Nghiên cứu: 2,000 bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ suy tim ở phụ nữ cao tuổi
Số bước chân này tương đương với việc đi bộ một dặm (1.6 km) mỗi ngày đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ và thậm chí cải thiện các triệu chứng của bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc đi bộ ít nhất 2,000 bước mỗi ngày với việc giảm nguy cơ suy tim ở phụ nữ cao tuổi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người tham gia hoàn thành hoạt động thể chất hàng ngày ít có khả năng bị suy tim hơn những người có lối sống ít vận động hơn.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Buffalo–SUNY và được công bố trên Tập san JAMA Cardiology (Tim Mạch JAMA), đã kiểm tra 5,951 phụ nữ từ 63 đến 99 tuổi. Nhóm đối tượng có 49.2% người da trắng, 33.7% người da đen và 17.2% người gốc Tây Ban Nha. Không ai trong số những người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh suy tim tại thời điểm nghiên cứu.
Những phụ nữ này được đeo thiết bị theo dõi 24 giờ/7 ngày và tiếp tục được theo dõi trong 7 năm nữa. Trong quá trình theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có màn hình đo lượng hoạt động thể chất cao hơn (bất kể mức độ cường độ hay mức độ vất vả) và hoàn thành được ít nhất là 2,000 bước mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh suy tim thấp hơn. Ngược lại, những người ít vận động hơn và đi ít hơn 2,000 bước mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn.
Giải thích kết quả nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những phát hiện này có “liên quan sâu sắc đến sức khỏe cộng đồng và lâm sàng,” đồng thời giải thích rằng bệnh suy tim ảnh hưởng không tương xứng đến phụ nữ và các nhóm thiểu số và rằng 2,000 bước mỗi ngày là “ít hơn nhiều so với mức 10,000 bước mỗi ngày thường được quảng cáo để nâng cao lợi ích sức khỏe.”
Bà Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng về tim mạch dự phòng, nói với The Epoch Times qua email, “Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của vận động thể chất với cải thiện nguy cơ suy tim ở phụ nữ cao tuổi. Những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên vì nghiên cứu đã tiếp tục chỉ ra những lợi ích của việc vận động thể chất thường xuyên đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, việc tập trung bổ sung vào hoạt động được đo bằng gia tốc kế mang lại độ tin cậy cao hơn cho những phát hiện này.”
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim không có khả năng bơm đủ lượng máu và oxy đi khắp cơ thể. Theo thời gian, việc này có thể gây bất lợi vì các cơ quan của cơ thể cần được cung cấp máu và oxy ổn định để hoạt động bình thường.
“Đây là một hội chứng phổ biến, phức tạp, đặc trưng bởi các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, tăng cân, sưng bao tử/bụng và chân, đồng thời là tình trạng rối loạn khiến tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể với tốc độ phù hợp với nhu cầu của cơ thể.” Tiến sĩ Mustali Dohadwala, nói với The Epoch Times.
Tiến sĩ Dohadwala là bác sĩ tim mạch và giám đốc y tế của HeartSafe, một phòng khám tư nhân chuyên về sức khỏe tim mạch ở Boston.
Mắc các bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim, chẳng hạn như bệnh động mạch vành hoặc có tiền sử đau tim, tiểu đường, huyết áp cao và béo phì.
Tiến sĩ Dohadwala cho biết, “Suy tim có thể là do bất kỳ nguyên nhân nào làm suy yếu khả năng nạp hoặc tống máu của tim.”
Bà Routhenstein lưu ý rằng các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến giai đoạn sau.
Bà nói, “Điều quan trọng là phải giải quyết các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có bất kỳ triệu chứng nào phát sinh, vì chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát tình trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống.”
Hoạt động thể chất ảnh hưởng đến nguy cơ suy tim như thế nào?
Mặc dù chức năng tim sẽ bị suy giảm một cách tự nhiên khi chúng ta già đi, nhưng nghiên cứu xác nhận rằng hoạt động thể chất có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh suy tim ở người cao tuổi vì hoạt động thể chất có thể giúp giảm hoặc thậm chí loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và có thể cải thiện sức khỏe sinh lý tổng thể của tim và hệ tuần hoàn.
Tiến sĩ Dohadwala cho biết, “Nguy cơ suy tim có thể được ngăn ngừa khi thực hiện các hoạt động thể chất. Giảm các yếu tố truyền thống gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch như béo phì, huyết áp cao, bệnh động mạch vành và tiểu đường sẽ giúp cho việc tái tạo tim thuận lợi, giảm độ cứng mạch máu, cải thiện độ giãn nở của tâm thất và phục hồi cân bằng thần kinh nội tiết.”
Nghiên cứu cho thấy, ngay cả đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh suy tim thì việc hoạt động thể chất thường xuyên vẫn có thể mang lại lợi ích và giảm bớt các triệu chứng. Trên thực tế, đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, việc không hoạt động thể chất có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Bà Routhenstein nói, “Hoạt động thể chất rất hữu ích, ngay cả khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh suy tim. Tuy nhiên, cường độ và thời lượng có thể cần phải được điều chỉnh để tránh căng thẳng quá mức. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, những người bị suy tim nên tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ đánh giá cụ thể về thể trạng, tình trạng sức khỏe tổng thể và bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào của bệnh nhân, đồng thời đưa ra các khuyến nghị được cá nhân hóa.”
Tiến sĩ Dohadwala cho biết, “Các hoạt động tập thể dục chỉ nên được bắt đầu sau khi hoàn thành một chương trình luyện tập thể dục và phương thức tập thể dục phải tuân theo tư vấn của bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, ngoài các hoạt động có thể làm tăng huyết áp hoặc nhịp tim rất đột ngột như cử tạ nặng thì trên thực tế là không có hoạt động nào cần phải tránh. Nhưng điều quan trọng là đừng cố gắng quá sức.”
Ông cho biết, ông tin rằng nghiên cứu này có thể “nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động thể chất, vì ngoài những lợi ích nổi tiếng như giảm cân, huyết áp, đường huyết, kiểm soát cholesterol, hoạt động thể chất còn có thể giúp giảm khả năng phát triển bệnh suy tim.”
Nghiên cứu cũng xác nhận rằng, một lượng bước tương đối nhỏ mỗi ngày có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe tim mạch lâu dài của mọi người.
Bà Routhenstein cho biết, “Những phát hiện này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tránh lối sống ít vận động và chú ý đến việc vận động suốt cả ngày để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh. Tôi nghĩ, nếu có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa thì có thể sẽ nêu bật được cách phòng ngừa bệnh suy tim thông qua thay đổi lối sống và chúng ta cũng có thể ngăn ngừa bệnh này nếu chúng ta chủ động hơn trong vấn đề sức khỏe của mình.”
Tiến sĩ Dohadwala cho biết, dựa trên những phát hiện của nghiên cứu này, ông tin rằng sẽ có tiềm năng đáng kể cho các nghiên cứu trong tương lai nhằm khám phá các khía cạnh cụ thể khác của hoạt động thể chất và cách có thể ảnh hưởng đến nguy cơ suy tim.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.