, chẳng hạn như beta-catenin – liên quan đến sự tăng sinh tế bào và cyclin D1 – liên quan đến sự di căn của ung thư, cũng giảm.

Nghiên cứu báo cáo rằng hoạt động chống ung thư của rbNP vượt trội hơn so với các hạt nano có nguồn gốc thực vật khác (pdNP), đặc biệt là các hạt từ nho, gừng và chanh. Trong khi gừng và chanh làm giảm đáng kể số lượng tế bào Colon 26 ở nồng độ cao, thì rbNP tạo ra sự sụt giảm lớn nhất về số lượng tế bào Colon 26 ở mọi nồng độ.

Một phần đáng chú ý của nghiên cứu liên quan đến việc so sánh hoạt động chống ung thư của rbNP với thuốc trị ung thư hạt nano Doxil, một nhãn hiệu của thuốc gốc doxorubicin. Các rbNP tỏ ra vượt trội trong việc làm giảm số lượng tế bào ung thư.

Ưu điểm tiềm năng so với liệu pháp điều trị ung thư thông thường

Một thông cáo báo chí từ Đại học Khoa học Tokyo đã thảo luận về những lợi ích tiềm tàng của rbNP khi so sánh với hóa trị và xạ trị.

Tính an toàn

Một lợi thế quan trọng là sự an toàn, vì các phương pháp điều trị thông thường sẽ tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh cũng như tế bào ung thư. Trong giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư, các mô liên tục bị mất và thậm chí gây tử vong. Việc rbNP không có tác động này ở chuột là một lợi thế khác biệt.

Khi nghiên cứu so sánh độ an toàn của doxorubicin với rbNP, loại thuốc trước đây gây tổn hại đến cả tế bào ung thư và không ung thư, thì rbNP chỉ gây tổn hại cho tế bào ung thư. Điều này cho thấy ra rằng rbNP an toàn hơn doxorubicin ở chuột. Ngoài ra, trái ngược với các tác dụng phụ có thể xảy ra của doxorubicin, bao gồm cả tổn thương tim, rbNP không gây ra tác dụng phụ ở chuột.

Khả năng chi trả

Do rbNP có thể được sản xuất với chi phí thấp nên rbNP có giá cả rất phải chăng, một lợi ích rất hiếm khi liên quan đến điều trị ung thư.

“Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều loại thuốc mới được phát triển. Đồng thời, chi phí phát triển liên quan đến các liệu pháp mới đã tăng lên đáng kể, góp phần tạo thêm gánh nặng cho chi phí y tế,” nhà nghiên cứu chính Makiya Nishikawa, giáo sư tại Đại học Khoa học Tokyo, Nhật Bản, giải thích trong thông cáo báo chí. “Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã sử dụng cám gạo, một chất thải công nghiệp có đặc tính chống ung thư, để phát triển các hạt nano.”

Công nghệ nano tạo ra các hợp chất tự nhiên có tác dụng chữa bệnh như thế nào

Các yếu tố tạo nên giá trị điều trị bao gồm sinh khả dụng, phân phối thuốc có mục tiêu và độ ổn định.

Sinh khả dụng

Trong những năm gần đây, một số công ty dược phẩm đã nghiên cứu việc sử dụng các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật để điều trị bệnh, nhưng một trong những trở ngại lớn nhất mà họ gặp phải là mức sinh khả dụng thấp. Một nghiên cứu năm 2020 trên Journal Open Medicine đã ghi nhận rằng, các hạt nano có tác dụng làm tăng mức sinh khả dụng theo nhiều cách.

Một phần của lợi ích này là do kích thước hạt rất nhỏ. Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Richards nói với The Epoch Times qua email rằng “Các hạt nano là những hạt rất nhỏ, thường có kích thước từ 1 đến 100 nanomet. Để dễ hình dung, một nanomet bằng một phần tỷ mét.”

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, kích thước nhỏ bé chỉ là một trong những yếu tố làm tăng mức sinh khả dụng. Lợi ích này cũng bắt nguồn từ những đặc tính độc đáo mà các hợp chất tự nhiên có thể thu được khi ở kích thước nano, bao gồm khả năng hòa tan cao và khả năng thẩm thấu được cải thiện thông qua các hàng rào sinh học.

Phân phối theo mục tiêu

Bà Richards viết, “Các hạt nano có thể được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các mô hoặc tế bào cụ thể trong cơ thể, cho phép vận chuyển chính xác các chất dinh dưỡng đến nơi cần thiết nhất. Việc phân phối có mục tiêu này có thể làm giảm tác dụng phụ tiềm ẩn và nâng cao hiệu quả của các chất dinh dưỡng.”

Sự ổn định

Giống như bất kỳ dược phẩm nào, sự ổn định của các đặc tính sinh hóa là điều rất cần thiết. Bà Richards cho biết thêm, các chất dinh dưỡng được gói gọn trong các hạt nano thường ổn định hơn so với các chất dinh dưỡng tự do, nghĩa là ít có khả năng bị phân hủy theo thời gian hoặc trong điều kiện khắc nghiệt, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của các chất dinh dưỡng và bảo đảm các chất dinh dưỡng vẫn có hiệu quả cho đến khi đạt được mục đích dự kiến trong cơ thể.

Phản ứng phụ

Nghiên cứu của Journal of Nanobiotechnology (Tập san Công Nghệ Sinh Học Nano) lưu ý rằng rbNP ức chế đáng kể sự phát triển của khối u mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cần phải thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để xác định xem rbNP có được dung nạp tốt ở người hay không.

Điều đó thể hiện là, kết quả của nghiên cứu năm 2020 đã cho thấy rằng pdNP có xu hướng ít tác dụng phụ hơn thuốc.

Điều này có thể cách mạng hóa việc điều trị ung thư không ?

Do kết quả của nghiên cứu này mang nhiều hứa hẹn nên có thể đặt ra câu hỏi rằng, “Liệu khám phá này có phải là một bước đột phá trong điều trị ung thư không ?” Các chuyên gia lưu ý rằng, vẫn còn quá sớm để mô tả rbNP theo cách này.

Thông cáo báo chí cảnh báo rằng, cần phải xem xét tính an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng ở người, đồng thời cũng cần đánh giá một số thông số liên quan đến sản xuất trước khi rbNP có mặt trên thị trường để điều trị ung thư.

Tiến sĩ Wael Harb, bác sĩ chuyên khoa ung thư y tế được hội đồng chứng nhận tại Viện Ung thư Memorial Care tại Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley, California, cũng đồng tình với nhận định nhày. Ông nói với The Epoch Times “Nghiên cứu trên chuột rất thú vị nhưng phải mất nhiều công sức nghiên cứu trên con người để đưa nghiên cứu này vào lâm sàng. Sau các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, sẽ cần thử nghiệm giai đoạn III để so sánh với Doxil hoặc các phương pháp điều trị tiêu chuẩn khác.”

Tiến sĩ Harb cho biết thêm, nếu rbNP chứng minh được lợi ích chống ung thư ở người, thì các nhà nghiên cứu sẽ phải xem xét xem liệu rbNP có ý nghĩa hay không. Ví dụ, nếu một biện pháp can thiệp mới nào đó có thể tiêu diệt thêm được 10% tế bào ung thư thì liệu điều này có đồng nghĩa với việc là người đó sẽ sống lâu hơn hoặc tốt hơn không? Ông nói “Còn quá sớm để gọi đó là một bước đột phá.”

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mary West
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mary West là một nhà văn tự do có các tác phẩm được đăng trên Medical News Today, Tập san Doanh nghiệp Nhỏ Ngày nay và các ấn phẩm khác. Bà có hai bằng cử nhân khoa học của Đại học Louisiana ở Monroe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn