Muối vẫn an toàn cho bệnh nhân suy tim

Một số nghiên cứu còn cho rằng, việc hạn chế tiêu thụ muối ngặt nghèo có thể gây hại.

Một nghiên cứu tổng quan được công bố hôm 26/06 trên European Journal of Clinical Investigation (Tập san Khảo sát Lâm Sàng Âu Châu) cho thấy việc hạn chế muối – một khuyến nghị được đưa ra từ rất lâu cho bệnh nhân suy tim – đã được chứng minh là không mang lại bất kỳ lợi ích lâm sàng nào.

Trong khi một số nghiên cứu báo cáo về sự cải thiện về chức năng và chất lượng cuộc sống [khi hạn chế muối] thì tác giả của nghiên cứu này, Tiến sĩ Paolo Raggi từ Đại học Alberta đã viết rằng, không có bằng chứng nào cho thấy việc hạn chế tiêu thụ đến mức tối đa lượng natri sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện ở bệnh nhân suy tim.

“Các bác sĩ thường phản đối việc thay đổi những nguyên lý có từ lâu đời và không có cơ sở khoa học thực sự; tuy nhiên, khi có những bằng chứng mới, đáng tin cậy thì chúng ta nên nỗ lực đón nhận,” Tiến sĩ Raggi nói trong một báo cáo.

Muối ảnh hưởng đến tim như thế nào?

Suy tim là một căn bệnh mạn tính khi cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu máu và oxy của cơ thể.

Việc giảm lượng muối ăn vào được khuyến cáo áp dụng cho bệnh suy tim vì muối hút nước. Nhiều muối trong máu có thể làm tăng thể tích máu, do đó làm tăng huyết áp, sau đó có thể gây tổn thương thêm cho mạch máu và tim.

Việc hạn chế tối đa lượng muối tiêu thụ cũng có thể làm giảm lượng máu đáng kể – điều này có thể lại gây hại cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Raggi viết, các nhà khoa học không thể thống nhất được với nhau về lượng muối cần phải giảm – sự khác biệt này là do có sự khác biệt trong cách giải thích dữ liệu.

Để thực hiện được một nghiên cứu thích hợp nhằm đánh giá tác động lâu dài của việc hạn chế muối là rất khó vì việc tuân thủ được công thức ăn ít muối là một thách thức lớn đối với bệnh nhân và cũng khó có thể đo lường được lượng muối đã tiêu thụ.

Một số tổ chức y tế nổi tiếng, bao gồm cả Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đều khuyến cáo bệnh nhân suy tim nên tiêu thụ dưới 2g (khoảng nửa muỗng cà phê) muối mỗi ngày. Tác giả cho biết, khuyến nghị này có thể xuất phát từ kết luận của một số thử nghiệm, bao gồm cả thử nghiệm DASH-natri nổi tiếng, cho thấy những người tiêu thụ ít hơn 1.5g muối mỗi ngày có huyết áp thấp hơn.

Trong khi những người đề xướng thử nghiệm DASH-natri ủng hộ những phát hiện và khuyến nghị của thử nghiệm thì những người bất đồng chính kiến ​​​​cho rằng với lượng thời gian thử nghiệm quá ngắn và những hạn chế về việc tiêu thụ muối như vậy là khó có thể chấp nhận được.

Lượng muối ăn vào vừa phải sẽ có lợi cho những người đang ăn rất nhiều muối. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là cần phải giảm bao nhiêu muối. Chất lượng cuộc sống được cải thiện khi lượng muối ăn vào ít hơn; tuy nhiên, không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy việc ăn ít muối dẫn đến ít biến cố tim mạch và tử vong hơn.

Việc hạn chế muối rõ ràng là đã làm giảm huyết áp, đặc biệt ở những bệnh nhân cao huyết áp nhưng tác dụng này dường như bị giảm dần theo thời gian.

Hạn chế uống nước?

Thay vì tập trung vào lượng natri nạp vào, Tiến sĩ Raggi cho biết, việc theo dõi lượng chất lỏng nạp vào có thể giúp điều trị cho những người bị suy tim. Khi bị suy tim, các mạch máu giãn nở và xuất hiện tình trạng phù dưới da. Khi căn bệnh này tiến triển, tổng khối lượng cơ thể cũng tăng lên. Vì vậy, ông lý luận rằng, việc hạn chế uống nước để giảm sưng tấy thêm cũng có thể là một liệu pháp hợp lý.

Mặc dù một số nghiên cứu đã đưa lý thuyết này vào thử nghiệm nhưng cỡ mẫu tương đối nhỏ và bằng chứng chứng minh về những lợi ích đáng chú ý vẫn còn hạn chế.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn