Lùi lại để tiến về phía trước: 5 lợi ích sức khỏe và 5 nguyên tắc đi thụt lùi hiệu quả nhất
Cùng tìm hiểu về đi thụt lùi, một động tác thể dục đơn giản có tác động sâu sắc đến khả năng giữ thăng bằng, sức mạnh cơ bắp, đốt cháy calo, v.v.
Trong một thế giới luôn hối hả, nơi chúng ta luôn tiến về phía trước, một bài tập đơn giản đến bất ngờ sẽ khuyến khích chúng ta sống chậm lại. Không chỉ là bài tập thời thượng nhất thời, đi thụt lùi có nhiều bằng chứng khoa học đáng giá.
Khái niệm đi thụt lùi này nghe có chút hài hước và giống như một trò đùa. Tuy nhiên, kiểu đi này có nguồn gốc xa xưa tại Trung Hoa và bắt đầu phổ biến ở phương Tây từ hơn một thế kỷ trước khi anh Patrick Harmon* thu hút sự chú ý bằng cách đi thụt lùi từ San Francisco đến Thành phố New York. sự việc này đã khơi dậy niềm đam mê rộng rãi trong công chúng về môn đi bộ có chút lạ lùng này.
Ngày nay, việc đi thụt lùi đang bước ra khỏi sách lịch sử và trở thành thói quen tập thể dục hàng ngày của nhiều người, nhất là những người đam mê chăm sóc sức khỏe cũng như các chuyên gia y khoa. Sự hấp dẫn đi thụt lùi nằm ở tính đơn giản, khả năng tiếp cận dễ dàng và tính hiệu quả.
Bạn có thể linh hoạt đi thụt lùi trong công viên, trong phòng khách hoặc trên máy chạy bộ. Yêu cầu duy nhất là tư duy cởi mở với những trải nghiệm mới và lý tưởng nhất là một người bạn đồng hành để bảo đảm an toàn.
5 lợi ích sức khỏe của việc đi thụt lùi
1. Đi thụt lùi cải thiện sự cân bằng
Đi thụt lùi thách thức khả năng nhận thức thân thể và nhận thức về không gian của bạn, có thể gia tăng sự cân bằng và ổn định của cơ thể.
Động tác bước đi thụt lùi kích thích các cơ khớp gối và cơ tứ đầu một cách cân bằng hơn.
Tăng khả năng giữ thăng bằng tổng thể, cải thiện khả năng đứng bằng một chân của một người và tăng tốc độ đi bộ.
2. Đi thụt lùi đốt cháy nhiều calo hơn
Bạn đang tìm kiếm một sự thay đổi trong việc giảm cân của mình? Hãy cân nhắc đến việc đi thụt lùi nhé.
Bản tóm tắt các hoạt động thể chất đánh giá việc đi thụt lùi ở mức 6 MET (tương đương với nhiệm vụ trao đổi chất), cao hơn đáng kể so với 3.8 MET khi đi bộ về phía trước. Tỷ lệ trao đổi chất tăng lên này cho thấy rằng các bước lùi có thể tăng cường đốt cháy calo, khiến việc đi thụt lùi trở thành một chiến lược mới để giảm cân.
Ví dụ như một người nặng 155kg sẽ đốt cháy khoảng 140 calo trong 30 phút đi bộ về phía trước. Bằng cách đi thụt lùi, họ sẽ đốt cháy 223 calo — hơn 80 calo cho sự thay đổi hướng đi đơn giản này.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Y học Thể thao Quốc tế cho thấy, những phụ nữ trẻ tham gia sáu tuần đi bộ và đi thụt lùi đã giảm cân đáng kể, bên cạnh lượng mỡ giảm 2.4% và số đo nếp gấp da giảm gần 20%. Kết quả này đã nhấn mạnh tính hiệu quả của việc đi thụt lùi trong việc giảm cân.
3. Đi thụt lùi tăng sức mạnh cơ bắp
Đi thụt lùi không chỉ thách thức khả năng định hướng mà còn giúp tăng sức mạnh cơ bắp theo cách mà việc đi bộ về phía trước không thể thực hiện được.
Bằng cách đảo ngược hướng đi, chúng ta sẽ kích hoạt và thử thách bắp chân, gân kheo, cơ mông và cơ lõi theo những cách các cơ chủ vận trở thành cơ đối kháng và ngược lại.
4. Đi thụt lùi giảm đau đầu gối
Đi thụt lùi đang trở thành một đề nghị từ các chuyên gia về cơ xương khớp. Họ khuyên bệnh nhân thoái hóa khớp gối, đặc biệt là bệnh nhân đã phẫu thuật thay khớp gối nên đi thụt lùi mỗi ngày.
Cách thực hành này có tác động nhẹ nhàng hơn đến đầu gối so với việc đi bộ về phía trước, giảm căng thẳng cho khoang giữa của đầu gối và khuyến khích phạm vi chuyển động của khớp gối đầy đủ hơn. Kết quả là, đi thụt lùi làm cho các cơ cơ xung quanh đầu gối vững chắc hơn và tăng sự ổn định của khớp gối.
Ngoài ra, đi thụt lùi còn làm làm giảm đau đáng kể và có tác dụng cải thiện chức năng thể chất cho những bệnh nhân này.
5. Đi thụt lùi thử thách trí não
Đi thụt lùi không chỉ là thử thách về thể chất mà còn là bài tập luyện tinh thần có tác động đến bộ não. Bộ não của chúng ta phải điều chỉnh và hình thành các kết nối thần kinh mới, nâng cao sự tỉnh táo về tinh thần và cải thiện khả năng nhận thức.
Sự tham gia chủ động của bộ não trong quá trình đi thụt lùi sẽ kích hoạt bộ não một cách toàn diện, tương tự như cách bộ não rèn luyện để thành thục một kỹ năng mới.
Đi thụt lùi ảnh hưởng đến vỏ não trước trán vốn là trung tâm cảm xúc và giải quyết vấn đề, vì vậy, đi thụt lùi giúp cho trí não hoạt động nhanh nhẹn và hiệu quả hơn. Khả năng thích ứng này có thể dẫn đến trí nhớ tốt hơn, nâng cao nhận thức về không gian và nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.
5 nguyên tắc giúp bạn đi thụt lùi hiệu quả
Khi đưa cách đi này trở thành một phần của thói quen tập thể dục, bạn có thể tạo thêm sự mới mẻ cho quá trình tập luyện của mình. Cơ thể và tâm trí của bạn có cơ hội thử thách theo những cách mới.
Ban đầu, việc đi thụt lùi sẽ khá là kém hiệu quả. Tuy nhiên, với sự luyện tập thường xuyên, bạn sẽ dễ dàng biến việc tập luyện này thành cuộc sống hàng ngày của mình.
Nguyên tắc 1. Hãy bắt đầu một cách thận trọng
Hãy bắt đầu với các buổi tập ngắn ở khu vực không có chướng ngại vật. Nếu có điều kiện, bạn nên bắt đầu sử dụng máy chạy bộ vì các tính năng an toàn của nó, bao gồm cả công tắc tắt. Máy chạy bộ cũng có tay vịn để giữ thăng bằng khi bạn thích nghi với việc đi lùi, mang lại sự tự tin để tăng tốc độ một cách an toàn. Theo thời gian, hãy cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đường ray của máy chạy để cải thiện khả năng giữ thăng bằng và khả năng di chuyển của bạn.
Nguyên tắc 2. Chọn giày và trang phục phù hợp
Hãy chọn những đôi giày mang lại sự thoải mái và trợ giúp cho việc đi bộ. Giày rất quan trọng để duy trì sự cân bằng và ngăn ngừa té ngã.
Khi ra ngoài trời, hãy mặc trang phục sáng màu hoặc phản chiếu sẽ giúp người khác dễ nhận biết hơn.
Nguyên tắc 3. Hãy có bạn đồng hành
Đi bộ cùng một người bạn có thể khiến việc đi thụt lùi trở nên thú vị và an toàn hơn. Người ấy sẽ đóng vai trò là người chỉ đường, giúp bạn điều chỉnh hướng đi để tránh chướng ngại vật.
Nguyên tắc 4. Xen kẽ việc đi thụt lùi và đi về phía trước
Việc kết hợp này có thể tối đa hóa lợi ích và khiến quá trình tập luyện trở nên hấp dẫn, đặc biệt là khi thực hiện với một người bạn.
Nguyên tắc 5. Hãy lắng nghe cơ thể bạn
Hãy chú ý đến phản ứng của cơ thể bạn với việc đi thụt lùi. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hơn mức đau nhức cơ bình thường, hãy tạm dừng hoạt động và nếu cần, hãy tìm lời khuyên từ chuyên gia y tế.
Việc tuân theo những nguyên tắc này giúp bạn rất nhiều trong việc đi thụt lùi, khiến việc đi thụt lùi trở thành một phần bổ ích trong thói quen tập thể dục của bạn, mang lại những lợi ích vượt trội so với các bài tập truyền thống.
*Chú thích của dịch giả:
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times