Mùi hương tổng hợp phá vỡ hormone bằng cách nào?
Trong khi các quốc gia khác kiểm soát các hóa chất này nghiêm ngặt hơn, thì người Mỹ bị chìm ngập trong mùi thơm hóa học.
Trong năm giác quan, khứu giác được cho là có khả năng mạnh nhất khiến chúng ta nhớ về một khoảnh khắc trong quá khứ. Đó có thể là chiếc bánh táo [thơm ngon] của bà, một đống lửa mùa hè, hay dư hương của người xưa.
Nhưng mùi hương không chỉ đơn thuần có tác dụng mạnh mẽ về mặt tâm lý khi gợi nhớ về một ký ức hoài niệm. Mùi hương cũng có tác dụng sinh lý.
Hương thơm đã được sử dụng hàng ngàn năm qua trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, Trung y đã sử dụng các loại thảo mộc thơm như Murraya (Nguyệt quới) và Elsholtzia [Hương nhu] trong hàng ngàn năm để điều trị các bệnh khác nhau.
Ngoài ra còn có hơn 200 tài liệu tham khảo về nước hoa và hương thơm trong Kinh thánh; việc Chúa Giêsu được tặng trầm hương có lẽ là điều quen thuộc nhất.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, sự phát triển của mùi hương đã có một bước ngoặt lớn nhờ sự tiến bộ của nhiều loại hóa chất. Thay vì sử dụng thực vật để tạo ra hương thơm ngọt ngào, ngành công nghiệp nước hoa chuyển sang sản xuất các dạng mùi hương tổng hợp trong phòng thí nghiệm.
Thật không may, sự tiến bộ này đã dẫn đến những hậu quả về sức khỏe không lường trước được, ảnh hưởng đến không chỉ chúng ta mà còn cả thế hệ con cháu tương lai.
Hương thơm làm rối loạn hormone như thế nào
Theo một nghiên cứu được công bố trên Medical Hypotheses, nhiều thành phần hương thơm đã được chứng minh là phá vỡ sự cân bằng hormone khỏe mạnh. Các hợp chất này được gọi là hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) vì khả năng bắt chước các hormone tự nhiên và do đó làm rối loạn hệ nội tiết nhạy cảm của cơ thể.
Bà Janet Nudelman, giám đốc cấp cao của Chiến dịch mỹ phẩm an toàn cho các đối tác phòng chống ung thư vú, giải thích: “Đây là một vấn đề vì cơ thể chúng ta không thể phân biệt giữa hormone tự nhiên và tổng hợp.”
Khi chúng ta thắp một ngọn nến, trang điểm, xịt nước hoa hoặc sử dụng bột giặt có chứa hương liệu, EDC sẽ được phóng thích và làm mất cân bằng nội tiết tố.
Bà Nudelman nói với The Epoch Times: “Tùy thuộc vào thời điểm tiếp xúc, EDC có thể góp phần gây dậy thì sớm, gây hại cho khả năng sinh sản hoặc phát triển, cũng như làm tăng nguy cơ ung thư vú.”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất EDC như phthalates, một thành phần phổ biến của mùi hương tổng hợp, làm suy giảm khả năng sinh sản và có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú.
Không chỉ ảnh hưởng đến nội tiết tố
Trong một nghiên cứu của Đan Mạch, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng dibutyl phthalate trong dược phẩm làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Loại phthalate này được sử dụng trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư vú tăng gấp đôi đối với phụ nữ dùng thuốc có chứa phthalate này. Nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy phụ nữ nên tránh tiếp xúc nhiều với dibutyl phthalates.”
Nghiên cứu được công bố trên tập san Medical Hypotheses cho thấy các EDC như phthalates và paraben xâm nhập vào máu qua da, phá vỡ cân bằng nội tiết và làm tăng khả năng phát triển ung thư vú.
Một lượng lớn dữ liệu cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa EDC và sảy thai, sinh non, và những bất thường về phát triển, theo một đánh giá trên Frontiers in Public Health.
Trong bài đánh giá, các nhà nghiên cứu đã phân tích các tác động khác nhau của phthalate đối với trẻ sơ sinh trong tử cung. Kết quả cho thấy “bằng chứng đáng kể về việc tiếp xúc với phthalate trước khi sinh dẫn đến sự phát triển bất thường của thai nhi và kết cục sinh sản bất lợi [hư thai/trẻ sơ sinh không sống qua 7 ngày].”
Phân tích gộp tương tự cũng cho thấy rằng việc tiếp xúc với phthalate của người mẹ có liên quan đến cân nặng trẻ sơ sinh thấp hơn. Điều thú vị là tỷ lệ béo phì cao hơn ở trẻ em đang phát triển cho thấy rằng việc tiếp xúc với phthalate của người mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn cả sự phát triển ở tuổi vị thành niên của con cái.
Một thành phần khác thường được sử dụng trong các loại nước hoa khác nhau như một chất tạo màu là styrene. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ và Chương trình Chất độc Quốc gia liệt kê styrene là một hóa chất “ có khả năng gây ung thư ở người.”
Các thành phần hương thơm khác gồm có long não (camphor), một chất độc thần kinh; linalool gây biến chứng hô hấp; và benzyl axetat có tác động tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương.
