Liệu pháp gene cải tiến có thể bảo vệ hàng rào máu-não và giảm tình trạng sương mù não
Một nghiên cứu gần đây trên động vật cho thấy liệu pháp gene có thể làm giảm sự tích tụ tế bào bạch cầu trong não, góp phần gây ra sương mù não.
Sau khi hồi phục hậu COVID-19, nhiều người gặp vấn đề về trí nhớ và khó khăn trong học tập, thường được gọi là sương mù não. Một nghiên cứu gần đây đã khám phá các cơ chế đằng sau tình trạng sương mù não do virus gây ra và các phương pháp điều trị tiềm năng.
Vào tháng Hai, các nhà nghiên cứu từ University of Illinois–Chicago đã công bố một nghiên cứu trên Tập san Brain (Bộ não) về cơ chế gây rối loạn thần kinh ở chuột bị nhiễm SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19, cùng với các phương pháp điều trị sơ bộ.
Sau khi nhiễm virus COVID-19, các tế bào nội mô mạch máu não của bệnh nhân bị viêm, dẫn đến tổn thương hàng rào máu não. Điều này cho phép các đại phân tử và bạch cầu trong máu rò rỉ vào mô não một cách không kiểm soát. Hàng rào máu não bị phá vỡ có thể dẫn đến viêm thần kinh và suy giảm nhận thức, góp phần gây ra các bệnh về thần kinh như bệnh đa xơ cứng.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mạch máu não của những con chuột bị nhiễm virus COVID-19 và phát hiện sự rò rỉ hàng rào máu não, ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc khả năng học tập. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng virus COVID-19 đã phá vỡ đường truyền tín hiệu Wnt/beta-catenin trong các tế bào nội mô não, một tế bào đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng hàng rào máu não. Thuật ngữ “con đường truyền tín hiệu” dùng để chỉ một loạt các phản ứng hóa học trong tế bào được kích hoạt bởi các phân tử tín hiệu bên ngoài, chẳng hạn như protein Wnt.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng liệu pháp gene để tăng đường truyền tín hiệu Wnt/beta-catenin trong mạch máu não, từ đó giúp bảo vệ hàng rào máu não. Kết quả cho thấy sự tích tụ tế bào bạch cầu trong não của những con chuột được điều trị giảm đáng kể, cho thấy các tế bào bạch cầu không còn chảy vào não từ máu nữa. Ngoài ra, những con chuột cũng cho thấy sự cải thiện về khả năng học tập và trí nhớ.
Sarah E. Lutz, nhà nghiên cứu chính, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng mặc dù phương pháp điều trị này còn lâu mới được áp dụng ở người nhưng nghiên cứu đã xây dựng nên một bước quan trọng. Bằng cách xác định các cơ chế phân tử gây bệnh, chúng ta có thể hiểu được các quá trình sinh học cơ bản và nguyên nhân gây bệnh nói chung.
Tiến sĩ Jalees Rehman, đồng tác giả của nghiên cứu và là trưởng Khoa Hóa sinh và Di truyền phân tử tại University of Illinois–Chicago, cho biết trong thông cáo báo chí rằng đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rằng ngay cả những bệnh nhiễm trùng nhẹ cũng có thể gây hại cho các cơ quan như não. Ông tin rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn về việc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến não và chúng ta có thể khám phá ra các liệu pháp nhắm mục tiêu mới bằng việc hiểu các tín hiệu phân tử được kích hoạt bởi nhiễm trùng và trong quá trình phản ứng viêm.
Người già có nguy cơ bị tổn thương não cao hơn do nhiễm trùng
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Nature Neuroscience (Khoa học Thần kinh Tự nhiên) vào tháng Hai cho thấy cả những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 cấp tính và những người bị sương mù não do biến chứng sau khi nhiễm trùng đều có những biểu hiện sự gián đoạn rõ ràng đối với hàng rào máu não.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu huyết thanh và huyết tương của 76 bệnh nhân nhập viện bị nhiễm virus COVID-19 và so sánh với 25 mẫu được thu thập trước đại dịch. Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể về mẫu huyết thanh và huyết tương giữa những bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng và nhóm đối chứng.
Trong các mẫu huyết thanh của bệnh nhân COVID-19 bị sương mù não, protein S100-beta tăng lên đáng kể. Khi có mật độ trong huyết thanh cao, protein S100-beta thường là dấu hiệu của rối loạn chức năng hàng rào máu não. Bệnh nhân lớn tuổi cho ra kết quả có hàm lượng protein S100-beta trong huyết thanh tương đối cao hơn, cho thấy người lớn tuổi dễ bị tổn thương hàng rào máu não hơn sau khi nhiễm COVID-19.
4 đề nghị của bác sĩ tâm thần
Tiến sĩ Mạch Khải Nặc, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng hầu hết tình trạng sương mù não có thể được cải thiện dần dần thông qua khẩu phần ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đối với những người lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng sau khi bị nhiễm trùng, điều cần thiết là phải thận trọng về khả năng thoái hóa não và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.
Bác sĩ Mạch đưa ra những lời khuyên sau đây cho bệnh nhân bị sương mù não:
- Nghỉ ngơi.
- Tập thể dục thường xuyên để cung cấp nhiều oxy đến não hơn qua đường máu.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi vì hàm lượng chất chống oxy hóa cao có thể giúp loại bỏ chất thải ra khỏi não.
- Sử dụng thực phẩm chức năng bổ não đã được chứng minh về mặt y tế ; hãy dùng với liều lượng thích hợp.
Cải thiện triệu chứng bằng liệu pháp bấm huyệt và ăn kiêng
Thi Thừa Tu, bác sĩ Trung y tại Đài Loan và là giám đốc Phòng khám Trung y Thi Thừa Tu, đã tuyên bố trên một chương trình truyền hình rằng bệnh nhân COVID-19 bị sương mù não có thể phục hồi thể lực và cải thiện các triệu chứng thông qua liệu pháp bấm huyệt và khẩu phần ăn kiêng.
Ông Thi lưu ý rằng những bệnh nhân sương mù não thường có chất lượng giấc ngủ kém, làm cản trở việc nghỉ ngơi hợp lý và dẫn đến suy giảm thể lực. Trong những trường hợp như vậy, việc sử dụng Đương quy bổ huyết thang mỗi sáng có thể giúp cải thiện chức năng tim phổi và phục hồi thể lực.
Thành phần:
- 3 gram Đương quy
- 15 gram Hoàng kỳ
Thực hiện:
Sau khi làm sạch các nguyên liệu, cho tất cả vào cốc có nắp đậy, đổ nước sôi vào, ngâm trong 15 phút rồi uống.
Loại trà này được uống vào buổi sáng là tốt nhất và không nên dùng vào buổi tối. Đương quy bổ huyết thang cũng không thích hợp cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Đương quy có đặc tính chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và tạo máu (xây dựng tế bào máu), có thể giúp cải thiện các bệnh tim mạch và mạch máu não, rối loạn thần kinh và bệnh thận. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng hoàng kỳ có thể bảo vệ tế bào thần kinh và cải thiện trí nhớ.
Bệnh nhân bị sương mù não cho biết họ thường bị căng cổ và có khả năng lưu thông máu kém. Việc bấm huyệt Phong trì bên dưới xương chẩm có thể giúp thư giãn vùng căng thẳng một cách dần dần.
Ngoài ra, bệnh nhân bị sương mù não thường bị căng da đầu và thậm chí có thể nổi mụn. Nên mát-xa da đầu thường xuyên. Một lựa chọn khác là dùng một chiếc lược để chải đầu. Mặc dù có thể bạn sẽ có chút khó chịu nhưng chải da đầu có thể khiến bạn cảm thấy sảng khoái và như được tiếp thêm sinh lực sau đó.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times