Mật ong có thể chống lại bệnh tiểu đường không?
Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường (Phần 4)
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.
Hiện nay, hầu hết các tổ chức y tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, vẫn còn xếp loại mật ong là không đường hoặc đường bổ sung. Mặc dù mật ong chứa một lượng đường đáng kể nhưng vẫn khác với đường thông thường. Nhiều nghiên cứu và các chuyên gia cho biết mật ong có thể có lợi cho quá trình trao đổi chất, đặc biệt là bằng cách giảm mức đường huyết.
Các loại đường có trong mật ong
Mật ong là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên. Với các biến thể dựa trên các cây nguồn và các yếu tố khác, có hơn 300 loại mật ong trên toàn thế giới.
Nhìn chung, mật ong được tạo thành từ khoảng 17% nước và 95 đến 99% chất khô còn lại là đường. Trong số các loại đường này, thành phần chính là fructose và glucose. Trung bình, 100g mật ong chứa khoảng 38.5g đường fructose và 31g đường glucose.
Đáng chú ý là 14% lượng đường trong mật ong là đường hiếm, nhiều loại được hình thành trong quá trình ong ủ mật. Những loại đường hiếm này không phổ biến trong tự nhiên và được cho là có tác dụng có lợi cho sức khỏe.
Ông Tauseef Khan, một cộng tác viên nghiên cứu tại Phòng Khoa học Dinh dưỡng tại Khoa Y Temerty của Đại học Toronto, nói với The Epoch Times rằng, “Không nên phân loại mật ong là không đường. Mật ong là khác.”
Ông Khan cho biết mật ong là một “hỗn hợp đường đa dạng” và các loại đường hiếm, có những lợi ích đặc biệt, không phải là carbohydrate đa dạng mà thường được tìm thấy ở dạng monosaccharide hoặc disaccharide. Những loại đường này có tác dụng chuyển hóa tiềm năng và nhiều loại còn đóng vai trò là prebiotic (chất xơ hòa tan làm nguồn thức ăn cho các lợi khuẩn).
So với đường thông thường, mật ong có thể làm giảm mức đường huyết lúc đói, giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
Ông Khan nói, “Những tác dụng đó rất đáng ngạc nhiên, nếu là đường thông thường thì có lẽ không có những tác dụng đó.”
Trong một tuyên bố thảo luận về việc phát hiện mật ong có thể làm giảm nguy cơ chuyển hóa tim mạch, ông John Sievenpiper, phó giáo sư khoa học dinh dưỡng và y học tại Đại học Toronto, cho biết, “Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng từ lâu đã nói rằng ‘đường là đường.’ Những kết quả này cho thấy không phải vậy.”
Ngọt hơn đường nhưng có chỉ số đường huyết thấp hơn
Chỉ số đường huyết (GI) của glucose là 100, trong khi sucrose trung bình là khoảng 66 và fructose là 24. Do sự khác biệt về thành phần đường, chỉ số đường huyết của các loại mật ong khác nhau nằm trong khoảng từ 35 đến 74, với mức trung bình là 60.
Điều thú vị là vì hàm lượng fructose cao nên mật ong ngọt hơn đường 25%.
Tuy nhiên, mật ong có chỉ số đường huyết và hàm lượng calorie thấp hơn đường tinh luyện.
Fructose có tiếng xấu mà có thể là không có cơ sở. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto đã công bố một nghiên cứu trên The American Journal of Clinical Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) xem xét 169 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến fructose. Nghiên cứu này kết luận rằng đường fructose tự nhiên có trong trái cây và mật ong không có khả năng góp phần làm tăng cân và thậm chí có thể ảnh hưởng tích cực đến việc giảm cân.
Một nghiên cứu đánh giá khác được công bố trên Tập san Molecules (Phân tử) cho thấy fructose trong mật ong có thể làm chậm quá trình hấp thu ở đường ruột, kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày và giảm lượng thức ăn ăn vào. Fructose trong mật ong được phát hiện có tác dụng làm tăng khả năng chuyển hóa đường glucose trong gan.
