Một loại acid amin có liên quan đến đột quỵ và sa sút trí tuệ
Homocysteine là một acid amin chứa lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong chu trình methyl hóa của cơ thể.
Bệnh tim, đột quỵ, suy giảm nhận thức và trầm cảm là những tình trạng phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi. Mặc dù những bệnh này có các triệu chứng khác nhau, nhưng thường có chung một dấu hiệu bất thường trong xét nghiệm: nồng độ homocysteine tăng cao.
Mặc dù dấu hiệu này tương đối mơ hồ và ít được các bác sĩ chỉ định, nhưng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của loại acid amin này.
Homocysteine: Một chỉ số sức khỏe quan trọng
Homocysteine là một loại acid amin chứa lưu huỳnh không có sẵn trong thực phẩm mà là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein động vật trong cơ thể. Acid amin này đóng vai trò quan trọng trong chu trình methyl hóa của cơ thể – là quá trình sinh hóa liên quan đến việc điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh, sửa chữa DNA và biểu hiện gen.
Ở những người khỏe mạnh, nồng độ homocysteine thường dao động từ 5 đến 15 micromol/L. Nồng độ vượt quá 15 micromol/L biểu thị tình trạng tăng homocysteine máu, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể theo hai cách chính:
- Tổn thương lớp nội mạc mạch máu: Tăng homocysteine máu có thể gây tổn thương các tế bào nội mô và làm suy yếu khả năng giãn mạch, giảm độ đàn hồi của mạch máu. Tổn thương này có thể dẫn đến sự tích tụ của các tế bào máu, các yếu tố đông máu và cholesterol tại vị trí đó, hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông nằm ở các mạch máu tim, có thể gây bệnh tim mạch; nếu xảy ra ở mạch máu não, có thể dẫn đến đột quỵ. Đây là lý do tại sao những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và đột quỵ thường có nồng độ homocysteine tăng cao.
- Suy giảm nhận thức và rối loạn cảm xúc: Homocysteine ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não qua chu trình methyl hóa. Do đó, nồng độ homocysteine tăng cao có thể dẫn đến suy giảm nhận thức và rối loạn cảm xúc.
Các nghiên cứu ca lâm sàng về nhiều loại bệnh khác nhau
Việc xem xét một số trường hợp lâm sàng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các triệu chứng cụ thể và phương pháp điều trị chứng tăng homocysteine máu.
1. Cao huyết áp
Một bệnh nhân nam 55 tuổi, có biểu hiện đau ngực và cao huyết áp. Ông cũng có tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Kết quả xét nghiệm có nồng độ homocysteine là 18 micromol/L, cho thấy tình trạng tăng homocysteine máu. Ngoài ra, ông đã trải qua một số đánh giá tim mạch, bao gồm siêu âm tim và các xét nghiệm tim khi gắng sức, nhưng không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào về cấu trúc tim. Tình trạng của ông chủ yếu là do lối sống kém lành mạnh, căng thẳng tinh thần và ít vận động. Trong trường hợp này, ngoài việc điều trị giảm huyết áp, ông cần dùng thuốc để giảm mức homocysteine.
2. Thiếu máu cục bộ thoáng qua
Một bệnh nhân nữ 68 tuổi đã đến khám do cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Nồng độ homocysteine của bà là khoảng 20 micromol/L. Mặc dù đã dùng các thực phẩm chức năng không kê toa, bà vẫn thiếu vitamin B12. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần chụp MRI não, chích vitamin B12 liều cao, bổ sung acid folic, vitamin B6 và điều chỉnh cách ăn uống.
3. Suy giảm nhận thức
Một bệnh nhân nam 72 tuổi có vấn đề về trí nhớ. Ông thường xuyên quên đồ, chẳng hạn như quên chìa khóa hoặc tắt bếp, và các vấn đề về trí nhớ của ông đã dẫn đến những khó khăn về tài chính. Xét nghiệm máu cho thấy mức homocysteine là 25 micromol/L, cao hơn đáng kể so với bình thường. Do đó, bên cạnh các đánh giá nhận thức truyền thống và thuốc men, ông cần bổ sung vitamin B liều cao và cách ăn Địa Trung Hải giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
4. Loãng xương
Một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị loãng xương nặng và gãy xương nhiều lần do ngã. Mức homocysteine của bà là 22 micromol/L. Nghiên cứu cho thấy mức homocysteine có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của xương và là yếu tố nguy cơ gây loãng xương. Do đó, ngoài việc bổ sung vitamin D3, calcium và phosphorus, bà cần điều trị thêm tình trạng tăng homocysteine máu.
