Một phần tư phụ nữ mang thai không nhận đủ omega-3 từ bữa ăn hoặc thực phẩm chức năng
Mặc dù phụ nữ mang thai nên tránh ăn một số loại cá do hàm lượng thủy ngân cao nhưng cũng không nên kiêng cá hoàn toàn.
Phụ nữ có thể cảm thấy rằng ăn cá khi mang thai là nguy hiểm do đã có nhiều năm quan ngại về việc nhiễm thủy ngân ở một số loài. Nhưng cá – đặc biệt là cá béo – có thể là nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Ăn lượng cá trong giới hạn an toàn và phù hợp là một phần quan trọng trong dinh dưỡng của phụ nữ mang thai.
“Acid béo Omega-3 là chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cho sức khỏe tốt hơn. Việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng này khi mang thai là rất quan trọng để ngăn ngừa sinh non và thúc đẩy sức khỏe và sự phát triển thần kinh tốt nhất của trẻ,” theo Tiến sĩ Emily Oken, giáo sư Trường Y Harvard và chủ tịch Khoa Y học Dân số tại Viện Chăm sóc Sức khỏe Hành hương Harvard.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới do Tiến sĩ Oken và các đồng nghiệp thực hiện và công bố trênPublic Health Nutrition ( Tập san Dinh dưỡng Y tế Công cộng) cho thấy 25% phụ nữ mang thai không nhận đủ omega-3 từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.
Nghiên cứu xem xét mức tiêu thụ cá của 10,800 phụ nữ mang thai cũng như lượng bổ sung omega-3 của 12,646 phụ nữ mang thai trên khắp Hoa Kỳ đang tham gia chương trình có tên Ảnh hưởng Môi trường đến Kết quả Sức khỏe Trẻ em.
Gần 25% số người tham gia cho biết họ không ăn cá hoặc ăn cá ít hơn một lần mỗi tháng và chỉ 16% dùng thực phẩm chức năng để bổ sung omega-3. Những bà mẹ lớn tuổi có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn, đồng thời là người da trắng hoặc người châu Á không phải gốc Tây Ban Nha có nhiều khả năng dùng thực phẩm chức năng nhất. Tuy nhiên, mức tiêu thụ cá cao hơn ở những phụ nữ có bản sắc chủng tộc hoặc dân tộc khác với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và ở những người sử dụng thuốc lá và các sản phẩm chứa nicotin.
Các nhà điều tra lưu ý rằng việc tiêu thụ cá và bổ sung omega-3 của phụ nữ khi mang thai đã giảm trong những thập niên qua. Họ cho rằng hiện tượng này “có thể là do những lời khuyên của liên bang về thủy ngân trong cá kể từ năm 2001.”
Các nhà điều tra đề nghị cải thiện thông điệp đến phụ nữ mang thai về tầm quan trọng của omega-3. Tiến sĩ Oken cho biết trong thông cáo báo chí của Viện Chăm sóc Sức khỏe Hành hương Harvard, “Bằng chứng hiện tại cho thấy ở bà mẹ [mang thai], lợi ích của việc tiêu thụ cá có hàm lượng thủy ngân thấp hoặc thay vào đó là bổ sung omega-3 sẽ lớn hơn bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào.” Bà nói thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thông tin mới nhất để đưa ra lời khuyên và nguồn lực cần thiết cho sức khỏe cộng đồng […] nhằm khuyến khích tiêu thụ cá có hàm lượng thủy ngân thấp khi mang thai và bổ sung omega-3 ở những người không ăn cá.”
Tại sao Omega-3 lại quan trọng khi mang thai?
Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ lưu ý trên trang web của mình rằng acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosatetraenoic (EPA), hai acid béo omega-3 có trong cá béo, rất quan trọng để trợ giúp cho thai kỳ khỏe mạnh, và các acid béo này có thể làm giảm nguy cơ sinh non và trầm cảm sau sinh.
