Liệu pháp thay thế hormone có hữu ích cho phụ nữ mãn kinh?
Liệu pháp thay thế hormone đã trở thành tiêu chuẩn chăm sóc cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh đối với cả bác sĩ thông thường và bác sĩ tích hợp. Liệu pháp thay thế hormone sử dụng các hormone tổng hợp nhằm “đẩy mạnh” mức kích thích tố của phụ nữ. Điều này có thể giúp giảm bớt nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến mà phụ nữ gặp phải.
Loạt bài: Thông tin tổng quan về thời kỳ mãn kinh và các triệu chứng
Phần 1: Hướng dẫn nhanh quan trọng về thời kỳ mãn kinh
Phần 2: Kiểm soát đường máu và cân nặng trong thời kỳ mãn kinh
Qua loạt bài này, chúng ta sẽ biết rằng thời kỳ mãn kinh là khoảng thời gian bắt đầu khi cơ thể phụ nữ kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Khi trải qua mức độ dao động của estrogen và các hormone sinh sản khác, phụ nữ sẽ trải qua bốn giai đoạn mãn kinh rõ rệt như sau:
- Giai đoạn tiền mãn kinh (Premenopause Stage): Phụ nữ ở giai đoạn này vẫn được coi là có khả năng sinh sản nhưng chu kỳ kinh nguyệt có thể gặp bất thường khi cơ thể bắt đầu thay đổi nội tiết tố.
- Giai đoạn quanh mãn kinh (Perimenopause Stage): Là giai đoạn đặc biệt hơn khi phụ nữ chuyển sang thời kỳ mãn kinh. Trong suốt giai đoạn này, người phụ nữ thường gặp các triệu chứng trầm trọng hơn như kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đêm đổ mồ hôi, tâm trạng thất thường, tăng cân, v.v.
- Giai đoạn mãn kinh: Giai đoạn này được chẩn đoán chính thức khi cơ thể phụ nữ ngừng sản xuất estrogen và không rụng trứng trong ít nhất 12 tháng liên tục.
- Giai đoạn hậu mãn kinh: Giai đoạn cuối cùng của thời kỳ mãn kinh là giai đoạn mà mọi phụ nữ sẽ trải qua trong suốt phần đời còn lại khi độ tuổi sinh sản kết thúc. Các triệu chứng thường sẽ bắt đầu giảm dần theo thời gian.
Hiểu về các tầng nội tiết tố thời kỳ mãn kinh
Khi nói đến hormone sinh sản, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến testosterone và estrogen đầu tiên (và thường là duy nhất). Tất nhiên, testosterone và estrogen là những hormone vô cùng quan trọng để cơ thể hoạt động bình thường, nhưng một số hormone khác cũng bị ảnh hưởng do những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh. Vì vậy việc bổ sung estrogen không phải lúc nào cũng là câu trả lời tốt nhất cho hầu hết mọi phụ nữ.
Việc bổ sung estrogen có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh nhưng estrogen có thể không phải là loại hormone mà cơ thể phụ nữ cần khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Việc bổ sung bằng liệu pháp hormone như thuốc viên estrogen-progestin làm tăng đáng kể nguy cơ bị các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, ung thư vú và bệnh huyết khối ở phụ nữ, cũng như làm tăng các dấu hiệu viêm.
Trước khi bổ sung estrogen, việc xem xét các tiền nội tiết tố và vai trò của chúng đối với sức khỏe tổng quát của phụ nữ trong suốt thời kỳ mãn kinh là rất quan trọng.
Tiền nội tiết tố thực chất là các hormone được chuyển đổi thành các hormone khác. Những hormone tiền thân này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng hormone khác trong cơ thể. Tiền nội tiết tố là phần quan trọng của dòng nội tiết tố cho phép cơ thể hoạt động như cỗ máy được bôi dầu tốt. Nếu tiền chất bị thiếu, các bộ phận của máy bị thiếu và mọi thứ có thể không hoạt động đúng cách để có sức khỏe tối ưu. Lúc này cơ thể cũng sẽ không nhận được lợi ích mà các hormone khác có thể mang lại.
Hầu hết các tiền hormone được sản xuất ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận.
Hormone tuyến yên
Tuyến yên nằm trong não và phản ứng với các tín hiệu từ vùng dưới đồi (hypothalamus) vốn là trung tâm điều khiển chính của bộ não. Thùy trước tuyến yên (tuyến yên bạch) sản xuất ra:
- Hormone kích thích nang trứng (FSH): Hormone này giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và kích thích trứng phát triển trong buồng trứng. Trong thời kỳ mãn kinh, hormone kích thích nang trứng tăng lên để giúp sản xuất nhiều estrogen hơn. Việc tăng hormone kích thích nang trứng có thể gây ra những cơn bốc hỏa mà nhiều phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mãn kinh.
- Hormone Luteinizing (LH): Hormone này hoạt động để kích hoạt rụng trứng từ buồng trứng.
Hormone tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là những tuyến nhỏ nằm phía trên thận. Tuyến thượng thận sản xuất một số hormone rất quan trọng, đặc biệt là trong và sau thời kỳ mãn kinh. Bao gồm:
- Estrogen: Estrogen bao gồm estrone, estradiol, estriol và đóng góp phần lớn vào chức năng sinh sản và tình dục của người phụ nữ.
- Cortisol: Đây là loại hormone gây căng thẳng kích hoạt phản ứng chống trả hay bỏ chạy, cũng như giúp quản lý quá trình trao đổi chất, viêm nhiễm và phản ứng miễn dịch.
- Androstenedione: Hormone này là tiền chất của testosterone và estrogen có tác dụng làm tăng ham muốn và hiệu suất tình dục, tạo cơ bắp và giảm mỡ trong cơ thể.
- Testosterone: Kết hợp với estrogen, testosterone giúp chăm các mô sinh sản của phụ nữ. Hormone này giúp điều chỉnh tâm trạng, ham muốn tình dục, chức năng nhận thức, mức năng lượng cũng như sức khỏe của da và xương.
- Pregnenolone: Pregnenolone được gọi là “tiền chất thế hệ ông bà” vì vai trò là tiền nội tiết tố rất quan trọng của nó và pregnenolone cũng đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng thần kinh.
- DHEA: DHEA là tiền hormone quan trọng có tác dụng tạo ra các hormone như testosterone và estrogen.
- Progesterone: Chức năng chính của progesterone là chuẩn bị niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) để trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển. Khi thụ thai, progesterone đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ khỏe mạnh.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) so với Liệu pháp thay thế hormone sinh học (BHRT)
Liệu pháp thay thế hormone là gì?
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) đã trở thành tiêu chuẩn chăm sóc cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh đối với cả bác sĩ thông thường và bác sĩ tích hợp. Liệu pháp thay thế hormone sử dụng các hormone tổng hợp nhằm “đẩy mạnh” mức kích thích tố của phụ nữ. Điều này có thể giúp giảm bớt nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến mà phụ nữ gặp phải.
Có hai loại liệu pháp thay thế hormone chính:
- Liệu pháp estrogen (ET): Bác sĩ chuyên khoa sẽ kê toa với một lượng estrogen thấp, thường ở dạng miếng dán, thuốc viên, vòng âm đạo, kem, xịt hoặc gel. Hình thức này không được khuyến khích đối với phụ nữ vẫn còn tử cung.
- Liệu pháp hormone estrogen/progestin (EPT): Còn được gọi là liệu pháp kết hợp vì nó kết hợp estrogen và progesterone. Liệu pháp này tốt nhất cho phụ nữ vẫn còn tử cung.
Hormone tổng hợp và hormone sinh học
Phụ nữ áp dụng liệu pháp thay thế hormone với hormone tổng hợp có nguy cơ bị nhiều biến chứng bao gồm:
- Ung thư nội mạc tử cung (chỉ có ở phụ nữ đang điều trị bằng estrogen vẫn còn tử cung)
- Các vấn đề về túi mật và sỏi mật
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Tắc mạch phổi
- Đột quỵ
- Huyết khối
Từ quan điểm chức năng, có một thời gian và địa điểm cho liệu pháp thay thế hormone sinh học.
Liệu pháp thay thế hormone sinh học là gì?
Liệu pháp thay thế hormone sinh học (BHRT-Bioidentical hormone replacement therapy) ra đời do bệnh nhân cần một giải pháp thay thế cho liệu pháp thay thế hormone (HRT) vì muốn tránh sử dụng hormone tổng hợp. Hormone sinh học được tạo ra chiểu theo mặt sinh hóa của các hormone được sản xuất trong cơ thể phụ nữ. Điều này có nghĩa là hệ thống nội tiết không thể phân biệt các hormone thay thế sinh học với các hormone tự nhiên trong cơ thể.
Hormone thay thế sinh học được điều chế bằng cách sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật bao gồm đậu nành và khoai mỡ. Điều này làm cho loại hormone này trở thành một hình thức trị liệu hormone “tự nhiên” được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, có một số cân nhắc cần được xem xét đối với liệu pháp thay thế hormone sinh học.
Hạn chế của liệu pháp thay thế hormone sinh học:
- Không có nghiên cứu dài hạn nào xác định tính an toàn hoặc hiệu quả của liệu pháp thay thế hormone sinh học.
- Mặc dù hormone thay thế sinh học có nguồn gốc từ các chất có nguồn gốc thực vật nhưng các chất này cũng phải trải qua một quá trình tổng hợp mạnh mẽ để biến đổi về mặt hóa học thành một chất cấp dược phẩm, do đó đã bị loại bỏ nhiều đặc tính “tự nhiên” từng tồn tại.
Hormone thay thế sinh học có thể không giải quyết triệt để vấn đề
Mặc dù hormone thay thế sinh học có thể hữu ích đối với một số phụ nữ bị các bệnh cụ thể trong thời gian ngắn với liều lượng nhỏ nhưng cũng có nhiều điều cần phải cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đang thiếu một số loại hormone nhất định thì tốt nhất không nên chỉ điều trị nâng mức hormone của bệnh nhân trở lại mức tối ưu. Thay vào đó, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là nên xem xét lý do tại sao mức hormone lại thấp như vậy.
Nếu dòng nội tiết tố không hoạt động bình thường và cơ thể phụ nữ không chuyển đổi tiền chất đúng cách thì việc điều trị lượng hormone thấp bằng liệu pháp thay thế hormone sinh học có thể không giải quyết được vấn đề.
Triệt tiêu trục HPTAG trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp – tuyến thượng thận – tuyến sinh dục
Liệu pháp thay thế hormone sinh học có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng tiêu cực của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Nhưng cũng như mọi liệu pháp thay thế khác, cần thường xuyên theo dõi mức hormone để quan sát những gì đang xảy ra trong cơ thể. Việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone sinh học trong thời gian lâu thực sự có thể làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn bằng cách gây ra các vòng phản hồi tiêu cực trong trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp – tuyến thượng thận – tuyến sinh dục (trục HPTAG). Trục HPTAG là một mạng lưới giao tiếp phức tạp giữa não, các tuyến nội tiết, hormone và chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát hoạt động của tế bào cũng như kiểm soát sự phát triển, trao đổi chất, phản ứng với căng thẳng, sinh sản, cân bằng nội môi nói chung và nhiều chức năng khác.
Về cơ bản, việc ức chế trục HPTAG có nghĩa là tuyến yên nhận ra mức hormone cao hơn từ việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone sinh học trong thời gian dài và báo hiệu cho cơ thể ngừng sản xuất các hormone đó. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng hormone vì cơ thể đã quen với lượng hormone cao mà không cần phải hoạt động để sản xuất ra hormone nữa.
