Liệu pháp tế bào CAR-T hiếm khi liên quan đến các bệnh ung thư khác

FDA đưa ra cảnh báo hộp đen về liệu pháp này sau khi nhận được 11 báo cáo về bệnh u lympho tế bào T ở những bệnh nhân được điều trị, nhưng nghiên cứu mới cho biết nguy cơ này là thấp.

Theo một nghiên cứu của Stanford Medicine đăng trên Tập san Y học New England (NEJM) vào ngày 13/06, những bệnh nhân sử dụng liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (CAR-T) để điều trị ung thư máu có ít nguy cơ phát triển bệnh ung thư máu thứ phát.

Tế bào CAR-T là liệu pháp dùng cho bệnh ung thư máu không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Các tế bào T của bệnh nhân được chỉnh sửa gene để trở thành những chiến binh chống ung thư tốt hơn, sau đó được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.

Theo nghiên cứu, phương pháp này có tỷ lệ thuyên giảm 76%. Một số bệnh nhân thử nghiệm sớm nhất đã thuyên giảm trong một thập niên trở lên và hơn 30,000 bệnh nhân ở Mỹ đã được điều trị bằng liệu pháp này.

Vào tháng 11/2023, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo rằng liệu pháp này làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư thứ phát, đặc biệt là u lympho tế bào T, một loại ung thư máu hiếm gặp và khó điều trị. Vào thời điểm cảnh báo, FDA đã nhận được 11 báo cáo về u lympho tế bào T. Không có bệnh nhân nào mắc bệnh u lympho tế bào T trước khi điều trị.

Vì liệu pháp CAR-T liên quan đến sự thay đổi di truyền ở tế bào T của bệnh nhân nên một số nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng việc chỉnh sửa gene có thể gây ra ung thư tế bào T.

Vào tháng 01/2024, FDA bắt đầu yêu cầu các nhà sản xuất thuốc thêm cảnh báo hộp đen vào các sản phẩm CAR-T.

Nghiên cứu mới của Stanford Medicine cho thấy bệnh nhân có ít nguy cơ bị ung thư tế bào T và các loại ung thư máu khác từ liệu pháp CAR-T. Các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc biến đổi gene góp phần gây ra ung thư thứ phát.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu của 724 bệnh nhân được điều trị từ năm 2016 đến 2024 và phát hiện rằng chỉ có một bệnh nhân phát triển u lympho tế bào T. Tỷ lệ mắc tất cả các bệnh ung thư máu thứ phát trong ba năm là 6.5%.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh 6.5% tương đương với tỷ lệ bị ung thư thứ phát ở những bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp ung thư khác thay vì liệu pháp CAR-T, ví dụ liệu pháp tế bào gốc.

Bệnh nhân duy nhất mắc bệnh u lympho tế bào T đã qua đời vì căn bệnh thứ phát này. Những người khác phát triển bệnh ung thư da, khối u máu, rối loạn máu và nhiều bệnh khác.

Trường hợp hiếm

Tiến sĩ Ash Alizadeh, giáo sư y khoa, ung thư và huyết học tại Đại học Stanford, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Chúng tôi muốn hiểu rõ trường hợp hiếm gặp này nên đã phân tích tất cả bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR-T.”

Tiến sĩ Alizadeh cho biết nhóm nghiên cứu đã so sánh hàm lượng protein, trình tự RNA và DNA từ các tế bào đơn lẻ trên nhiều mô và thời điểm khác nhau để xem liệu pháp này có gây ra ung thư thứ phát hay không.

Nhóm nghiên cứu xác định rằng liệu pháp CAR-T không gây ra u lympho tế bào T vì các tế bào T ung thư và tế bào T từ liệu pháp CAR-T khác nhau về mặt di truyền và phân tử.

Điều tra thêm cho thấy cả hai nhóm tế bào T của bệnh nhân đều bị nhiễm virus Epstein-Barr, loại virus có vai trò trong sự phát triển ung thư.

Tiến sĩ Alizadeh cho biết, “Virus đã ẩn trong cơ thể họ ở mức độ rất thấp.”

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện bệnh nhân này đã có tiền sử bệnh tự miễn trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán mắc ung thư. Kết quả phân tích cho thấy liệu pháp CAR-T có thể gây ung thư thứ phát nếu bệnh nhân có khả năng miễn dịch suy yếu, tình trạng này sẽ càng kém đi do hậu quả của quá trình điều trị.

Các tác giả viết, một số bệnh ung thư máu cũng có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ bị u lympho tế bào T. Ví dụ như u lympho tế bào B, có thể được điều trị bằng liệu pháp CAR-T, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển u lympho tế bào T thứ phát.

Hơn nữa, hoạt động của các tế bào CAR-T có thể gây viêm, khi kết hợp với chất ức chế miễn dịch, dẫn đến sự phát triển của ung thư thứ phát.

Tiến sĩ David Miklos, tác giả cấp cao khác của nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí, “Những kết quả này có thể giúp các nhà nghiên cứu tập trung vào tình trạng ức chế miễn dịch xảy ra trước và sau liệu pháp tế bào CAR-T. Lĩnh vực tế bào CAR-T khiến việc điều trị [dễ dàng hơn], từ bệnh ung thư máu nguy cơ cao, khó chữa sang các rối loạn có nguy cơ thấp hơn nhưng quan trọng về mặt lâm sàng, bao gồm các bệnh tự miễn. Do vậy, hiểu được cách liệu pháp này góp phần gây ung thư thứ phát là điều đặc biệt cần thiết.”

Các nhà nghiên cứu từ Penn Medicine, nơi tiên phong điều trị bằng CAR-T, đồng tình với các nhà nghiên cứu của Stanford Medicine. Một nghiên cứu vào tháng 01/2024 từ Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania đã báo cáo một trường hợp tử vong do ung thư máu thứ phát trong số 449 bệnh nhân. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu xác định rằng ca ung thư này không phải là u lympho dương tính với tế bào CAR-T. 16 trường hợp ung thư thứ phát khác đã được chẩn đoán, nhưng hầu hết là khối u rắn, bao gồm ung thư da, tuyến tiền liệt và phổi.

Tiến sĩ Alizadeh và đồng nghiệp cho biết cảnh báo hộp đen của FDA về liệu pháp này có thể ngăn cản bệnh nhân và bác sĩ tiến hành phương pháp điều trị có thể cứu được nhiều sinh mạng.

Ông nói, “Đây là những liệu pháp cứu sống bệnh nhân và chỉ có nguy cơ phát triển ung thư thứ phát rất thấp. Khó khăn nằm ở cách dự đoán bệnh nhân nào có nguy cơ cao hơn và tại sao.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn