Nghiên cứu: Các vấn đề sức khỏe phổ biến có thể dự đoán sớm bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ thể đã có các dấu hiệu tinh tế báo hiệu bệnh tiểu đường loại 2 hàng chục năm trước khi căn bệnh được chẩn đoán xác định.
Hãy tưởng tượng phát hiện bệnh tiểu đường nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên năm nay của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Âu Châu đã công bố rằng lộ trình (trajectory) sớm có thể giúp xác định các dấu hiệu báo trước về sức khỏe của bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu từ Vương quốc Anh đã kiểm tra 50 năm dữ liệu từ nghiên cứu của Liên minh Nghiên cứu Bệnh Tiểu đường ở Anh. Họ phát hiện rằng nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm cao huyết áp, nhiễm trùng đường hô hấp, hen phế quản và bệnh tim, đã âm thầm xuất hiện ở các cá nhân từ rất lâu trước khi họ được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường loại 2.
Ví dụ, đúng 2 năm rưỡi trước khi được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, gần 1/3 số người bị nhiễm trùng đường hô hấp – một sự tương phản rõ rệt so với tỷ lệ dưới 2% được quan sát thấy ở những người không được chẩn đoán. Xu hướng này vẫn duy trì đều đặn ở nhiều loại bệnh khác nhau.
Ngay lúc sắp được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, hơn một phần ba số người đang phải đối mặt với bệnh cao huyết áp, và nhiễm trùng đường hô hấp, khoảng 20% bị nhiễm trùng mắt, mũi, họng và hen phế quản đang ảnh hưởng đến 12%, tiết lộ một lộ trình triệu chứng có thể báo hiệu bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu.
Tiến sĩ Andrew Demidowich, giáo sư tại Khoa Nội tiết tại Bệnh viện Johns Hopkins, nói với The Epoch Times: “Ai cũng biết rằng mức glucose cao trong máu ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống miễn dịch, ngay cả ở giai đoạn tiểu đường tiền phát. Tuy nhiên, phát hiện đáng chú ý của nghiên cứu về tỷ lệ cao bệnh nhân có nhiễm trùng đường hô hấp vài năm trước khi bệnh tiểu đường khởi phát rất thú vị và có thể đó không phải là điều mà nhiều bác sĩ hiện đang chú ý.”
Hậu quả sau khi được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường cũng không kém phần lo ngại. Bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn thận, các vấn đề về hô hấp và suy tim tăng mạnh – vượt xa tỷ lệ được thấy ở những người không bị bệnh tiểu đường.
15 năm sau khi chẩn đoán, hơn một trong hai bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, cao huyết áp và các vấn đề về mắt, so với ít hơn một trong 10 người không bị bệnh tiểu đường phải đối mặt với những tình trạng đó.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Adrian Heald cho biết trong một tuyên bố: “Những phát hiện này gợi ý về khả năng chuẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2 sớm hơn và chúng tôi hy vọng rằng đường lối lâm sàng rõ ràng có thể trở thành công cụ dự đoán cho những người có nguy cơ bị bệnh.”
Các bệnh thường gặp có liên quan đến tình trạng viêm
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Heald tin rằng tình trạng viêm mạn tính liên quan đến cao huyết áp và nhiễm trùng đường hô hấp. Mối liên quan này tạo ra một mô hình nhanh chóng nhưng liên tục qua các năm dẫn đến việc chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu kết luận: “Những phát hiện này cung cấp cái nhìn mới mẻ về sự khởi phát và tiến triển tự nhiên của bệnh tiểu đường loại 2, đề nghị một giai đoạn sớm của hoạt động bệnh liên quan đến viêm trước khi có bất kỳ chẩn đoán lâm sàng nào.”
Viêm là một phần của hệ thống phòng thủ của cơ thể chống lại bệnh tật, nhưng tình trạng viêm kéo dài hoặc mãn tính sẽ khiến cơ thể suy yếu. Hãy tưởng tượng huyết áp cao không chỉ là một vấn đề riêng lẻ mà còn là tình trạng viêm trầm trọng và liên tục, dần dần làm suy yếu các mạch máu của cơ thể và khả năng kiểm soát lượng đường một cách hiệu quả. Tương tự, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lặp đi lặp lại có thể âm thầm làm cơ thể căng thẳng, đẩy cơ thể về phía kiểm soát lượng đường trong máu không ổn định theo thời gian.
Không phải mỗi lần sổ mũi đều là dấu hiệu của bệnh tiểu đường sắp xảy ra, nhưng các dạng bệnh tật mà chúng ta mắc phải trong suốt cuộc đời có thể gắn liền với quá trình trao đổi chất trong tương lai của chúng ta hơn chúng ta từng nghĩ.
Chiến lược chủ động để quản lý sớm bệnh tiểu đường
Vậy, kiến thức mới này đưa chúng ta đến đâu? Khả năng sử dụng những phát hiện này phụ thuộc vào nhận thức lâm sàng và đưa kiến thức này đến với công chúng. Đó là một cách tiếp cận hai chiều—trang bị cho các bác sĩ dữ liệu và xu hướng để bóc tách lịch sử bệnh lý của bệnh nhân, trong khi trang bị cho bệnh nhân kiến thức để bảo vệ sức khỏe của họ một cách chủ động.
Làm như vậy đòi hỏi sự thay đổi mang tính hệ thống theo hướng xem xét sức khỏe như một trạng thái linh hoạt, theo chiều dọc. Điều quan trọng cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe có thể là: Hãy ngừng điều trị các vấn đề y tế một cách cô lập.
Ngoài việc kê đơn thuốc kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, các bác sĩ nên khám phá các vấn đề tiềm ẩn như tình trạng viêm có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với sức khỏe, nhận ra rằng các vấn đề sức khỏe dường như không liên quan nhưng có thể có liên quan chặt chẽ với nhau — điều hướng việc chăm sóc ngăn ngừa vào những chẩn đoán sớm, có thể cứu sống bệnh nhân.
Tiến sĩ Demidowich cho biết: “Mỗi bệnh nhân nên được xem xét một cách toàn diện. Các bác sĩ phải nhìn toàn cảnh bức tranh, giải quyết các nguyên nhân cơ bản có thể gây ra chứng viêm, có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật và bệnh tiểu đường sớm hơn. Vì thế, việc nhận thức được thói quen sống không lành mạnh làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh tiểu đường, là điều rất quan trọng.”
Từ góc độ của bệnh nhân, điều này có nghĩa là xem xét việc tái nhiễm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và các cơn huyết áp cao là lý do để tìm hiểu sâu hơn về sức khỏe toàn diện của họ.
Giải mã các mô hình sức khỏe sớm và áp dụng thói quen giảm viêm có thể định hình lại cách tiếp cận của chúng ta và viết lại câu chuyện về quản lý và phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2, đưa chúng ta tới một tương lai mà chúng ta không chỉ kiểm soát mà còn tránh được căn bệnh này một cách hoàn toàn.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times