Tại sao liệu pháp thay thế hormone sinh học có thể hữu ích?
Sử dụng liệu pháp thay thế hormone sinh học với liều lượng nhỏ và có kiểm soát trong thời gian ngắn có thể vô cùng hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng mãn kinh không mong muốn đối với một số phụ nữ.
Khi buồng trứng không còn rụng trứng thì cũng không còn sản xuất estrogen hoặc progesterone. Điều này dẫn đến những thay đổi nội tiết tố đáng kể dẫn đến nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến. Liệu pháp thay thế hormone sinh học có thể giúp cân bằng nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể và làm giảm các triệu chứng đối với một số người.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tuyến thượng thận trước và trong tất cả các giai đoạn mãn kinh là rất quan trọng để quản lý lượng hormone. Nếu ai có tình trạng tuyến giáp không được hỗ trợ thì cơ thể phụ thuộc nhiều hơn vào tuyến thượng thận vì tuyến giáp có liên quan mật thiết đến chức năng nội tiết tố. Các triệu chứng mãn kinh xảy ra khi phụ nữ phụ thuộc vào tuyến thượng thận để có hormone. Liệu pháp thay thế hormone sinh học có thể có hiệu quả trong việc loại bỏ căng thẳng của tuyến thượng thận và cho phép tuyến thượng thận có thời gian phục hồi để tái sản xuất lại lượng hormone thích hợp.
Có liều lượng thay thế hormone chính xác không?
Việc theo dõi chặt chẽ các phương pháp điều trị bằng hormone để bảo đảm chúng được sử dụng an toàn và hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Sau khi bắt đầu điều trị, bác sĩ lâm sàng nên theo dõi xét nghiệm sau sáu đến tám tuần và kiểm tra định kỳ để theo dõi chặt chẽ mức hormone. Việc kiểm tra lại mức hormone trong liệu pháp thay thế hormone sinh học là đặc biệt quan trọng. Việc hormone tăng đến mức cao nguy hiểm có thể khiến phụ nữ mắc bệnh ung thư nội tiết.
Ngoài ra, việc chọn một bác sĩ chuyên khoa lành nghề cũng là chìa khóa để thành công với liệu pháp thay thế hormone.
Các lựa chọn thay thế chức năng cho liệu pháp thay thế hormone sinh học khi bước qua thời kỳ mãn kinh
Phương pháp chức năng đối với thời kỳ mãn kinh và sức khỏe nội tiết tố tổng thể tập trung vào việc chữa lành và khôi phục sự cân bằng sinh lý thích hợp của phụ nữ đối với hệ nội tiết. Làm việc với một bác sĩ chuyên khoa để giữ cơ thể ổn định trong suốt thời kỳ mãn kinh cũng rất quan trọng. Cách tiếp cận này bao gồm những đánh giá sau:
- Mức hormone.
- Sức khỏe tuyến giáp.
- Tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết và các chất độc môi trường khác.
- Điều hòa đường huyết.
- Sức khỏe tuyến thượng thận và tình trạng căng thẳng.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng.
- Sức khỏe gan và ruột.
- Di truyền.
Lựa chọn có theo đuổi liệu pháp hormone để giảm các triệu chứng mãn kinh hay không có thể là một quyết định khó khăn. Vậy nên làm việc với một bác sĩ chuyên khoa có kỹ năng và hiểu biết với mục tiêu cuối cùng là khôi phục chức năng nội tiết thích hợp trong cơ thể là điểm khởi đầu tuyệt vời trên hành trình cân bằng nội tiết tố.
Để tìm hiểu về những yếu tố cần thiết của thời kỳ mãn kinh, hãy đọc Phần 1: Hướng dẫn nhanh và cần thiết về thời kỳ mãn kinh
Để tìm hiểu thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào, hãy đọc
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times