Tác dụng chống tiểu đường đã được kiểm chứng của mật ong
Sử dụng mật ong thay thế cho đường tinh luyện trong thực đơn ăn uống mang lại nhiều lợi ích hơn.
Tác dụng làm giảm đường huyết và chống tiểu đường của mật ong đã được nghiên cứu trên cả động vật và con người.
Trong một nghiên cứu năm 2008, 55 người thừa cân hoặc béo phì được chia thành hai nhóm, một nhóm tiêu thụ hàng ngày 70g sucrose và nhóm còn lại tiêu thụ hàng ngày 70g mật ong, cả hai nhóm duy trì trong 30 ngày. Kết quả cho thấy so với giai đoạn trước khi can thiệp, nhóm tiêu thụ mật ong đã giảm 4.2% mức đường huyết lúc đói và cải thiện tình trạng kháng insulin. Mật ong cũng giúp giảm trọng lượng cơ thể và giảm tỷ lệ mỡ trong cơ thể lần lượt là 1.3% và 1.1%, bên cạnh đó làm giảm 3% lượng cholesterol toàn phần, giảm 11% chất béo trung tính và tăng 3.3% lượng cholesterol tốt.
Ngược lại, những người dùng sucrose lại trải qua những thay đổi khác. Mức đường huyết lúc đói của họ không chỉ tăng 2.2% mà trọng lượng cơ thể và tỷ lệ mỡ trong cơ thể của họ cũng tăng.
Theo một thực nghiệm có đối chứng được công bố vào năm 2017, những người trưởng thành khỏe mạnh thay thế 25% lượng carbohydrate trong thực đơn ăn uống của họ bằng mật ong trong tám ngày liên tiếp đã giảm lượng insulin sau bữa ăn cũng như giảm mức đường huyết.
Trong một thí nghiệm khác so sánh tác dụng của mật ong và glucose trên bệnh nhân tiểu đường và người khỏe mạnh, những người khỏe mạnh được cung cấp một lượng mật ong hoặc glucose tương đương. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ mật ong dẫn đến biến động về mức đường huyết và insulin thấp hơn đáng kể so với việc sử dụng glucose. Sau khi sử dụng mật ong trong 15 ngày liên tiếp, những người khỏe mạnh đã giảm mức đường huyết trung bình 6% so với trước khi dùng mật ong. Bệnh nhân tiểu đường cũng có những thay đổi nhỏ hơn đáng kể về mức đường huyết khi sử dụng mật ong thay vì glucose.
Trong một thử nghiệm can thiệp dài hạn được thực hiện ở Ai Cập, 20 người tham gia được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường đã uống nước mật ong khi bụng đói hai lần mỗi ngày trước bữa ăn. Loại nước mật ong này được pha chế bằng cách hòa tan 50 ml (ba muỗng canh) mật ong trong nước. Họ sử dụng thêm 25ml mật ong làm chất ngọt duy nhất trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Trong quá trình thử nghiệm, không ai trong số những bệnh nhân này bị tiểu đường hoặc tăng đường huyết (các triệu chứng phổ biến bao gồm khô da hoặc lưỡi, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, lú lẫn, khó thở, nhịp tim nhanh, đau bụng và nôn mửa). Việc sử dụng mật ong lâu dài giúp giảm cân, kiểm soát huyết áp và cải thiện tình trạng tim mạch ở tất cả bệnh nhân.
Một tổng quan y văn năm 2018 được công bố trên tập san Oxidate Medicine and Cellular Longevity (Y học Oxy hóa và Tuổi thọ Tế bào) cho thấy mật ong có tác dụng có lợi đối với bệnh tiểu đường, vốn là một căn bệnh phức tạp. So với đường, việc sử dụng mật ong có thể làm giảm cân và giảm mức đường huyết ở người khỏe mạnh cũng như bệnh nhân tiểu đường. Một phân tích gộp được công bố trên Tập san Nutrition Reviews (Đánh giá Dinh dưỡng) năm 2022 cũng khẳng định tác dụng tích cực của mật ong đối với mức đường huyết và quá trình trao đổi chất.
Mật ong kiểm soát mức đường huyết như thế nào?
Làm thế nào mật ong có thể làm giảm mức đường huyết, dù là một loại đường?
Ông Khan cho biết mật ong chứa 30 đến 40 loại đường hiếm khác nhau, có vai trò điều chỉnh các hormone liên quan đến cảm giác thèm ăn và bài tiết insulin, cuối cùng là thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose.
Những loại đường hiếm này có thể giúp giảm thiểu tác dụng của fructose và glucose, dẫn đến giảm mức đường huyết lúc đói và cải thiện việc kiểm soát mức đường huyết. Một số trong đó còn đóng vai trò là thức ăn cho một số lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột, trong khi một số khác có đặc tính tăng cường miễn dịch.
Các hợp chất và flavonoid có trong mật ong có đặc tính chống oxy hóa có thể ngăn bệnh tiểu đường phát triển do stress oxy hóa và rối loạn chuyển hóa liên quan đến tình trạng này. Điều thú vị là khả năng chống oxy hóa của mật ong có liên quan đến màu sắc của nó, mật ong sẫm màu hơn có giá trị chống oxy hóa cao hơn.
Các nguyên tố vi lượng có trong mật ong, như kẽm và selen, cũng được cho là góp phần kiểm soát mức đường huyết.
Các protein cụ thể có trong mật ong có thể kích hoạt hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể.
Tại sao nên dùng mật ong nguyên chất và lượng sử dụng là bao nhiêu
Ông Khan cho biết số liệu cho thấy mật ong chưa qua chế biến có nhiều lợi ích hơn mật ong đã trải qua quá trình gia nhiệt ở nhiệt độ cao. Những người sử dụng mật ong đã qua chế biến cũng nhận được nhiều lợi ích, “nhưng có thể ít hoặc ít hơn.”
Mật ong chưa qua chế biến giữ lại nhiều thành phần có lợi và hoạt tính sinh học hơn, vì quá trình chế biến mật ong thông thường có thể làm thay đổi thành phần và hoạt tính sinh học.
Cụ thể, các sản phẩm mật ong trải qua quá trình gia nhiệt ngắn trong quá trình sản xuất để giảm độ ẩm và hàm lượng men, tuy nhiên quá trình này cũng làm giảm lượng enzyme diastase trong mật ong. Diastase đóng vai trò tạo thuận tiện cho quá trình phân hủy tinh bột, do đó có tác dụng tích cực ảnh hưởng đến lượng đường và mỡ trong máu.
Quá trình gia nhiệt đối với mật ong có thể làm gia tăng một chất gọi là hydroxymethylfurfural (HMF). HMF khi vào cơ thể có thể chuyển đổi thành hợp chất có tính độc tính gene, làm giảm tác dụng có lợi của mật ong.
Trong quá trình gia nhiệt, các lợi khuẩn có trong mật ong cũng bị giảm đi.
Một số hợp chất chống oxy hóa trong mật ong cũng bị mất trong quá trình gia nhiệt, làm giảm khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất cũng như khả năng làm giảm mức đường huyết lúc đói của mật ong. Một nghiên cứu cho thấy quá trình gia nhiệt có thể làm giảm khả năng chống oxy hóa của mật ong tới 33.4%.
Ông Khan nhấn mạnh rằng việc chọn mật ong từ một nguồn hoa duy nhất giúp bảo đảm “thành phần của mật ong sẽ nhất quán,” dễ dàng thu được những lợi ích cụ thể hơn.
Ông cho biết mật ong có nguồn gốc từ nhiều loài hoa có thể đến từ các vùng, các nhà cung cấp hoặc thậm chí các quốc gia khác nhau, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về hàm lượng đường hiếm trong đó. Viêc trộn mật ong từ các nguồn khác nhau sẽ làm giảm lợi ích tổng thể của mật ong.
Nghiên cứu tổng quan năm 2022 nói trên cho thấy, trong một thực đơn ăn uống lành mạnh, mật ong từ một nguồn hoa duy nhất, đặc biệt là mật ong từ hoa keo (acacia) và cỏ ba lá, có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường và mỡ trong máu.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times