Mối liên hệ giữa môi trường, dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng
Khi môi trường, hành vi và thức ăn của con người thay đổi qua hàng nghìn năm, cơ thể chúng ta phải thích nghi và biểu hiện sự suy giảm sức khỏe đáng chú ý.
Lối sống, thực phẩm và môi trường xung quanh đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về cấu trúc trong cơ thể chúng ta qua hàng nghìn năm. Điều này góp phần gây ra những căn bệnh mà chúng ta ngày càng dễ gặp phải.
Tiến sĩ Alex Bronson là nha sĩ tại Bronson Family Dentistry – một phòng khám gia đình cung cấp phương pháp tiếp cận nha khoa toàn thân với hai cơ sở ở Virginia. Tiến sĩ Bronson có niềm đam mê và tập trung vào cách ăn uống, dinh dưỡng, nhân chủng học, chống lão hóa và chăm sóc răng miệng tích hợp. Gần đây, ông đã có bài giảng tại Hội nghị Documenting Hope Conference ở Orlando, Florida, với nhan đề “Môi trường, Dinh dưỡng, Đường hô hấp và Nha khoa.”
Tiến sĩ Bronson bắt đầu bằng việc giải thích cách mà tổ tiên xa xưa của chúng ta sinh sống.
Đối với tổ tiên của chúng ta, vận động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và họ đi bộ trung bình 4–12 dặm (6.5-19km) mỗi ngày để tìm kiếm thức ăn. Người cổ xưa thường xuyên nâng và di chuyển những vật nặng, thức ăn của họ là những thực phẩm dồi dào dưỡng chất cần phải nhai kỹ và nhiều hơn, họ thở bằng mũi, hầu như không bị sâu răng và không bị các bệnh hiện đại như ngưng thở khi ngủ, tiểu đường và bệnh tim.
Không khí khi xưa không có các chất ô nhiễm hóa học tổng hợp, nước chứa đầy khoáng chất tự nhiên và không chứa chất phụ gia. Nguồn thức ăn được săn bắt và hái lượm rất nhiều dinh dưỡng và không chứa hóa chất. Tổ tiên xa xưa của chúng ta ngủ khi mệt mỏi – thường ở ngoài trời với hệ thống thông gió tốt và không có ánh sáng nhân tạo.
Lối sống hiện tại của chúng ta – mặc dù điển hình – không nên được xem là bình thường.
Thay vì hoạt động ngoài trời mỗi ngày – như săn bắt và hái lượm – nhiều người trong chúng ta ngồi trước máy tính, dưới ánh đèn huỳnh quang, hít thở không khí tái chế [từ máy điều hòa] hơn 8 tiếng mỗi ngày. Nhiều người đi làm và về nhà, sau đó ngồi trước tivi, máy tính hoặc máy tính bảng để thư thái đầu óc. Nghiên cứu cho thấy rằng ngồi quá nhiều có hại cho sức khỏe và việc ngồi trước màn hình sẽ gây ra nhiều hậu quả – từ việc gián đoạn giấc ngủ đến lo lắng và trầm cảm.
Tiến sĩ Bronson giải thích rằng chúng ta có thể học cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất từ tổ tiên của mình – trí tuệ đã giúp họ tồn tại hàng thiên niên kỷ. Ông nói rằng ba trụ cột của sức khỏe là vận động, dinh dưỡng và giấc ngủ – tất cả đều đã thay đổi rất nhiều so với thời tổ tiên xa xưa sinh sống và phát triển.
