Lời khuyên Trung y giúp ngăn ngừa sỏi tiết niệu
Cách tốt nhất để phòng tránh sỏi tiết niệu là ngăn sỏi hình thành ngay từ đầu và không để tái phát.
Sỏi tiết niệu có thể gây đau dữ dội. Sỏi là những khối khoáng chất cứng lại, có thể hình thành ở thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo. Cách tốt nhất để đối phó với những viên sỏi này là ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành của sỏi và không để tái phát.
Các triệu chứng chính của mọi loại sỏi là đau, tiểu ra máu hoặc “cát” hoặc sỏi. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào các vị trí khác nhau của sỏi.
Sỏi thận
Cơn đau xảy ra ở vùng thắt lưng, có thể là đau âm ỉ, đau bỏng rát hoặc vừa dai dẳng vừa âm ỉ. Tình trạng này thường xảy ra sau khi gắng sức và kèm theo tiểu máu. Khi cơn đau quặn thận (đau do sỏi trong đường tiết niệu) xuất hiện, cơn đau có thể sẽ lan từ thắt lưng xuống vùng bụng dưới, khiến người bệnh trở nên bồn chồn, đổ mồ hôi, có thể kéo dài từ vài phút đến vài tiếng. Sau cơn đau, người bệnh có thể đi tiểu ra những viên sỏi nhỏ giống như cát.
Sỏi niệu quản
Hơn 90% bệnh nhân thuộc nhóm này có sỏi thận rơi xuống chỗ hẹp của niệu quản, và nằm luôn ở đó. Những người có sỏi chặn phần giữa và phần trên của niệu quản sẽ bị đau dữ dội ở thắt lưng, thường lan đến háng cùng bên và đùi trong. Cơn đau cũng có thể kèm theo buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi lạnh, v.v… Trong trường hợp nặng, bệnh nhân còn có thể sốc và tiểu máu đầu dòng. Khi sỏi chặn niệu quản dưới, có thể gây ra các triệu chứng kích thích bàng quang như đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, tiểu buốt.
Sỏi bàng quang
Các triệu chứng như đau bụng dưới xảy ra khi đi tiểu và có thể lan ra bộ phận sinh dục ngoài. Đồng thời, người bệnh có thể bị tiểu khó hoặc ngắt quãng nhưng vẫn có thể đi tiểu trở lại sau khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế. Sỏi bàng quang thường đi kèm với tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và các triệu chứng khác.
Sỏi niệu đạo
Sỏi niệu đạo chủ yếu xuất phát từ bàng quang và phổ biến hơn ở nam giới. Những viên sỏi di chuyển vào niệu đạo có thể gây đau khi đi tiểu, tiểu khó và thậm chí là bí tiểu không tự chủ.
Các triệu chứng nêu trên của sỏi tiết niệu khá dễ thấy ở giai đoạn cấp tính. Trong giai đoạn mạn tính, một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ ràng, trong khi những người khác có thể cảm thấy hơi đau thắt lưng, đau khi gõ xung quanh vùng thận hoặc đau ở vị trí sỏi. Sỏi niệu đạo có thể đi kèm với các triệu chứng như tiểu không tự chủ, tiểu buốt và có cát hoặc sỏi trong nước tiểu. Hơn nữa, trong trường hợp vừa có sỏi tiết niệu vừa bị các bệnh nhiễm trùng khác thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, tiểu ra mủ, tiểu rắt, tiểu gấp và tiểu buốt.
Phương pháp điều trị sỏi của Trung y
Theo Trung y, sỏi tiết niệu hoặc sỏi thận thuộc loại “sỏi stranguria” trong “bệnh sỏi.” Triệu chứng đặc trưng của sỏi stranguria là tiểu rắt, tiểu thường xuyên, tiểu nhỏ giọt, buồn tiểu kéo dài, đau thắt và đau ở vùng bụng dưới. Cảm giác khó chịu như vậy có thể lan sang cả hai bên vùng bụng dưới.
Trung y cho rằng nguyên nhân chính gây ra sỏi là do thói quen không lành mạnh như ăn đồ cay, nhiều dầu mỡ, ngọt, uống rượu, quan hệ tình dục quá nhiều, lo lắng. Tất cả những điều này khiến thận và bàng quang giữ nước tiểu lâu hơn và hình thành sỏi.
Lời khuyên giúp ngăn ngừa sỏi trong cuộc sống hàng ngày
Theo đó, để ngăn chặn sự xuất hiện của sỏi tiết niệu, bạn nên uống đủ nước, ăn nhẹ với ít gia vị cay, ít dầu mỡ và thực phẩm ngọt đã qua chế biến (như kẹo, bánh quy, soda, bánh mì), sinh hoạt tình dục vừa phải, học cách quản lý căng thẳng và lo lắng.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times