Quy định đáng ngờ về thành phần hương liệu
Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng chống lại sự an toàn, nhưng các cơ quan chính phủ chấp thuận việc sử dụng và bán các hóa chất này vẫn chưa có hành động quyết định chống lại ngành hóa chất.
Vào năm 2022, Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã hạn chế một số loại phthalate được sử dụng trong bao bì thực phẩm. Nhưng FDA đã ngừng cấm tất cả các chất phthalate, nói rằng họ cần thêm bằng chứng từ những người khởi kiện để ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với phthalate.
Ông Homer Swei, phó chủ tịch cấp cao của Environmental Working Group, nói với The Epoch Times: “FDA và EPA [Cơ quan Bảo vệ Môi trường] tụt hậu so với nhiều quốc gia về các quy định đối với sản phẩm tiêu dùng. EU [Liên minh Âu Châu], Canada, và Nhật Bản đều có các quy định chặt chẽ hơn.”
Mỗi năm, các công ty hóa chất đổ hàng triệu USD vào vận động hành lang – một hoạt động mà các nhà phê bình cho [là để] duy trì ảnh hưởng không phù hợp đối với các cơ quan quản trị và các nhà lập pháp được bầu.
“Các hiệp hội thương mại cho ngành hóa chất và ngành mỹ phẩm thông thường sẽ khiến chúng ta tin rằng liều lượng phải đến mức nào đó mới tạo ra chất độc và công chúng không cần lo lắng về một chút hóa chất gây ung thư trong bồn tắm đầy bong bóng xà phòng hoặc dầu gội đầu cho trẻ em,” bà Nudelman nói.
“Nhưng thực tế là chẳng ai trong chúng ta sống trong bong bóng xà phòng, mà chúng ta tiếp xúc và tái tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư – và các hóa chất độc hại gây rối loạn nội tiết tố – từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến khi đi ngủ vào buổi tối. Khoa học đang cho thấy rằng nhiều lần tiếp xúc và tiếp xúc với liều lượng thấp cũng như thời điểm tiếp xúc với hóa chất không an toàn đó sẽ dồn tích lại gây nguy hại.”
Mùi hương tự nhiên so với tổng hợp
Mùi hương tự nhiên được làm bằng các thành phần thực vật tự nhiên, nhưng mùi hương tổng hợp được làm từ hóa chất nhân tạo.
Tuy nhiên, điều này đơn giản hóa toàn bộ câu chuyện về mùi hương tự nhiên và tổng hợp.
Các công ty đưa mùi hương vào sản phẩm không bắt buộc phải liệt kê các thành phần được sử dụng để tạo ra mùi hương. Thay vào đó, người tiêu dùng [chỉ] nhìn thấy “hương thơm” hoặc “hương thơm tự nhiên”, mặc dù cả hai đều chứa hàng chục thành phần.
Khi chúng ta nhìn thấy “hương thơm” (fragrance) trên nhãn, điều này hàm ý rằng nhiều thành phần được sử dụng có nguồn gốc tổng hợp. “Hương thơm tự nhiên” không bao gồm các hóa chất độc hại như phthalates, nhưng vẫn trải qua quy trình sản xuất công nghiệp.
“’Tự nhiên’ không phải là một thuật ngữ mùi hương được quy định, điều này gây khó khăn cho việc so sánh ‘mùi hương tự nhiên’ giữa các thương hiệu. ‘Tự nhiên’ cho biết vấn đề nguồn gốc chứ không phải cách xử lý, phẩm chất/cấp độ hoặc được kiểm tra,” ông Swei nói.
Nhiều thành phần trong mùi hương“tự nhiên”, chẳng hạn như pulegone, beta-myrcene và lilial, đã được chứng minh là gây ra các biến chứng sức khỏe đáng lo ngại như ung thư. Lilial, một hóa chất gây dị ứng cao, gây hại cho sinh sản, bị cấm ở Âu Châu.Do sự mơ hồ xung quanh các thành phần hương thơm, ông Swei khuyến khích người tiêu dùng tìm kiếm các thành phần hương thơm cụ thể từ các sản phẩm và nhãn hiệu cho biết các thành phần hương liệu của họ.
Sự toàn diện của hương thơm
Tác động của mùi hương không chỉ ảnh hưởng đến những người đam mê nước hoa và những người sành nước hoa. Mùi hương ảnh hưởng đến hầu hết người Mỹ, vì chúng được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân và tẩy rửa gia dụng.
Cô Suzi Swope, một chuyên gia thẩm mỹ tự nhiên, chuyên gia về mùi hương, đồng thời là người sáng lập blog về sức khỏe và phong cách sống Gurl Gone Green, không đồng ý việc có nhiều mùi hương trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là điều bình thường.
“Nếu bạn luôn muốn mọi thứ có mùi thơm [nếu tôi là bạn thì tôi sẽ suy nghĩ và hỏi bản thân rằng], lần cuối cùng bạn không ngửi thấy mùi gì là khi nào. Chỉ có không khí trong lành, sạch sẽ,” cô nói với The Epoch Times.“Mùi hương thơm không làm biến mất mà [chỉ] đang át đi những mùi hương hàng ngày tạo nên cuộc sống. Có người nào muốn sống với một chiếc mặt nạ như vậy đây?
Kim Khuê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.