Theo hiệp hội, đối với phụ nữ đang cho con bú, việc bổ sung đầy đủ omega-3 lành mạnh ở cá có liên quan đến các kết quả [tích cực] bao gồm sự phát triển tâm lý vận động ở trẻ sơ sinh tốt hơn và giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Cá cũng cung cấp chất dinh dưỡng ngoài omega-3. Hiệp hội này cho biết cùng với DHA và EPA, cá ngừ (làm ví dụ), chứa protein, selenium, magnesium, calcium, potassium, vitamin B12 và các chất dinh dưỡng khác hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh, sức khỏe tim mạch, bộ não và sức khỏe tổng thể. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019, con của những bà mẹ ăn cá khi mang thai có chỉ số IQ trung bình cao hơn 7.7 điểm so với những trẻ có mẹ không ăn cá.
Trường Đại học Y tá-Hộ sinh Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung khoảng 200 miligam (mg) đến 300 mg omega-3 mỗi ngày – từ khoảng hai bữa ăn có cá mỗi tuần.
Nỗi sợ ăn cá: Thông điệp cá chứa thủy ngân
Từ năm 1994, lời khuyên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về việc tiêu thụ cá đã khuyến cáo phụ nữ mang thai tránh ăn cá mập và cá kiếm. (Những loài cá săn mồi lớn như thế này tích tụ nhiều thủy ngân trong cơ thể hơn những loài nhỏ hơn.)
Năm 2001, cá ngói và cá thu vua được thêm vào danh sách này và FDA đã đưa ra lời khuyên khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tránh những loại cá này do có khả năng nhiễm thủy ngân.
Mức tiêu thụ cá giảm dần sau lời khuyên năm 2001 này, theo một nghiên cứu được công bố năm 2003 (cũng của Tiến sĩ Oken và các đồng nghiệp). Các nhà điều tra nhận thấy tổng mức tiêu thụ cá giảm khoảng 1.4 khẩu phần mỗi tháng từ tháng 12/2000 đến tháng 04/2001, và tiếp tục suy giảm cho đến cuối thời gian nghiên cứu.
Trong một báo cáo năm 2013, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã bác bỏ phát hiện này, khẳng định nghiên cứu của cơ quan này cho thấy mức tiêu thụ cá không giảm ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sau lời khuyên năm 2001 và bản cập nhật năm 2004. Báo cáo kết luận, “Chúng tôi có thể kết luận rằng việc ban hành lời khuyên 2001 không làm giảm mức tiêu thụ cá của phụ nữ trên cả nước.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Stephen Ostroff, cựu giám đốc khoa học của FDA, đã nhận xét vào năm 2014 rằng, “Trong nhiều năm, nhiều phụ nữ đã hạn chế hoặc tránh ăn cá khi mang thai hoặc cho con nhỏ ăn cá,” trong một tuyên bố cập nhật lời khuyên của FDA dành cho phụ nữ mang thai. Lời khuyên năm 2014 khuyến khích phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú tiêu thụ 8 đến 12 ounce (khoảng 237ml đến 355ml) các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần vì lợi ích dinh dưỡng của chúng.
Vào năm 2017, lời khuyên sửa đổi tiếp theo của FDA đã bổ sung thêm cá cờ xanh, cá nhám màu cam và cá ngừ mắt to – những loài có thể có nồng độ thủy ngân tương tự như các loại cá trong lời khuyên ban đầu – vào danh sách các loại cá cần tránh.
Cân nhắc rủi ro và lợi ích
Trang web Mercury Facts and Fish, một phần của Dự án Chính sách Thủy ngân, tuyên bố rằng các lời khuyên về thủy ngân đã không cung cấp thông tin hiệu quả cho người tiêu dùng và gây ra sự nhầm lẫn. “Hầu hết mọi người không biết lời khuyên cụ thể của chính phủ về thủy ngân; những người biết rằng thủy ngân là mối lo ngại thường không thể nói họ nên tránh loại cá nào để giảm tiếp xúc với thủy ngân, hoặc loại cá nào có hàm lượng thủy ngân thấp và nên được lựa chọn thường xuyên,” trang web này nêu rõ.
Theo một nghiên cứu năm 2018 đánh giá việc thông báo cho phụ nữ mang thai về cá ở nhiều quốc gia, phụ nữ mang thai có thể quyết định bỏ cá hoàn toàn. Các nhà điều tra nhận thấy “có một số bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai thấy lời khuyên này khó hiểu và thích từ bỏ việc ăn cá hơn là chấp nhận rủi ro bị tổn hại. Có sự đồng thuận chung rằng phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất hai bữa ăn chứa cá mỗi tuần, nhưng thông điệp này không phải lúc nào cũng rõ ràng và nổi bật.”
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2023, lợi ích của việc ăn cá lớn hơn rủi ro, và [nội dung về] các biện pháp phòng ngừa của FDA không nên [bao gồm] việc ngăn cản phụ nữ mang thai ăn cá: “Khi các bà mẹ thường xuyên ăn cá trong thời kỳ mang thai, khả năng phát triển thần kinh của con họ có thể tốt hơn so với con của những người không ăn cá, mặc dù [các bà mẹ ăn cá] đã tiếp xúc với methylmercury (hợp chất chứa thủy ngân),” các tác giả viết.
Ngành công nghiệp cá đồng ý [với điều này]. Trang web Giới thiệu về Hải sản của Viện Thủy sản Quốc gia gọi những lo ngại về thủy ngân trong hải sản là “thông tin sai lệch” và cho biết “khoa học dinh dưỡng cho thấy” rằng “lợi ích của hải sản (bao gồm các chất dinh dưỡng như protein, vitamin B, vitamin D, selenium, acid béo omega-3) lớn hơn những rủi ro về mặt lý thuyết của thủy ngân.”
Hơn nữa, theo Viện Thủy sản Quốc gia, “Không có trường hợp ngộ độc thủy ngân nào do tiêu thụ hải sản thương mại bình thường được tìm thấy trong các tập san y tế được bình duyệt. Ví dụ, người Mỹ trung bình ăn 16 pound (7.26kg) hải sản hàng năm. Người tiêu dùng ở Nhật Bản ăn trung bình 116 pound (52.62kg). Ngay cả với lượng hải sản tiêu thụ gần gấp mười lần, Nhật Bản vẫn không xảy ra dịch bệnh nhiễm độc thủy ngân.”
Ăn cá gì an toàn nhất? Thực phẩm bổ sung có phải là nguồn tốt không?
Tập san March of Dimes phản ánh FDA nên khuyến nghị phụ nữ mang thai ăn từ 8 đến 12 ounce (237ml đến 355ml) cá [và hải sản] có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần, bao gồm:
- Con tôm
- Cá hồi
- Cá minh thái
- Cá da trơn
- Cá ngừ nhỏ đóng hộp
Tổ chức này khuyên phụ nữ mang thai nên tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao hơn, bao gồm:
- Cá mập
- Cá kiếm
- Cá thu vua
- Cá ngói
Trong khi cá là nguồn cung cấp omega-3 tốt nhất, các thực phẩm khác cũng chứa omega-3 bao gồm:
- Dầu canola
- Hạt chia
- Đậu nành luộc
- Hạt lanh
- Hạt gai dầu
- Đậu thận
- Rong biển
- Dầu đậu nành
- Quả óc chó
- Mầm lúa mì
Theo lời khuyên của Trường Đại học Y tá-Hộ sinh Hoa Kỳ, những phụ nữ không muốn ăn cá khi mang thai và dựa vào thực phẩm chức năng để bổ sung omega-3 nên chọn viên nhộng hoặc dầu cá đã được tinh chế và không chứa polychlorin biphenyls và dioxin.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times