Chuyển động và cấu trúc cơ thể
Lối sống ít vận động đã thay thế các hoạt động thể chất cường độ cao mà tổ tiên chúng ta thực hiện hàng ngày. Theo Tiến sĩ Bronson, vận động giúp lưu thông bạch huyết khắp cơ thể, giữ cho tim khỏe mạnh, cải thiện sức khỏe tâm thần, duy trì xương, cơ bắp chắc khỏe và kết nối thần kinh vững chắc. Bởi vì cấu trúc cơ bản của cơ thể cho phép chúng ta di chuyển tự do, bất kỳ vấn đề về cấu trúc nào cũng có thể dẫn đến các vấn đề về vận động và cuối cùng là giảm khả năng dẫn lưu bạch huyết, tăng áp lực cho hệ tim mạch, ngưng thở khi ngủ, đau lưng, bàn chân bẹt, v.v…
Thời nay, cấu trúc vật lý của cơ thể chúng ta đã thay đổi, Tiến sĩ Bronson minh họa hiện tượng này bằng hình ảnh xương hàm thời tiền sử rộng và đầy răng thẳng so với hình ảnh xương hàm hiện đại hẹp, lệch và các răng khấp khểnh.
Tiến sĩ Bronson giải thích rằng hộp sọ của chúng ta đang co lại, hàm và đường hô hấp ngày càng nhỏ hơn khiến khuôn mặt của chúng ta hẹp hơn. Ông Bronson nói rằng chúng ta nhai chỉ với 3% đến 5% sức lực của [tổ tiên] trước đây.
Ông Andrew Huberman, nhà khoa học thần kinh, giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học Stanford School of Medicine, đồng thời là người sáng tạo và dẫn chương trình Huberman Lab Podcast (kênh hiện có 4.77 triệu người đăng ký), giải thích tầm quan trọng của xương hàm và cấu trúc khuôn mặt trong một cuộc phỏng vấn.
Ông giải thích rằng xương hàm của chúng ta đã trở nên nhỏ hơn và cấu trúc khuôn mặt đã thay đổi, và kết quả là nhiều người thở bằng miệng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể dẫn đến mất ngủ và lo lắng. Những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến ngoại hình của chúng ta. Tuy nhiên, ông nói rằng chúng ta có thể thay đổi cấu trúc hàm của mình qua một số thói quen, bài tập và thiết bị nhất định. Ông khuyến nghị bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề này nên đọc “Jaws: The Story of a Hidden Epidemic” (Tạm dịch: Xương Hàm: Câu Chuyện về Dịch Bệnh Tiềm Ẩn) – cuốn sách được viết bởi các đồng nghiệp của ông tại Stanford, bà Sandra Kahn và ông Paul R. Ehrlich. Cuốn sách thảo luận về xương hàm ngày càng teo lại, hàm răng khấp khểnh và chen chúc cũng như “những thay đổi về sinh học, cách ăn uống và văn hóa đã dẫn đến những thách thức lớn về sức khỏe này.”
Dinh dưỡng – Không chỉ là thực phẩm
Dinh dưỡng bao gồm tất cả những gì chúng ta đưa vào cơ thể – không khí, nước và thực phẩm – vốn cũng đã thay đổi đáng kể [theo thời gian]. Thời nay, trong không khí có nhiều chất gây ô nhiễm đến mức vào năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 600,000 trẻ em tử vong vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới do ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Bronson chia sẻ một thống kê khác cho biết gần 2 tỷ trẻ em hít phải không khí độc hại trên mức khuyến nghị của WHO.
Nước sạch cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tối ưu và cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Các hóa chất nhân tạo như PFAS (Perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl) – các “hóa chất vĩnh viễn” không phân hủy trong cơ thể chúng ta hoặc môi trường như nhựa, chất chống cháy và các hóa chất dùng trong nông nghiệp như glyphosate – có nhiều trong đất và nguồn cung cấp nước.
Tiến sĩ Bronson đã liệt kê hàng loạt hóa chất và nhiều cách tiếp xúc khác nhau như qua quần áo, đồ nội thất, đồ chơi, nha khoa và thuốc men – tất cả đều góp phần làm cho sức khỏe suy yếu. Và sau đó là chất lượng thực phẩm ngày càng suy giảm – thuốc kháng sinh và hormone được thêm vào thịt và sữa, đường và dầu hạt gây hại, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu phun vào thực phẩm, và canh tác đơn canh phá hủy sự đa dạng [sinh thái].