5. Mang thai
Một bệnh nhân nữ 31 tuổi có tiền sử sảy thai. Trong quá trình kiểm tra trước khi sinh, cô được phát hiện có nồng độ homocysteine cao ở mức 19 micromol/L. Nồng độ homocysteine cao có thể dẫn đến các biến chứng như cao huyết áp, sản giật và trầm cảm sau sinh. Do đó, việc điều chỉnh nồng độ homocysteine qua các chất bổ sung dinh dưỡng là rất quan trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân và em bé.
Nguyên nhân gây ra mức homocysteine bất thường và cách bổ sung dinh dưỡng
Thông thường có hai nguyên nhân chính gây tăng homocysteine máu: yếu tố di truyền và thiếu hụt dinh dưỡng. Yếu tố di truyền có thể bao gồm các rối loạn ảnh hưởng đến quá trình methyl hóa, dẫn đến nồng độ homocysteine tăng cao. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể là kết quả của các vấn đề hấp thụ hoặc thiếu các vitamin thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là acid folic, vitamin B12 và vitamin B6. Ngoài ra, một số người có thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng này một cách hiệu quả.
Việc bổ sung các chất dinh dưỡng sau đây có thể giúp ích cho những người có mức homocysteine cao:
- Folate (acid folic): Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi homocysteine thành methionine trong quá trình methyl hóa, giúp duy trì mức homocysteine cân bằng. Nguồn folate bao gồm rau xanh, trái cây, các loại đậu và thực phẩm bổ sung. Lượng khuyên dùng hàng ngày là 400 đến 800 microgam.
- Vitamin B12: Vitamin này hoạt động với acid folic để chuyển đổi homocysteine thành methionine. Nguồn vitamin B12 bao gồm thịt, sản phẩm từ sữa và trứng. Lượng khuyên dùng hàng ngày cho người lớn là 2.4 microgam.
- Vitamin B6: Còn được gọi là riboflavin, vitamin B6 là một cofactor enzyme** cần thiết để chuyển đổi homocysteine thành cysteine. Các nguồn chứa vitamin này bao gồm gia cầm, cá, khoai tây, đậu gà và chuối. Lượng dùng hàng ngày cho người lớn dưới 50 tuổi là 1.3 miligam (mg). Sau 50 tuổi, lượng khuyên dùng là 1.5 mg đối với phụ nữ và 1.7 mg đối với nam giới.
- Betaine (trimethylglycine): Chất này cung cấp một con đường thay thế để chuyển đổi homocysteine thành methionine, đặc biệt là khi nồng độ B6, acid folic hoặc B12 không đủ. Các nguồn cung cấp bao gồm mầm lúa mì, rau bina, củ dền và động vật có vỏ. Mọi người thường nhận được 0.5 đến 2g betaine mỗi ngày qua thức ăn. Có thể bổ sung ít nhất 6g betaine mỗi ngày để giảm nồng độ homocysteine.
- Choline: Choline hỗ trợ quá trình chuyển hóa betaine. Nguồn choline bao gồm trứng, gan, đậu phộng và các sản phẩm từ đậu nành. Lượng khuyên dùng hàng ngày là 425 đến 550 mg.
- Acid béo Omega-3: Những acid béo này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch liên quan đến nồng độ homocysteine cao. Các nguồn bao gồm cá hồi, cá thu, cá mòi, hạt lanh và quả óc chó. Lượng khuyên dùng hàng ngày là khoảng 1 đến 2g acid eicosapentaenoic (EPA) kết hợp với acid docosahexaenoic (DHA).
Bảo hiểm y tế thường chi trả chi phí xét nghiệm homocysteine. Nếu lo lắng, bạn nên đi xét nghiệm để có thể điều chỉnh cách ăn uống và bổ sung chất dinh dưỡng khi cần thiết.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi bài viết ý kiến, vui lòng làm theo các hướng dẫn này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.
Ghi chú của người dịch:
*Methyl hóa là phản ứng hóa học trong cơ thể trong đó một phân tử nhỏ gọi là nhóm methyl được thêm vào DNA, protein hoặc các phân tử khác. Việc bổ sung các nhóm methyl có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của một số phân tử trong cơ thể. Ví dụ, quá trình methyl hóa trình tự DNA của một gen có thể bất hoạt gen đó để không tạo ra protein. Những thay đổi trong kiểu methyl hóa gen hoặc protein có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh của một người, chẳng hạn như ung thư.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times