Giấc ngủ
Những thay đổi cấu trúc trong hộp sọ cũng ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ của chúng ta. Hầu hết mọi người không ngủ đủ giấc hoặc ngủ đủ sâu để cảm thấy sảng khoái khi thức dậy. Tiến sĩ Bronson chia sẻ rằng 25% người lớn bị chứng ngưng thở khi ngủ và 15% trẻ em bị một số dạng rối loạn hô hấp khi ngủ.
Theo Bệnh viện Mayo, chứng ngưng thở khi ngủ là hiện tượng hơi thở liên tục bắt đầu và dừng lại trong khi ngủ và có thể là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Bạn có thể bị ngưng thở khi ngủ nếu ngáy và thức dậy với cảm giác mệt mỏi ngay cả sau một đêm ngủ đủ giấc.
Lối sống hiện đại của chúng ta góp phần gây ra nhiều tình trạng gián đoạn giấc ngủ và bao gồm ánh sáng xanh, ăn khuya, rượu và các chất kích thích, cùng một số vấn đề khác.
Các vấn đề về răng miệng và sức khỏe tổng thể
Tiến sĩ Bronson cho biết sâu răng hiện là một trong những nhu cầu điều trị sức khỏe chưa được giải quyết quan trọng nhất, ảnh hưởng đến khoảng 2.4 tỷ người trên toàn thế giới cũng như khoảng 60–90% trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn cầu. Theo thống kê của CDC, trong số trẻ em từ 6–8 tuổi, 52% bị sâu răng ở bộ răng sữa đầu tiên và 57% thanh thiếu niên từ 12–19 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn.
Con số này cũng không tốt hơn đối với người lớn, vì khoảng 90% đã có ít nhất một chiếc răng sâu theo thống kê tương tự. Nếu không được điều trị, sâu răng có thể dẫn đến áp xe, nhiễm trùng nặng dưới nướu, có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể và đôi khi gây tử vong. Tất cả những lỗ sâu răng này là một hiện tượng tương đối mới. Tiến sĩ Bronson cho biết các ghi chép hóa thạch về tổ tiên xa xưa (20,000 năm trước) cho thấy tỷ lệ sâu răng là dưới 2%.
Chúng ta có thể làm gì
Rất may, tất cả chúng ta có thể làm nhiều điều để cải thiện sức khỏe khi nhận thức được vấn đề nằm ở đâu. Tiến sĩ Bronson liệt kê nhiều khuyến nghị để giảm mức độ tiếp xúc và cải thiện sức khỏe cũng như tinh thần của chúng ta, bao gồm:
- Hãy ra ngoài và vận động – đứng dậy, kéo giãn cơ và vận động trong 5 phút mỗi tiếng.
- Đi chân trần – cởi giày và tất ra và đặt chân trực tiếp xuống đất.
- Hít thở bằng mũi và hít thở không khí trong lành bất cứ khi nào có thể.
- Trồng cây trong nhà để có thể loại bỏ các hóa chất độc hại trong không khí.
- Uống nước có chất lượng tốt và tắm bằng nước sạch vì da là cơ quan lớn nhất của cơ thể.
- Nhai kỹ thức ăn!
- Ăn thực phẩm nguyên chất, địa phương, không biến đổi gene, không chứa thuốc trừ sâu và kháng sinh.
- Nhịn ăn gián đoạn hoặc hạn chế lượng calorie thường xuyên.
- Ngủ trong phòng mát, tối, thông thoáng, không có thiết bị điện tử.
- Sử dụng nệm và gối chất lượng tốt.
- Chọn quần áo/đồ nội thất/đồ chơi làm từ chất liệu tự nhiên.
- Dùng các sản phẩm làm sạch tự nhiên như giấm, baking soda và chanh.
Lời kết
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times